Trao cần câu để thực hiện ước mơ
Nhiều nhà nông thổ lộ nhờ có vốn của chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” mà gia đình mạnh dạn phát triển chăn nuôi, con họ có cơ hội học hành.
TIẾP SỨC NHÀ NÔNG CHO CON ĐẾN TRƯỜNG 2015
Trao cần câu để thực hiện ước mơ
Nhiều nhà nông thổ lộ nhờ có vốn của chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” mà gia đình mạnh dạn phát triển chăn nuôi, con họ có cơ hội học hành.
Con trâu là tài sản lớn nhất của gia đình ông Hải lo cho con ăn học – Ảnh: Tấn Lực |
“Các hộ nông dân nghèo đã sử dụng thức ăn của Công ty GreenFeed Việt Nam và áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi bước đầu đã phát huy được hiệu quả cao, có lãi cho con ăn học. Tuy nguồn vốn có hạn nhưng cũng đã góp phần tạo cơ hội cho con của nhà nông đến trường. Đây là một mô hình nhân văn, đông đảo bà con nông dân phấn khởi |
Ông Trần Thanh Liên (phó chủ tịch Hội Nông dân Quảng Nam) |
Con trâu, đàn heo, gánh sữa là gia sản lớn nhất của những người cha, người mẹ chắt chiu làm vốn lận lưng cho các con ăn học thành tài.
Gia sản của cha mẹ
Quá trưa, ông Nguyễn Hải (46 tuổi, thôn 9, xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) vẫn đang cày ruộng thuê trong thôn. “Cũng nhờ có con trâu tui vay vốn ngân hàng mua mấy năm nay mà cứ đến vụ mùa là đem cày ruộng thuê kiếm tiền cho con ăn học. Đó cũng là gia sản duy nhất của tôi” – ông Hải nói.
Vợ ông là bà Trần Thị Anh, bán bún ở chợ Tiên Kỳ, mỗi ngày kiếm được vài chục nghìn đồng. Còn ông Hải chăm sóc mảnh vườn, đến mùa thì đưa trâu ra đồng cày thuê kiếm tiền cho con ăn học. Nhà ông Hải thuộc hộ cận nghèo, cách đây mấy năm khi leo lên mái nhà lợp lại chỗ dột, ông bị té xuống đất phải nằm viện trị đau cột sống. “Nợ nần chồng chất” – bà Anh nén tiếng thở dài.
Thấu hiểu cảnh cơ cực của cha mẹ, hai em Nguyễn Hải Yến (lớp 9/5 Trường THCS Lý Tự Trọng) và Nguyễn Hải Âu (lớp 5 Trường tiểu học Kim Đồng) luôn nỗ lực học tập, nhiều năm liền là học sinh khá giỏi.
Ông Hải cho biết giờ chỉ trông mong trâu của mình đẻ con, nuôi lớn lên một chút rồi bán bớt trả nợ ngân hàng. Ngoài ra, ông trồng thêm vài chục gốc sầu riêng trong vườn với hi vọng cây cho quả bán lấy tiền lo cho các con. Biết gia đình mình trong danh sách được vay vốn tiếp sức nhà nông cho con đến trường, ông Hải khấp khởi mừng. Ông nói sẽ dùng số vốn từ chương trình làm chuồng, nuôi heo kiếm thêm thu nhập.
“Trước đây cũng muốn nuôi heo lắm nhưng chẳng biết xoay xở đâu ra vốn. Giờ có vốn, tôi sẽ mạnh dạn đầu tư nuôi heo. Làm cái gì dù cực đến mấy mà có tiền cho con cái ăn học thì tôi cũng cam” – ông Hải tâm sự.
Mỗi ngày bà Lan phải thức dậy từ rất sớm chở sữa đậu nành đi bán dạo kiếm tiền nuôi con – Ảnh: Lê Trung |
Gánh sữa của mẹ
15 năm qua, cứ đều đặn 4g sáng, người dân xã Tiên Mỹ (huyện Tiên Phước) lại thấy bà Đồng Thị Ngọc Lan (43 tuổi) trên chiếc xe đạp cà tàng, chất lỉnh kỉnh xô lọ đi bán sữa dạo ở chợ. Chiếc xe lặng lẽ đi trong màn sương mờ ảo sáng sớm, chở theo niềm hi vọng mỗi ngày kiếm đủ tiền mua gạo nuôi ba con đang tuổi ăn học.
Chồng bà, ông Phạm Phú Cường, hằng ngày đi làm thuê, mọi người trong xóm thường gọi ông là Cường “thợ đụng”. Vác keo, phụ hồ, lột vỏ quế, gặt lúa… tất tần tật cái gì ai thuê là ông đều làm, miễn có tiền phụ vợ nuôi con. Có khi ông đi làm thuê nơi khác ròng rã mấy tháng trời mới về nhà.
Con trai đầu của ông bà là Phạm Nhật Nam, đang là sinh viên năm 2 Trường đại học Sư phạm Huế. Rồi hai cậu em sinh đôi Phạm Nhật Hòa, Phạm Nhật Hiếu nay cũng vào lớp 10. Mỗi tháng, riêng chi phí học hành cho ba con đã tốn 3 triệu đồng, chưa kể tiền ăn uống hằng ngày và trăm mối lo toan khác đều trông ngóng từ chiếc xe sữa đậu nành của bà Lan.
Các con mỗi ngày một lớn mà gánh sữa của bà Lan dường như nhỏ nhoi so với chi phí ăn học của con. Ngày nào may mắn khách đông, bà Lan kiếm được 100.000 đồng, ngày mưa gió bán tới trưa cũng chỉ được dăm ba chục ngàn đồng. Con học lên cao hơn, khoản học phí ngày càng lớn. Trong nhà, do không có vốn nên chẳng nuôi con gì, thu nhập chỉ đến từ gánh sữa của mẹ và giọt mồ hôi của cha.
“Mới có một thằng lớn học đại học, chứ vài bữa nữa hai thằng nhỏ mà đậu luôn thì lấy tiền đâu nuôi chúng nó ăn học nổi. Nhìn mấy đứa ăn học giỏi giang, vợ chồng tôi vừa mừng vừa lo” – bà Lan tâm sự.
Nhiều tháng làm không ra tiền, gặp con về xin tiền học, bà Lan chạy qua hàng xóm “mượn nóng” vài trăm ngàn đồng cho con. Cầm đồng bạc ít ỏi mẹ đưa, cậu con lớn run run chực khóc vì thương mẹ. Bà Lan lạc quan nói con mình nghèo mà ngoan nên vẫn hạnh phúc. Với bà, tương lai của con là động lực thôi thúc bà làm việc không biết mệt mỏi. Mới đây, khi nghe hội nông dân xã cho hay gia đình bà thuộc danh sách vay vốn, vợ chồng bà mừng lắm.
“Tui tính có tiền thì sửa lại cái chuồng cũ, thả heo rồi chăm bẵm kỹ càng, siêng kiếm thêm rau cỏ quanh đây cho ăn phụ vào thì thế nào cũng sống tốt. Có bầy heo, bầy gà làm vốn lận lưng, mỗi lúc con về xin tiền học cũng đỡ giật mình” – bà Lan xúc động.
Chương trình đã cho tôi quá nhiều Chương trình Tiếp sức nhà nông cho con đến trường do báo Tuổi Trẻ,Công ty CP GreenFeed Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức ngày 8-11. Công ty CP GreenFeed Việt Nam vừa là nhà tổ chức vừa là đơn vị tài trợ. Chúng tôi trở lại căn nhà bà Nguyễn Thị Kế (thôn 1, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước), người cách đây ba năm nhận vốn từ chương trình Tiếp sức nhà nông cho con đến trường. Trước đây gia cảnh bà Kế quá cơ cực, chồng bị ung thư dạ dày, một mình bà làm lụng nuôi năm đứa con ăn học. Căn nhà nhỏ lụp xụp giờ đây đã được xây lại khang trang, vững chãi. Trong năm đứa con, hai người đã ra trường và có việc làm ổn định. Hai đứa nhỏ đang học THPT, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Bà Kế kể từ khi nhận được vốn của chương trình, bà đầu tư mua bò, heo, phát thêm rẫy trồng keo. Mới đây bà đã bán lứa keo đầu tiên được hơn 35 triệu đồng. Hiện giờ nhà bà có một đàn heo, hai con bò và hơn sáu sào keo. Đến nay bà đã trả hết số vốn vay gốc từ chương trình. “Chương trình đã cho tôi quá nhiều. Cũng nhờ đồng vốn đó mà con tôi có tiền ăn học đến nơi đến chốn, ra trường đi làm” – bà Kế nói. |