10/01/2025

Ủng hộ luật sư ngồi ngang hàng với kiểm sát viên

Nhiều đại biểu đã ủng hộ phương án bố trí chỗ ngồi của kiểm sát viên ngang bằng với luật sư 
như mô hình mà TAND TP 
Đà Nẵng đang áp dụng.

 

Ủng hộ luật sư ngồi ngang hàng với kiểm sát viên

 

Nhiều đại biểu đã ủng hộ phương án bố trí chỗ ngồi của kiểm sát viên ngang bằng với luật sư 
như mô hình mà TAND TP 
Đà Nẵng đang áp dụng.


 

 

 

TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng mô hình phòng xét xử của VN là lạc lõng, không giống ai trên thế giới - Ảnh: T.L.
TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng mô hình phòng xét xử của VN là lạc lõng, không giống ai trên thế giới – Ảnh: T.L.

Phát biểu tại hội thảo về đề án đổi mới trang phục của thẩm phán, hội thẩm nhân dân và mô hình phòng xét xử do TAND tối cao tổ chức sáng 2-11 tại Hà Nội, nhiều đại biểu có ý kiến như trên. 

Bên cạnh việc bàn về chỗ ngồi của luật sư, viện kiểm sát, nhiều đại biểu đã đề xuất bỏ vành móng ngựa trong phòng xử án.

Bảo đảm sự khách quan

Ông Vũ Thế Đoàn, phó hiệu trưởng Học viện Tòa án, cho rằng cần thiết phải luật hoá mô hình tổ chức phiên toà, chỗ ngồi của người tham gia tố tụng, chấm dứt việc bàn cãi về “chỗ ngồi” như lâu nay. Ông Đoàn ủng hộ TAND TP Đà Nẵng đi tiên phong trong việc bố trí lại chỗ ngồi trong phòng xử.

Cụ thể, ở TAND TP Đà Nẵng, hội đồng xét xử được ngồi ở vị trí cao nhất – chính giữa hội trường. Ngồi phía dưới và bên tay phải hội đồng xét xử là bàn của đại diện viện kiểm sát; bên tay trái, đối diện viện kiểm sát là bàn của luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Theo ông Đoàn, vị trí ngồi của đại diện viện kiểm sát (bên buộc tội) và luật sư (bên gỡ tội) phải ngang hàng như nhau để thể hiện sự văn minh, bình đẳng trước toà án.

Đồng tình với quan điểm của ông Đoàn, đại diện Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TAND tối cao cho biết quá trình tham gia phiên toà, kiểm sát viên phải đối đáp với luật sư và bị cáo.

Vì vậy, việc bố trí chỗ ngồi ngang hàng nhau cho kiểm sát viên và luật sư trong các phiên tòa hình sự là làm rõ hơn sự bình đẳng giữa họ.

Theo vị đại diện này, dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đưa ra phương án bố trí phòng xét xử, trong đó chỗ ngồi của kiểm sát viên cao hơn luật sư như mô hình đang áp dụng bây giờ là không thể hiện được sự bình đẳng.

TAND tối cao đã đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa lại điều 252 dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự, trong đó quy định chỗ ngồi kiểm sát viên và luật sư phải ngang bằng nhau.

Đánh giá về mô hình phòng xét xử của VN hiện nay, TS Lưu Bình Nhưỡng, phó văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, cho rằng mô hình của VN là lạc lõng, không giống ai trên thế giới.

Bà Lê Thu Hà, văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, cho biết năm 2010 khi bà đến Bình Dương, nhân dịp xây dựng lại tòa án thì một số toà ở Bình Dương đã bố trí lại phòng xử, phía bên này là kiểm sát viên, bên kia là luật sư ngồi ngang hàng nhau nhưng phòng xử đó đã “đắp chiếu” trong ba năm vì viện kiểm sát… nhất định không vào.

Vì vậy, theo bà Hà, bây giờ không phải là lúc “bàn nên hay không nên nữa mà phải quy định cụ thể trong luật để mọi người tuân theo”.

Đề xuất bỏ 
vành móng ngựa

Theo PGS.TS Trần Văn Độ (nguyên chánh án Tòa án quân sự trung ương), trong tố tụng có nguyên tắc “bị cáo ra toà chưa được coi là có tội”, vì vậy không thể bắt họ đứng trước vành móng ngựa, mặc quần áo phạm nhân.

Trên cơ sở đó, ông Độ đề xuất mô hình phòng xử án: một bên là công tố viên, một bên là luật sư và bên cạnh luật sư là bị cáo.

“Luật sư và bị cáo phải được giao tiếp, hỗ trợ pháp lý cho nhau trong suốt phiên toà. Có thể bố trí bị cáo ngồi trước bục xét xử để khai hoặc đứng tại chỗ vì họ vẫn còn quyền công dân.

Đối với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo có thể được cách ly bằng phòng kính trong suốt nhưng vẫn giao tiếp được bình thường” – ông Độ đề xuất.

TS Lưu Bình Nhưỡng đề xuất cần nghiên cứu xây dựng phòng cách ly bị cáo để thẩm vấn công khai từng người, tránh thông cung, mớm cung.

Theo ông Nhưỡng, có thể sử dụng “lồng”, “cũi” bằng thép hoặc gỗ chắc chắn để cách ly các bị cáo phạm tội đặc biệt nguy hiểm có thể gây bất lợi cho những người tham dự phiên toà.

Thẩm phán sẽ mặc áo thụng đen khi xét xử

Tại đề án đổi mới trang phục của thẩm phán, hội thẩm nhân dân và mô hình phòng xét xử, TAND tối cao đề xuất bổ sung trang phục xét xử của thẩm phán là áo thụng đen.

Theo đó, khi xét xử, các thẩm phán sử dụng trang phục làm việc thông thường, đồng thời có thêm áo thụng dài tay màu đen khoác bên ngoài. Theo TAND tối cao, áo thụng là trang phục xét xử tương đối phổ biến của các quốc gia trên thế giới.

Thiết kế của áo thụng màu đen khoác bên ngoài dùng cho các thẩm phán khi xét xử được thiết kế từ loại vải đảm bảo độ bền về tính năng sử dụng và không quá dày để đảm bảo áp dụng chung cho tất cả thẩm phán trên phạm vi cả nước.

 

TÂM LỤA ([email protected])