Mẹ ơi, cháo vịt nấu như thế nào?”
Đọc bài “Cảm ơn cô đã cho con tập làm đầu bếp, lao công” (Tuổi Trẻ ngày 3-12) và bài “Đừng làm “nô bộc” của con” (Tuổi Trẻ ngày 9-12), tôi muốn nói về chuyện vụng về của một bộ phận giới trẻ thời nay.
“Mẹ ơi, cháo vịt nấu như thế nào?”
Đọc bài “Cảm ơn cô đã cho con tập làm đầu bếp, lao công” (Tuổi Trẻ ngày 3-12) và bài “Đừng làm “nô bộc” của con” (Tuổi Trẻ ngày 9-12), tôi muốn nói về chuyện vụng về của một bộ phận giới trẻ thời nay.
“Nếu cứ ôm con vào lòng, lúc nào cũng ru ngủ con thì suốt đời con cũng chỉ là một con vịt con mà thôi! |
Trước giờ, tôi chưa bao giờ ca thán chuyện vụng về của con, cho đến một hôm con xin phép đưa bạn về nhà nấu nướng để liên hoan cuối năm học. Cả buổi trên công ty, điện thoại của tôi réo liên tục vì những câu hỏi của con. Nào là: “Mẹ ơi, cháo vịt thì nấu như thế nào ạ? Cho cả con vịt vào nồi cháo và ninh nhừ ạ?”. Một lúc sau con lại hỏi: “Phải bỏ những rau gì vào nồi cháo vịt để tụi con đi mua ạ?”, rồi “Mẹ ơi, chúng con cho thịt vào chảo để rán, nhưng không biết khi nào thì thịt chín ạ?”. Hướng dẫn chi tiết cho con qua điện thoại, nhưng rồi một lúc sau điện thoại lại vang lên: “Mẹ ơi, bạn Hiền lớp con rán thịt bị cháy đen rồi, giờ phải làm sao?”. Đến nước này tôi đành gác công việc qua một bên, tất tả chạy về nhà, nhìn “thành quả” bếp núc của con và các bạn mà chỉ biết lắc đầu.
Có một cháu trong lớp nhăn nhó: “Cháu bảo mua đồ ăn sẵn cho nhanh, nhưng chúng nó không chịu. Giờ thì chỉ còn nồi cháo vịt thôi cô ạ”. Tôi nhìn nồi cháo vịt của các con còn nguyên đôi chân vịt chưa được lột mà ngán ngẩm, thầm nghĩ: “Tại sao lớp con có 16 bạn nữ mà không bạn nào biết cách nấu nồi cháo vịt cho ra hồn?”. Đã vậy rổ rau còn bị các con rửa nát bét, chả còn gì mà ăn.
Tôi giúp các con bắt đầu lại bữa tiệc liên hoan, cùng ra chợ mua đồ ăn, chỉ dẫn cách nhặt rau, cách rửa rau để rau không bị nhàu nát, cùng rán thịt. Vừa làm vừa chỉ các con từng chút một. Bữa liên hoan hôm ấy của các con bắt đầu muộn hơn dự tính.
Cho đến lúc ấy, nhìn các con lúng túng, vụng về với bữa liên hoan, dù cháu nào cũng sắp sửa bước chân vào đại học, tôi thấy giật mình. Thú thật, từ trước đến nay đến bộ quần áo của mình mà con cũng chưa phải giặt, một bữa cơm đơn giản nhưng con cũng chưa từng phải đụng tay đến. Tôi băn khoăn, lo lắng con sẽ đối mặt thực tế cuộc sống ra sao khi phải rời xa vòng tay của cha mẹ?
Bữa liên hoan thất bại của các con đã giúp tôi nhận ra rằng: nếu cứ ôm con vào lòng, lúc nào cũng ru ngủ con, thì suốt đời con cũng chỉ là một con vịt con mà thôi. Nghĩ lại, mỗi khi con có ý định làm gì đấy, tôi đều gạt đi: “Con mà làm được cái gì?”. Nói đúng hơn là tôi không tin con có thể trưởng thành, có thể làm nổi việc gì nên hồn. Và rồi con cứ phải mặc chiếc áo chật chội như vậy, lỗi này do chính phụ huynh chúng tôi!
Có nên dạy con “tránh voi…”? Tôi có người bạn kể rằng thường khuyên con (đang học lớp 8) phải biết “thủ”: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào, cứ nhịn cho nó lành!”. Con đi du lịch, bạn tôi lại sốt sắng dạy con biết “né”: “Đi ra ngoài phức tạp lắm, tốt nhất là con đừng có lấc cấc. Dù mình có đúng nhưng nếu cãi vã, gây gổ chỉ thiệt thân thôi. Thời buổi này to mồm chỉ có nước thất bại con ạ”. Chính vì thế đứa con của chị bạn tỏ ra rất rụt rè và gần như cái gì cũng không biết làm (theo lời mẹ cháu nói). Nhưng rồi chị bạn lại chép miệng: “Ôi, dù sao như thế lại hoá hay vì con được an toàn, chứ hở ra là hư hỏng hết”. Khi mà đứa con mãi như lá ngọc cành vàng, không được va vấp, không được đối thoại thẳng thắn với mẹ cha, với thầy cô, lúc nào lời nói của con cũng chỉ là của đứa trẻ “vắt mũi chưa sạch” thì vô tình cha mẹ đã không cho con được lớn, không cho con được trưởng thành. Thực tế ở nhiều gia đình, với cha mẹ thì con chỉ biết im lặng lắng nghe, cứ nói lại là “cãi lời”, là “biện minh”, là “hư, hỗn”, không cho con được giải thích. Ở trường, không ít thầy cô thì luôn cho rằng mình đúng, không phải hạ mình xuống xin lỗi học trò (nếu có sai sót). Từ đó, khi không được phản biện qua lại thì đứa trẻ dần mất đi cái tôi cơ bản. Hãy cho con được “hư đúng lúc, hỗn đúng chỗ”, hãy buông tay con ra để con trưởng thành. Sự dũng cảm của một đứa trẻ được xây dựng từ chính việc phản biện như thế. Trước nhất, cha mẹ phải biết tôn trọng ý kiến của con, không thể lúc nào cũng gạt phăng lời con nói theo tư tưởng “trứng đừng đòi khôn hơn vịt”. Thầy cô cũng nên học cách xin lỗi học trò nếu mình sai, thay vì hơi tí là ghi vào sổ đầu bài, là hạ hạnh kiểm… Người lớn đừng chỉ biết dạy trẻ con “thủ” mà phải tạo môi trường để các em được đối mặt với thử thách, được lĩnh hội những kỹ năng sống, bắt đầu từ việc tự bảo vệ mình. |