27/01/2025

Chồng ơi, bớt nhậu về với vợ con

58,8% bạn đọc là phụ nữ tham gia khảo sát chia sẻ rằng chồng thường xuyên lấy lý do “uống với anh em, bạn bè cho vui” để đi nhậu, trong đó mức độ sử dụng bia rượu từ 3 – 4 lần/tuần chiếm tỉ lệ cao nhất (37,5% ý kiến).

 DÂN NGHĨ – DÂN LÀM

Chồng ơi, bớt nhậu về với vợ con

 

58,8% bạn đọc là phụ nữ tham gia khảo sát chia sẻ rằng chồng thường xuyên lấy lý do “uống với anh em, bạn bè cho vui” để đi nhậu, trong đó mức độ sử dụng bia rượu từ 3 – 4 lần/tuần chiếm tỉ lệ cao nhất (37,5% ý kiến).




Người đàn ông cởi trần (mặc quần ngắn carô) say rượu chạy xe va chạm với một xe đi cùng chiều - Ảnh: Hữu Khoa
Người đàn ông cởi trần (mặc quần ngắn carô) say rượu chạy xe va chạm với một xe đi cùng chiều – Ảnh: Hữu Khoa

Đây là kết quả khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ với 80 phụ nữ đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Tuy khác nhau về độ tuổi, trình độ văn hoá, thu nhập, môi trường sống nhưng họ có điểm chung là… “bó tay” với các ông chồng thường xuyên làm bạn với lưu linh.

Làm việc gì 
không cần nhậu?

Đó là câu hỏi mà chị P.N.L.A. (26 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) hỏi ngược lại người khảo sát bởi chị quá ngao ngán với lý do chồng đưa ra mỗi lúc say xỉn. Chị cho biết chồng làm ngân hàng, thường xuyên nhậu nhẹt với khách. “Bình thường chồng rất hiền nhưng uống vào là to tiếng với vợ con vì những chuyện không đâu. Tôi nhẹ nhàng góp ý thì anh lớn tiếng nói một nửa công việc được giải quyết ở cơ quan, một nửa còn lại phải giải quyết trên bàn nhậu” – chị L.A. kể.

Trong 80 người trả lời khảo sát có 58,8% phụ nữ được hỏi nói chồng họ thường “chén chú chén anh” với bạn bè cho vui, số khác lấy lý do đi nhậu vì công việc đòi hỏi tiếp khách, cần mở rộng mối quan hệ… (40% ý kiến) hoặc nhậu khi có đám, tiệc. Cá biệt có người nhậu chẳng vì lý do gì, vui cũng uống, buồn cũng uống, không vui không buồn… cũng uống.

Nhưng lý do nào cũng tựu trung vì công việc. Như câu chuyện của chị Đ.T.H. (Q.Thủ Đức): “Chồng làm xây dựng nên khi thì ổng mời thợ, lúc thì chủ nhà mời nên ổng nhậu miết”. Nhiều ông chồng ý thức việc mình là trụ cột trong gia đình nên hay cắc cớ: “Em không muốn anh thăng tiến sao?” hay “Tôi đi nhậu cũng vì kiếm tiền cho cái nhà này” để bà xã không cằn nhằn.

Những phụ nữ tham gia khảo sát bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ chuyện dùng rượu bia giải quyết công việc của chồng. Tuy nhiên, các chị em đều lo lắng cho sức khoẻ của chồng, hoặc gặp nguy hiểm khi lái xe trong tình trạng say xỉn (43,8% ý kiến). Không chỉ lo cho sức khỏe chồng, 30% phụ nữ được hỏi cho biết họ còn lo kinh tế gia đình bị ảnh hưởng, tháng nào chồng móc hầu bao để nhậu càng nhiều thì tháng đó tiền chợ búa, chi phí sinh hoạt gia đình, tiền học thêm của con cái càng eo hẹp.

Các bà vợ muốn gì?

Khi chồng say xỉn, 50% phụ nữ được hỏi cho biết họ thường tạm chịu đựng lúc đó rồi đợi sáng hôm sau hoặc khi nào chồng tỉnh táo, vui vẻ sẽ tìm cách nhắc khéo, nhẹ nhàng góp ý. 32,5% ý kiến cho biết thường xuyên phản ứng gay gắt vì chồng nhậu về là nôn ói, la mắng vợ con, đập phá đồ đạc hoặc nhắc mãi những chuyện buồn trong quá khứ. Có người nhậu về đòi hỏi chuyện chăn gối cao hơn bình thường, khiến vợ gặp áp lực tâm lý mỗi khi chồng say xỉn.

Số ít phụ nữ còn lại chọn cách im lặng, xem chuyện chồng say xỉn như điều tất yếu bởi đã hết cách. Song, bia rượu khiến có lúc người vợ không thể dằn lòng nín nhịn.

Như bà T.T.Đ. (Q.Bình Thạnh) vốn chỉ quanh quẩn nơi góc bếp lo cơm nước cho gia đình, đã dằn lòng xa các con vào Sài Gòn kiếm sống. Chồng bà nghiện rượu nặng, nhà có gì là chồng bà đem bán lấy tiền mua rượu. Cha suốt ngày say xỉn, con cái bỏ bê học hành. Bà sợ con hư nên ly dị, giành quyền nuôi con.

“Tôi từng uất ức đến mức lấy con dao trong bếp hù doạ “một là ông chết, hai là tôi chết cho ông vừa lòng” nhưng thấy các con tôi liền giật mình, mình phải sống để lo cho con” – bà Đ. kể.

Nhiều biện pháp được các chị em đưa ra để hạn chế việc uống rượu bia của chồng như chủ động nhắc chồng điều chỉnh việc giao tế trong tiếp khách (58,8% ý kiến), giúp chồng có những thú vui lành mạnh như chơi thể thao, dạy con học… (43,8%).

Ngoài ra, các chị em còn mong muốn được xã hội chung tay giúp sức bằng những biện pháp: đẩy mạnh truyền thông trong cộng đồng (treo băngrôn tuyên truyền, hình ảnh tai nạn gây ra bởi bia rượu hoặc in hình ảnh hậu quả việc sử dụng bia rượu lên sản phẩm như bao thuốc lá…), báo chí có nhiều bài viết phản ánh mạnh mẽ hậu quả do bia rượu gây ra, Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn việc cung cấp và sử dụng rượu bia và từng địa phương có mô hình giám sát để nhắc nhở kịp thời đối với những ông chồng thường xuyên say xỉn, có hành vi bạo lực gia đình…

Tuy nhiên, 66,3% ý kiến cho rằng không biện pháp nào hữu hiệu bằng việc chồng tự ý thức, biết kiểm soát mình trước bàn nhậu. Mong muốn chung của các bà vợ là chồng hãy có trách nhiệm hơn và biết chia sẻ với vợ để gìn giữ hạnh phúc gia đình.

“Hiến kế” giúp chồng bớt nhậu

Bà Dương Thúy Vân (41 tuổi, ngụ Q.1):

“Tôi nghĩ bữa cơm gia đình rất quan trọng. Nếu người vợ nấu ăn ngon, biết cách tạo không khí ấm cúng trong bữa ăn sẽ phần nào giúp chồng từ bỏ các cuộc vui bên ngoài mà về nhà ăn cơm cùng vợ con”.

Chị Tăng Thị Thanh Hà (30 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức):

“Theo tôi, không nên xử phạt cá nhân say xỉn vì chồng nhậu nhẹt bê tha đã là gánh nặng cho vợ rồi. Nếu bị phạt nữa thì kinh tế gia đình càng eo hẹp, vợ chồng càng lục đục hơn. Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người chồng, chứ mấy ổng nghiện rượu bia rồi thì bên ngoài tác động cỡ nào cũng không ăn thua”.

Chị Phạm Thị Ngọc Cẩm (25 tuổi, Q.Thủ Đức):

“Đàn ông thường ưa ngọt nên người vợ cần nhỏ nhẹ, thủ thỉ theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” cho chồng hiểu. Nếu chồng không bớt nhậu thì giả vờ đi uống một bữa say thiệt say, về quậy lại cho chồng thấy hình ảnh mình khi say tệ như thế nào”.

Chị Đỗ Thị Như Ngọc (32 tuổi, Q.Phú Nhuận):

“Con cái đôi khi là cầu nối cho hai vợ chồng. Phụ nữ có thể nhờ con nói chuyện, tâm sự với ba mỗi khi ba say xỉn. Biết đâu vì thương con mà các ông chồng suy nghĩ lại”.

NHÓM KHẢO SÁT