28/11/2024

Đòi nợ thuê như “xã hội đen”

Nếu khách nợ “cứng đầu”, công ty sẽ tiến hành “nghiệp vụ đầu tiên” là dằn mặt: “Con chị đi học ở trường, dễ thương lắm, đừng để người lớn làm mà bắt trẻ em gánh chịu”…

 

Đòi nợ thuê như “xã hội đen”

 

Nếu khách nợ “cứng đầu”, công ty sẽ tiến hành “nghiệp vụ đầu tiên” là dằn mặt: “Con chị đi học ở trường, dễ thương lắm, đừng để người lớn làm mà bắt trẻ em gánh chịu”…




Những đối tượng đòi nợ thuê kiểu “xã hội đen” bị Công an quận 5 bắt giữ ngày 7-8 - Ảnh: S.B.
Những đối tượng đòi nợ thuê kiểu “xã hội đen” bị Công an quận 5 bắt giữ ngày 7-8 – Ảnh: S.B.

Hiện TP.HCM có một số cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Dù được cấp phép hoạt động theo pháp luật nhưng do áp lực thu hồi nợ ăn chia phần trăm, nhiều công ty đang hoạt động sai luật hoặc dựa vào “xã hội đen” .

“Công ty chúng tôi trân trọng thông báo để ông Lê Văn Quốc và bà Đỗ Thị Kim Dung được biết và có kế hoạch trả nợ trước ngày 16-5-2015.

Nếu quá thời gian này, ông bà không hợp tác để giải quyết khoản nợ, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để đòi nợ. Mọi xáo trộn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của ông bà, công ty không chịu trách nhiệm”.

Đó là thông báo đòi nợ ngày 6-5-2015 của Công ty cổ phần dịch vụ đòi nợ H (quận Bình Thạnh).

Trùm đòi nợ

Ngày 23-10, bà Đỗ Thị Kim Dung (50 tuổi, ngụ TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) cho biết chiều 
18-6, nhóm người tự xưng nhân viên của Công ty H xông vào nhà bà, uy hiếp gia đình bà để thu nợ.

Nhóm người trên chửi bới, dùng những lời lẽ đe doạ: “Con bà học ở đâu chúng tôi biết hết, muốn đánh đổi xương máu của gia đình với số tiền này không?”.

Trước sự manh động của những người đòi nợ, gia đình bà đã trình báo công an can thiệp. Nhưng sau đó, nhóm người đòi nợ tiếp tục trở lại kiếm chuyện khiến gia đình bà bấn loạn.

Theo xác minh, vợ chồng bà Dung nợ ông Nguyễn Quang Huấn (TP Đông Hà) số tiền hơn 1,5 tỉ đồng qua kết luận trong phiên tòa tranh chấp dân sự. Ngày 14-5, ông Huấn chấp thuận cho vợ chồng bà hoãn thi hành án.

Trên cơ sở đó, ngày 15-5 Chi cục Thi hành án dân sự TP Đông Hà ban hành quyết định hoãn thi hành án khoản nợ của ông Huấn từ ngày 12-5 đến 12-11.

Trong khi hai bên đang giải quyết nợ theo quy định pháp luật thì Công ty H thông báo về việc đòi nợ bà Dung theo hợp đồng đã ký với ông Huấn. Căn cứ theo quyết định của toà, đây là vụ đòi nợ sai luật.

Những tháng qua, gia đình anh Nguyễn Thanh Giang (36 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) phải sống “ngó trước dòm sau” vì liên quan một vụ đòi nợ.

Theo anh Giang, anh được mẹ uỷ quyền bán căn nhà, anh hứa cho em gái Nguyễn Thị Thanh Thuỷ 280 triệu đồng và đưa trước cho em 60 triệu đồng. Thuỷ đề nghị anh Giang viết giấy nợ số tiền còn lại, có công chứng.

Ngày 3-11-2014, có hai thanh niên đến nhà anh Giang gửi giấy thông báo đòi nợ và giới thiệu nhân viên của Công ty H được chị Thuỷ uỷ quyền đòi nợ. Ngày 9-11-2014, anh Giang trực tiếp gọi vào số điện thoại ghi trong giấy thông báo đòi nợ. Người nghe máy đề nghị anh đến Công ty H giải quyết.

Khi anh Giang đến, có người dẫn anh đi vào hẻm rồi đánh anh ngất xỉu. Sau đó, nhóm người lạ mặt bỏ anh vào bao rồi đưa đến khu vực đất trống gần đường Nguyễn Đăng Khoa (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2).

Khi công an giải thoát, anh Giang báo mất tài sản trị giá hơn 100 triệu đồng. Phía Công ty H thừa nhận cử nhân viên đến đòi nợ anh Giang nhưng cho rằng không liên quan chuyện anh Giang bị đánh.

Công ty H được Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 19-5-2014, do bà H. làm giám đốc. Tháng 11-2014, công ty đăng ký thay đổi giám đốc từ bà H. sang ông M..

Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho công ty.

Theo danh sách đăng ký của Công ty H năm 2014 gồm giám đốc và chín nhân viên đều có hộ khẩu tại các tỉnh, tạm trú ở TP.HCM. Tuy nhiên, khi xác minh phần lớn địa chỉ “ma” hoặc nhân viên không tạm trú như đăng ký.

Tang vật Công an quận 5 thu được trong vụ đòi nợ kiểu xã hội đen ngày 7-8 - Ảnh: S.B.
Tang vật Công an quận 5 thu được trong vụ đòi nợ kiểu xã hội đen ngày 7-8 – Ảnh: S.B.

Luật đòi nợ

Công ty AB (trụ sở phường 4, quận Tân Bình) thuộc dạng “trả nợ xong chưa yên thân”. Đầu năm 2015, giám đốc Công ty AB (quốc tịch Canada) tố cáo Công ty CP đòi nợ AK (quận Tân Bình) cử người xuống làm mất an ninh trật tự tại trụ sở công ty.

Năm 2013, Công ty AB còn nợ tiền của đối tác 648 triệu đồng nên đối tác uỷ quyền cho Công ty A đòi nợ. Ngày 17-1-2015, những người tự xưng nhân viên Công ty A tiếp tục đòi nợ công ty bằng nhiều cách như cúp cầu dao, nằm dài trước công ty, đe doạ… khiến nhân viên công ty hoang mang.

Theo xác minh, tháng 
12-2013 người của Công ty A đến Công ty AB đòi nợ 648 triệu đồng (tiền gốc) và 125 triệu đồng (tiền lãi trả chậm phát sinh) theo hợp đồng uỷ quyền.

Hai bên thống nhất Công ty A nhận trước số tiền 100 triệu đồng, số tiền nợ gốc còn lại được thu hằng tháng. Ngoài ra không còn phát sinh khoản tiền nào khác. Đến tháng 11-2014, Công ty AB hoàn trả đủ số nợ gốc và lãi phát sinh theo thoả thuận.

Tuy nhiên sau đó, Công ty A vẫn cử người đến Công ty AB gây rối, buộc phải trả khoản tiền lãi chậm trả nợ quá hạn. Trao đổi trực tiếp một nhân viên Công ty A từng tham gia đòi nợ, nhân viên này xác nhận sở dĩ có chuyện này là do “hiểu nhầm thôi” và cho biết cả nhóm đã bị công an xử phạt .

Hiện ngoài công ty đòi nợ theo pháp luật còn tồn tại kiểu đòi nợ “xã hội đen”. Khi chúng tôi tiếp cận nhiều người đòi nợ thuộc hai thành phần trên, họ giải thích một luật ngầm trong quá trình đòi nợ.

Theo một người từng đi đòi nợ thuê, phía công ty đòi nợ thuê nhận thông tin từ chủ nợ kèm theo những chứng từ liên quan để chứng minh điều chủ nợ nói là chính xác.

Sau đó, công ty cử tổ công tác đi xác minh tình hình tài chính của khách nợ. Nếu biết có khả năng chi trả, phía công ty sẽ ký hợp đồng với chủ nợ theo uỷ quyền, hưởng phần trăm từ 
15 – 50%. Một số công ty bắt buộc chủ nợ phải đặt cọc để trả tiền chi phí cho anh em đi xác minh.

Khi thực hiện hợp đồng, nhân viên sẽ đến đối chiếu xác thực tình trạng nợ, gửi giấy thông báo đến khách nợ có kế hoạch trả.

Nếu khách nợ “cứng đầu”, công ty sẽ tiến hành “nghiệp vụ đầu tiên” là dằn mặt: “Con chị đi học ở trường, dễ thương lắm, đừng để người lớn làm mà bắt trẻ em gánh chịu” hay cắt cầu dao điện, thuê dân nghiện ma tuý đến đọc báo, nằm ngủ trước cửa nhà…

Nếu khách nợ chưa chịu trả, công ty tiến tới bước “nghiệp vụ thứ hai” như đến gặp khách nợ, nói “năm ba câu” là nắm đầu tát cảnh cáo, hoặc đón lõng nơi người thân của khách nợ làm việc, tạo cảnh va quẹt xe, tạt nhớt, ném bom tự chế, phân thối…

Thường đến bước “thứ hai”, các khách nợ có khả năng chi trả sẽ cố gắng thanh toán. Nhưng vẫn xuất hiện trường hợp “đỡ nợ” khi dân “anh chị” nhận tiền của khách nợ đứng ra dàn xếp, yêu cầu nhóm đòi nợ của công ty không được đến quấy rối khách nợ.

Lúc này, phía công ty đòi nợ có sự lựa chọn khác đó là thuê đàn anh “thứ dữ” hơn để quyết tử với nhóm “đỡ nợ” hoặc chọn cách thương lượng với nhóm “đỡ nợ”, đưa tiền cho chúng rút lui.

Có trường hợp trả đến hết nợ nhưng nhóm đòi nợ vẫn tiếp tục đòi thêm các khoản “chi phí phát sinh” để trừng phạt. Đó là khi khách nợ đưa tiền lần cuối sẽ bị “xé tiền” (huỷ chứng cứ nhận tiền).

Do không có bằng chứng nên khách nợ tiếp tục bị truy nợ phát sinh nhưng không đủ cơ sở thưa kiện. Tuy nghề đòi nợ khá nguy hiểm nhưng những năm trước “ăn nên làm ra”, mỗi nhân viên thu nhập tiền hoa hồng hơn 50 triệu đồng/tháng là bình thường.

Nay nhiều dịch vụ xuất hiện, cạnh tranh cao nên thu nhập giảm hẳn, trung bình chỉ hơn 20 triệu đồng/tháng. Trong một số vụ đòi nợ, nhân viên đòi nợ phải cam kết “nghĩa khí” với công ty đòi nợ, nếu có “làm quá tay” thì phải tìm cách khéo léo tránh ảnh hưởng đến hoạt động công ty.

Một nhóm thanh niên tự xưng là nhân viên của Công ty SL đến một doanh nghiệp ở Q.Bình Tân, TP.HCM để đòi nợ - Ảnh: C.C.
Một nhóm thanh niên tự xưng là nhân viên của Công ty SL đến một doanh nghiệp ở Q.Bình Tân, TP.HCM để đòi nợ – Ảnh: C.C.

Còn 17 đơn vị đòi nợ thuê

Tính đến nay, PC64 Công an TP.HCM đã cấp 27 giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn TP. Trong đó có 17 cơ sở còn hoạt động (gồm 10 công ty cổ phần, 7 công ty TNHH).

Đại tá Nguyễn Văn Dung, trưởng PC64, cho biết theo báo cáo của đội quản lý đặc doanh, thời gian qua có nhiều vụ tố cáo của khách nợ về tình trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê làm không đúng quy định pháp luật.

Qua xác minh, về cơ bản đều có hợp đồng uỷ quyền giữa chủ nợ với công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Trước khi thực hiện đòi nợ, các công ty dịch vụ đều có thông báo cho khách nợ, công an địa phương.

Trong quá trình thực hiện đòi nợ cũng có trường hợp gây mất an ninh trật tự tại khu vực đòi nợ nên đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Khó khăn nhất trong công tác quản lý dịch vụ đòi nợ là việc kiểm tra, giám sát thực tế hoạt động đòi nợ do quy định pháp luật còn chung chung, khó thực hiện. PC64 sẽ tham mưu Công an TP, UBND TP kiến nghị bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế.

Từ chủ nợ 
biến thành con nợ

Một vụ hi hữu mà nạn nhân là ông Huỳnh Ngọc Minh (51 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM, giám đốc Công ty xây dựng Thạnh Phát). Cuối năm 2014, ông Minh ký hợp đồng với Công ty H đòi nợ Công ty CP NH Engineering số tiền 418 triệu đồng.

Phí dịch vụ đòi nợ là 30% (tương đương hơn 125 triệu đồng). Sáng 30-7-2014, Công ty H đề nghị ông đến công ty trao đổi tình hình thu nợ. Khi ông Minh đến nơi, một nhóm người trong Công ty H bắt ông ký biên bản nhận nợ 30% phí dịch vụ trên.

Theo kết luận điều tra, sau khi ký hợp đồng, Công ty H đi gặp khách nợ và được biết ông Minh chưa hoàn thành hợp đồng xây dựng với Công ty CP Engineering nên bị giữ lại số tiền trên.

Do ông Minh vi phạm hợp đồng nên Công ty H mời ông Minh làm việc và lập biên bản ghi nhận việc vi phạm hợp đồng, buộc ông Minh nộp phạt đúng số tiền phí dịch vụ.

NHÓM PHÓNG VIÊN