04/01/2025

Từ 1-1-2016: Tại ngũ thời bình 2 năm, BHXH theo thu nhập thực tế

Từ ngày 1-1-2016, 10 luật mới sẽ có hiệu lực thi hành, gồm: Luật hộ tịch 2014, Luật bảo hiểm xã hội 2014, Luật căn cước công dân 2014, Luật nghĩa vụ quân sự 2015…

 

Từ 1-1-2016: Tại ngũ thời bình 2 năm, BHXH theo thu nhập thực tế

 

 

Từ ngày 1-1-2016, 10 luật mới sẽ có hiệu lực thi hành, gồm: Luật hộ tịch 2014, Luật bảo hiểm xã hội 2014, Luật căn cước công dân 2014, Luật nghĩa vụ quân sự 2015…





Theo Luật nghĩa vụ quân sự 2015, trong trường hợp cần thiết, thời gian tại ngũ có thể kéo dài hơn theo quy định. Trong ảnh: lễ ra quân thi hành nghĩa vụ quân sự tại Q.4 (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa
Theo Luật nghĩa vụ quân sự 2015, trong trường hợp cần thiết, thời gian tại ngũ có thể kéo dài hơn theo quy định. Trong ảnh: lễ ra quân thi hành nghĩa vụ quân sự tại Q.4 (TP.HCM) – Ảnh: Hữu Khoa

Tuổi Trẻ giới thiệu một số nội dung quan trọng của các luật này.

Gọi nhập ngũ đến 27 tuổi với người đã học đại học

Theo Luật nghĩa vụ quân sự 2015, đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự ngoài công dân nam đủ 17 tuổi trở lên còn có công dân nữ đủ 18 tuổi trở lên có ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân. Độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Thời gian tại ngũ trong thời bình là hai năm (trước đây là 18 tháng). Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian tại ngũ, nhưng không quá sáu tháng. Trong chiến tranh hay tình trạng quốc phòng khẩn cấp, nghĩa vụ quân sự sẽ thực hiện theo lệnh tổng động viên hay động viên cục bộ.

Việc tạm hoãn gọi nhập ngũ có một số thay đổi so với các luật cũ. Cụ thể, có bảy trường hợp được tạm hoãn gọi nhập ngũ: chưa đủ sức khoẻ phục vụ tại ngũ theo kết luận của hội đồng khám sức khoẻ; là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được UBND cấp xã xác nhận; đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khoá đào tạo của một trình độ đào tạo…

Đăng ký khai sinh được cấp số định danh cá nhân

Đây là một trong những nội dung rất đáng lưu ý của Luật hộ tịch 2014. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.

Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

Trong những nội dung đăng ký khai sinh có số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh. Các nội dung đăng ký khai sinh là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào sổ hộ tịch, giấy khai sinh, cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đóng bảo hiểm xã hội theo thu nhập thực tế

Theo Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, mức đóng BHXH sẽ thay đổi từ đầu năm 2016. Tiền tính đóng BHXH gồm lương và phụ cấp, thay vì chỉ dựa vào bảng lương như hiện nay.

Ngoài ra, theo quy định của luật này là lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản năm ngày làm việc trong trường hợp sinh thường; bảy ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.

Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm ba ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thẻ căn cước công dân có thể dùng thay hộ chiếu

Với Luật căn cước công dân (CCCD) 2014, công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ CCCD. Thẻ này có giá trị chứng minh về CCCD (là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng) của người được cấp thẻ thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Thẻ CCCD được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thoả thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Khi công dân xuất trình thẻ CCCD theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên thẻ.

Ngoài ra, số thẻ CCCD là số định danh cá nhân, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Tất cả đơn vị hành chính đều tổ chức Hội đồng nhân dân

Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (cấp chính quyền địa phương), đồng thời chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường từ ngày 1-1-2016.

Học lái ôtô phải khám nhiều chuyên khoa

Theo thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT (có hiệu lực từ ngày 10-10-2015, nhưng trên thực tế được triển khai từ đầu tháng 1-2016), để hội đủ tiêu chuẩn sức khoẻ, người học lái ôtô và người đang hành nghề lái ôtô phải được khám sức khoẻ thật kỹ càng, gồm khám thể lực; khám lâm sàng (với các nội dung là nội khoa, ngoại khoa, mắt, tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt, da liễu, sản, phụ khoa (với nữ)), khám cận lâm sàng (xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh). Cũng theo quy định này, người hành nghề lái ôtô phải tái khám định kỳ mỗi năm một lần.

Hà Nội: tăng học phí trường công lập

Từ ngày 1-1-2016, TP Hà Nội áp dụng mức tăng học phí đối với các trường công lập. Cụ thể, năm học 2015-2016, mức thu học phí được TP điều chỉnh bằng mức thu tối thiểu theo khung học phí của Chính phủ.

Theo đó, đối với các trường tại khu vực thành thị gồm: nhà trẻ, mẫu giáo, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, thu 60.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 20.000 đồng).

Còn các trường tại khu vực nông thôn, thu 30.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 10.000 đồng). Riêng khu vực miền núi, thu 8.000 đồng/tháng (trước đây không thu).

Ngoài ra, theo bà Phan Lan Tú, giám đốc Sở Thông tin – truyền thông Hà Nội, từ ngày 1-1-2016 Hà Nội sẽ ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất đối với các kênh VTV6, H2, VTC9.

Theo bà Tú, việc ngừng phủ sóng nêu trên là thực hiện theo thông báo của Bộ Thông tin – truyền thông, đây cũng là nội dung triển khai đề án số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn TP Hà Nội.

XUÂN LONG

BÁ TRUNG giới thiệu