28/11/2024

Bàn về xử lý hình sự pháp nhân

Hình sự hoá trách nhiệm của pháp nhân (tổ chức, doanh nghiệp…) là một trong những thay đổi quan trọng trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi).

 

Bàn về xử lý hình sự pháp nhân

 

Hình sự hoá trách nhiệm của pháp nhân (tổ chức, doanh nghiệp…) là một trong những thay đổi quan trọng trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). 




Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu kiến nghị trước Quốc hội về bảo vệ quyền lợi người lao động khi pháp nhân chịu hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh - Ảnh: V.D.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu kiến nghị trước Quốc hội về bảo vệ quyền lợi người lao động khi pháp nhân chịu hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh – Ảnh: V.D.

Đây cũng là một trong những vấn đề được Quốc hội quan tâm trong thảo luận lần cuối dự án bộ luật này ngày 30-10.

Trình bày báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện giải thích: việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân khẳng định quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

“Quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật, mà còn nhằm thực thi các cam kết của VN trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân VN ở nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại VN.

Việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân” – ông Hiện nói.

Lo cho số phận 
người lao động

Không đồng tình, đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) phân tích: Theo pháp luật của Nhà nước ta từ trước đến nay, trách nhiệm hình sự chỉ áp dụng đối với các cá nhân, tức là theo nguyên tắc cá thể hoá trách nhiệm hình sự, nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

Trường hợp pháp nhân vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự với chế tài cao nhất là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, bồi thường thiệt hại…

Các biện pháp xử lý hành chính, dân sự này về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu xử lý vi phạm đối với pháp nhân.

“Việc xử lý trách nhiệm hình sự pháp nhân như tước giấy phép, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn sẽ ảnh hưởng những người không liên quan đến hoạt động tội phạm, ảnh hưởng người lao động, ảnh hưởng an sinh, trật tự xã hội, đến phát triển nền kinh tế” – bà Huyền bày tỏ.

Băn khoăn về vấn đề này, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) đặt vấn đề: “Nước ta một Đảng lãnh đạo, nhiều tổ chức kinh tế có tổ chức Đảng, như vậy khi xử lý hình sự pháp nhân thì có xử lý hình sự các tổ chức Đảng trong các pháp nhân này không?”.

Tuy nhiên, ý kiến bày tỏ đồng tình với quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiếm đa số. Cũng lo lắng cho số phận người lao động như bà Huyền, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu kiến nghị:

“Khi pháp nhân phạm tội và chịu hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì quyền lợi của người lao động sẽ ra sao, họ có lỗi không và có phải chịu hậu quả pháp lý của pháp nhân không? Tôi chưa thấy có quy định trong luật này.

Bởi vậy, tôi đề nghị bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người lao động khi pháp nhân chịu hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh”.

Tham nhũng, khắc phục hậu quả sẽ thoát án tử?

Về quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về các tội tham nhũng, nhận hối lộ nếu sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả, phối hợp tích cực với cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý vụ án, ông Tô Văn Tám nói:

“Với người phạm tội mà ăn năn hối cải, chủ động khắc phục lỗi lầm, hậu quả của mình gây ra thì xứng đáng được hưởng khoan hồng. Nhưng sự khoan hồng cần được áp dụng trong quá trình điều tra, phá án, trong quá trình xử lý.

Còn sau khi đã kết án rồi thì không còn là chủ động, tích cực nữa, mà khi đó do quá sợ tử hình mới tích cực khắc phục để cứu lấy sự sống của mình, như vậy người dân sẽ hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình, sẽ làm gia tăng sự bất bình trong dân chúng về tình trạng tham nhũng, hối lộ.

Đối với người tham nhũng thì họ sẽ chờ xem án tuyên ra sao, nếu bị tuyên tử hình mới chủ động khắc phục hậu quả, nếu không bị tử hình thì sẽ tìm cách giữ lại tài sản do tham nhũng, nhận hối lộ mà có”.

Không nghĩ như ông Tám, bà Kim Chi cho rằng với những người phạm tội thuộc nhóm tội phạm về kinh tế, chức vụ thì việc khắc phục hậu quả, bồi hoàn cho Nhà nước, nhân dân là điều rất quan trọng.

“Nếu để họ sống mà khắc phục hậu quả thì sẽ thu hồi được tài sản hoặc một phần tài sản do tham nhũng, còn nếu tử hình họ thì rất khó thu hồi tài sản. Hơn nữa, giảm án tử hình cho đối tượng này cũng giảm bớt áp lực trong việc thi hành án tử hình” – bà Chi bày tỏ.

Liên quan đến quy định về tội nhận hối lộ, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phát hiện dự thảo lần này chỉ thêm một từ “đòi” nhưng làm thay đổi nội hàm về tội này.

“Tội nhận hối lộ bây giờ chúng ta ghi thêm một điều kiện là phải “đòi” mới xử được. Tôi thấy quy định như vậy là tiếp tay cho tham nhũng bởi làm sao chứng minh được hành vi đòi.

Trong thực tiễn người ta gây khó khăn cho anh thì anh phải đưa hối lộ, mất lòng tin vào cơ quan, vào công chức nhà nước thì người ta cũng phải đưa.

Tôi đã chứng kiến một bộ trưởng trả lời trước truyền hình là cán bộ của tôi không ai đòi hối lộ cả, toàn là do nhân dân tự đưa” – ông Thuyền phân tích và đề nghị bỏ quy định yếu tố “đòi” trong cấu thành tội tham ô.

Đề nghị bỏ tử hình nhiều tội danh

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết trên cơ sở cân nhắc các ý kiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chỉnh lý theo hướng bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh:

Cướp tài sản; tàng trữ trái phép chất ma tuý; chiếm đoạt chất ma tuý; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.

Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn giữ hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây hoặc người thực hiện việc vận chuyển ma tuý với số lượng lớn.

Tuy nhiên, trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến cho rằng nên cân nhắc, chưa nên bỏ hình phạt tử hình ở ba tội: phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng và xét về ý nghĩa chính trị.

Chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử, đồng thời không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên để thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta.

LÊ KIÊN