“Tôi thật sự ân hận”
N.M.K. (19 tuổi, nhà ở P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) buộc phải nghỉ học khi vừa lên năm 2 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM vì nghiện game nặng.
“Tôi thật sự ân hận”
N.M.K. (19 tuổi, nhà ở P.2, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) buộc phải nghỉ học khi vừa lên năm 2 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM vì nghiện game nặng.
Các trò chơi chiến thuật trực tuyến khiến giới trẻ “cày” liên tục bởi nếu dừng chơi sẽ bị trừ điểm mỗi ngày và rớt thứ hạng. Trong ảnh: các “game thủ” được phục vụ mì tôm, nước uống trong phòng kín có điều hoà tại TP.HCM – Ảnh: Ngọc Hiển |
Nhìn khuôn mặt khôi ngô của K. ít ai nghĩ rằng chàng trai này đã có “thâm niên” cày game online từ khi là học sinh lớp 9.
Tâm sự của K.
K. tâm sự với Tuổi Trẻ:
“Lúc rảnh bạn bè rủ thì tôi chơi, chơi tầm một tháng thì thấy khoái, ngồi học hay làm bất cứ việc gì cũng cảm thấy bứt rứt, nghĩ về game thôi. Đến năm lên lớp 10, tôi như cá gặp nước khi mẹ sắm cho một dàn máy tính mới toanh kết nối mạng.
Niềm vui kéo dài mấy tháng thì ba mẹ phát hiện tôi quá “say” game nên đã cắt mạng. Từ đó, số tiền 50.000 đồng mỗi ngày ăn sáng, tiêu vặt, tôi dồn chơi game chiến thuật, “cúp” học cùng nhóm bạn.
Bố tôi là kỹ sư cơ khí, mẹ là kế toán với công việc bận rộn nên mãi đến năm tôi lên lớp 11 gia đình mới hay chuyện và bắt đầu kèm cặp. Mẹ dặn dò, khuyên răn tôi đủ điều rồi còn chở tôi đi học mỗi ngày. Tôi hứa đi hứa lại suốt nhưng hở cái là lại trốn ra tiệm net, lộ quán này thì tôi lẻn đi quán khác vì game có sức hút.
Đậu ĐH, cha mẹ bắt đầu trả tự do nên tôi đi “lút” đêm mẹ cũng không nói vì tôi đã là sinh viên. Lần đầu tiên tôi chơi với team liên tục hai ngày đêm không về nhà, chỉ ăn mì tôm trứng ngay tại quán. Từ đầu năm nhất đến năm 2 ĐH là quãng thời gian tôi đi chơi đêm với hơn một nửa năm là ngủ luôn đêm ở quán.
Tôi chơi liên tục lên đến level 4/7, dồn tiền vào mua trang phục cho con tướng. Tôi không thể dừng lại bởi nếu một ngày không chơi thì sẽ bị trừ 0,5 điểm rồi rớt level. Đêm tôi đi chơi, ngày về nhà tắm, nghỉ ngơi dưỡng sức đến đêm lại đi tiếp. Một lần nữa mẹ tôi phải nghỉ làm và bắt tôi nghỉ học ĐH, ở nhà để “cai” game.
Tôi bị “nhốt” trong phòng, không được ra đường nhưng lựa lúc mẹ đi ngủ tôi lại trèo lan can ra ngoài chơi game. Quá bức bối với cảnh tù túng nên tôi đã lén trộm của mẹ 10 triệu đồng để đi chơi game. Khi bị mẹ phát hiện, tôi lại trộm thêm 10 triệu nữa và bỏ nhà đi trọn 10 đêm. Khi chơi game đầu óc tôi bấn loạn, mọi lời khuyên đều vô nghĩa. Nó là ma tuý công nghệ mà.
Bây giờ khi đã cai được game, tôi nghiệm ra bản thân mình đã bỏ phí một thời gian dài tươi đẹp của tuổi trẻ vào game. Cứ một giờ 5.000 đồng thì năm năm qua tôi đã dồn quá nhiều tiền của cha mẹ vào game. Tôi thật sự ân hận vì “yêu” game mà bây giờ không có bạn, không có người yêu và đau đớn hơn là chính mình đã tự đánh mất niềm tin của cha mẹ”.
Muốn chuộc lại lỗi lầm
N.Q.Kh. (16 tuổi, THPT Đông Du, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bắt đầu chơi game Đột kích cách đây hơn hai năm và trở nên “say” với loại game hành động này khi đã đạt đến cấp kim cương. Nhà Kh. ở tỉnh Đắk Nông, qua Đắk Lắk học nội trú nên Kh. không thể trốn học đi chơi game.
Nhưng khi nghỉ hè, cậu học trò này lại trốn cha mẹ đi “cày” game xuyên đêm. Chơi nhiều không có tiền trả quán net, Kh. bắt đầu nghĩ đến chuyện trộm tiền của mẹ “đốt” vào game. Dù mẹ đã khuyên Kh. đủ điều nhưng cứ chứng nào tật nấy nên cậu học trò này vẫn lén lút trộm tiền nhà hằng tuần.
“Bố tôi là giáo viên cấp II nên không chấp nhận chuyện con mê game và trộm tiền nên đã gửi tôi vào trường cai nghiện game. Sau bốn tháng không đụng đến game, tôi thấy mình không còn bứt rứt như trước và điều bây giờ tôi thấy là có lỗi với cha mẹ và hỏng rất nhiều kiến thức” – Kh. nói.
Còn với N.T.T. (23 tuổi, quê ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) quyết định nghỉ học để có thời gian “chiến” game Phong thần. “Mới lên cấp III thì tôi nghỉ học vì cuốn vở học của mình nhìn đâu cũng thấy bàn phím, không tiếp thu được gì” – T. nói.
Ở quê một thời gian, T. khăn gói lên Bình Dương sống cùng mẹ đang làm công nhân tại đây. Thấy con quá ham ra ngồi quán net nên mẹ T. mới mua cho con trai một bộ máy tính kết nối mạng đặt ở phòng trọ.
“Khi đó tôi đã chuyển sang chơi trò Mộng tam quốc và mẹ không biết tôi chơi suốt ngày khi mẹ đi làm. Mãi đến sau này khi tôi bị tai nạn và “ôm” máy tính nhiều hơn mẹ mới phát hiện, mẹ đi tham khảo nhiều người mới quyết định đưa tôi vào trường cai nghiện” – T. cho biết.
Hiện tại T. đang học lại lớp 10 và dự định sau này sẽ vận dụng kỹ năng của mình trở thành một chuyên viên công nghệ thông tin để chuộc lại những lỗi lầm với mẹ.
Anh Nguyễn Hoàng Sơn (giám đốc đào tạo, huấn luyện Trung tâm đào tạo tài năng trẻ châu Á – Thái Bình Dương): Cần có trung tâm cai nghiện game online Người nghiện game online ngày càng trẻ, tôi từng tiếp cận với một bé gái mới học lớp 3 nhưng đã nghiện game online nặng khiến mẹ của cháu phải nhờ đến sự tư vấn của chúng tôi. Điều đáng sợ nhất hiện nay là tình trạng nghiện game online làm cho đứa trẻ ảo tưởng về chính mình, rối loạn tâm lý hành vi như hạn chế về giao tiếp ngôn ngữ, viết lách… Khi đứa trẻ càng “mềm dẻo” trên bàn phím bao nhiêu thì khả năng viết lách và giao tiếp lại càng hạn chế bấy nhiêu. Nghĩ sâu xa thì việc để nhiều trẻ nghiện game online sẽ để lại nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến gia đình, về sau này xã hội thiếu đi những lao động có kỹ năng, thậm chí còn dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự vì từ nghiện game online dẫn đến phạm tội là khoảng cách không xa. Tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản họ có hẳn trung tâm cai nghiện game online của nhà nước. Họ biết rằng tốc độ phát triển mạng và game online sẽ có những hệ luỵ nên đã có những trung tâm như vậy. Trước đây tôi từng tham gia huấn luyện một số lớp cai nghiện game online của Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (thuộc Trung ương Đoàn), chúng tôi đã hỗ trợ các bạn nghiện game online trải nghiệm để tìm lại cảm xúc, nhận biết giá trị bản thân và biết cách sử dụng Internet một cách hiệu quả. Kết quả từ các lớp đó đạt 70 – 80% thành công. Bây giờ, bình quân hằng đêm tôi vẫn nhận 2 – 5 cuộc gọi để nhờ hỗ trợ con em họ vì quá nghiện game online. Chúng tôi hỗ trợ miễn phí những gia đình có con nghiện game online thông qua hình thức tư vấn và phối hợp cùng gia đình hỗ trợ người nghiện game online “cắt cơn”, định hướng theo những trò chơi cảm giác mạnh, bổ ích, sinh hoạt cộng đồng… Ngoài việc tạo những sân chơi lành mạnh, hấp dẫn giới trẻ, tôi rất mong xã hội phải có trung tâm cai nghiện game online của Nhà nước nhằm hỗ trợ những người nghiện game online từ bỏ thói quen xấu đem đến nhiều hệ luỵ cho gia đình và xã hội. |