10/01/2025

Người chuyển giới khổ ải trập trùng từ nhà ra phố

Khó khăn lớn nhất mà người chuyển giới thường gặp trong cuộc sống chính là sự kỳ thị, khó làm giấy tờ tuỳ thân và khó xin việc làm. Do đó, mong muốn hàng đầu của họ là được tích cực hỗ trợ để hòa nhập cộng đồng.

 

Người chuyển giới khổ ải trập trùng từ nhà ra phố

 

 

Khó khăn lớn nhất mà người chuyển giới thường gặp trong cuộc sống chính là sự kỳ thị, khó làm giấy tờ tuỳ thân và khó xin việc làm. Do đó, mong muốn hàng đầu của họ là được tích cực hỗ trợ để hòa nhập cộng đồng.


 



Cát Thy (người chuyển giới từ nam sang nữ) sống tại Q.8, TP.HCM trong một lần cùng nhóm bạn chuyển giới lập nhóm xiếc đi biểu diễn - Ảnh: trích từ cuốn sách ảnh Trong mắt tôi do chính các nhân vật chuyển giới thực hiện
Cát Thy (người chuyển giới từ nam sang nữ) sống tại Q.8, TP.HCM trong một lần cùng nhóm bạn chuyển giới lập nhóm xiếc đi biểu diễn – Ảnh: trích từ cuốn sách ảnh Trong mắt tôi do chính các nhân vật chuyển giới thực hiện

Đó là kết quả khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ với 60 người dân tại TP.HCM, 20 người chuyển giới và 20 người là người thân của người chuyển giới.

Khảo sát được tiến hành nhằm ghi nhận góc nhìn của người dân và “người trong cuộc” sau khi Bộ luật dân sự (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua có điều 37 thừa nhận về chuyển đổi giới tính.

Luôn đối mặt với kỳ thị

Trong 60 người dân trả lời khảo sát có đến 35 người (chiếm 58,3%) cho biết rất ủng hộ người chuyển giới và 18 người (chiếm 30%) nói rằng họ thấy chuyện này bình thường và không phản đối.

Tuy nhiên, số đông lại nhìn nhận khó khăn hàng đầu mà người chuyển giới thường gặp trong cuộc sống chính là sự kỳ thị (92/100 người trả lời khảo sát). Sự kỳ thị đó có khi là những lời trêu ghẹo từ người xa lạ nhưng cũng có khi là sự chối bỏ, không thừa nhận của người thân.

“Lúc biết chuyện, ba em giận dữ lắm. Ông đòi giết em, em sợ quá trốn đi luôn…” – Tây Hà (22 tuổi), cô gái chuyển giới từ nam sang nữ, kể lại giây phút cha cô “đón nhận” tin cô không muốn sống trong hình hài một người con trai nữa. Mặc dù không bị phản ứng dữ dội như Tây Hà, nhưng chàng trai chuyển giới từ nữ sang nam Khang Di luôn phải nghe câu hỏi: “Rồi sao? Giờ lấy vợ hay lấy chồng?” từ mẹ của mình.

Kỳ thị chỉ là “khổ ải” đầu tiên. Những trở ngại khi làm các thủ tục, giấy tờ tùy thân (66% ý kiến), khi xin việc làm (59% ý kiến), khó hoà nhập cộng đồng (49%) hay chăm sóc sức khỏe, điều trị hormone… là những “ải” tiếp theo mà người chuyển giới luôn phải đối mặt.

Đó là chưa kể những lúng túng khi cần đi nhà vệ sinh công cộng, khi ai đó gọi tên thật giữa đám đông và họ phải quay lại trong một hình hài khác. Đó là chưa kể những mưu cầu hạnh phúc rất đỗi bình dị: yêu và được yêu.

“Tôi mong kiếm một công việc ổn định nhưng mà giấy tờ một đằng, giới tính một nẻo làm sao xin được. Tôi không muốn làm công việc bưng bê, phục vụ hoài nhưng thực tế để có chân chạy bàn như vậy cũng do chủ thương” – Trí Viễn (chuyển giới nam) chia sẻ.

Còn đối với Lê Hoàng Trung Nghĩa – người chuyển giới nam: “Tôi mong lấy được người tôi yêu và nếu tình yêu đó trọn vẹn thì chúng tôi sẽ xin con nuôi”.

Hiếm có khảo sát nào mà những người thực hiện lại được nghe hai từ “tôi mong” nhiều như vậy.

Khảo sát 100 người ở TP.HCM - Đồ họa: Tấn Đạt
Khảo sát 100 người ở TP.HCM – Đồ hoạ: Tấn Đạt

Hỗ trợ, tạo cơ hội
 hoà nhập

Trả lời câu hỏi vì sao ủng hộ người chuyển giới, số đông người được hỏi cho biết họ hành động vì nhân quyền. Nhiều người cũng nói rằng nếu quan tâm kịp thời, đúng mức sẽ tạo động lực cho người chuyển giới sống tốt hơn.

Ông Trần Đình Công (Q.Tân Bình) cho rằng: “Đa dạng giới là xu hướng phát triển chung của thế giới, cần được ủng hộ và nghiên cứu kỹ. Ngoài những mặt được mà báo chí đã nêu, thừa nhận chuyển giới cũng góp phần giảm một số tiêu cực như đổi giấy tờ chui hoặc trộm cắp do thất nghiệp”.

Ngay cả các bậc cha mẹ từ đầu đã không chấp nhận nổi chuyện con chuyển giới nhưng rồi cũng không đành lòng đứng bên lề cuộc sống của con. Một số người mẹ của người chuyển giới luôn phải sống trong sự day dứt, tự trách mình “sao có thể vô tâm trước những vấn đề của con như vậy” như chia sẻ của chị Châu (Q.3) – người có con chuyển giới nữ.

“Từ khi biết chuyện của con, tôi luôn cố gắng bên cạnh con, giúp con tự tin hơn trong cuộc sống. Trước hết là vì con mình, sau là vì những người như con tôi” – chị Châu kể.

Và để hỗ trợ người chuyển giới hoà nhập với cuộc sống, giải pháp hàng đầu được 82% ý kiến đồng tình là cần tích cực giúp đỡ, tạo cơ hội cho người chuyển giới học hành, làm việc.

Trong đó, tỉ lệ đồng tình từ người chuyển giới lên đến 95% (19/20 người trả lời khảo sát). Xuân Tú (chuyển giới từ nam sang nữ) bộc bạch: “Nhà nước đã chấp nhận quyền chuyển đổi giới tính rồi, tôi mong ba mẹ tôi cũng sẽ hiểu, yêu thương và đón nhận đứa con này. Tôi mong xã hội sẽ cởi mở với những người như chúng tôi, hi vọng sau này Nhà nước sẽ cấp cho tôi chứng minh nhân dân mới, trong đó giới tính là nữ”.

Giải pháp cụ thể hóa pháp luật cũng nhận được sự đồng tình cao từ phía người dân, người chuyển giới và người thân của họ với 72% ý kiến.

“Là người đã trải qua phẫu thuật chuyển giới, hơn ai hết tôi hiểu cảm giác đau đớn về thể xác như thế nào. Đâu phải ai cũng phẫu thuật được nên tôi mong Nhà nước không chỉ thừa nhận những người đã chuyển đổi cơ thể sinh học. Tôi nghĩ chỉ cần kiểm tra tâm lý hay cho chúng tôi sống thử với giới tính mong muốn, nếu đạt yêu cầu thì được công nhận, được đổi giấy tờ” – cô gái chuyển giới nữ Bảo Anh (29 tuổi) đề xuất.

Người dân nói về những việc cần làm để giúp người chuyển giới hội nhập.

thuc lien* Bà Đặng Thục Liên (Q.Bình Thạnh): “Ngoài những khó khăn như bị kỳ thị, không hoà nhập được với cộng đồng… thì nhu cầu về tình dục và tâm sinh lý không giống với thể chất của người chuyển giới cũng khiến họ đau khổ. Thiết nghĩ nếu không ủng hộ được thì cũng đừng kỳ thị, khiến cuộc sống của họ thêm bế tắc”.

binh anBà La Thị Bình An (Q.Tân Bình): “Cứ để người chuyển giới quyết định và chịu trách nhiệm với cuộc đời của họ. Luật thông qua rồi nhưng cần xây dựng cụ thể, không chỉ bảo đảm cuộc sống ngoài xã hội mà còn nhiều vấn đề khác nữa”.

khoi nguyenÔng Trần Nguyễn Khôi Khuyên(Q.Tân Bình): “Chúng ta phải nhìn người chuyển giới với ánh mắt bình thường thì mới có thể đánh giá đúng mức về họ. Có những người chuyển giới rất giỏi và có tài, nếu được động viên, họ sẽ có động lực đóng góp cho xã hội hơn”.

hong thamBà Nguyễn Thị Hồng Thắm (Q.Bình Thạnh):“Tôi nghĩ cách kêu gọi hãy giúp đỡ người chuyển giới sống và làm việc như người bình thường vô hình trung đã coi người chuyển giới là bất thường rồi. Họ cũng là một phần của xã hội, cho nên chúng ta cần cẩn trọng không chỉ trong hành xử mà còn trong cách nói để họ không cảm thấy bị phân biệt”.