Giúp con “giữ mình” trước áp lực nhóm bạn
Con trẻ tuổi mới lớn đôi khi rất cần được bạn bè chấp nhận với hình ảnh “long lanh” nên dễ ra tay làm những chuyện “trước đây chưa từng” dưới áp lực của nhóm bạn.
Giúp con “giữ mình” trước áp lực nhóm bạn
Con trẻ tuổi mới lớn đôi khi rất cần được bạn bè chấp nhận với hình ảnh “long lanh” nên dễ ra tay làm những chuyện “trước đây chưa từng” dưới áp lực của nhóm bạn.
Điều nguy hiểm là những người bạn trong nhóm cũng trong độ tuổi dễ bốc đồng với bao hành vi nông nổi.
Trong khi đó, nhiều cha mẹ chưa “về cùng phe” với con tuổi mới lớn.
“Làm bậy” theo nhóm bạn
Cho đến khi cậu con trai học lớp 8 bị kỷ luật, mẹ của N. (quận 5, TP.HCM) vẫn không tin là sự thật. Bấy lâu ở nhà N. rất ngoan hiền, còn ở lớp luôn học giỏi tốp đầu. Dạo gần đây N. tham gia nhóm bạn trong lớp thích gây chú ý bằng những trò khác lạ.
Trò mới nhất là biểu diễn phun khói thuốc lá tạo hình những chữ O. Hai lần suôn sẻ, đến lần thứ ba thì bị giám thị bắt quả tang. Cậu học trò phân bua với mẹ: “Các bạn ấy làm, con đành làm theo”.
Khác với N., con trai chị Bích Ph. (quận 3, TP.HCM) cùng với bốn nam sinh khối lớp 9 bị kỷ luật vì đánh nhau với một nhóm khác cùng trường. Số là một bạn trong nhóm có xích mích với một nam sinh khối 8, hôm sau cả nhóm kéo nhau đi “dạy dỗ đàn em”. Do ít “trận mạc” nên cậu trò giắt theo con dao gọt trái cây để phòng thân. Khi ra hội đồng kỷ luật, tội của cậu nặng nhất vì món “hàng nóng” đó.
Chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Hoa có chia sẻ câu chuyện đáng tiếc của con trai chị Nguyệt Nh. (quận Phú Nhuận, TP.HCM) khi cậu trò này “rơi” vô nhóm bạn con nhà khá giả và có “năng khiếu” ăn chơi. Một hôm, do hết tiền, nhóm bàn nhau đi giật túi xách.
Do nể bạn và cũng thích có tiền, con chị Nh. đã tham gia và bị công an bắt. Nhớ lại chuyện xảy ra năm ngoái, chị Nh. vẫn còn buồn: “Thằng nhỏ hiền như cục bột, chẳng hiểu sao lại như thế”.
Không riêng gì “phái mạnh”, các cô gái cũng dễ “chết” dưới áp lực bạn bè. Như câu chuyện từ một chuyên viên tâm lý: Nhóm bạn lớp 11 chơi thân gồm ba trai và hai gái. Trong buổi tiệc chia tay một thành viên nhóm đi định cư nước ngoài, hai cô bé bị các cậu con trai ép uống bia, được ba chai thì gục tại bàn, không còn hay biết gì.
Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, hai cô bé hoảng hốt khi thấy mình trong nhà nghỉ cùng ba chàng nọ, tất cả đều không mảnh vải che thân. “Đêm đó, cha mẹ hai cô bé hoảng loạn tìm con khắp nơi”, nữ chuyên viên tâm lý nói.
Khi con cần hình ảnh “long lanh”
Nhiều cha mẹ biết rất rõ tuổi mới lớn là bước chuyển từ trẻ sang người lớn, nhưng không ít cha mẹ xem con mình vẫn còn là trẻ con hoặc tỏ thái độ khó chịu với tình trạng “dở dở ương ương” của con.
Khi khó gần cha mẹ, con tìm đến bạn bè do cùng “hoàn cảnh”. TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Với các bạn mới lớn, bạn bè chiếm giữ vị trí cực kỳ quan trọng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Bị nhóm bạn tẩy chay là điều kinh khủng. Áp lực đó có thể khiến các bạn trẻ làm những việc trước đó chưa từng làm”.
Vậy nếu nhóm bạn xui khiến con trẻ “làm bậy” thì sao? TS Khắc Hiếu gợi ý cách thoát hiểm: từ chối thẳng thắn nhưng đầy chân thành, song song đó bày tỏ sự lo lắng cho cả nhóm, gợi ra những hậu quả không đáng có mà cả nhóm có thể phải gánh chịu nếu tiếp tục, đề xuất ý tưởng khác hay hơn nhưng lành mạnh hơn.
“Về lâu dài, nếu nhóm kiên quyết lôi kéo rủ rê làm chuyện xấu, nên bí mật báo cho nhà trường để kịp thời ngăn chặn”, TS Hiếu nói. Nhưng để con trẻ đủ bản lĩnh để “giữ mình” trước áp lực nhóm bạn được như thế là cả quá trình tác động từ người lớn, đặc biệt là cha mẹ.
Theo TS Khắc Hiếu, người lớn cần trang bị cho con trẻ “chiếc khiên tự phòng vệ” bằng cách dạy trẻ biết phân biệt tốt – xấu ngay từ nhỏ, biết cách nói “không” với người khác một cách chân thành, biết tìm kiếm sự can thiệp của “bên thứ ba” khi bị bạn bè đưa vào tình huống khó xử.
Một số cha mẹ hay gợi ý con rủ bạn về nhà học nhóm, nấu ăn… để họ có cơ hội trò chuyện với bạn bè của con và định hướng các hành vi tốt cho cả nhóm, biết rõ nhóm đang làm gì và thậm chí có thể hỗ trợ nhóm.
Muốn “chơi” được với nhóm bạn của con như vậy, theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), trước hết cha mẹ cần giữ bằng được mối dây liên hệ thân thiết với chính con mình. TS Bích Hồng lưu ý: “Con đang lớn, đừng vì nôn nóng muốn con hoàn hảo mà cứ tập trung vào những cái chưa tốt của con, từ đó tạo ra khoảng cách”.
Còn muốn con khẳng định bản thân trong nhóm bạn, theo TS Bích Hồng, cha mẹ cần hỗ trợ trẻ trở thành “người được việc”. Cùng con bàn bạc giải pháp cho các hoạt động của nhóm để con “long lanh” dưới mắt bạn bè như một “nhà tổ chức tài ba”, “nhà hoạch định chiến lược”, quân sư quạt mo” của nhóm. Xuyên suốt và hơn hết thảy, cha mẹ cần đề cao những cách khẳng định bản thân trước bạn bè một cách lành mạnh như học giỏi, năng động, giúp đỡ cha mẹ…
Theo thạc sĩ Trần Thị Ái Liên, cha mẹ nên thường xuyên thảo luận, trao đổi với trẻ về mọi vấn đề trong cuộc sống hằng ngày và gợi ý trẻ chọn lựa cách hành xử theo các giá trị sống tốt đẹp, tránh xa hành vi xấu. Còn để nói “không” hiệu quả trước áp lực bạn bè, các bạn trẻ cần sở hữu nhiều kỹ năng cần thiết như giao tiếp, thương lượng, giải quyết mâu thuẫn, ra quyết định… “Nếu cha mẹ cứ mãi áp đặt, làm thay cho trẻ, không tạo cơ hội cho trẻ thực hành các kỹ năng đó thì con trẻ không thể sở hữu chúng”, bà Liên nói. |