09/01/2025

Một đời tần tảo

8g, sau khi bán hẹ về, bà Nguyễn Thị Cạnh, 76 tuổi (ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) lại ra vườn tưới những luống hẹ, rồi lụi hụi lo chuyện bếp núc.

 

Một đời tần tảo

 

 

8g, sau khi bán hẹ về, bà Nguyễn Thị Cạnh, 76 tuổi (ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) lại ra vườn tưới những luống hẹ, rồi lụi hụi lo chuyện bếp núc. 


 



Bà Cạnh đang đút cơm cho chồng - Ảnh: Minh Tâm

Bà Cạnh đang đút cơm cho chồng – Ảnh: Minh Tâm



Hiếm ai như bà Cạnh, tuổi trên thất thập, tuổi phải nghỉ ngơi nhưng vẫn tần tảo nuôi cháu ăn học và chăm sóc chồng bị bại liệt, nhưng điều đáng phục là bà không hề than vãn…

Ông PHAN VĂN QUANG (phó ấp Trường Thọ, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ)

Nấu nướng xong, bà xoay sang đút cơm cho chồng bị tai biến nằm liệt giường mấy năm nay.

Bà nhẹ nhàng nâng gối bợ đầu ông lên cao. Đôi tay gân guốc của bà chầm chậm đút từng muỗng cơm cho chồng. Rồi bà xoay qua vệ sinh, thay quần áo cho ông. Kế đó bà mới nghỉ ngơi dùng cơm trưa. 2g chiều bà lụi cụi cắt, bó hẹ để chuẩn bị cho phiên chợ sáng hôm sau.

Hai vợ chồng bà đến với nhau trong nghèo khó bằng việc làm thuê, làm mướn. Rồi các con của họ lớn lên lập gia đình cũng lún trong túng thiếu nên không giúp đỡ gì được cho cha mẹ.

Tai họa ập đến khi ông bị tai biến nằm liệt giường. Đã vậy, vợ chồng người con trai chia tay, để lại hai đứa con cho bà nuôi dưỡng… Những bất hạnh cứ liên tục ập xuống, những tưởng bà gục ngã nhưng nghĩ đến cảnh hai đứa cháu, nghĩ đến cảnh ông cần lắm đôi bàn tay đỡ đần, chăm sóc của vợ là bà lại cố vượt qua.

Tận dụng những nền đất trống ở khu dân cư gần nhà, bà trồng các loại rau cải, hẹ để bán. Chợ quê chỉ nhóm mỗi sáng, nên 4g chiều ngày hôm trước là bà cắt, rửa sạch rau xong bó từng bó nhỏ chuẩn bị sẵn để kịp mang ra phiên chợ sáng bán…

Bà Cạnh tâm sự: “May là các cháu rất ngoan hiền. Ngoài giờ học ở lớp, lo phụ bà chăm sóc, tưới rau tới thu hoạch cắt bó sẵn từng bó rau mang ra chợ bán. Rồi còn phụ tiếp luôn việc bếp núc, chăm sóc ông nội. Nhờ có tụi nhỏ đỡ đần nên tui đỡ vất vả phần nào”.

Cứ vậy, những gánh rau một đời tảo tần của người bà đã giúp cháu gái tiếp tục việc cắp sách đến trường, giúp người chồng trụ lại với cuộc sống. Rồi thêm chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, bà con xung quanh thương tình giúp đỡ tặng gạo hằng tháng. Thỉnh thoảng người con trai gửi tiền về quê nhà phụ cha mẹ.

Cháu giờ đi học xa nhà, tìm việc làm thêm để tự lo cho mình. Nhà ít người nên gánh nặng mưu sinh cũng nhẹ bớt. Ở quê chỉ còn đôi vợ chồng già tuổi thất thập nương tựa vào nhau.

Bà Cạnh thổ lộ: “Cháu gái đã vào đại học. Mong ước lớn nhất của tụi tui là nó học thành tài, nên người, có công ăn việc làm ổn định. Tui cũng mong mình đủ sức khoẻ chăm sóc ông. Đã ở bên nhau đến ngày ấy cuộc đời rồi. Mong rằng trong hai người đừng có ai “đi” sớm hơn người kia”.

MINH TÂM