Máu đào vì nước quên thân

Trong diễn văn kỷ niệm 75 năm Ngày khởi nghĩa Nam kỳ đọc tại khu lưu niệm Ngã Ba Giồng, Phó bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhắc nhớ: “Trong những ngày khởi nghĩa, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện…”.

 75 NĂM NGÀY KHỞI NGHĨA NAM KỲ (23-11-1940 – 23-11-2015):

Máu đào vì nước quên thân

 

Trong diễn văn kỷ niệm 75 năm Ngày khởi nghĩa Nam kỳ đọc tại khu lưu niệm Ngã Ba Giồng, Phó bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhắc nhớ: “Trong những ngày khởi nghĩa, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện…”.



 


Cờ đỏ sao vàng lần đầu xuất hiện ở khởi nghĩa Nam kỳ, thắm máu chiến sĩ, nhân dân để được chọn làm quốc kỳ sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Chương trình văn nghệ tái hiện tại khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng, H.Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
Cờ đỏ sao vàng lần đầu xuất hiện ở khởi nghĩa Nam kỳ, thắm máu chiến sĩ, nhân dân để được chọn làm quốc kỳ sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Chương trình văn nghệ tái hiện tại khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng, H.Hóc Môn, TP.HCM – Ảnh: Tự Trung

Thầy giáo Nguyễn Hữu Tiến, người chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa đã vẽ nên lá cờ để làm lời hiệu triệu, động viên, như lời thơ ông viết: Hỡi những ai máu đỏ da vàng/ Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc/ Nền cờ thắm máu đào vì nước/ Sao vàng tươi, da của giống nòi…

Lá cờ ấy đã thấm máu của chính ông. Nguyễn Hữu Tiến bị bắt và bị xử bắn cùng các lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và bao nhiêu người chiến sĩ vô danh khác.

Máu của Nam kỳ khởi nghĩa thấm vào lá cờ vừa được khai sinh để làm nên sự thiêng liêng của quốc kỳ…

Ảnh: T.Tùng
Ảnh: T.Tùng

“Chúng tôi không bao giờ quên lý tưởng mà vì nó cha ông mình đã ngã xuống. Chúng tôi nhớ để tiếp tục…

Chị Huỳnh Thị 
Minh Tâm

Máu thắm màu cờ

Dù chỉ nghe qua lời cha kể nhưng chị Huỳnh Thị Minh Tâm vẫn không thể giữ cho lòng mình bình yên mỗi khi nhắc lại chuyện sau ngày khởi nghĩa.

Ông Huỳnh Văn Một, cha chị, chỉ huy nghĩa quân ở Đức Hoà, tỉnh Chợ Lớn. Sau đêm nổi dậy, ông cùng anh em rút lên Tây Ninh nhưng tông tích đã bị lộ, gia đình ông cũng đã bị tố cáo là thường xuyên lo cơm nước, nuôi giấu cán bộ, nghĩa quân khởi nghĩa.

Chị Tâm lạc giọng khi kể lại câu chuyện cha đã kể: “13 người trong gia đình bị bắt trói giữa ruộng, chúng bảo nhau tưới xăng, chuẩn bị đốt. Ông nội tôi 69 tuổi căm phẫn kêu: “Bọn bay ác hơn cầm thú…”.

Tiếng kêu chưa dứt, một loạt đạn xả thẳng vào người ông. Bác Năm và người anh con bác Tám phẫn uất hét lên, lập tức bị bắn gục rồi quăng xác vào lửa đỏ. Tất cả những người còn lại, gồm năm phụ nữ và năm trẻ em bị quây chung một chỗ rồi đốt.

Tổng cộng bảy người chết trong buổi đó. Má lớn tôi tháo chạy được rồi sau đó mất vì vết phỏng quá nặng. Cô Chín cũng thoát được, một tháng sau tìm đường về làng rồi bị bắt lại, bị bắn lần nữa cùng 13 người khác”.

Còn với chị Phạm Thanh Phượng, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đầy hào hùng và bi thương gắn liền với những ám ảnh, đau đớn suốt cuộc đời của mẹ.

Chị rơi nước mắt: “Những ngày cuối đời, khi đã rơi vào hôn mê, mẹ tôi vẫn còn la hoảng, sợ hãi và căm phẫn như khi 16 tuổi bị rơi vào tay kẻ thù…”.

Mẹ chị là cô tiểu thư Ngọc Anh vừa tròn 16 tuổi vào năm 1940, sống êm đềm trong khu vườn thênh thang của ông ngoại ở Tam Bình, Vĩnh Long.

Mảnh vườn ấy được ông ngoại truyền đi nhiều huyền thoại để thành khu vườn cấm, bên trong là những lớp học về một xã hội công bằng, dân chủ, không còn bóc lột, bất công sẽ đến sau cuộc cách mạng do Bí thư Xứ uỷ Nam kỳ Tạ Uyên tổ chức. Sau khởi nghĩa, bị chỉ điểm, cả gia đình bị bắt.

Ông ngoại lãnh án 20 năm khổ sai, bị đày ra Côn Đảo, mất trong ngục đến nay chưa tìm được mộ. Các dì, các cậu và cả cô gái út Ngọc Anh đều bị bắt, bị giam cầm, tra khảo…

Ảnh: T.T.
Ảnh: T.T.

“Đó là con đường mà mẹ và cả gia đình đã lựa chọn, mất mát của mẹ và gia đình hòa vào mất mát của dân tộc… 

Chị Phạm Thanh Phượng

Mẹ con bà Tư trầu cau

Trên tường nhà truyền thống xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, xen giữa chân dung nhiều cán bộ chủ chốt trong khởi nghĩa Nam kỳ là bức hoạ hình một người phụ nữ đẹp, tóc bới gọn sau ót.

Bên dưới chú thích: bà Nguyễn Thị Giã. Cách bức ảnh không xa là tủ trưng bày hiện vật, bên trong có chiếc nồi đồng khá lớn. Mảnh giấy nhỏ bên cạnh ghi: “Nồi đồng của gia đình bà Nguyễn Thị Giã dùng nấu cơm cho đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai”.

Nhà truyền thống Hóc Môn lại có thêm một chiếc bàn gỗ nứt nẻ, mối mọt được ghi nhận: bàn làm việc của đồng chí Minh Khai ở nhà bà Nguyễn Thị Giã.

Chúng tôi gặp lại tấm hình của bà, gương mặt như tạc của bà trong một căn nhà nằm khuất bóng cây ở xã Bà Điểm. Bà Sáu Tự (Nguyễn Thị Minh Tự) cười: “Chồng tôi theo trí nhớ mà hoạ lại hình má, tôi thì cứ nhớ má mãi thôi”.

Bà Nguyễn Thị Giã được người Bà Điểm gọi là Tư trầu cau. Bà trồng trầu cau, buôn bán tháo vát nổi tiếng cả vùng, nhưng bà còn có những giấc mơ mà bà luôn thủ thỉ với cô con gái nhỏ.

“Má nói cuộc đời tôi rồi sẽ được sung sướng vì má đang đấu tranh cho một xã hội công bằng, tôn trọng phụ nữ, không còn giàu nghèo, không còn áp bức…” – bà Tự kể.

Với giấc mơ đó, bà Tư Giã dấn thân vào hoạt động cách mạng. Bà không chỉ cơm nước, bảo vệ những cuộc họp cho chị Năm Bắc (tức Nguyễn Thị Minh Khai) và các đồng chí của chị, bà còn là một liên lạc viên xuất sắc với những tập tài liệu trong thúng trầu cau, một cán bộ tuyên truyền sôi nổi với niềm tin vào lý tưởng không lay chuyển.

Trước ngày khởi nghĩa, kế hoạch bị lộ nên hầu như toàn bộ lãnh đạo Đảng, xứ uỷ đều bị bắt, những cơ sở quần chúng không ngoại lệ. Bà Tư Giã và cả cô con gái nhỏ 8 tuổi cùng bị bắt.

“Má bị giam riêng, tôi bị giam trong phòng chật kín người, ép như cá mòi. Tôi nhìn ra hành lang thấy một người cõng trên lưng một người nữa đầu tóc rũ rượi, đến gần thì nhận ra má. Má bị đánh hộc máu, thâm tím mình mẩy, tay chân. Tôi chỉ biết khóc…” – bà Tự kể.

Một buổi tối, tên cò Bétaille kêu lính dẫn bé Minh Tự lên. “Hắn cho kẹo, trái cây rồi đưa ra tấm hình hỏi: “Bé có biết ai đây không? Người này có hay đến nhà bé không? Nói đi rồi hai má con sẽ được thả về”.

Trong hình, cô Minh Khai mặc áo sẫm, tóc thắt bím, đôi mắt nhắm nghiền. Tôi lắc đầu: “Không biết”. Má đã dặn: “Ai hỏi gì con cứ lắc đầu không biết. Con mà nói, má sẽ không về với con nữa”.

Sau một tháng bị giam cầm, bé Minh Tự được thả về, còn bà Tư Giã bị chuyển từ nhà giam này sang nhà giam khác đến hơn ba năm. Được thả về, đau ốm bệnh tật, bà lại lao vào khôi phục phong trào, tiếp tục giấc mơ làm chủ một xã hội công bằng, no ấm 
của mình.

PHẠM VŨ – MAI HƯƠNG