09/01/2025

Điều tra việc CSGT hứa cho tiền 
để người khác nhận tội thay

TAND TP.HCM vừa đưa ra xét xử vụ án Phạm Sỹ Hoài Như (nguyên thượng úy công an đội CSGT Công an Q.Tân Bình, TP.HCM) gọi giang hồ (Nguyễn Minh Chung, Ngô Thành Vương, Phạm Thanh Kim Hạnh, Trần Đức Vững) đánh ông Nguyễn Văn Chín (45 tuổi) tới tử vong vì cự cãi CSGT.

 

Điều tra việc CSGT hứa cho tiền 
để người khác nhận tội thay

 

 

TAND TP.HCM vừa đưa ra xét xử vụ án Phạm Sỹ Hoài Như (nguyên thượng úy công an đội CSGT Công an Q.Tân Bình, TP.HCM) gọi giang hồ (Nguyễn Minh Chung, Ngô Thành Vương, Phạm Thanh Kim Hạnh, Trần Đức Vững) đánh ông Nguyễn Văn Chín (45 tuổi) tới tử vong vì cự cãi CSGT.



 


Bị cáo Hoài Như tại tòa - Ảnh: Gia Minh
Bị cáo Hoài Như tại toà  - Ảnh: Gia Minh

Trong phiên xử, hội đồng xét xử (HĐXX) đã triệu tập người giám định đến toà để xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Nguyễn Văn Chín.

Theo đó, HĐXX cho rằng giám định pháp y xác định nguyên nhân ông Chín chết là do bị đánh tới vỡ ruột non dẫn đến vụ việc ngoài giới hạn xét xử nên trả hồ sơ để điều tra lại, xác định tội danh chính 
xác cho các bị cáo.

Một mực kêu… oan!

Ngoài ra, HĐXX cũng đề nghị điều tra làm rõ việc Phạm Sỹ Hoài Như hứa trả tiền cho Nguyễn Minh Chung, sẽ đi thăm nuôi hằng tháng khi ở tù và chăm lo cho gia đình để Chung ra đầu thú và kêu gọi các bị cáo khác ra đầu thú.

Tại tòa các bị cáo khác là Ngô Thành Vương, Phạm Thanh Kim Hạnh khẳng định: bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như hứa trả cho các bị cáo này từ 100 triệu đồng/người cộng với một xe máy sau khi ra tù để nhận tội thay cho Như. Nhưng tình tiết này chưa được làm rõ.

Trước đó, dù cáo trạng và cả bốn bị cáo khai nhận tại toà rằng Phạm Sỹ Hoài Như là người gọi điện thoại nhờ Nguyễn Minh Chung kêu đàn em tới “đánh dằn mặt” ông Chín dẫn tới việc ông Chín tử vong nhưng bị cáo Như hoàn toàn phủ nhận.

Trước lời phủ nhận của bị cáo Như, chủ toạ phiên toà nói: “Việc bị cáo có thừa nhận hay không thì các tài liệu, chứng cứ khách quan và lời khai của các bị cáo khác đủ để chứng minh hành vi của bị cáo. Bị cáo có thừa nhận hay không là thể hiện sự ăn năn, hối cải của mình mà thôi”, nhưng bị cáo Như vẫn một mực kêu… oan.

Theo cáo trạng và lời khai của các bị cáo khác tại toà, bị cáo Như là người gọi điện yêu cầu, sau đó trực tiếp chỉ mặt ông Chín để nhóm Chung đánh dằn mặt. Lý do là vì ông Chín vi phạm lỗi điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép, bị lập biên bản mà không ký, còn cự cãi với nhóm cảnh sát đang làm nhiệm vụ.

Bị cáo Như phủ nhận điều này, cho rằng các bị cáo đã cố ý đổ lỗi cho Như. Đêm đó, bị cáo chỉ điện thoại nhờ Chung tới thuyết phục, đưa ông Chín về vì ông Chín đã xỉn, không hợp tác với lực 
lượng chức năng.

Liên quan tới việc hứa đưa tiền và chăm lo cho gia đình, vợ con các bị cáo, tại tòa bị cáo Phạm Thanh Kim Hạnh khai đã nhận được điện thoại của bị cáo Như hẹn tới quán cà phê Bằng Lăng Tím (Q.Tân Bình) để giao tiền. Hạnh khai đã thấy cọc tiền, không rõ bao nhiêu vì Hạnh cho rằng lúc này không biết nhận tiền để làm gì khi đang chuẩn bị ra đầu thú.

Theo luật sư Hoàng Cao Sang – người bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại, hồ sơ vụ án đã thể hiện, tại toà các bị cáo cũng khai đầy đủ, rành mạch nhưng không được điều tra làm rõ và cáo trạng lại không đề cập là một điểm bất thường.

“Tôi muốn nói chuyện 
với bị cáo Như”

Là người đến phiên toà sớm nhất, bà Dương Thị Thảo – vợ nạn nhân Chín – dắt theo cả hai con trai và cầm di ảnh của chồng mình đến toà. Khi được HĐXX yêu cầu trình bày ý kiến về vụ án, bà nghẹn ngào nói:

“Chuyện này là giữa con người với con người, tôi đề nghị được nói với bị cáo Như: Tôi là người vợ đã mất chồng bởi tay cậu, anh ấy là đôi mắt của tôi, là cái cổ của tôi, là cuộc sống của tôi. Cậu đừng quanh co chối tội nữa, bởi cậu có chối tội thì cũng không có nghĩa là cậu không có tội. Cậu hãy nhận tội đi, đừng làm mất thời gian của những người ngồi đây nữa…”.

Đáp lại lời người vợ đau khổ, bất hạnh ấy là gương mặt cúi gằm trước vành móng ngựa của bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như.

Một ngày trước khi diễn ra phiên xét xử, bà Dương Thị Thảo đã gửi một lá thư cho bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như, bà nói: “Tôi muốn bị cáo Như đọc được những dòng này!”.

“Có tội thì phải chịu. Đó là lẽ phải, là công bằng ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, trên cõi đời này, trong mọi niềm tin, trong mọi tôn giáo trên thế gian này. Thay vì thế, cậu Như, hãy dũng cảm đối diện với sự thật, hãy chấp nhận mình mắc sai lầm, hãy ăn năn hối hận để trước tiên cậu được thanh thản khi cậu đứng trước toà án lương tâm của mình, được nó tha thứ, sau đó là cậu đứng lên làm lại cuộc đời sau khi đã trả giá nghiêm khắc cho những sai lầm của 
mình” – bà Thảo viết.

Chủ mưu tại ngoại, đồng phạm tạm giam là bất thường

Đó là quan điểm của luật sư Phạm Công Út, Đoàn luật sư TP.HCM, về trường hợp của nguyên thượng uý CSGT Phạm Sỹ Hoài Như (Công an Q.Tân Bình, TP.HCM) được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ bắt tạm giam thành cấm đi khỏi nơi cư trú.

Luật sư Út nói: Theo quy định của Bộ luật hình sự, khung hình phạt dành cho tội danh cố ý gây thương tích mà Viện kiểm sát truy tố Phạm Sỹ Hoài Như và đồng phạm có mức án tới 15 năm tù, tức mức rất nghiêm trọng.

Quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự thì tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng là có thể áp dụng biện pháp tạm giam. Trong trường hợp này, giai đoạn đầu của quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định và thực hiện lệnh bắt tạm giam toàn bộ nhóm bị can là phù hợp.

Tuy nhiên, vấn đề trở nên bất thường khi cơ quan tiến hành tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn từ bắt tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú (tại ngoại).

Bộ luật tố tụng hình sự chỉ quy định là “có thể” bắt tạm giam, nhưng có thể hiểu được trong thực tế, hầu hết các bị can ở mức rất nghiêm trọng này đều phải bị tạm giam do mức độ nguy hiểm của hành vi họ đã gây ra.

Điều đặc biệt khiến những người am hiểu pháp luật và dư luận xã hội đặt ra là sự bất bình đẳng trong áp dụng quy định pháp luật trong chính vụ án này.

Phạm Sỹ Hoài Như được xác định là người chủ mưu trong vụ án cố ý gây thương tích. Các bị cáo còn lại giữ vai trò là người trực tiếp hành động gây nên cái chết cho ông Chín nhưng Như được cho tại ngoại, còn các bị cáo khác vẫn bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam khiến dư luận đặt dấu hỏi về sự trong sáng, công bằng của quyết định này.

Một điều đặc biệt đáng chú ý khác là trong chính vụ án này, bị cáo Phạm Thanh Kim Hạnh là người chưa thành niên (sinh ngày 13-4-1997) – người chủ động ra đầu thú, khai báo thành khẩn cả trong quá trình điều tra lẫn khi ra toà.

Trường hợp này đáng lý phải được xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú.

 

HOÀNG ĐIỆP – GIA MINH ([email protected])