S.hub: điểm đến hấp dẫn người trẻ đọc sách

Rất đông người trẻ đã chọn đến S.hub – một không gian chia sẻ mới tinh vừa được khánh thành tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM. Họ đến để đọc sách.

 

S.hub: điểm đến hấp dẫn người trẻ đọc sách

 

Rất đông người trẻ đã chọn đến S.hub – một không gian chia sẻ mới tinh vừa được khánh thành tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM. Họ đến để đọc sách.




Các bạn trẻ tìm hiểu thông tin qua các thiết bị công nghệ hiện đại được trang bị tại S.hub - không gian chia sẻ (S là chữ viết tắt của share - chia sẻ) - Ảnh: Minh Trang
Các bạn trẻ tìm hiểu thông tin qua các thiết bị công nghệ hiện đại được trang bị tại S.hub – không gian chia sẻ (S là chữ viết tắt của share – chia sẻ) – Ảnh: Minh Trang

“Tôi thường có thói quen mang theo một cuốn sách đến quán cà phê để tìm kiếm một không gian mới cho việc đọc. Nhưng hình như chuyện đó bây giờ không cần thiết nữa!” – Thảo Tú, một bạn trẻ đến S.hub vào một sáng chủ nhật cuối tuần nói.

“Ám ảnh” về một thư viện cũ kỹ nằm trong ký ức của nhiều thế hệ học trò: những cô thủ thư vừa già vừa khó chịu, những kệ sách mốc, ẩm bụi bặm thiếu hơi người… có lẽ chỉ còn trong “truyền thuyết”, từ phía sảnh ngoài của thư viện 2.0 đầu tiên của TP.HCM này, âm nhạc của nữ ca sĩ người Anh Adele vang lên nhè nhẹ, người đọc sách cứ thế khoan khoái bước vào “thiên đường” dành riêng cho mình.

“Rất vui vì một không gian thư viện được làm sống lại, đẹp hơn, dễ tiếp cận hơn cho các bạn trẻ

Họa sĩ ĐỖ HỮU CHÍ

Không gian chia sẻ tri thức và ý tưởng

Nằm ở một địa chỉ rất cũ: Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM (69 Lý Tự Trọng, Q.1) nhưng phải đến tận nơi, nhìn tận mắt và cảm nhận một không khí học tập, thảo luận sôi nổi, cũng như sự thích thú của những bạn trẻ với không gian mới cực kỳ tiện ích, hiện đại của thư viện, mới thấy nơi đây đã thật sự khoác lên mình một diện mạo và được thổi một luồng sinh khí mới.

Sáng 25-10, sảnh ngoài của thư viện S.hub trở thành sân chơi của hơn 100 bạn trẻ đến tham gia các nhóm kỹ năng mềm: Làm thế nào để đạt hiệu quả khi làm việc nhóm? Tư duy phản biện phải được xây dựng như thế nào? Làm sao để có thể tự tin hơn trong giao tiếp? do tổ chức sinh viên quốc tế AIESEC thực hiện, nằm trong chương trình Công dân toàn cầu (Global citizen program).

Khi Phúc – một bạn trẻ trong nhóm Để tự tin hơn trong giao tiếp – hỏi: “Trong đây có ai bị tật nói cà lăm, nói lắp không?”, một vài cánh tay thưa thớt đưa lên. Anh chàng gật gù rồi nhoẻn miệng cười: “Thật ra ngày xưa tôi là một người bị tật cà lăm rất nặng, và tôi đã cố gắng để sửa, kiên trì trong nhiều năm liền. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện mình đã “chiến thắng” nói lắp như thế nào”.

Cách của Phúc cũng là cách mà những người trẻ đến với thư viện 2.0 – S.hub chọn để hiểu về sách, hiểu về mọi lĩnh vực họ quan tâm: công nghệ, đời sống, nghệ thuật, văn hoá: đó là sự chia sẻ.

Nhà văn trẻ Nguyễn Thiên Ngân khi đến với S.hub đã viết những dòng đầy cảm xúc: “Nếu đến thư viện trung tâm TP.HCM bây giờ, bạn sẽ thấy một sự chuyển mình đáng kể. Sảnh thư viện giờ đã hoá thân thành một không gian chia sẻ tri thức và ý tưởng.

Thiết bị hiện đại, bàn ghế thoải mái, sách mới cập nhật theo chủ đề, nhiều talkshow rất hay và hoàn toàn miễn phí. Nếu bạn định tìm một “quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”, hãy đến đây. Thời sinh viên túi rỗng mơ nhiều, mình mơ ước một nơi trú chân như vầy biết mấy!”.

Không gian sạch sẽ, ngăn nắp, là nơi lý tưởng cho người đọc sách,
Không gian sạch sẽ, ngăn nắp, là nơi lý tưởng cho người đọc sách,

Hàng loạt hoạt động 
thú vị

Ngay sau ngày khánh thành 
22-10, hàng loạt hoạt động thú vị của S.hub đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người trẻ tại TP.HCM như triển lãm ảnhBay đi của nhà nhiếp ảnh trẻ măng Thiên Minh, trưng bày bức tranhSamsalight và trò chuyện cùng nghệ sĩ thị giác trẻ Lê Thanh Tùng, talk show “Sức mạnh của nghệ thuật kể chuyện”, triển lãm ảnh của Tâm Bùi với bộ ảnhGà trống – gà mái

Trong quý đầu tiên hoạt động của thư viện 2.0 này, các nội dung (về đầu sách nhập về, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, giải trí) sẽ xoay quanh chủ đề: Sáng tạo, do đó không khó tìm thấy cảm hứng tươi mới phủ kín không gian của S.hub những ngày này.

Lúi húi ở phòng làm thẻ, Tuấn Anh, 21 tuổi, sinh viên ĐH Huflit, tâm sự: “Lần đầu tiên em đi làm thẻ thư viện đó. Nhưng mà không làm thì tự thấy mình thiệt thòi quá”. Với chiếc thẻ 10.000 đồng này, Tuấn Anh sẽ được sử dụng tất cả những thiết bị hiện đại nhất của phòng truyền thông đa phương tiện, mượn sách và có một chỗ ngồi học mát mẻ, thư thái trong khuôn viên xanh mát bóng cây.

Theo thông tin từ phía Thư viện Khoa học tổng hợp, thư viện 2.0 là một bước tiến mới từ mô hình thư viện 1.0 đã bắt đầu khởi động từ năm 2011 với sự đồng hành của thương hiệu Samsung. Theo đó, từ năm 2011, những người thực hiện chương trình đã đi dọc chiều dài đất nước, tìm hiểu và đến những vùng sâu vùng xa, nơi thiếu thốn điều kiện về cơ sở vật chất để giúp đỡ cải tạo, nâng cấp những thư viện đang nằm trong tình trạng xuống cấp, cung cấp nguồn sách mới với những đầu sách hay, hỗ trợ về trang thiết bị tra cứu, máy móc và đào tạo kỹ năng cho các thủ thư để khuyến khích các bạn trẻ đến thư viện nhiều hơn.

Chương trình thành công với hơn 50 thư viện mới được xây dựng trên cả nước, hàng chục ngàn đầu sách được phân phối đến tận những điểm khó khăn. Từ những khích lệ đáng mừng khi dự án này kết thúc, thư viện thông minh 2.0 ra đời với sứ mệnh sẽ trở thành một không gian chia sẻ sách tiện ích, hiện đại, thân thiện, thật sự đi vào đời sống văn hoá đọc của người trẻ, như những lời nhắn nhủ của S.hub thông qua video giới thiệu của mình: “Đừng để tri thức ngủ quên, đừng vùi chôn ý tưởng”.

Phí thấp, chất lượng cao!

Với kinh phí đầu tư cải tạo lên đến 6 tỉ đồng, không gian trao đổi tri thức của S.hub gồm bốn phòng chính là: khu tiền sảnh, phòng nghe nhìn (truyền thông đa phương tiện), phòng tra cứu và khu vực thảo luận nhóm với công suất phục vụ khoảng 200 bạn trẻ cùng lúc.

Điểm đặc biệt của không gian này là mọi thứ: từ các đầu sách hay cho đến việc sử dụng các trang thiết bị hiện đại phục vụ tra cứu, học tập, thuyết trình, họp nhóm đều được miễn phí sử dụng cho tất cả mọi người, chỉ cần người sử dụng đăng ký từ trước và có thẻ thư viện (dễ dàng để có với phí làm thẻ 10.000 đồng/năm).

Phòng truyền thông đa phương tiện thậm chí có thể dùng để chiếu những bộ phim hay phục vụ các bạn trẻ theo dõi. Hiện nay, ngoài những hoạt động mang tính sự kiện, các hoạt động cuối tuần của S.hub chủ yếu được hai đơn vị là tổ chức AIESEC và LIIN – những tổ chức quốc tế dành cho sinh viên – thực hiện với các chương trình mở về kỹ năng. Thư viện cũng sẽ tập trung xây dựng nơi đây trở thành điểm đến văn hoá mới hữu ích dành cho người trẻ trước khi mở rộng thêm.

MINH TRANG ([email protected])