30/11/2024

Yêu ba năm, bỏ một giờ

“Con muốn theo sự nghiệp học hành thì nắm cái lưng quần thiệt chặt. Chừ có chồng, có con rồi mà không biết thân, biết phận cứ đứng núi này trông núi nọ”.

 

Yêu ba năm, bỏ một giờ

 

“Con muốn theo sự nghiệp học hành thì nắm cái lưng quần thiệt chặt. Chừ có chồng, có con rồi mà không biết thân, biết phận cứ đứng núi này trông núi nọ”. 




Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bửu Ý, gia đình, trường học và cả xã hội phải đồng loạt chấn chỉnh tình trạng hôn nhân chóng vánh của giới trẻ. Trong ảnh: là một tiết học về chủ đề hôn nhân của học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế - Ảnh: Ngọc Dương
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Bửu Ý, gia đình, trường học và cả xã hội phải đồng loạt chấn chỉnh tình trạng hôn nhân chóng vánh của giới trẻ. Trong ảnh: là một tiết học về chủ đề hôn nhân của học sinh Trường THPT chuyên Quốc học Huế – Ảnh: Ngọc Dương

 

 

Câu nói cay nghiệt đó của mẹ chồng như đay nghiến lòng tự ái của cô con dâu tuổi đôi mươi khát khao được tiếp tục đeo đuổi con đường học vấn đang dở dang.

Bỏ ngang việc học để đi lấy chồng nhưng không ngờ cuộc hôn nhân này đối với cô gái V.Q.T. như sa chân vào một vũng lầy, mà con đường duy nhất để quay lại là bến học.

Trốn chạy khỏi hôn nhân

Trăn trở mãi T. mới quyết định rời Huế, bỏ lại đứa con gái bụ bẫm gần 1 tuổi để vào Sài Gòn học lại đại học. T. nhớ như in đó là buổi chiều 30-7-2014, người mẹ trẻ này nước mắt ràn rụa hôn tiễn biệt con ra đi mà đến tận bây giờ vẫn chưa được nhìn lại mặt con.

Cuộc hôn nhân không bến bờ hạnh phúc của T. bắt đầu từ những rung cảm đầu đời cách đây sáu năm, khi đó T. là nữ sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Quốc học Huế. T. con nhà gia giáo, ngoan hiền lại học giỏi có tiếng nên mẹ của L.X. K. mới nhờ nữ sinh này đến kèm cặp giúp K. thi vào trường của T. đang theo học. Nửa năm sau, “đôi bạn cùng tiến” này chính thức trở thành người yêu của nhau.

Học giỏi, T. thi đậu vào cả Trường ĐH Y dược Huế và ĐH Ngoại thương TP.HCM nhưng T. thích sống ở Sài Gòn nên khăn gói vào Nam. Một năm sau, K. cũng thi đậu vào Trường ĐH Kinh tế Huế. Đùng một cái, tin T. có bầu như sét đánh ngang tai giáng xuống hai gia đình trí thức có tiếng ở Huế.

“Hai đứa từng có những va chạm xác thịt mấp mé thôi nhưng khi que thử thai báo hai vạch em đã không tin vào mắt mình, em hoảng sợ và khóc suốt” – T. tâm sự.

Lễ cưới của cặp đôi sinh viên này được tổ chức trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, thầy cô. Hơn một năm sau ngày cưới, đôi vợ chồng son này mới đăng ký kết hôn vì người chồng chưa đủ 20 tuổi. Làm dâu ở Huế nên T. đành bảo lưu đại học về quê thi lại rồi đậu vào ĐH Y dược Huế và chăm chỉ đi học dù đang mang bầu.

Nhưng, T. nhanh chóng nếm trải những đắng cay của cuộc hôn nhân từ mối tình “chị em” khi những bất đồng thường xuyên xảy ra.

“Tôi muốn chuyên tâm học hành nhưng cứ bận bịu suốt ngày chuyện chồng con. Chồng tính tình vẫn còn trẻ con, đi tắm tôi cũng phải soạn sẵn áo quần móc trong phòng tắm, đến một bình sữa pha cho con chồng cũng nói đó không phải việc của đàn ông” – T. tâm sự.

Dù học trường y Huế nhưng sở thích của T. vẫn là trường ngoại thương nên bà mẹ trẻ quyết định “trốn” gia đình chồng vào học lại ĐH Ngoại thương TP.HCM. Điều T. không ngờ là hơn một năm qua gia đình chồng cắt đứt mọi mối liên lạc và cấm không cho người thân, bạn bè của T. đến thăm cháu gái. “Năm nay tôi và K. đều tốt nghiệp đại học, tôi sẽ học thêm thạc sĩ, kiếm việc làm rồi giành lại quyền nuôi con vì K. cũng đã có người yêu mới rồi” – T. nói.

Du lịch Sài Gòn 
chỉ một ngày

Đó là câu chuyện của L.T.K.A., cô gái duyên dáng xứ Huế sinh năm 1993. Năm ngoái, A. có một chuyến du lịch Sài Gòn chóng vánh khi 8g sáng lên máy bay nhưng 21g tối đã về lại Huế. Sớm bị bó buộc chuyện bếp núc, chồng con nên cô quyết định liều mình, trốn nhà chồng đi du lịch dù chỉ vỏn vẹn một ngày. A. mới 21 tuổi, dáng người nhỏ nhắn với khuôn mặt non choẹt nhưng đã có con trai 3 tuổi hiện sống tại TP Huế.

Năm K.A. học lớp 12, trong lúc đứng chào cờ thì A. ngất xỉu giữa sân trường rồi thường xuyên chóng mặt trong lớp. A. ngờ ngợ đem chuyện sức khoẻ của mình hỏi mấy người bạn thân thì ai cũng nói cô có… bầu.

“Tôi không làm “chuyện người lớn” thì làm răng mà có bầu được. Chỉ duy nhất đêm sinh nhật bạn trai tôi uống bia nên say, có ngủ lại nhà bạn ấy, sáng ngủ dậy thấy không mặc gì” – A. nói. Đem thắc mắc này đi hỏi người yêu cùng tuổi thì chàng trai này trả lời tỉnh bơ: “Đêm đó hai đứa đều say nên có làm chuyện đó”.

Chuyện học hành của A. đành đứt gánh giữa đường, hơn hai tháng sau A. thành nàng dâu và sáu tháng sau trở thành bà mẹ trẻ. “Tôi chẳng biết yêu đương là chi. Học cấp III ai cũng có bạn trai đón đưa nên tôi cũng phải rứa thôi” – A. nói.

Ở nhà A. chỉ biết ăn và học nhưng đùng một cái đã phải quán xuyến chuyện chồng con, bếp núc nên cô gái mới đôi mươi này trở nên bế tắc. Chồng A. hay lêu lỏng, say xỉn rồi đánh đập vợ. Năm lần bảy lượt đớn đau quá A. bỏ về nhà ngoại trốn những trận đòn roi của chồng.

Gia đình khuyên răn đủ điều nhưng chồng A. vẫn tính nào tật nấy nên A. đâm đơn ly hôn, để con cho chồng nuôi, còn mình về ở hẳn bên nhà ngoại. “Nếu cứ ở với chồng thì hạnh phúc không có mà tương lai cũng chẳng còn. Tôi chỉ thương đứa con trai thiệt thòi không có trọn vẹn tình thương của cả cha mẹ” – A. bộc bạch.

80% vụ ly hôn rơi vào giới trẻ

Hôn nhân tan vỡ, thỉnh thoảng bà mẹ trẻ L.T.K.A. sang nhà nội đón con trai, dẫn con đi chơi công viên ở TP Huế - Ảnh: Ngọc Hiển
Hôn nhân tan vỡ, thỉnh thoảng bà mẹ trẻ L.T.K.A. sang nhà nội đón con trai, dẫn con đi chơi công viên ở TP Huế – Ảnh: Ngọc Hiển

Ông Tôn Minh Hiền, chánh án Toà án nhân dân TP Huế, cho biết năm 2015 số vụ ly hôn mà toà này tiếp nhận là 629 vụ, tăng hơn 100 vụ so với năm ngoái. Trong đó, 80% các vụ ly hôn rơi vào các cặp vợ chồng trẻ sinh từ năm 1980 trở lại đây. Theo ông Hiền, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do mối quan hệ hôn nhân quá mỏng manh và yếu tố gia đình không bền vững.

“Mâu thuẫn do chồng cờ bạc, rượu chè, trai gái hay mâu thuẫn kinh tế và các yếu tố ngoại cảnh tác động như điều kiện sống, điều kiện xã hội đã dẫn đến tình trạng các cặp vợ chồng trẻ sớm đổ vỡ hôn nhân” – ông Hiền nói.

Dịch giả, nhà nghiên cứu văn hoá Bửu Ý (Huế) cho rằng câu chuyện hôn nhân chóng vánh của giới trẻ thể hiện sự đi xuống của đạo đức và đã trở thành vấn đề của người lớn chứ không đơn thuần là chuyện của thanh niên.

“Giải quyết thực trạng này phải xuất phát giáo dục và văn hoá. Văn hoá và giáo dục phải xây đắp thành lũy kiên cố cho xã hội. Trước đây chúng ta đã có thành luỹ đó rồi, nhưng bây giờ đang bị tháo rời, thậm chí phá hỏng. Bảo vệ cho đạo đức con người, tức bảo vệ đạo đức hôn nhân. Chuyện này phải đồng loạt chấn chỉnh từ gia đình, trường học và sau cùng là cả xã hội. Câu chuyện tình yêu, hôn nhân lành mạnh phải xuất hiện thường xuyên trên phương tiện truyền thông đại chúng, cả xã hội phải vào cuộc một cách có chất lượng” – nhà nghiên cứu Bửu Ý nói.

NGỌC HIỂN ([email protected])