28/11/2024

Phận con chữ hiếu làm đầu

Đã tròn 20 năm, chương trình “Người con hiếu thảo” được tổ chức ở TP.HCM. 120 người được tuyên dương hôm qua là 120 câu chuyện đẹp về lòng hiếu thảo.

 

Phận con chữ hiếu làm đầu

 

Đã tròn 20 năm, chương trình “Người con hiếu thảo” được tổ chức ở TP.HCM. 120 người được tuyên dương hôm qua là 120 câu chuyện đẹp về lòng hiếu thảo.


 


Anh Nguyễn Phước Thiện (trái) nghẹn ngào chia sẻ tình cảm với mẹ tại chương trình - Ảnh: Duyên Phan
Anh Nguyễn Phước Thiện (trái) nghẹn ngào chia sẻ tình cảm với mẹ tại chương trình – Ảnh: Duyên Phan

Mục tiêu của chương trình là từ những câu chuyện được sẻ chia đề cao giá trị đạo đức truyền thống, lấy nền tảng gia đình làm chuẩn mực rèn luyện nhân cách. Quan trọng là từng câu chuyện được nhân rộng và lan toả trong giới trẻ.

Hiếu thảo là chìa khoá của hạnh phúc trong các gia đình. Hiếu thảo còn có nghĩa là hãy đem lại hạnh phúc cho người khác. Chữ hiếu thời nào cũng vậy, đừng cậy vào thời hiện đại để biến tướng nó đi. Chính vì thế, chúng ta phải luôn học và rèn cách ứng xử với cha mẹ, ông bà, hàng xóm…

GS.TS VŨ GIA HIỀN

Nghĩa tình thầy giáo mù với mẹ

Trong căn hộ nhỏ của chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, anh Nguyễn Phước Thiện đeo đôi kiếng đen, ngồi một mình trước micro đang hướng dẫn tiếng Anh cho một học viên ở tận Vĩnh Long. Giọng nữ học viên ấy được phát ra từ loa gần đấy, trên màn hình vi tính những dòng chat của học viên cũng hiện lên…

Điều bất ngờ lớn nhất của lớp học tiếng Anh trực tuyến này là mắt thầy giáo Thiện bị mù. “Mọi người hỏi vì sao tôi làm được, tôi chỉ có thể trả lời đó là nhờ lòng mình quyết và nỗ lực” – anh Thiện nói.

Nhờ những lớp học tiếng Anh đó, anh không chỉ truyền phương pháp học tiếng Anh hiệu quả cho nhiều học viên mà còn là nguồn nuôi sống bản thân cùng người mẹ đã ngoài 60 tuổi. Trong căn nhà nhỏ ấy chỉ có hai mẹ con Thiện sớm hôm hủ hỉ. “Mình hiểu được sự hi sinh của mẹ dành cho mình nên sẽ cố gắng sống tốt để mẹ vui lòng mà an nhàn tuổi già” – anh Thiện bộc bạch.

Người mẹ chắt chiu nuôi con bằng gánh trái cây mỗi ngày và cũng đã khóc hết nước mắt khi cậu con trai mới học đến lớp 4 đã bị một tai nạn cướp đi đôi mắt. Cú sốc đầu đời khiến Thiện suy sụp, nhốt mình trong nhà một thời gian. Ngẫm lại thấy thương mẹ quá, Thiện bắt đầu tập đi bằng gậy, bao lần mẻ trán u đầu.

Thương mẹ, anh tự làm tất cả những việc gì có thể. Bà Mai, mẹ anh Thiện, cho biết: “Tôi già rồi, nhiều lúc cũng lo cho thằng Thiện nhưng thấy nó như hôm nay tôi phần nào yên tâm. Nó là con trai nhưng luôn tâm sự với mẹ. Nhiều đêm trước khi ngủ, nó luôn xoa bóp chân cho mẹ bớt nhức mỏi, dễ đi vào giấc ngủ”.

Bạn Phan Mỹ Duyên đang matxa cho mẹ - Ảnh: K.Anh
Bạn Phan Mỹ Duyên đang matxa cho mẹ – Ảnh: K.Anh

Hạnh phúc khi còn mẹ trên đời

Mới lên 10 tuổi, cha mẹ chia tay, hai mẹ con Phan Mỹ Duyên (P.8, Q.4) ở nhờ nhà người dì. Mẹ Duyên tần tảo bán buôn để nuôi con học đến nơi đến chốn với mong muốn sau này con gái không phải dãi dầu mưa nắng như mẹ.

Thương mẹ, đêm nào Duyên cũng chỉ chợp mắt vài tiếng, khoảng 3 – 4 giờ sáng lại chở mẹ đi chợ đầu mối Bình Điền lấy trái cây về bán. Đêm định mệnh ấy, hai mẹ con bị ngã xe do thiếu ngủ khiến mẹ Duyên bị chấn thương sọ não.

Bao nhiêu ngày tháng, cứ ban ngày Duyên chăm mẹ ở bệnh viện, tối đến tranh thủ đi làm kiếm tiền lo thuốc thang. Và rồi mẹ Duyên đã tai qua nạn khỏi. Duyên nói: “Một bên thái dương mẹ bị móp vào trong, ngày nào cũng rên nhức.

Những lúc ấy mình chỉ biết matxa cho mẹ để mẹ dịu đi phần nào. Bây giờ có chịu cực hơn nữa mình cũng chấp nhận được hết, miễn là mẹ còn sống trên đời” – Duyên tâm sự. Tấm lòng thơm thảo của Duyên dành cho mẹ đã rung động đến nhiều bà con lối xóm.

Tuyên dương 120 người con hiếu thảo

Chiều 29-10, liên hoan gương “Người con hiếu thảo” cấp thành năm 2015 do Hội Liên hiệp thanh niên phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM tổ chức. Cả hội trường lặng đi xúc động. Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Lan (Q.12) làm dâu 22 năm qua xem cha mẹ chồng như cha mẹ ruột.

Lúc trước chị làm công nhân, mẹ chồng già yếu ngoài 80 tuổi nên chị nghỉ việc ở nhà lo chăm sóc mẹ chồng “vì mẹ chồng cũng yêu thương tôi như con gái”, chị Lan tâm sự.

Còn anh Phạm Thanh Tùng (Q.Thủ Đức) thì người cha đột ngột qua đời, mẹ bị tai biến dẫn đến liệt tay và chân. Hằng ngày anh Tùng dậy sớm để lo cho mẹ ăn uống, thuốc thang xong mới đi làm.

Anh chia sẻ: “Tan ca, tôi về nhà tắm cho mẹ, lo cơm chiều cho mẹ, rồi tập cho mẹ đi tới đi lui, tối đến phải xoa bóp để mẹ đỡ nhức mỏi. Cứ nghĩ làm gì cho mẹ vui là sẽ làm hết sức”…

Tại buổi tuyên dương, ngoài trao bằng khen của UBND TP cho 48 gương tiêu biểu và giấy khen của Hội Liên hiệp thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ TP cho các gương còn lại, ban tổ chức cũng trao những phần quà trị giá gần 60 triệu đồng cho các trường hợp khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Lệ, phó ban thường trực Ban Dân vận Thành uỷ TP.HCM, phát biểu: “Các tấm gương đã tô điểm sâu sắc truyền thống đạo lý ngàn đời của dân tộc ta, tuy hoàn cảnh có khác nhau nhưng nổi bật vẫn là phẩm chất rất cao đẹp, góp phần đẩy lùi lối sống ích kỷ, vô ơn còn tồn tại trong xã hội”.