Thoát “treo” sau 36 năm dài
“Ít bữa Nhà nước cho làm sổ đỏ chắc tui photo một bản đốt xuống cho ổng vui. Nửa đời ổng sống cứ ngóng mãi. Ổng mới mất bảy tháng, giờ nghe Nhà nước trả lại đất, còn sống chắc ổng vui lắm…”
Thoát “treo” sau 36 năm dài
“Ít bữa Nhà nước cho làm sổ đỏ chắc tui photo một bản đốt xuống cho ổng vui. Nửa đời ổng sống cứ ngóng mãi. Ổng mới mất bảy tháng, giờ nghe Nhà nước trả lại đất, còn sống chắc ổng vui lắm…”
Mảnh đất rộng của bà Lê Thị Thành (50 tuổi) 36 năm nay để hoang, chỉ để phơi đồ – Ảnh: Tiến Long |
Bà Lê Thị Thành (50 tuổi) nhìn di ảnh chồng tâm sự chua chát, nói như trên.
Ba thập kỷ của dự án “gắn mác” trên đất, bà Thành nhiều lần bất lực nhìn trời oà khóc. Lần này bà cũng khóc, nhưng là giọt nước mắt vui sướng. Sau thời gian đằng đẵng sống “treo”, bà lại có hi vọng, dự tính mới trên đất của mình.
Giọt nước mắt hạnh phúc của bà Thành mở đầu niềm vui của hơn 100 hộ dân nằm trong hai khu đất tổng diện tích 6ha ở ấp 4 và ấp 6, xã Phú Xuân (H.Nhà Bè, TP.HCM) khi hay tin UBND TP.HCM thông báo trả lại đất cho dân.
Hai khu đất này từng được TP cấp phép sử dụng đất cho sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không – không quân từ tháng 3-1979.
Đất 500m2, nhà không chứa đủ quan tài chồng
Mừng 70% Trong tháng 11-2015, ông Huỳnh Văn Thanh – trưởng phòng quản lý sử dụng đất Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM – cho biết TP đã quyết định xoá “treo” 564 dự án với diện tích 5.736ha. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Học – chủ tịch UBND xã Phú Xuân, do mới xóa dự án nên người dân chỉ vui mừng được 70%. Chỉ khi điều chỉnh quy hoạch khu đất này thành khu dân cư hiện hữu thì người dân mới có thể hoàn toàn vui mừng. |
Từ đường chính đi vào khu đất tổ 11, ấp 4 chưa đầy 3km. Khu vực này như biệt lập với cảnh nhà cửa khang trang, xe cộ nhộn nhịp bên ngoài. Đường sá, ngõ hẻm bằng đất, chật hẹp, một vài nơi nước đóng vũng nhếch nhác.
Những khu đất lâu ngày không có người ngó ngàng cỏ mọc um tùm. Nhà cửa thưa thớt, nhiều nhà chỉ dựng bằng ván gỗ, lợp tấm tôn mỏng gỉ sét. Càng đi sâu vào trong, cảnh xóm ấp hoang lạnh, đìu hiu như một ngôi làng miền núi cao.
Con đường đất dẫn vào nhà bà Thành chật hẹp, lổn nhổn đá. Hôm chúng tôi đến, bà Thành đang cùng con dọn dẹp, phát quang lại khoảnh đất trống bên cạnh nhà.
“Nghe tin Nhà nước xóa dự án mừng hết lớn chú à. Đất đai thì rộng mà mười mấy năm nay bốn đứa nhà tui lấy vợ lấy chồng đều phải ra ở trọ. Tui đang tính chia khoảnh ra, chờ mai mốt Nhà nước cho phép thì xây nhà nhanh nhanh để bọn hắn về ở, khỏi khổ…” – bà Thành chia sẻ.
Vợ chồng bà Thành được cha mẹ để lại thửa đất 500m2. Lúc mới cưới, ông bà gom góp cất được căn nhà lụp xụp. Từng đứa con lớn lên lấy vợ gả chồng rồi sinh con, nhà bà ngày càng đông.
Lúc chồng còn khỏe, hai ông bà chắt góp được ít tiền, định nới rộng căn nhà cho “dễ thở”. Nhưng thửa đất của bà vướng dự án không được xây dựng. Gần chục con người phải sống chen chúc trong căn nhà chật hẹp chưa đầy 40m2.
Sinh hoạt, ăn, ngủ xếp như cá mòi. Còn khoảnh đất gần 300m2 chỉ để mắc dây phơi đồ. Lâu ngày chủ không đoái hoài, nước đọng đóng rêu úa đen.
Bà Thành nhìn di ảnh chồng, miệng mếu máo mặc cho hai dòng nước mắt chảy dài. Chồng bà bị bệnh tiểu đường từ năm 2009.
Toàn bộ tiền của vợ chồng chắt chiu, vay mượn thêm xóm làng dồn hết vào chạy chữa. Đến lúc túng quẫn bà định chuyển nhượng một phần đất, lấy tiền chữa bệnh cho chồng. Nhưng đất trong dự án không ai ngó ngàng. Người để ý chỉ trả vài trăm ngàn đồng một mét vuông.
Tiếc của, chồng bà quyết định không bán. Hết tiền chạy chữa, ông về nhà nằm chờ ngày chết. Thấy sức khoẻ chồng yếu, sợ không có chỗ lo hậu sự, bà Thành lại làm đơn xin nới rộng căn nhà. Đi lên đi xuống nhiều lần nhưng đơn của bà không được giải quyết vì “đất nằm trong dự án”.
Cám cảnh, cả ấp liên tục kiến nghị lên xã. Bao nhiêu cuộc họp nói chuyện dự án “treo” mọi người đều đưa hoàn cảnh éo le của vợ chồng bà. Hơn hai tháng, xã mới đồng thuận ngó lơ cho bà nới rộng căn nhà.
“Ổng mất khi nhà xây chưa xong, quan tài phải để nửa trong nửa ngoài nhà. Xã xuống nhìn cám cảnh, hỗ trợ 1 triệu đồng tiền mai táng”.
Cách đó không xa, 19 hộ dân tổ 13, ấp 6 (xã Phú Xuân) cũng cùng chung cảnh ngộ. Nếu như ấp 4 còn có con đường bêtông thì ấp 6 không có gì để biết đây là một ấp gần thành phố.
Ngôi nhà của ông Lương Văn Ngầu (ấp 6) xây từ năm 1999, không được sửa chữa nên xuống cấp tồi tệ. Các đòn tay bằng sắt gỉ sét, hư hỏng. Nhiều mảng tường nứt toác kéo sâu vào căn nhà.
“Hồi đó rừng hoang, cha mẹ tui khai hoang để lại. Không có tiền nên tui chỉ dựng nhà tạm bợ. Sau này có chút đỉnh tiền thì vướng dự án không cho xây mới, tui ở từ bấy đến giờ nên nhà mục ruỗng hết” – ông Ngầu tâm tình.
Nhà ông Ngầu có bốn người con. Đất rộng, không được xây cất nên ông chia đất thành từng khoảnh để các con dựng ván gỗ ở tạm. Bốn căn nhà nhỏ bằng ván gỗ, lá hở, sườn vách nhìn vào tưởng cái kho đựng thóc.
Nắng nóng, mưa thấm dột lênh láng. Mấy trận gió lốc xoáy cuốn bay cả mái. Không được cấp số nhà, cả năm cha con ông Ngầu đều đấu nối điện, nước của nhà dân ngoài đường chính, hằng tháng phải trả giá đắt gấp ba bốn lần.
Nhận tin mừng, con cháu tụ tập nhau dọn cỏ sạch sẽ, chỉ chờ ngày xin được giấy phép là cất những ngôi nhà mới khang trang. Mảnh đất lâu nay âm u, hoang lạnh giờ có bàn tay con người phát quang thoáng đãng, tràn trề sức sống.
“Mấy đứa hắn làm lụng cũng gom được chút đỉnh, chỉ chờ xin cất nhà. Đi lên đi xuống làm giấy đều bị gạt. Tui già cứ sống phập phồng, không biết chết rồi con cháu có ở được trên mảnh đất hương hỏa ông bà hay không. Giờ có chút hi vọng rồi…” – ông Ngầu cười mãn nguyện.
Không xây được nhà, bốn người con của ông Lương Văn Ngầu, ấp 6, xã Phú Xuân (H.Nhà Bè, TP.HCM) chỉ dựng được những lán bằng gỗ, lá ở tạm – Ảnh: Tiến Long |
“Mổ lợn ăn mừng”
Về ấp 4, ấp 6 những ngày này chộn rộn hơn tết. Dự án xoá “treo” như luồng gió mới thổi vào vùng đất chết. Gặp chúng tôi xuống ấp, ông Trần Văn Thi, chi hội trưởng Hội người cao tuổi ấp 4, chỉ tay về những khu đất ngút ngàn cỏ dại thở dài:
“Từ khi vướng phải dự án, đất để hoang lau sậy mọc, muỗi mòng, rắn rết, đủ thứ khổ. Bao nhiêu phiền toái, quyền lợi, chính sách hỗ trợ nông thôn mới không được hưởng. Đường sá không làm mưa xuống sình lầy, người dân phải tự góp tiền đắp lên cao ráo.
Đất trống, dân thưa, nhiều đối tượng ma tuý, mại dâm lợi dụng tụ tập. Cả công an xã và ban thôn phải liên tục đi dẹp mới yên”.
Rồi ông cười giòn: “Ngày nào bà con cũng cứ mong dự án có làm thì làm nhanh để còn đi chỗ khác. Đằng này ngóng hoài ngóng mãi sốt hết ruột gan. Giờ nghe tin xóa “treo” bà con ới nhau mổ heo ăn mừng”.
Ông Thi kể đa số đất do một vài nhà dân khai khẩn. Sau đó bà con tứ xứ về xin chuyển nhượng mỗi nhà năm bảy chục mét dựng nhà ở. Do vướng dự án nên không tách làm sổ riêng.
Nhiều nhà đến giờ dâu rể, cháu chắt không nhập được hộ khẩu. Con cháu muốn đi học phải đăng ký tạm trú. Như đứa cháu nội đầu của nhà bà Thành 7 tuổi nhưng giờ mới vào lớp 1. Hồi cháu đến tuổi, bà Thành đưa ra xin học nhưng không trường nào nhận vì không có hộ khẩu.
“Nói gì cho xa, dân ở đây nhiều người cũng đang phải sống tạm trú ngay trong nhà của mình” – ông Thi nói rồi dẫn chúng tôi sang nhà bà Bùi Thị Hồng Vân.
Năm 2000, ba mẹ con bà Vân (77 tuổi) đưa nhau về ấp 4 ở. Do không xác nhận được tình trạng nhà nên mẹ con bà Vân sống cảnh có nhà nhưng không nhập được hộ khẩu.
15 năm qua họ phải sống tạm trú trong chính nhà của mình. Mọi chế độ trợ cấp người cao tuổi, mã số hộ nghèo, bảo hiểm y tế đều không tới tay mẹ con bà.
Bắt đầu tương lai Xoá dự án “treo”, nhiều người bắt đầu những tính toán về tương lai lạc nghiệp trên mảnh đất của mình. Nhiều nhà đã photo, soạn sửa giấy tờ thành từng bộ để khi có hướng dẫn sẽ đi làm sổ. Gần tháng nay, anh Nguyễn Văn Sỹ (ấp 4, xã Phú Xuân) đã dời ngay xưởng sản xuất từ Q.7 về nhà. Toàn bộ máy móc từ máy gia công, máy tiện, máy phay… anh Sỹ đều chuyển về, chuẩn bị kế hoạch làm ăn lâu dài. Anh Sỹ chia sẻ cách đây 10 năm anh mua mảnh đất 100m2 tại ấp 4 với ý định xây dựng xưởng cơ khí. Xin phép xây dựng không được, anh phải đi thuê mặt bằng ở Q.7 cách nhà 9km làm ăn, một năm phải trả 100 triệu đồng tiền thuê. “Nghe dự án xoá “treo” mà mừng. Chừ tui sẽ xây nhà ba tầng. Tầng trên để ở, hai tầng dưới làm xưởng” – anh Sỹ vui vẻ nói kế hoạch làm ăn sắp tới. |