01/11/2024

Dân thắng kiện mà… như thua

Việc Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang cho bên mua và bên bán ký khống chứng từ mua bán tài sản đấu giá dẫn đến hậu quả người dân phải đi khiếu kiện nhiều năm trời.

 

Dân thắng kiện mà… như thua

 

Việc Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang cho bên mua và bên bán ký khống chứng từ mua bán tài sản đấu giá dẫn đến hậu quả người dân phải đi khiếu kiện nhiều năm trời.




Ông Hiệp và chồng hồ sơ vụ việc - Ảnh: Thanh Dũng

Ông Hiệp và chồng hồ sơ vụ việc – Ảnh: Thanh Dũng

Ông Nguyễn Văn Hiệp (59 tuổi, ngụ TX.Tân Châu, An Giang) phản ánh nhiều năm nay ông đã tốn công sức, tiền bạc đi khiếu nại, khiếu kiện Cục Thi hành án (THA) dân sự tỉnh An Giang ra toà. Ông Hiệp đã dự 5 phiên toà và phiên toà nào ông cũng thắng nhưng thắng mà như thua.
Cục THA bán tài sản không hợp pháp
Theo ông Hiệp, ngày 25.10.1999, ông đấu giá mua tài sản THA do Cục THA dân sự tỉnh An Giang (lúc đó là Phòng THA dân sự tỉnh) phát mãi tài sản của ông Mã Chí Minh (ngụ H.An Phú, An Giang), gồm hệ thống sản xuất nước đá, nhà xưởng và nền đất tổng diện tích 1.098,84 m2 toạ lạc ở TT.An Phú (H.An Phú). Tổng tài sản trên được bán với giá 856,167 triệu đồng và ông Hiệp đã nộp cho Cục THA dân sự tỉnh 601,149 triệu đồng. Sau khi Cục THA dân sự tỉnh giao tài sản, ông Hiệp cho hoạt động nhà máy thì UBND TT.An Phú không chấp nhận vì cho rằng đất thuộc quy hoạch khu dân cư và giấy phép hoạt động, con dấu của chủ nhà máy này cũng đã bị UBND tỉnh thu hồi.
Bức xúc vì khi mua tài sản Cục THA dân sự tỉnh không cung cấp đầy đủ thông tin trên nên ông Hiệp khiếu nại và Cục THA dân sự tỉnh thống nhất chấm dứt việc bán đấu giá tài sản THA. Ngày 30.5.2000, Cục THA dân sự tỉnh ban hành quyết định, phía THA có trách nhiệm thu hồi lại số tiền mà các đơn vị đã nhận hoàn trả cho ông Hiệp, ông Hiệp phải giao tài sản đã mua trả lại ông Minh. Ông Hiệp được Cục THA dân sự tỉnh giao trả 61,49 triệu đồng mà họ đã thu, còn lại 540 triệu đồng Cục THA dân sự tỉnh cho rằng trách nhiệm này là của Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh H.An Phú vì ông đã chuyển tiền vào ngân hàng này.
Ông Hiệp đi rút tiền nhưng không được nên năm 2003 làm đơn kiện Cục THA dân sự tỉnh, ông Minh và Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh H.An Phú – là những người, đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ra toà. Ngày 1.3.2003, TAND tỉnh An Giang ra bản án sơ thẩm buộc ngân hàng trên phải trả gốc và lãi cho ông Hiệp là 637,680 triệu đồng, ông Minh hoàn trả cho ông Hiệp 90 triệu đồng. Cả ông Minh và ngân hàng kháng án. Ngày 7.1.2004, Toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, ra quyết định hủy bản án sơ thẩm. Ngày 12.2.2007, TAND tỉnh An Giang mở phiên toà sơ thẩm buộc Cục THA dân sự tỉnh bồi thường ông Hiệp số tiền 460,476 triệu đồng, ông Minh có trách nhiệm hỗ trợ Cục THA dân sự tỉnh 100 triệu đồng bồi thường cho ông Hiệp. Cả ông Minh và Cục THA dân sự tỉnh lại kháng án.
Ngày 22.6.2007, Toà phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM xử phúc phẩm, ra quyết định buộc ông Minh hoàn trả ông Hiệp 540 triệu đồng và tiền lãi là 472,650 triệu đồng. Lần này ông Minh khiếu nại bản án phúc thẩm nên ngày 15.12.2009, ông Từ Văn Nhũ, Phó chánh án TAND tối cao lúc bấy giờ, ra quyết định đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án dân sự phúc thẩm. Ngày 3.11.2010, TAND tối cao đã huỷ bản án dân sự phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh An Giang xét xử lại.
Tiếp tục hầu toà
Ông Hiệp nói: “Rốt cuộc tôi phải làm lại từ đầu, lại tiếp tục mòn mỏi đi khởi kiện Cục THA dân sự tỉnh đòi tiền. Tháng 4.2015, ông Minh mới giao cho tôi 420 triệu đồng trong số 540 triệu đồng. Tôi khởi kiện Cục THA dân sự tỉnh tiếp để đòi số tiền còn lại. Từ ngày 25 – 28.9.2015, TAND tỉnh An Giang xử sơ thẩm, tôi lại thắng kiện Cục THA dân sự tỉnh, toà buộc họ bồi thường cho tôi tiền gốc và lãi là 620,841 triệu đồng. Tôi thắng nhưng mà chẳng vui vì bên bị đơn lại kháng án. Tôi buồn quá, một vụ việc mà cứ kéo dài đến khi nào mới được yên thân đây?!”.
Ông Hiệp cho rằng phải chi lúc bán nhà máy của ông Minh bên Cục THA dân sự tỉnh nói rõ thì ngay từ đầu ông đã không mua tài sản trên. Để có được số tiền lớn mua nhà máy, ông đã vay nhiều nơi và bị vướng nợ. Ông Hiệp nhẩm tính: “Trong vụ này, tôi thiệt thòi và nhân nhượng lắm rồi. Với số tiền hơn 600 triệu đồng thời điểm đó tôi mua được hơn 100 lượng vàng, còn bây giờ nếu có thắng kiện tôi có trên 1 tỉ đồng nhưng chỉ mua được vài chục lượng vàng. Bỏ công, tiền bạc để đi thưa kiện tốn biết bao có ai tính được đâu”.
Cho ký khống
Tại phiên toà (từ ngày 25 – 28.9.2015), đại diện Cục THA dân sự tỉnh An Giang cho rằng Cục không có lỗi vì thế không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông Hiệp, và cũng không có nghĩa vụ hoàn trả số tiền trên.
Trái lại, toà sơ thẩm nhận định, xét thấy Quyết định số 517/THA ngày 25.10.1999 đã thể hiện giữa Cục THA dân sự với ông Hiệp có xác lập quan hệ dân sự giao kết hợp đồng bán đấu giá tài sản THA. Bên bán là Cục THA dân sự tỉnh và bên mua là ông Hiệp.
Tại tòa, ông Hiệp và Cục THA dân sự tỉnh xác định thực tế ông Hiệp chỉ nộp 601,49 triệu đồng thay vì 860 triệu đồng. Trong khi đó, Cục THA dân sự đã ra phiếu thu tiền là 860 triệu đồng và ra phiếu chi tiền còn thừa cho ông Minh là 338,51 triệu đồng. Nhưng cho đến nay ông Minh chưa nhận số tiền chi thừa này.
Như vậy, Cục THA dân sự tỉnh đã cho ông Hiệp và ông Minh ký khống vào chứng từ của Cục THA dân sự tỉnh nhằm mục đích hợp thức hoá thủ tục bán đấu giá tài sản. Cục THA dân sự tỉnh đã cố ý làm trái nguyên tắc tài chính trong thủ tục bán đấu giá THA nên từ đó làm phát sinh mâu thuẫn giữa ông Hiệp và ông Minh dẫn đến tranh chấp kéo dài gây thiệt hại tài sản của 2 ông này, đây là lỗi của Cục THA dân sự tỉnh nên toà chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện của ông Hiệp là có căn cứ.

Thanh Dũng