11/01/2025

Xét xử lưu động: hai phía tiếp tục ý kiến trái ngược

Việc tổ chức xét xử lưu động đang được dư luận quan tâm với nhiều ý kiến khác nhau. Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận các ý kiến trái chiều và mời bạn đọc tham gia ý kiến.

 

Xét xử lưu động: hai phía tiếp tục ý kiến trái ngược

 

 

Việc tổ chức xét xử lưu động đang được dư luận quan tâm với nhiều ý kiến khác nhau. Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận các ý kiến trái chiều và mời bạn đọc tham gia ý kiến.



 

 

Người dân dõi theo phiên tòa xét xử lưu động vụ án thảm sát sáu người trong một gia đình ở Bình Phước ngày 17-12, trong số này có rất nhiều người đến xem chỉ vì hiếu kỳ - Ảnh: Thanh Tùng
Người dân dõi theo phiên toà xét xử lưu động vụ án thảm sát sáu người trong một gia đình ở Bình Phước ngày 17-12, trong số này có rất nhiều người đến xem chỉ vì hiếu kỳ – Ảnh: Thanh Tùng
Bà Võ Thị Kim Oanh
Bà Võ Thị Kim Oanh

* Tiến sĩ Võ Thị Kim Oanh (trưởng khoa luật hình sự Đại học Luật TP.HCM):

Lợi ích đạt được nhiều hơn khi xử 
lưu động

Cần thực hiện xét xử lưu động không chỉ riêng đối với vụ án giết sáu người ở Bình Phước, bởi lẽ mục đích xét xử nhằm răn đe, giáo dục tội phạm và quan trọng hơn là phòng ngừa chung với xã hội, ổn định tình hình tại 
địa phương.

Ý kiến cho rằng với gia đình các bị cáo, họ không có tội gì, nếu xử công khai sẽ như kiểu “bản án tinh thần” đối với họ… không hoàn toàn đúng. Bởi lẽ xử công khai tại trụ sở hay lưu động thì những người tham dự cũng đều biết ít nhiều về gia đình, thân nhân bị cáo.

Đương nhiên, trong quá trình xét xử toà không nên mô tả quá chi tiết có thể dẫn đến sự hoang mang, rùng rợn, gây bức xúc gia đình bị cáo và dư luận. Việc công khai động cơ, mục đích, thủ đoạn phạm tội… là cần thiết nhằm phòng ngừa chung.

Qua đó, có thể ổn định tình hình địa phương, trang bị kiến thức pháp luật, giáo dục, ngăn ngừa hành vi phạm tội manh nha khởi lên… đối với những người tham dự phiên xử lưu động.

Quan trọng nhất là lợi ích tổng thể đạt được từ việc xử lưu động đã được Nhà nước cân nhắc. Việc xét xử lưu động có thể có những điều chưa được theo quan điểm trái chiều của một số người nhưng lợi ích tổng thể thì đạt nhiều hơn.

Ông Nguyễn Minh Sơn -             Ảnh: Q.Vinh
Ông Nguyễn Minh Sơn – Ảnh: Q.Vinh

* ThS Nguyễn Minh Sơn (Viện KSND tỉnh Kiên Giang):

Cần thiết, song phải đạt hiệu quả cao

Việc duy trì các phiên toà lưu động là cần thiết. Tuy nhiên, việc tổ chức các phiên toà làm sao để đạt hiệu quả cao về giáo dục cần phải được quan tâm.

Những vụ án đưa ra xét xử lưu động cần được sàng lọc kỹ, phải đánh giá mức độ tác động của nó đối với dư luận xã hội.

Trước khi xét xử lưu động phải có sự chuẩn bị chu đáo, chẳng hạn như: bản cáo trạng, bản án không nên mô tả chi tiết hành động phạm tội, phương thức che giấu tội phạm của bị cáo vì như thế sẽ có tác dụng ngược.

Thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên chỉ nên đặt những câu hỏi để làm rõ mức độ phạm tội của bị cáo, những hậu quả về vật chất, tinh thần do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra và những tác động xấu khác cho xã hội…

Muốn như vậy, toà án và viện kiểm sát phải chọn những thẩm phán, hội thẩm nhân dân và kiểm sát viên có kinh nghiệm, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng để xét xử 
lưu động.

Thực tiễn cho thấy ngành toà án thường đưa những vụ án hình sự xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ để xét xử lưu động mà không đưa những vụ án về tham nhũng ra xét xử lưu động nên có ý kiến không đồng tình như báo Tuổi Trẻ đã phản ánh.

* Luật sư Trần Văn Đạt (Đoàn luật sư Bình Thuận):

Coi chừng hệ luỵ

Ở Bình Thuận từng có vụ án toà đưa ra xét xử lưu động một bị cáo về tội làm nhục người khác. Lý do vì bị cáo nói với nhiều người việc cô B. ngoại tình nhưng không có chứng cứ. Khi xét xử lưu động, người dân cười ồ nói rằng chẳng qua bị cáo không chụp được hình ảnh cô B. ngoại tình làm chứng cứ nên mới bị kết tội.

Sau khi vụ án được xét xử lưu động, cô B. là người bị hại trong vụ án đã bị chồng bỏ và sau đó đòi uống thuốc tự tử vì không chịu nổi áp lực, đàm tiếu từ mọi người.

Quan điểm của tôi là không nên xét xử lưu động. Một số ý kiến cho rằng xét xử lưu động là mang tính giáo dục, tuyên truyền pháp luật, tôi thấy ý kiến này đã lỗi thời.

Ngày nay công nghệ thông tin và các cơ quan truyền thông đã phủ kín các thông tin, tuyên truyền pháp luật. Việc xét xử lưu động dường như có mức án áp đặt từ trước, rất khó để tòa án tuyên vô tội hay trả hồ sơ điều tra lại.

Việc tổ chức xử lưu động còn gây tốn kém về chi phí, phải chuẩn bị địa điểm, tổ chức lực lượng an ninh bảo vệ phiên toà và không có vẻ nghiêm trang như khi được xét xử ở pháp đình.

Ông Bùi Quang Nghiêm
Ông Bùi Quang Nghiêm

* Luật sư Bùi Quang Nghiêm (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):

Không còn phù hợp

Khi xử lưu động, nhiều địa điểm không đảm bảo cho khâu tổ chức một phiên toà đủ tính trang nghiêm, mà là tạm bợ, nhếch nhác.

Trong khi hiệu quả của việc tuyên truyền chưa được đánh giá đầy đủ thì việc tổ chức xử lưu động tốn không ít tiền của, nhân lực để bảo vệ phiên toà…

Các vụ án giết người man rợ, tàn ác, hiếp dâm, xâm phạm tình dục… được công bố tỉ mỉ phương thức, thủ đoạn thì vô hình trung sẽ “chỉ dẫn” lại cách thức cho đối tượng khác. Tổ chức lưu động thì vì hiếu kỳ mà cả những người già, cháu bé, người chưa thành niên… tham dự một cách trực quan. Như thế dễ gây ảnh hưởng không ít đến những người này.

Nếu tổ chức xét xử tại trụ sở thì chỉ có những ai thực sự quan tâm đến vụ án mới đến dự. Trong khi tổ chức lưu động thì rất nhiều người tham dự vì hiếu kỳ. Việc xét xử lưu động còn ảnh hưởng đến gia đình bị cáo, người bị hại, trong đó có những vấn đề riêng tư không đáng công khai rộng rãi nơi công cộng.

Hiện nay công nghệ, thiết bị truyền tin đã rất phát triển, việc tuyên truyền luật pháp có thể thực hiện thông qua rất nhiều kênh, phương thức khác nhau như báo, đài, điện thoại, mạng xã hội… Việc tuyên truyền bằng cách xét xử lưu động e rằng không còn phù hợp nữa.

Người dân hiếu kỳ theo dõi phiên tòa vụ thảm sát ở Bình Phước - Ảnh: Thanh Tùng
Người dân hiếu kỳ theo dõi phiên toà vụ thảm sát ở Bình Phước – Ảnh: Thanh Tùng

Tại một phiên toà xử vụ hiếp dâm trẻ em…

Tại phiên toà xét xử lưu động vụ án hiếp dâm trẻ em gần đây nhất, tôi chứng kiến sự xấu hổ của bị cáo và người thân, cùng với nỗi mặc cảm, tổn thương tinh thần bên phía gia đình bị hại.

Kết thúc phiên toà, kẻ gây án gục mặt, phải nhờ hai cảnh sát xốc nách ra xe, còn cả nhà bị hại đều ôm mặt khóc. Họ ngồi chờ đến lúc mọi người về hết mới dám đứng dậy. Nhiều người dân đến dự phiên toà trên chỉ vì tò mò, khi được hỏi về cảm nghĩ họ đã nói rằng nếu xử kín sẽ tốt hơn, thậm chí không cần đưa bé gái đến dự.

Cũng tại phiên toà này, tôi bắt gặp nhiều thiếu niên còn mặc đồng phục học sinh THCS. Các em cho biết đã “bùng” tiết để đi xem bởi sự hiếu kỳ. Điều đó thể hiện khi hội đồng xét xử công bố cáo trạng vụ án, nhiều em đã che mặt cười, trong lúc nước mắt bên phía người thân bé gái bị xâm hại cứ chảy dài tưởng chừng như không thể dứt.

Bạn đọc HỮU CHƠN (TP.HCM)

Trung Quốc: xét xử lưu động cũng gây nhiều tranh cãi

Thời Báo Hoàn Cầu cho biết vào ngày 14-10-2014, chính quyền huyện Hoa Dung, tỉnh Hồ Nam đã mở phiên toà xét xử 34 người được cho là phạm các tội trộm cướp, hành hung và ngộ sát tại trung tâm của huyện với sự chứng kiến của 5.000 người dân địa phương. Đặc biệt, số người bị xét xử trên phải đeo một tấm bảng ghi tội và chính quyền địa phương cho xe chở họ diễu qua các con đường trong huyện. Cán bộ kiểm sát huyện Hoa Dung Lý Trường Bân cho rằng biện pháp này nhằm răn đe “tội phạm cũng như người dân trong huyện tránh xa những hành vi xấu”.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin sau phiên toà xét xử tập thể, có những ý kiến ủng hộ cách xét xử này, nhưng cũng có những chỉ trích khá mạnh từ người dân và giới luật sư Trung Quốc. Nhiều ý kiến không ủng hộ việc xét xử lưu động trước dân chúng vì cho rằng động thái này là trái với pháp luật của Trung Quốc. “Một xã hội có pháp luật nên bảo vệ những quyền cơ bản của các bị cáo cũng như những người bình thường khác” – công chức Ngô Học Nhân ở Hồ Nam cho ý kiến.

Chính Thời Báo Hoàn Cầu lúc đó cũng cho rằng hình thức xét xử này “đi ngược với tinh thần nhà nước pháp quyền mà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay từng nhấn mạnh”. Luật sư nổi tiếng ở Bắc Kinh Mạc Thiếu Bình cho rằng những phiên xét xử lưu động và tập thể trước hàng ngàn người theo dõi, ở các điểm công khai như sân vận động, quảng trường của các địa phương Trung Quốc là không tôn trọng quyền con người đối với những người bị xét xử. “Đó là chưa nói đến trường hợp nếu những bị cáo bị đưa ra xét xử là những tội phạm nguy hiểm thì lời khai trực tiếp của họ tại phiên xét xử có thể gây ảnh hưởng xấu đến hành vi của những đối tượng khác trong xã hội” – luật sư Mạc cảnh báo.

Luật sư Âm Phúc Cường ở Bắc Kinh cho biết ngay cả khi những người bị đưa ra xét xử đã nhận tội thì chính quyền cũng không nên vi phạm những quyền liên quan đến danh dự và cá nhân của họ. Tính răn đe xã hội trong những vụ xét xử như thế này có đi chăng nữa cũng không cao lắm khi mà những quyền này của các bị cáo bị bỏ qua. Nói chi đến những trường hợp có những bị cáo cuối cùng không có tội.

MỸ LOAN

TÂM LỤA – ÁI NHÂN ghi ([email protected])