08/01/2025

Luật chưa quy định, toà vẫn phải giải quyết

Tất cả ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) ngày 26-10 đều thống nhất vấn đề này, trước khi sẽ bấm nút thông qua trong kỳ họp.

 

Luật chưa quy định, toà vẫn phải giải quyết

 

Tất cả ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) ngày 26-10 đều thống nhất vấn đề này, trước khi sẽ bấm nút thông qua trong kỳ họp. 

 

 

 

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng: “Toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” – Ảnh: Việt Dũng

Đây được coi là điểm mới nhất trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi).

Quốc hội đã dành trọn một ngày để cho ý kiến về Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Đây là bộ luật mà nói như đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM): sẽ “ảnh hưởng từ đứa trẻ chập chững đến người già”.

Chưa tin thẩm phán

Phân tích quan điểm ủng hộ nguyên tắc “toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” mà dự thảo quy định, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã viện dẫn khoản 1, điều 14 Hiến pháp 2013: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Do đó, theo đại biểu Vinh, về mặt lý luận, đây là nguyên tắc phải được đảm bảo để công lý luôn được thực thi. “Trách nhiệm này thuộc về Nhà nước chứ không thể đẩy cho nhân dân. Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải bảo vệ dân, đó mới là bản chất của Nhà nước” – đại biểu Trần Ngọc Vinh nói.

Nhiều đại biểu cũng đồng ý với ban soạn thảo về nguyên tắc: nếu vấn đề dân sự chưa được quy định trong luật thì toà án sẽ áp dụng nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng. Tuy nhiên, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đã có ý kiến trái chiều.

Ông nói: “Chúng ta đưa vào luật việc giao cho thẩm phán có quyền áp dụng “lẽ công bằng” là giao cho thẩm phán làm luật”. Ông Hà phân tích nếu quy định như vậy sẽ có trường hợp cùng một vấn đề sơ thẩm công nhận đó là “lẽ công bằng” nhưng phúc thẩm bác bỏ.

Đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị trong một số tình huống đặc biệt có thể dùng nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (mỗi tháng họp một lần) để giải quyết, chứ không thể “tuỳ nghi” theo chủ quan của thẩm phán.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) cũng đề nghị phải hết sức cân nhắc việc “xét xử theo tập quán và lẽ công bằng” vì theo ông, thẩm phán hoàn toàn có thể bị thử thách khi đứng trước những vụ án mà lợi ích của các bên tham gia có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng.

“Trong khi lương thẩm phán chỉ bảy, tám triệu đồng, đây là điều phải tính toán” – đại biểu Hồ Trọng Ngũ nói.

Chưa thống nhất 
về vai trò của VKS

Báo cáo giải trình về dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giữ quan điểm: viện kiểm sát (VKS) sẽ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại các phiên xử dân sự. Quan điểm này nhận được sự chia sẻ của nhiều đại biểu nhưng vẫn còn ý kiến phản đối.

Đại biểu Lương Văn Thành (Hải Phòng) cho rằng quy định như vậy là phù hợp. Việc đại diện VKS phát biểu quan điểm tại phiên toà dân sự, theo ông Thành, “không làm kéo dài thêm thời gian và giúp hội đồng xét xử có thêm kênh để xác định vụ việc”.

Đại biểu Thành cũng đồng ý việc trao quyền thu thập chứng cứ cho VKS. Ông lý giải: “VKS có quyền kháng nghị thì dĩ nhiên có quyền thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ, như vậy mới đảm bảo khách quan, chính xác và khắc phục được những sai lầm thiếu sót từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm… Chỉ có lợi cho dân, cái gì có lợi cho nhân dân thì nên ủng hộ”.

Đại biểu Chu Sơn Hà và Nguyễn Bá Thuyền cũng cùng quan điểm này, cho rằng các phát biểu của đại diện VKS tại phiên toà sẽ không ảnh hưởng đến kết quả.

“Nếu không cho đại diện VKS có ý kiến thì vai trò của VKS chỉ như hoạt động giám sát thôi. VKS phải là một cơ quan tiến hành tố tụng, điều này không ảnh hưởng gì. Đâu phải VKS nói thế nào thì hội đồng xét xử sẽ nói thế ấy” – đại biểu Chu Sơn Hà nêu quan điểm.

Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), với góc nhìn của một đại biểu – luật sư, đã đưa ra quan điểm ngược lại. “Nếu VKS tham gia ý kiến tại phiên tòa thì đồng nghĩa đã có hai cơ quan xét xử, vi phạm quyền xét xử độc lập” – ông Nghĩa khẳng định.

Theo ông, đại diện VKS có mặt tại phiên toà để kiểm soát việc thực thi pháp luật, chứ không phải để tham gia xét xử và cần quy định rõ điều này.

Tránh để việc dân sự đi lòng vòng

Đây là vấn đề mà các đại biểu đề nghị Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) lần này phải khắc phục. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần quy định hợp lý các thủ tục hành chính tư pháp, rút ngắn thời gian để bảo đảm người dân và doanh nghiệp tiếp cận công lý nhanh chóng.

Để rút ngắn thời gian, ông Nghĩa đề nghị: “Phải cho phép toà án tống đạt trực tuyến, sử dụng nghiệp vụ thừa phát lại, điều này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời tôi đề nghị bỏ luôn quy định giấy đăng ký người bảo vệ trong tố tụng dân sự. Chỉ cần nộp thẻ luật sư, hợp đồng dịch vụ pháp lý cũng như giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề là được…”.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh cũng cho rằng đối với người có quyền và nghĩa vụ liên quan được toà án đưa vào tham gia tố tụng thì phải là người có quyền lợi trực tiếp. Theo đại biểu Ánh, nếu không quy định cụ thể như vậy thì có thể phiên tòa sẽ bị huỷ đi huỷ lại.

 

VIỄN SỰ