29/11/2024

Tin “ma lai” nên giết anh cột chèo

Sau tiếng súng đanh gọn vang bên bờ suối là bi kịch của một dòng họ. Một người chết, ba người bị bắt. Những người liên quan đến án mạng đều có quan hệ họ hàng.

 

Tin “ma lai” nên giết anh cột chèo

 

Sau tiếng súng đanh gọn vang bên bờ suối là bi kịch của một dòng họ. Một người chết, ba người bị bắt. Những người liên quan đến án mạng đều có quan hệ họ hàng.



 

Nai Gươm (phải) thắp nhang xin lỗi gia đình chị gái Nai Khương (vợ nạn nhân Ka Nhất) - Ảnh: Mai Vinh
Nai Gươm (phải) thắp nhang xin lỗi gia đình chị gái Nai Khương (vợ nạn nhân Ka Nhất) – Ảnh: Mai Vinh

Trong quan niệm của người K’Ho, “ma lai” là bóng ma ẩn trong thân xác ai đó và thôi thúc người đó đi hại người khác. Người bị ma lai hại chết dần chết mòn, đau ốm bệnh tật mà không có thuốc nào chữa trị được.

“Ma lai phải chết!”

Rạng sáng 1-12, Ka Nhất (35 tuổi, thôn K’Răng Gọ, xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đi đào củ năng ở rẫy gần nhà thì bị bắn chết, gục ngay bên bờ suối. Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt Ya Tăm (30 tuổi, hàng xóm và là em cột chèo của nạn nhân).

Tăm khai nhận giết Nhất bằng khẩu súng và đạn mua với giá 10 triệu đồng. Ya Tăm còn khai thêm hai người có họ hàng liên quan đến vụ án: Ya Thoàn (44 tuổi, hàng xóm, anh cột chèo của Tăm) và Ya Măng (18 tuổi, con trai Ya Thoàn).

Gặp Ya Tăm tại nhà tạm giữ Công an huyện Đơn Dương ngày 3-12, Tăm khăng khăng rằng mình vừa giết “ma lai” trừ họa cho dân làng. Tăm nói: “Ma lai phải chết!”. Đây không phải lần đầu tiên Tăm cố giết Ka Nhất. Tăm từng dùng nỏ rượt đuổi Ka Nhất để bắn nhưng bất thành.

Lần đó cách đây khoảng một năm, Ka Nhất đòi đánh Ya Tăm vì Tăm nghi ngờ Nhất có ma lai trong người, chuyên ám hại người khác. Tăm kể khi bắn hạ được Ka Nhất, Tăm bình thản đi lánh mặt. “Sợ bị người khác thấy đánh, bắt mình chứ không phải trốn đâu” – Tăm kể.

Tăm không biết chữ, chuyện ma lai ăn vào đầu Tăm qua những lời kể của người lớn.

Nhắc lại chuyện ma lai, Tăm bảo: “Bố tôi nói có ma lai, người làng cũng nói, tôi từng bị đau trong người, đi coi thầy cúng, ổng nói ma lai hại rồi làm phép, về nhà khoẻ hẳn. Có người trong làng bị bệnh, đi thầy cúng kéo ma lai ra, tôi còn thấy rõ như vậy mà”.

Anh Nguyễn Mạnh Tùng, cán bộ Công an huyện Đơn Dương, nói: “Cộng đồng người dân tộc sẽ tìm cách tiêu diệt ai bị nghi có ma lai trong người. Họ nghĩ làm vậy thì bản làng mới hết xui xẻo”.

Thôn K’Răng Gọ không quá nghèo, đường bêtông đi vào tận những ngõ ngách nhưng tâm tưởng ma lai vẫn còn nặng trong cách nghĩ của người dân.

Anh Tùng bảo mỗi năm vài lần, lực lượng công an phải phối hợp với chức sắc tôn giáo đi giải thích cho bà con khi nghe có tin đồn ma lai xuất hiện. Thường là tin đồn rộ lên nhiều nhất vào những thời điểm trong làng có người bệnh nặng vô phương cứu chữa.

Ya Tăm và Ka Nhất là anh em cột chèo, cùng sống với nhau trong một căn nhà được ngăn làm hai bằng một bức vách tạm bợ trong hơn chục năm. Cách đây khoảng ba tháng, Ka Nhất mới xây nhà nhỏ ngay bên cạnh căn nhà cũ.

Ngần ấy năm sống chung có lời qua tiếng lại nhưng mâu thuẫn gia đình chưa bao giờ khiến hai bên phải động tay động chân. Trẻ con nhà này vẫn sang nhà kia ngủ.

Vợ Tăm hay nhờ vợ Ka Nhất trông chừng con. Khoảng hai năm trở lại đây, xóm làng tự dưng rộ lên tin đồn ma lai nhập vào người Ka Nhất.

Tăm kể, Nai Thuỷ (chị vợ, vợ Ya Thoàn) có cái bụng to, da vàng như nghệ, ăn không được, ngủ không được. Có lần đưa đi thầy cúng, ông thầy làm phép rồi chích lấy độc ra, về khỏe được một tuần. Tìm tới thầy, thầy lại làm như cũ, lại khoẻ được thêm vài ngày.

Lần cuối cùng tới thầy cúng, ông này lắc đầu nói: “Nó bị ma lai hại rồi, tôi không chữa được đâu”. Tăm thắc mắc, ông thầy nói là người trong họ hàng hay ném đá lên mái tôn nhà Ya Thoàn. Tăm đoán chắc là Ka Nhất. Thực tế, theo bệnh án lưu tại nhà, Nai Thủy bị ung thư gan.

Nát tan dòng họ

Ya Thoàn ngồi nép vào góc phòng nhà tạm giữ, né ánh nắng chiếu rọi vào người. Ông rúm ró, sợ sệt. Thoàn kể: “Hồi tháng 10, thằng Tăm nó thấy Nai Thuỷ càng lúc càng đau, nó nói Thủy đưa 10 triệu để nó đi tìm thầy cúng giỏi chứ đâu có biết nó đi mua súng, giờ thì cả nhà mang hoạ rồi”.

Bị bắt cùng Thoàn là con trai ông vì hành vi che giấu tội phạm. Trong trại giam, ông Thoàn không giấu lo âu: “Thuỷ bệnh nặng lắm rồi, ngày nào họ hàng cũng phải túc trực, sợ nó chết. Thằng Tăm nó hại tôi rồi”.

Thoàn mới 44 tuổi nhưng lưng đã còng xuống, tưởng như gần tuổi 60. Nói đến đấy, nước mắt Thoàn chảy dài. Ông nhìn qua buồng giam kế bên, mếu máo nói: “Con tôi cũng bị bắt, ai bên cạnh mẹ nó giờ đây”.

Tại nhà Ka Nhất, ảnh thờ Ka Nhất còn đặt tạm trên một bàn nhựa. Nai Khương (vợ Ka Nhất) địu con nhỏ trên người, đứng giữa ba đứa con lem luốc.

Khương kể: “Mười năm sống gần nhau, thằng Tăm nó có ngang bướng nhưng đâu ngờ nó tin Nhất có ma lai. Khổ lắm, từ ngày người ta đồn Nhất là ma lai, mình đi đâu cũng bị người ta xa lánh, gặp người lớn là họ đuổi”. Nói đến đấy, Khương ngồi thụp xuống góc nhà và bật khóc.

Sau khi chôn cất Ka Nhất, Nai Gươm (vợ Ya Tăm) thắp nhang cho anh rể, dắt theo một con trâu để đền theo tục của làng. Nhà nghèo, Gươm phải đi vay đầu trên xóm dưới, mỗi người một ít. Trước bàn nhang, hai người phụ nữ ôm nhau khóc.

Đưa nén nhang ngang mặt, Gươm nói: “Nhất ơi, tao không biết để cản nó, nó giết mày rồi, chị em tao giờ phải làm sao đây. Súng nó giấu ngoài rừng, tao không biết, Nhất ơi”.

Quay sang Nai Khương, Gươm nói mà nước mắt chảy dài: “Chị ơi, tha cho em, cho nhà em chị ơi, người chết đã chết rồi, người bị bắt thì bị bắt rồi, còn chị em ở nhà thôi”.

Những đứa trẻ, con của Ka Nhất và Ya Tăm đứng ríu lại với nhau, im thin thít nhìn hai người mẹ khóc. Nai Khương nói: “Lo nhất là thằng Tu Prông Đô, nó thấy cha nó bị bắn rồi nó sinh thù hận với người trong họ”.

Nỗi lo của Nai Khương không phải là vô cớ. Từ hôm cha bị bắn chết, Đô không chơi với anh em trong họ nữa, nó hay đứng một mình ở góc nhà, ánh mắt đăm đăm.

Ma lai lại trở thành oan nghiệt đổ lên cả một dòng họ. Ba căn nhà của ba anh em cột chèo Thoàn, Nhất, Tăm vẫn kề nhau nhưng lạnh lẽo.

Những vụ trọng án từ tin đồn “ma lai”, “thuốc thư”

* 10-3-2007: Duân và Kel (cùng 29 tuổi, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) có mâu thuẫn với thanh niên trong làng và bị đồn có “thuốc thư” có thể làm chết nhiều người.

Tối 10-3-2007, hàng chục người dân trong làng kéo đến nhà Duân đập phá. Duân về thấy nhà mình tan hoang nên đến nhà rông chửi bới. Thanh niên trong làng bao vây đánh Duân chết, sau đó lại kéo đến nhà Kel đánh chết Kel cùng cha.

* 9-3-2007: Chuưt (28 tuổi) cùng vợ Đreh (27 tuổi) tổ chức lễ cúng, uống rượu tại nhà (xã Đắk Yă, huyện Mang Yang, Gia Lai). Đến 21g cùng ngày, khi mọi người về, Chuưt đóng chặt cửa rồi dùng rìu chém vợ chết và đánh chị ruột Vol (49 tuổi) cùng ba con nhỏ bị thương nặng.

Ghi nhận từ cơ quan điều tra, dân làng nghi ngờ gia đình Chuưt có ma lai, Chuưt hoang mang lo sợ bị dân làng đánh và phá nhà cửa nên sát hại vợ con.

* 24-2-2007: Một số thanh niên ở làng Ka (xã Ia Tiêm, Chư Sê, Gia Lai) kéo đến nhà Kpă Ven (45 tuổi) ở cùng làng, tra khảo đánh đập Ven, yêu cầu phải chỉ chỗ cất giấu “thuốc thư”. Sau đó, Ven bị một số thanh niên trong làng đánh bị thương nặng và tử vong vào khuya cùng ngày.

(Nguồn: Ban chỉ đạo Tây nguyên)

 

MAI VINH ([email protected])