“Nghĩ mình, mình lại thương mình xót xa”
Sau bài viết “Còn đâu “thương cho roi cho vọt”” ngày 4-11, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều phản hồi từ các thầy, cô giáo gửi về tâm sự về nghề giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 đang gần đến.
“Nghĩ mình, mình lại thương mình xót xa”
Sau bài viết “Còn đâu “thương cho roi cho vọt”” ngày 4-11, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều phản hồi từ các thầy, cô giáo gửi về tâm sự về nghề giáo nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 đang gần đến.
Xin đừng “tôn vinh” quá mức nữa…
Tôi yêu thích nghề giáo khi còn học lớp 8, lớp 9 (hệ 10 năm ở miền Bắc) vì thần tượng của chúng tôi thuở ấy là thầy cô giáo trong trường. Thầy cô ngày đó luôn được phụ huynh, học trò nể phục, kính trọng dù thỉnh thoảng chúng tôi bị thầy cô la rầy, nặng lời trước lớp. Những lúc đó, bản thân học trò tự giác, vui vẻ chấp nhận; luôn nghĩ phần lỗi thuộc về mình và tự nhủ cần phải cố gắng. Không hề có một lời trách móc, đổ lỗi cho thầy cô…
Tôi nhập ngũ và vào miền Nam chiến đấu, nhưng giấc mơ vào ngành sư phạm vẫn không nguôi ngoai dù lắm lúc cận kề cái chết. Tôi tự nhủ nếu chẳng may hi sinh thì thôi, còn sống đến ngày hòa bình nhất định sẽ đi học nghề sư phạm.
Năm 1977, sau khi tham gia các trận đánh ở biên giới Tây Nam, tôi được đơn vị cử đi ôn thi đại học và thi đậu vào ngành văn Đại học Cần Thơ. Bốn năm sau, tôi trở thành thầy giáo về dạy ở một trường vùng sâu…
Nói hơi dài dòng một chút vì con đường sư phạm do tôi chọn không phải bộc phát, tức thời mà vì niềm say mê, sự phấn đấu và quyết tâm để trở thành “kỹ sư tâm hồn”.
Ra trường năm 1981, thời “bao cấp” biết bao thiếu thốn, vất vả nhưng tinh thần luôn thoải mái vì mình đạt được ước nguyện theo nghề giáo cao quý…
Nhưng càng ngày càng có những ràng buộc đối với nghề giáo với đủ thứ quy định. Có lẽ người ta muốn thầy cô giáo phải trở thành những tấm gương sáng cho học sinh, cho phụ huynh và cho cả toàn xã hội. Thầy cô phải thánh thiện, phải ăn nói dịu dàng, nhẹ nhàng; thầy cô phải tươi cười mặc dù tiền đã cạn mà lương chậm, chưa có kịp thời, chưa có tiền mua sữa cho con…
Các quyền làm thầy mất dần như không được la rầy các em trước lớp khi các em vi phạm nội quy, không được nêu tên những học sinh vi phạm kỷ luật trong buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần… Thầy cô có trách nhiệm phải hiểu học sinh, không được áp đặt hoặc “bạo hành” bằng việc làm và trong cả lời nhắc nhở, răn dạy! Nói gọn lại là phải “kính trọng” học sinh, phụ huynh…
Ngược lại, học sinh ngày nay được “giao quyền” rất nhiều. Đó là quyền dân chủ trong trường học, học sinh có quyền góp ý với thầy cô giáo. Học sinh có quyền trẻ em, không ai được xúc phạm đến trẻ em. Rồi tác động của xã hội vào môi trường giáo dục khiến thầy cô giáo bao phen khổ sở vì học sinh ngày càng hỗn hào; không tôn trọng thầy cô, nhà trường. “Tôn sư trọng đạo” có nguy cơ trở thành khẩu hiệu!
Đến hẹn lại lên! Tháng 11 đã về và những lời tôn vinh nghề giáo lại có dịp nở rộ. Xin đừng tôn vinh quá mức nữa mà hãy hành động bằng việc làm cụ thể để thầy cô giáo, để nghề dạy học trở về ngày xưa – thuở “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” được xã hội coi trọng thật lòng!LÊ LAM HỒNG
Ai đã góp phần làm tàn lụi lòng yêu nghề?
Đọc xong bài báo, tôi cũng thấy cay cay nơi mắt mình. Thiệt tình trong lòng tôi thấy thương cho thầy cô giáo đang ngày ngày lên lớp; họ cứ lầm lũi đến trường hằng ngày, lầm lũi dạy và khi làm xong phận sự, vội vã về nhà lo toan cơm nước, con cái, nhà cửa…
Rất nhiều người đam mê nghề giáo và họ dấn thân vào nghề này như một sự hi sinh, chấp nhận. Nhưng buồn thay, ngọn lửa nhiệt tình tàn lụi dần qua những năm tháng đối mặt với “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”!
Họ phải từ bỏ con người thật của mình để ép mình theo đúng những quy chuẩn, quy định. Một hành vi vô lễ, một việc làm vi phạm nội quy của học sinh diễn ra trước mắt nhưng người thầy lắm lúc phải thực hiện bốn không: “không nghe, không thấy, không biết, không nói”.
Có mắt mà phải làm như không thấy, có tai mà phải làm như không nghe, có trí mà phải làm như không biết và có miệng mà phải làm như người vô cảm vậy! Còn đau đớn nào bằng! Họ phải cố nén dằn cảm xúc, phải nén cơn đau buồn vào trong lòng rồi tự an ủi mình: “Nói ra, dạy nó thì nó không nghe, ích gì!”.
Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi mình làm nghề giáo là nghề như thế nào mà được xã hội trân trọng, được cho là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”? Phải chăng đây là nghề trực tiếp tiếp xúc với con người? Là nghề dạy chữ, dạy làm người cho học sinh? Những nghề khác cũng vậy sao không được tôn vinh?
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta bao đời quý trọng nghề dạy học! “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” – hiền tài có được từ nhà trường, từ công lao dạy dỗ của các thế hệ đội ngũ thầy cô từ xưa đến nay.
Nhưng người thầy hiện nay vì sao chưa tận tâm dạy dỗ, chưa hết lòng vì con trẻ? Chính những quy định, những chế tài của ngành đã “góp phần” làm lụi tàn nhiệt tình yêu nghề, mến trẻ của không ít giáo viên mà nội dung bài báo là một thí dụ…