Nhờ Tuổi Trẻ ngăn cái xấu
Đó là lý do chính của ba bạn đọc khi tìm đến Tuổi Trẻ để báo tin nóng về những câu chuyện thiệt thòi của người dân khi bị côn đồ ép giá sầu riêng, bị phá nát vườn nho hay bị xin đểu ở cây xăng.
Nhờ Tuổi Trẻ ngăn cái xấu
Đó là lý do chính của ba bạn đọc khi tìm đến Tuổi Trẻ để báo tin nóng về những câu chuyện thiệt thòi của người dân khi bị côn đồ ép giá sầu riêng, bị phá nát vườn nho hay bị xin đểu ở cây xăng.
Người đàn ông giả nghèo khổ để xin đểu tại cây xăng – Ảnh: Hoàng Lộc cắt từ clip |
Và Tuổi Trẻ đã trân trọng trao giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 9-2015” đến ba bạn đọc này, cùng với hai tác giả có bài viết hay và nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc trong tháng.
Phấn khởi khi ngăn được côn đồ
Giữa tháng 9-2015, người trồng sầu riêng ở thôn Ea Chăm (xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) khốn đốn với nạn côn đồ lộng hành ép giá sầu riêng.
Ông P. – người đã phản ảnh với Tuổi Trẻ để thực hiện loạt bài về vấn nạn này – nhớ lại: “Thời điểm thu hoạch sầu riêng, khu vực này xuất hiện nhiều thanh niên lạ mặt xăm trổ đầy mình doạ dẫm, đuổi đánh người mua sầu riêng để chúng ép giá thu mua. Cứ xe tải vào là chúng chặn lại để hỏi đi đâu, làm việc gì, có phải đi mua sầu riêng không?
Nếu đi mua sầu riêng thì chúng hăm doạ đuổi ra. Mỗi ngày chúng đều chia nhau ra, mỗi tốp đi một tuyến đường khống chế người lạ vào. Nhà nào có sầu riêng chưa bán, chúng đóng vai người đi mua rồi ngồi canh vườn không cho người khác vào mua”.
“Chúng nói khu vực này có khoảng 500 tấn sầu riêng, nếu 1kg ép giá được 2.000 đồng thì sẽ có 1 tỉ đồng. Nhưng thực tế, chúng ép giá 5.000 – 7.000 đồng/kg. Chính vì miếng lợi khổng lồ như thế nên chúng có lực lượng rất đông, khoảng 30 – 40 người chia nhau khống chế người mua sầu riêng” – ông P. kể.
Ông cũng cho biết người dân bức xúc, nhiều lần họp nhau lại làm đơn gửi đến chính quyền nhưng rồi không thấy tình hình chuyển biến gì. Giữa lúc tưởng chừng đã hết hi vọng, một người quen giới thiệu báo Tuổi Trẻ nên ông đã gọi đến để nhờ giúp đỡ.
Cũng theo ông P., sau khi Tuổi Trẻ ngày 13-9 đăng bài “Côn đồ ép giá sầu riêng”, các đối tượng trước thường xuyên lai vãng quanh các nhà có sầu riêng cũng biến mất, xóm làng trở nên yên bình. Những người vào đây mua sầu riêng ngày càng nhiều hơn mà không bị ngăn cản như trước nữa.
Công an tỉnh Đắk Lắk cũng có công điện gửi công an các huyện chỉ đạo phải tăng cường xác minh, điều tra xử lý các đối tượng có hành vi đe doạ, bảo kê, ép giá thương lái và người dân trồng sầu riêng.
“Vườn sầu riêng 10 tấn của tôi đã bán được với giá 35.000 đồng/kg trong khi trước đó chúng ép xuống còn 30.000 đồng/kg. Các hộ dân quanh đây đều bán được giá cao, bà con phấn khởi lắm” – ông P. xúc động nói.
Chỉ mong công an sớm vào cuộc
Cũng vào giữa tháng 9-2015, người dân ở xã Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã không khỏi bàng hoàng khi hơn 1.300 gốc nho đang trong giai đoạn ra trái của một vườn nho thuộc loại lớn nhất nhì tỉnh này đã bị kẻ xấu dùng dao chặt ngang gốc và bỏ thuốc diệt cỏ để làm chết cây. Bức xúc trước việc làm thất đức này, chị L.T.K.L. đã gọi điện cho phóng viênTuổi Trẻ nhờ phản ánh.
“Gia đình mình cũng có người trồng nho nên khi vụ việc này xảy ra ai cũng lo lắng và phẫn nộ. Thử nghĩ xem bao nhiêu mồ hôi, nước mắt cùng với vốn liếng của người trồng nho đã ra đi vì chuyện ngang ngược này. Mình báo tin cho phóng viên, chỉ mong cơ quan điều tra sớm vào cuộc” – chị L. cho biết.
Và sau khi Tuổi Trẻ Online ngày 18-9-2015 đăng bản tin “Phá 1.300 gốc nho, thủ phạm để lại “lời thông báo””, cơ quan CSĐT Công an huyện Ninh Phước, Ninh Thuận đã ra quyết định khởi tố vụ án phá hoại vườn nho này.
Khi đổ xăng trên đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức, TP.HCM), chị H.T.M.D. gặp một người đàn ông “kể khổ” vì bị lỡ độ đường và hết tiền đổ xăng nên đã giúp ông ấy 30.000 đồng.
Ngay sau đó, nhân viên cây xăng nói nhỏ với chị: “Họ chỉ giả bộ cơ nhỡ để xin tiền, họ tụ tập thành một nhóm nhiều người nam khoảng 30 – 40 tuổi, khi ra khỏi cây xăng sẽ hút xăng bán lại, xong vào xin tiếp”.
Ngỡ ngàng trước việc lừa trắng trợn này, chị D. đã đứng nán lại để chứng kiến toàn bộ màn kịch và gọi điện cho đường dây nóng Tuổi Trẻ báo tin.
“Tuổi Trẻ hay ghê. Tôi chỉ cung cấp địa chỉ cây xăng mà phóng viên đã tìm ra được cả tên tuổi và đường dây hoạt động này” – chị D. đã bày tỏ như thế sau khi bài điều tra “Xin đểu ở cây xăng” (Tuổi Trẻ ngày 7-9-2015) đăng lên.
Chị cũng nói rằng rất mong công an theo dõi, xử lý nhóm xin đểu này, chứ nếu để như vậy sẽ khiến cho niềm tin giữa con người và con người bị mai một đi và khi đối diện với những mảnh đời cần sự giúp đỡ thật thì người ta lại cảnh giác, e dè.
* Tác giả Đặng Như Ý (Bà Rịa – Vũng Tàu): Tuổi Trẻ là cầu nối những sáng kiến Tôi từng bị kẹt xe nhiều lần tại các “điểm nóng” về giao thông và chính tại vòng xuyến Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, TP.HCM nên bức xúc từ lâu. Khi Tuổi Trẻ đưa thông tin về nạn kẹt xe, tôi liền ngồi viết ra giải pháp của mình và gửi cho Tuổi Trẻ để cùng góp tay, hiến kế giải pháp cho cơ quan quản lý. Bài báo “Hiến kế giảm kẹt xe tại các ngã tư” đăng trên Tuổi Trẻ Onlinengày 18-9 đã thu hút thêm nhiều ý kiến bình luận và phản hồi, trong đó có nhiều ý kiến đóng góp thêm những giải pháp cụ thể để giảm nạn kẹt xe tại các vòng xuyến ở TP.HCM. Tôi thật sự bất ngờ và ngay sau đó là một cảm giác vui vui, lâng lâng khó tả khi được báo đăng bài hiến kế và còn được trao thưởng. Với tôi, việc được đăng bài trên một tờ báo có uy tín như báo Tuổi Trẻ đã là một món quà tinh thần không hề nhỏ. Tuổi Trẻ luôn là tờ báo tiếp thu ý kiến phản hồi, đóng góp của độc giả, trở thành cầu nối của những sáng kiến, giải pháp ấy đến với các cơ quan công quyền. |
* Thầy giáo Lê Minh Hoàng (Trường THPT Long Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang): Hãy để giáo viên chuyên tâm giảng dạy Tôi gởi đến Tuổi Trẻ bài viết “Giáo viên và nỗi khổ bảo hiểm y tế” (Tuổi Trẻ đăng ngày 5-9) chính là nỗi trăn trở của một giáo viên chủ nhiệm, một trong những người mặc nhiên trở thành “đại lý bất đắc dĩ” của cơ quan bảo hiểm xã hội trong công tác thu tiền bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh. Tôi dạy ở trường vùng sâu, nơi rất nhiều phụ huynh vất vả lắm với đủ loại chi phí đầu năm học cho 2 – 3 đứa con. Năm nay, với quy định mới (mức phí BHYT tăng cao, thu cùng lúc 15 tháng), gánh nặng chi phí đầu năm học đã nặng lại nặng thêm. Trường nghèo, phụ huynh nghèo, thu tiền hẳn nhiên khó, lại còn có phụ huynh lần lữa không muốn mua BHYT. Do vậy, rất khó để giáo viên có thể thu đủ 100% tiền BHYT. Tôi đã viết bài gửi Tuổi Trẻ với hi vọng có chính sách BHYT hợp lý hơn với học sinh có nhiều hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Tốt nhất, tôi mong bên bảo hiểm xã hội cử người xuống các trường thu tiền BHYT, hoặc các trường có đủ biên chế kế toán để làm thay giáo viên phần việc này. Làm thế nào để câu chuyện giữa thầy và trò trong lớp học không phải tính toán đau đầu chuyện thu tiền, gọi tên đòi tiền học trò hoặc phải đi nói chuyện tiền bạc với từng phụ huynh. Xin cho giáo viên chúng tôi được chuyên tâm với công tác giảng dạy, mỗi đầu năm học không vướng víu với chuyện tiền nong. |