28/11/2024

Những người con hiến gan cứu cha mẹ

Có người mới 20 tuổi, có người đã lập gia đình và có con. Rồi khi bác sĩ nói cha mẹ cần phải ghép gan để điều trị bệnh thì những người con này sẵn sàng hiến gan cứu cha mẹ.

 

Những người con hiến gan cứu cha mẹ

 

 

Có người mới 20 tuổi, có người đã lập gia đình và có con. Rồi khi bác sĩ nói cha mẹ cần phải ghép gan để điều trị bệnh thì những người con này sẵn sàng hiến gan cứu cha mẹ.



 

 

 

Ba anh em Duy và mẹ trước ngày mẹ được ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh do gia đình cung cấp
Ba anh em Duy và mẹ trước ngày mẹ được ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy – Ảnh do gia đình cung cấp

Trước hôm ghép gan hai ngày, TS.BS Phạm Hữu Thiện Chí, phó khoa ngoại – gan mật Bệnh viện Chợ Rẫy, đã đến phòng bệnh thăm chàng trai Trần Thanh Phong (20 tuổi, sinh viên năm 2 Đại học Y dược TP.HCM) – người sẽ hiến gan cho cha.

Tôi rất cảm động trước tình cảm của con trai mình. Nó quyết định cho ba lá gan mà không một chút ngần ngại

Ông TRẦN VĂN SỬA

Con sẽ bỏ học 
nếu cha không ghép gan

“Con mới cắt tóc hả? Nhìn đẹp trai rồi đó! Con còn lo lắng gì không?” – bác sĩ Chí hỏi. “Phẫu thuật trong bao lâu thì con được trở về phòng thường ạ?” – Phong thắc mắc.

Bác sĩ Chí giải thích: “Chừng 1-2 ngày. Con sẽ ra trước cha con. Phẫu thuật kéo dài khoảng sáu giờ, 3-4 giờ sau đó con sẽ tỉnh dần, mở mắt và nói chuyện với mọi người.

Một tuần sau bác sẽ xét nghiệm chức năng gan cho con. Khi các chỉ số xét nghiệm ổn, con sẽ được về nhà, khoảng một tuần sau đó con đi học lại được”. “Ở trường con đã đi bệnh viện thực tập chưa?” – bác sĩ Chí ân cần hỏi.

Phong nhỏ nhẹ trả lời: “Chưa ạ”. “Vậy từ hôm nay con làm quen với bệnh viện đi. Sau này nói với các bạn: tớ đã làm quen bệnh viện trước rồi… Còn thắc mắc gì cứ gọi điện hỏi bác nhé!” – bác sĩ Chí dặn Phong trước lúc ra khỏi phòng bệnh.

Cha Phong, ông Trần Văn Sửa (51 tuổi, ở Tiền Giang) có chỉ định ghép gan vì bị viêm gan siêu vi B, ung thư gan, xơ gan.

Nhà chỉ có hai anh em, em trai mới học lớp 11 nên buổi tối hôm nhận được tin cha có chỉ định ghép gan, Phong đến bên cha nói: “Con sẽ hiến gan để cha ghép ạ”. Không ngờ cha Phong phản đối.

Ông bảo Phong còn phải học hành vất vả, cho gan sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, cứ để ông đợi một lá gan từ người cho chết não… Phong biết nếu không ghép gan nhanh thì cha không thể sống lâu được nữa, còn đợi người chết não cho gan biết đến bao giờ mới có.

Phong ra sức thuyết phục cha: “Những người cùng huyết thống hiến gan, sự đào thải của gan ở người nhận sẽ tốt hơn. Con còn trẻ, mới 20 tuổi, khả năng hồi phục tốt, gan có thể mọc lại được 90% thể tích so với lúc đầu”.

Trong một phòng bệnh khác, ông Sửa cũng đã nhập viện để chuẩn bị được ghép gan. Người ông gầy guộc, nước da vàng sạm.

Giọng ông chùng xuống khi nhắc đến Phong: “Tôi rất cảm động trước tình cảm của con trai mình. Nó quyết định cho ba lá gan mà không một chút ngần ngại. Lúc đầu tôi sợ trong cuộc ghép lỡ có cái gì đó không may xảy ra… nên không muốn nhận gan từ con.

Thuyết phục mãi thấy tôi vẫn không chịu, nó mới bảo nó đi học nghề y để cứu chữa cho người bệnh, nhưng nó sẽ bỏ học vì không cứu được cha…”. Trước sự mạnh mẽ của con, ông Sửa quyết định nhận lá gan.

Ngày 12-12, các chuyên gia ở Bệnh viện Asan (Hàn Quốc) cùng êkip ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã cắt lấy gần 70% thể tích gan của Phong để ghép cho cha Phong. Đây là ca ghép gan thứ 7 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện cha Phong đã tỉnh táo, dần hồi phục, còn Phong đã được xuất viện.

Phong và cha trước ngày chuẩn bị ghép gan - Ảnh: Thùy Dương
Phong và cha trước ngày chuẩn bị ghép gan - Ảnh: Thuỳ Dương

Người hợp với mẹ nhất đã được chọn

Hơn hai tháng trước đó, các chuyên gia ở Bệnh viện Asan (Hàn Quốc) cùng êkip ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã ghép gan cho bà Lê Thị Phương Mai (66 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) và ông Huỳnh Thành (60 tuổi, ngụ Bến Tre). Cả hai bệnh nhân này đều được con trai hiến gan.

Lê Duy, 36 tuổi, là người hiến gan cho mẹ. Bà Phương Mai có chỉ định ghép gan vì bị xơ gan giai đoạn cuối, nhiễm viêm gan siêu vi C. Khi nhập viện bà được phát hiện khối ung thư gan, bụng căng rất to, cứ vài ngày phải chọc hút 4 lít nước.

Các bác sĩ nói nếu không ghép gan, bà sẽ suy thận bất cứ lúc nào và khi đó khả năng ghép được gan còn rất ít. Bà có ba con trai. Em kế Duy 32 tuổi và em út 28 tuổi không cho Duy hiến gan vì Duy hơi mập và không trẻ bằng hai em, nhưng Duy vẫn đòi được đi cùng.

Các bác sĩ gửi kết quả xét nghiệm, hình ảnh chụp CT, siêu âm… của ba anh em sang Hàn Quốc. Duy đã được chọn vì thể tích gan to hơn hai em, chỉ có điều Duy phải giảm 3kg trong một tuần.

Một chế độ ăn kiêng không ăn cơm, toàn ăn rau và trái cây, tập thể dục đã được Duy áp dụng triệt để. Duy chia sẻ điều mà Duy sợ nhất là không tìm được ai có gan hợp với mẹ. Ca ghép gan cho mẹ Duy đã được thực hiện ngày 10-10-2015.

Hiện mẹ Duy đi lại, ăn uống bình thường nhưng vẫn ở trong phòng cách ly tại nhà. Còn Duy đã bắt đầu đi làm lại.

Nhớ về quãng thời gian đó, cha Duy chia sẻ: “Trong hoạn nạn mới biết tình cảm của con cái”. Trong ba người con, Duy gần gũi với mẹ nhất. Hai mẹ con hợp từ sở thích âm nhạc đến các món ăn, ngay cả thị hiếu thẩm mỹ cũng giống nhau.

Sáng 11-12, sau đúng hai tháng hiến gan cho cha, anh Huỳnh Tâm (32 tuổi, ngụ Bến Tre) đã đưa cha đến Bệnh viện Chợ Rẫy tái khám.

Ông Huỳnh Thành có chỉ định ghép gan do bị viêm gan siêu vi B, mắc bệnh ung thư gan và xơ gan tiến triển. Nhà có hai chị em thì cả hai chị em cùng đi xét nghiệm tầm soát để hiến gan cho cha. Cuối cùng Tâm được chọn.

Vừa là người lo tiền bạc chuẩn bị cho cha ghép gan vừa là người hiến gan cho cha, đã có vợ và hai con nhưng “tinh thần của Tâm được bác sĩ nhận xét là rất tốt”.

Bác sĩ còn ví Tâm như “một cái máy đã được lập trình” vì trong quá trình tư vấn, bác sĩ có đề cập những khó khăn, nguy cơ có thể có trong ca ghép hoặc còn lo lắng gì không thì Tâm luôn kiên định trả lời rằng đã chuẩn bị đúng như kế hoạch.

“Tại sao Tâm lại có tinh thần tốt trước một cuộc phẫu thuật lớn như thế?”. Tâm trả lời: “Cứu được cha là thấy mừng quá trời, không thấy sợ gì hết”.

Nhớ lại ngày biết tin cha bị ung thư, cả gia đình Tâm đã suy sụp. Ráng an ủi cha, chứ ai cũng lặng thầm khóc khi biết cha chỉ sống được thêm một thời gian ngắn nữa. Thế nên khi nghe các bác sĩ nói ghép gan sẽ điều trị được bệnh cho cha dứt điểm, gia đình Tâm rất mừng.

Cha Tâm giờ ăn uống như bình thường, tăng được vài ký, ông khoẻ nhiều. Cả gia đình thấy hạnh phúc lắm!

Xúc động và lo lắng

Thực hiện các ca ghép gan, bác sĩ Thiện Chí cho biết ông rất xúc động trước tình cảm của những người con dành cho cha mẹ. Có trường hợp còn làm bác sĩ Chí thay đổi cả cách nghĩ của mình.

Đó là câu chuyện về ca ghép gan thứ 4 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Người được ghép gan là ông V.Q.H., 62 tuổi, mắc bệnh ung thư gan, xơ gan giai đoạn trễ… Chính con gái ông đã thúc giục cha đồng ý ghép gan với phần gan cô hiến tặng.

Thấy dáng vẻ mảnh khảnh, có phần “tiểu thư”, bác sĩ Chí đã nhiều lần tự hỏi cô gái đó có đi đến cùng hành trình hiến gan cho cha mình?

Trong những lần tư vấn cho cô, bác sĩ Chí đưa ra những tình huống xấu có thể xảy ra như suy gan, thậm chí tử vong nhưng cô ấy chỉ nói “em phải cứu sống cha em cái đã”.

Bác sĩ còn tư vấn cả chuyện khi cho gan sẽ để lại một vết sẹo dài, nếu chồng cô có ấn tượng không tốt, vợ chồng lục đục thì cô tính sao? Nhưng cô ấy vẫn trả lời: “Bác sĩ không nên lo, chồng em đã đồng ý rồi”.

May mắn thay, gần đến ngày ghép gan gia đình một người chết não đã đồng ý hiến gan và cha cô ấy đã được nhận.

Đã thực hiện năm ca ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ người cho gan là con của những người được ghép gan, nhưng mỗi lần thực hiện ca ghép bác sĩ Thiện Chí vẫn luôn cảm thấy lo lắng, phải rà soát tới lui mọi điều để bảo đảm an toàn cho người con vì đó là những chàng trai, cô gái còn trẻ, có tâm hồn trong sáng, cuộc đời, sự nghiệp của họ đang còn ở phía trước…

Bác sĩ Thiện Chí mong sao sẽ có nhiều người chết não hiến tạng để ghép gan mà không còn phải lo lắng cho những người con có tấm lòng hiếu thảo với thân sinh của mình.

THUỲ DƯƠNG