Cần coi trọng văn hoá gia đình, văn hoá dòng họ

Hội thảo khoa học ‘Văn hoá gia đình, dòng họ và gia phả VN’ đã diễn ra vào ngày 25.12 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM, nhằm thúc đẩy việc gìn giữ tình yêu, quý trọng gia đình, lòng tự trọng bản thân, ý thức trách nhiệm và lòng nhân ái.

 

Cần coi trọng văn hoá gia đình, văn hoá dòng họ

 

 

Hội thảo khoa học ‘Văn hoá gia đình, dòng họ và gia phả VN’ đã diễn ra vào ngày 25.12 tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM, nhằm thúc đẩy việc gìn giữ tình yêu, quý trọng gia đình, lòng tự trọng bản thân, ý thức trách nhiệm và lòng nhân ái.






Gia đình, dòng họ đóng vai trò quan trọng trong nguồn mạch văn hóa dân tộc - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Gia đình, dòng họ đóng vai trò quan trọng trong nguồn mạch văn hoá dân tộc – Ảnh: Ngọc Thắng

Giữ đạo đức trong xã hội đầy biến động

 
 
 

 

Quan hệ giữa cha mẹ, con cái thành quan hệ bạn bè

Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, gia đình là rào cản cuối ngăn chặn việc băng hoại xã hội và đạo đức đang ngày càng trầm trọng hiện nay. Để gìn giữ văn hoá gia đình, mỗi thành viên trước hết cần dành thời gian cho nhau, ít nhất từ bữa cơm gia đình. Vợ chồng con cái cần hằng ngày dành chút thời gian cùng ăn cơm, trao đổi tâm tình qua bữa ăn. Làm sao để quan hệ giữa cha mẹ và con cái không có khoảng cách quá xa như trước kia, mà dần chuyển thành quan hệ bạn bè, cộng sự, cùng gắn bó chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống.

 

Hội thảo do Khoa Văn hoá học của Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Viện Lịch sử dòng họ tổ chức, thu hút hơn 60 tham luận đáng chú ý của các học giả trong cả nước như: GS-TS Ngô Văn Lệ, PGS-TS Mạc Đường, GS Nguyễn Đình Chú, GS Phan Văn Các, PGS-TS Phạm Đức Mạnh…

Nhiều học giả đều chung ý kiến, nếu không có gia phả, con người sẽ không biết được chính xác ta là ai, được sinh ra từ đâu và bản thân còn có truyền thống tốt đẹp nào để gìn giữ trong một thời đại đầy sự biến đổi mà hành vi phi nhân cách đang lấn át hành vi nhân cách. Đồng thời việc giữ gìn, bồi đắp văn hoá gia đình nói riêng và văn hóa dòng họ nói chung là vô cùng quan trọng, có tác động trực tiếp đến việc hình thành tính cách, tư tưởng, lối sống, hành xử của mỗi con người.
GS Nguyễn Đình Chú (ĐH Sư phạm Hà Nội) băn khoăn: Điều gì là đáng giá nhất mà người Việt hôm nay và mai sau cần biết rõ, suy ngẫm nhiều nhất về văn hoá dòng họ để tìm cách tiếp thu, thừa hưởng? TS Nguyễn Văn Hiệu (Khoa Văn hoá học, Trường ĐH KHXH-NV) cho rằng gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nền tảng vững chắc cho bản sắc cá nhân, bởi trong một nền văn hoá, gia đình là đơn vị cơ bản nhất và là một trong những thiết chế văn hoá – xã hội đặc thù nhất, bền vững nhất.
Đạo hiếu có từ trước khi tiếp biến văn hoá trung quốc
TS Hoàng Văn Lễ cho rằng thờ cúng tổ tiên là biểu hiện sinh động của văn hoá dân tộc và sự hiếu thảo của dân tộc được coi là đạo đức chuẩn mực của người Việt. Ông nhấn mạnh, đạo hiếu của người Việt đã xuất hiện rất sớm, trước khi tiếp biến văn hoá Trung Quốc và ngày 10.3 được coi là ngày giỗ Quốc tổ. Đối với những dòng họ mạnh, có nhiều chi họ, coi trọng văn hoá đạo hiếu sẽ tạo thành một khối gắn kết sức mạnh, cùng tương hỗ lẫn nhau để giải quyết mọi công việc trong chi họ.
Võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt (Chưởng môn phái Nam Huỳnh Đạo) cho biết Nam Huỳnh Đạo đang phát triển văn hoá võ đạo theo pháp môn đặc thù của môn phái, truyền thống gia tộc gắn với định hướng văn hoá dân tộc – hiện đại. “Vốn văn hoá võ học của môn phái ngày nay ngoài tính chất gia tộc liên quan đến võ tướng Nguyễn Huỳnh Đức (1748 – 1819), còn kế thừa văn hoá y học, lối sống… từ những thành viên trong môn phái, lấy “đức, đạo, điền, y, học” là mục tiêu, chắc chắn còn có liên quan nhất định đối với truyền thống võ đạo và văn hóa VN nói chung”, võ sư khẳng định.
GS Nguyễn Đình Chú nói: “Trong lịch sử sinh tồn và cũng là lịch sử văn hoá VN, đất nước ta có thời đã chểnh mảng về vấn đề dòng họ và văn hoá dòng họ. Tới nay đã tỉnh ngộ và bắt đầu coi trọng, nghiên cứu lại về vấn đề văn hoá dòng họ. Nhưng sự nhận thức về quá khứ còn non nớt, rời rạc, chưa đủ độ sâu sắc vững chãi”.
PGS-TS Huỳnh Quốc Thắng (Trưởng bộ môn Văn hóa ứng dụng Khoa Văn hoá học Trường ĐH KHXH-NV) đưa ý kiến: “Gia đình, dòng họ đóng vai trò quan trọng trong nguồn mạch văn hóa dân tộc. Chính nguồn mạch đó từ xưa đến nay vẫn là nơi lưu truyền, tạo môi trường phát triển cho các giá trị văn hoá dân tộc theo một cách đặc trưng – dựa trên mối quan hệ thiêng liêng nhất của con người là quan hệ huyết thống và tình nghĩa”.

“Ở phương Tây, xã hội vật chất phát triển mạnh nhưng nền giáo dục phát triển cũng rất mạnh, vì vậy văn hoá gia đình không bị triệt tiêu. Còn ở nước ta, khi xã hội càng phát triển mạnh về vật chất thì nền giáo dục càng ngược lại, xuống cấp trầm trọng. Theo tôi, cần sửa chữa trước tiên từ nền giáo dục nước nhà mới mong xây dựng được văn hoá gia đình”.  
 Đạo diễn Lê Hoàng
“Bi kịch của mỗi con người trong xã hội hiện nay là bắt người khác sống giùm ý muốn và ước mơ của mình. Chẳng hạn con cái hiện nay thường bị ép học, ép sống theo cách mà bố mẹ thích. Để xây dựng văn hóa gia đình, theo tôi việc đầu tiên là làm sao cho gia đình vui vẻ, êm dịu, nhường nhịn, hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau. Nếu chưa làm được điều đó, đừng mong xây dựng những điều to lớn hơn”.    
Nhà văn Trần Nhã Thuỵ

Ngọc Bi