30/11/2024

Những cuộc hôn nhân chóng vánh

Những câu chuyện bi hài không phải xảy ra ở các đô thị lớn, mà xót xa thay lại đang diễn ra ngày một nhiều hơn tại một nơi vốn nổi tiếng là gia phong nề nếp như Huế và những vùng quê hiền hoà, chân chất ở Quảng Trị.

 

Những cuộc hôn nhân chóng vánh

 

Những câu chuyện bi hài không phải xảy ra ở các đô thị lớn, mà xót xa thay lại đang diễn ra ngày một nhiều hơn tại một nơi vốn nổi tiếng là gia phong nề nếp như Huế và những vùng quê hiền hoà, chân chất ở Quảng Trị.




Ông bố trẻ nhất làng N.T.M. (trái) chăm chỉ làm việc nuôi đứa con gái năm nay lên 3 tuổi - Ảnh: Ngọc Hiển
Ông bố trẻ nhất làng N.T.M. (trái) chăm chỉ làm việc nuôi đứa con gái năm nay lên 3 tuổi – Ảnh: Ngọc Hiển

Đám trai làng và nhóm nữ sinh cấp III ngồi hai bàn cạnh nhau trong quán cà phê có tên Vườn Hồng (thị trấn Cam Lộ, Quảng Trị). Thấy các nữ sinh duyên dáng, đám con trai thách nhau xin số điện thoại nữ sinh xinh xắn có mái tóc dài sẽ được đãi cà phê cả tuần. Rồi chàng trai thân hình nhỏ con có nước da đen nhẻm cuối cùng cũng có số điện thoại trong tay.

Cưới vợ từ cá cược

Sáu tháng sau, nữ sinh cho số điện thoại trong bàn cà phê dạo ấy có thai phải bỏ học để đi lấy chồng khi mới 17 tuổi. “Tác giả” của cái thai đó chính là N.T.M., người sang xin số điện thoại. M. sinh ra trong một gia đình thuần nông nằm dưới chân ngọn đồi cao su cạnh con suối La Lá (huyện Cam Lộ, Quảng Trị).

Đây là gia đình hiếm hoi trong làng được gọi là “tứ đại đồng đường”, tức bốn thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. M. là thế hệ thứ ba, con gái của M. là thế hệ thứ tư. Mỗi lần con gái khóc đòi mẹ, M. bồng con trên tay, miệng cười đùa dỗ dành con nhưng tâm trí thì rối bời, bởi người cha trẻ này phải sống trong cảnh gà trống nuôi con.

“Tôi cũng không ngờ mình trở thành ông bố trẻ nhất làng. Bốn năm nay tôi sống khổ cực buồn tủi quá” – M. nói.

Năm 2012 M. cưới vợ, khi ấy chàng thợ sơn này chỉ mới bước qua tuổi 20 đúng mười ngày. Sau khi xin được số điện thoại của nữ sinh L., chàng trai làng này thường xuyên nhắn tin, gọi điện qua lại rồi họ sớm trở thành người yêu của nhau khi mới “cưa” vỏn vẹn 30 ngày.

“Bữa đó hai đứa đang đi chơi ở Đông Hà thì trời mưa. Rứa là tìm nhà nghỉ để trú mưa rồi qua đêm luôn” – M. kể. Hai tháng sau đêm ấy, L. chán ăn, hay chóng mặt nên M. chở bạn gái đi khám và tá hỏa khi bác sĩ thông báo L. đã có thai.

“Tôi khóc, L. cũng khóc. Tôi không nghĩ tới chuyện bỏ cái thai bởi đó là giọt máu của mình. Tôi làm thì phải chịu nên chúng tôi quyết định xin phép hai gia đình cho cưới nhau” – M. kể.

Dù bẽ mặt với xóm làng nhưng “gạo đã nấu thành cơm” nên hai gia đình phải soạn trầu rượu, tổ chức tiệc cưới ra mắt hai họ vào một ngày mưa tầm tã cuối năm 2012. Khi con gái được 26 tháng tuổi, người chồng trẻ này xin tiền gia đình sắm cho vợ một chiếc xe máy để về TP Đông Hà làm thợ may.

Ba tháng sau bỗng dưng L. mất tích, bặt vô âm tín hai ngày sau giờ tan ca. Hai gia đình sốt sắng huy động gần 100 trai tráng trong làng mang theo gậy gộc, dao rựa tìm quanh cả ngọn đồi Cọ Dầu (TP Đông Hà) vì tin lời thầy bói rằng L. bị bọn bắt cóc trói ở khu vực này.

Nhờ đến công an mới hay L. trốn vào Huế chơi với nhóm bạn công nhân. Sau đợt đó, L. bị “trả” về lại nhà mẹ đẻ, còn đứa con gái sống cùng cha và gia đình bên nội.

“Thiệt tình tôi cưới L. chỉ có một phần là tình yêu, còn lại là trách nhiệm với cái thai. Bây giờ ai đi đường nấy, không còn tình cảm nữa nhưng lại còn đứa con. Tôi đợi khi con gái đủ 36 tháng tuổi mới đâm đơn ly hôn, chứ bây giờ ra tòa thì con sẽ thuộc về người mẹ” – M. tâm sự.

Tháng sau M. có thêm em dâu 18 tuổi mới tốt nghiệp THPT và chú rể là người em kế M. cũng vừa bước qua tuổi 21. “Có bầu rồi thì cưới thôi nhưng hai đứa hắn yêu nhau thật lòng, cũng quen nhau hơn một năm rồi chứ có phải ngắn ngủi chi mô” – M. biện minh cho đứa em.

26 tuổi, hai đời vợ

Hôn nhân tan vỡ sau gần hai năm chung sống, bà mẹ trẻ N.T.A.T. (22 tuổi, quê ở TP Đông Hà, Quảng Trị) đành bỏ xứ vào Đồng Nai làm công nhân dệt ba năm nay. Năm 16 tuổi, T. kết hôn và sinh con sau lễ cưới chỉ… năm tháng.

Lấy điện thoại khoe tấm hình đứa con trai trắng trẻo bên ngoài Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai), T. rưng rưng nước mắt nói: “Con trai 4 tuổi rồi nhưng ba năm qua tôi chỉ gặp con được hai lần”. Đứa con này chính là sợi dây ràng buộc để T. và chồng quyết định cưới dù cả hai chưa đủ tuổi kết hôn.

T. không có cha, mẹ của T. ở vậy kiếm con nên khi nghe tin con gái có bầu, bà mẹ này một hai giục con gái cưới nhanh bởi sợ con đi theo “vết xe đổ” của mình.

Cưới xong, làm dâu một thời gian thì hai vợ chồng chuyển ra ở trọ, chồng đi làm thợ hồ còn vợ làm thợ cắt tóc, con gửi cho nhà trẻ. Hai vợ chồng công việc không ổn định, tiền làm ra không đủ ăn tiêu nên hay lục đục.

“Mưa gió không có việc nên anh ấy hay la cà rồi rượu chè, về phòng trọ bức bối rồi lại gây gổ với vợ. Hai lần anh ấy đánh tôi sụp sống mũi. Tôi bỏ về nhà mẹ thì anh ấy doạ giết nên tôi phải trốn vào Đồng Nai đến bây giờ” – T. kể.

Từ đó, hai vợ chồng “tan đàn xẻ nghé” mà không vướng bận pháp lý bởi cả hai chưa có hôn thú với nhau. “Giờ tay trắng, không chồng, không con nhưng cũng không dám lấy chồng nữa vì những trận đòn vẫn còn ám ảnh tôi hằng đêm. Tôi hận chồng bao nhiêu thì thương con bấy nhiêu. Con mình đứt ruột đẻ ra nhưng cũng đành gửi lại “bên nội”. Thân mình lo chưa xong, giờ mà đèo thêm con nữa thì lấy chi mà nuôi con” – T. sụt sùi.

Từ thông tin T. cung cấp, chúng tôi tìm về ngôi làng thuần nông men theo con đê nhỏ ở ngoại ô TP Đông Hà để gặp H. (chồng cũ của T.). Chàng trai 26 tuổi với thân hình vạm vỡ này bắt đầu câu chuyện bằng câu nói bi quan: “Chừ tôi không còn chi để mất nữa rồi. Cả hai người vợ đều bỏ đi. Tôi gà trống nuôi hai thằng con chẳng giống ai”.

Nhìn hai đứa bé con chạy lăng xăng trước hiên nhà, H. cho biết sau khi người vợ trước bỏ đi, H. bồng con về sống với ba mẹ để nhờ ông bà chăm sóc con nhỏ. Một năm sau đó, H. tình cờ gặp lại cô bạn xinh đẹp thời cấp III, bây giờ cùng cảnh ngộ.

“Cô bạn đó thua tôi hai tuổi, từng có một đời chồng và có một đứa con gái 3 tuổi rồi ly hôn, phía nhà chồng nhận nuôi con. Chúng tôi cùng cảnh ngộ nên quyết định rổ rá cạp lại” – H. nói.

H. xin phép gia đình đi đăng ký kết hôn rồi đưa vợ mới về sống chung, bắt đầu hạnh phúc mới mà không có lễ kết hôn cũng chẳng có bữa cơm ra mắt hai họ. Dù H. chưa muốn sinh thêm con nhưng vợ mới cứ nằng nặc đòi sinh con chung để vợ chồng có trách nhiệm với nhau.

Nào ngờ khi đứa con trai kháu khỉnh của hai vợ chồng mới 1 tuổi thì vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt”. Vợ H. đòi bỏ đi với lý do qua hai đời chồng vẫn nghèo cực. Níu kéo đủ đường nhưng H. vẫn đành ngậm ngùi ký vào đơn ly hôn, nhìn vợ bỏ đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. H. một mình nuôi hai đứa con thơ với hai người vợ khi chỉ mới 26 tuổi.

“Đêm xuống, cha nằm giữa còn hai con ngủ hai bên. Nhìn cảnh ba cha con mà ứa nước mắt. Mình làm cha mẹ cũng răn dạy con đủ đường rồi nhưng hắn không chịu nghe, chưa đem người yêu về nhà ra mắt mà đã có bầu rồi nài nỉ cha mẹ cưới vợ. Chừ đổ bể hết rồi không biết than ai, trách ai. Cha mẹ nào cũng nước mắt chảy xuôi, xót con một thì xót hai đứa cháu mười. Cả hai bà mẹ đẻ con ra rồi quăng lại đó khi con chưa bỏ bú. Cha hắn nuôi không nổi thì tui phải cưu mang. Tội đứa cháu có khi khát sữa lại mò đến bú bà nội”.

(Tâm sự của bà N.T.B. – mẹ của H.)

NGỌC HIỂN ([email protected])