08/01/2025

Công nhân xoay xở nuôi con

Không có nhiều tiền, không kiếm được chỗ gửi con thật sự yên tâm, hàng ngàn ông bố bà mẹ trẻ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất… tại TP.HCM đang cố gắng xoay xở bằng mọi cách để chăm lo tốt nhất cho con của mình.

 

Công nhân xoay xở nuôi con

 

Không có nhiều tiền, không kiếm được chỗ gửi con thật sự yên tâm, hàng ngàn ông bố bà mẹ trẻ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất… tại TP.HCM đang cố gắng xoay xở bằng mọi cách để chăm lo tốt nhất cho con của mình.




Công nhân đón con tại Trường mầm non Đồng Xanh trong Khu công nghiệp Hiệp Phước, H.Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA
Công nhân đón con tại Trường mầm non Đồng Xanh trong Khu công nghiệp Hiệp Phước, H.Nhà Bè, TP.HCM – Ảnh: HỮU KHOA

Trưa, xóm trọ ở phía sau Khu công nghiệp Tân Tạo (P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân) im lìm. Một cánh cửa hé mở. Chỉ thấy bóng một phụ nữ trẻ với đôi bàn tay đang nắn nót từng đường kim trên bức tranh thêu chữ thập. Bên cạnh chị, con gái đầu lòng 27 tháng tuổi đang choàng tay qua chân mẹ ngủ yên lành.

Quyết không… gửi con

Hơn ba tháng nay, người phụ nữ ấy, chị Nguyễn Thị Hoa (27 tuổi, quê Thanh Hoá ) phải xin nghỉ việc tại một công ty may để ở nhà chăm lo con gái.

“Em làm ở công ty đó được năm năm, thu nhập đã khá ổn định, phải nghỉ giữa chừng cũng tiếc lắm. Nhưng nếu cứ đi làm thì con biết gửi cho ai? Gửi nhà trẻ thì không yên tâm, gửi về cho ông bà thì mình nhớ con thắt ruột, sao đi làm cho nổi!?” – chị Hoa nói.

Vợ chồng chị vẫn còn rùng mình khi nghĩ tới nhà trẻ đầu tiên của con. Khi chồng chị tới đón, tìm mãi mới thấy con đang ngồi ngơ ngác trong nhà vệ sinh trống hoác, không thấy cô bảo mẫu đâu.

Thấy cha, cô bé hấp tấp đứng dậy, bị vấp té, chiếc bô với bao nhiêu thứ bẩn thỉu đổ hết lên người. Hôm sau bé bị sốt, bỏ ăn, vợ chồng chị quyết định cho con ở nhà luôn sau bốn ngày bé đi nhà trẻ!

Cũng tạm gác chuyện tiền bạc sang một bên, chị Sơn Thị Na (24 tuổi, công nhân Khu công nghiệp Tân Bình) vừa quyết định sẽ tiếp tục ở nhà với con gái út thêm một vài năm, trong khi chỉ còn vài ngày nữa chị phải trở lại công ty sau kỳ nghỉ thai sản.

“Con bé hơi yếu, sữa mẹ lần này lại không được tốt. Vợ chồng đi làm, mỗi tháng cũng chỉ kiếm được 6 – 7 triệu đồng, mình nghỉ là mất đi một nửa thu nhập nhưng đành vậy. Gửi trẻ tại các nhóm trẻ thì mình không yên tâm.

Đợi con bé một vài năm nữa thật cứng cáp rồi gửi về quê cho ông bà ngoại chăm luôn” – chị Na nói khi con gái nhỏ đang nằm yên trong lòng mẹ, nhắm mắt bú ngon lành. Con đầu lòng của chị hơn 3 tuổi, vừa được gửi về quê ở với ông bà.

Chị tính thế này: lương công nhân hơn 3 triệu đồng/tháng chỉ đủ tiền mua tã lót, sữa. Thêm tiền gửi con thì đi đứt tháng lương của mẹ rồi. Vậy chi bằng ở nhà trông con vừa đảm bảo vừa tiết kiệm. Nhờ được bú sữa mẹ đầy đủ, cậu bé lớn nhanh, khỏe mạnh và rất ít khi bệnh.

Cách nhà chị Na không xa, chị Cao Thị Hoàng (28 tuổi) cũng đang trong kỳ nghỉ dài ở nhà chăm con. Chồng làm nghề lái xe, còn chị trước làm cho một công ty may mặc tư nhân với mức lương gần 4 triệu đồng/tháng.

Chị Hoàng chia sẻ: “Nhìn những điểm giữ trẻ dưới 2 tuổi nheo nhóc nên tui lo lắm, chưa tính đến việc họ có đánh đập hay không nhưng chắc chắn ăn uống vệ sinh không thể đảm bảo được. Còn trường mầm non khá xa chỗ trọ, không thuận tiện cho việc đưa đón mà chưa chắc đã xin vào được vì mình tạm trú rày đây mai đó.

Con tui mới 9 tháng tuổi, đang thời kỳ ăn giặm, nếu không cho ăn thức ăn phù hợp sau này dễ bị bệnh đường tiêu hóa khổ thân nó. Vợ chồng đã tính rồi, đợi khi nào bé 5 tuổi mới cho đi học”.

Trăm bề xoay xở

Chiều, khúc đường Dĩ An – Bình Đường thuộc khu phố Nhị Đồng 2, P.Dĩ An (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cạnh bên Khu công nghiệp Sóng Thần ầm ĩ tiếng nói cười của gần 20 đứa trẻ lớn nhỏ. Tranh thủ lúc vắng người, những cô cậu lẫm chẫm biết đi nhào ra đường đùa nghịch. Và phía sau mỗi đứa trẻ là ánh mắt dõi theo của người mẹ, người bà đang ngồi tựa cửa nhìn theo con cháu mình! Cửa hàng tạp hóa đơn sơ của chị Nguyễn Thị Phấn (29 tuổi, quê Quảng Trị) trở thành “điểm hẹn” của các bà, các chị mỗi buổi chiều.

Bản thân chị Phấn chủ quán cũng là một bà mẹ “hi sinh” công việc vì con. Cứ mỗi lần sinh, chị lại nghỉ luôn mấy năm để chăm con cho tốt. Trong lúc ở nhà, chị lấy ít gói mì, thuốc lá và những thứ lặt vặt khác về bán cho các gia đình trong xóm kiếm thêm thu nhập.

Còn chị Hương Loan vừa ẵm con vừa băn khoăn vì nửa tháng nữa hết kỳ nghỉ thai sản mà chị chưa muốn đi làm trở lại, muốn ở nhà trông con cho thật yên tâm, nhưng một mình chồng không chèo chống nổi kinh tế gia đình, có khi phải gửi con đi các điểm giữ trẻ tư nhân rồi đi làm. Nhưng mọi người xúm vào khuyên chị chẳng nên, tiền kiếm thì được bao nhiêu, con có bị làm sao rồi hối không kịp.

Anh Minh Hùng vừa tan ca, thay vội vàng bộ quần áo công nhân đầy mùi sơn để ngược Sài Gòn thăm con gái. Con anh mới 2 tuổi, hết gửi bà cô ở Bình Dương, giờ lại gửi sang ông cậu tại Sài Gòn, mỗi tuần tranh thủ về thăm một lần.

Câu chuyện giữa những người mẹ, người cha công nhân đang rôm rả thì vợ chồng trẻ Thu – Định tất tưởi đạp xe về. Làm chung một công ty thực phẩm trong Khu công nghiệp Sóng Thần, cứ 4g sáng đã ra đi, 5g chiều mới trở về, hai người đành phải năn nỉ hết lời, đón bà nội từ huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hoá) vào trông con.

Đã năm tháng ở phố mà bà Huyền, mẹ anh Định, vẫn chưa nói được sành sõi tiếng phổ thông, mỗi khi ai hỏi chuyện chỉ biết bẽn lẽn cười.

Khác với bà Huyền, bà Tư Bông (68 tuổi, ở trọ tại khu phố 8, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) “kinh nghiệm đầy mình” khi đang nuôi đứa cháu thứ hai cho con trai và con dâu yên tâm đi làm.

Đứa cháu đầu tiên tên Hiệp (7 tuổi), vừa được cho về quê ở Cần Thơ để đi học. Cậu em tên Thành mới 7 tháng tuổi, vừa cai sữa mẹ. Chị Lê Thị Bích Thảo, con dâu bà Tư Bông, kể rằng ông bà nội đã nhất quyết không cho hai anh em Thành tới nhà trẻ.

“Cho nó ở nhà với tao, có gì ăn nấy, tụi mày cứ đi làm đi”. Cậu bé Hiệp lớn lên khoẻ mạnh, lanh lợi và thông minh, về quê đi học ai cũng khen. Bà Tư Bông rất lấy làm hài lòng về việc đó. Bà nói bà không yên tâm giao cháu mình cho mấy điểm giữ trẻ quanh đây, chừng nào già yếu quá rồi thì thuê người về chăm…

Quy hoạch khu công nghiệp phải có đất xây dựng trường mầm non

Đó là chỉ thị mới của UBND TP.HCM vừa chính thức được ban hành vào giữa tháng 
10-2015, trước tình trạng tăng dân số cơ học diễn tiến quá nhanh, nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất… ngày càng tăng. Trong khi đó, hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non cả công lập và ngoài công lập chưa đáp ứng được nhu cầu.

UBND TP chỉ đạo khi quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên địa bàn TP phải có quy hoạch về nhà ở cho người lao động trong khu công nghiệp, bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non.

Các quận, huyện được giao xây dựng cơ sở vật chất cho thuê để thành lập các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với phí cho thuê hợp lý, đủ khuyến khích ở những nơi không thể phát triển cơ sở giáo dục mầm non công lập.

“Kiến bò miệng chén…”

Quanh khu nhà trọ của chị Phấn ở khu phố Nhị Đồng 2, đoạn đường chỉ vài trăm mét mà có tới sáu điểm giữ trẻ tư nhân, nhận giữ các bé từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi hoặc hơn. Điểm nào nhỏ thì giữ 5 – 6 cháu, điểm nào lớn có tới 50 – 60 cháu. Nhưng chị Phấn và hàng trăm chị em công nhân đã nhất quyết không gửi con.

Băn khoăn về chất lượng của các cơ sở này là một chuyện, chị Phấn còn lo lắng hơn khi: “Con thì không thể không sinh. Mà sinh ra rồi lại bỏ nó lăn lóc thì tội nghiệp. Thằng bé lớn nhà tôi cũng có một thời gian đi các điểm giữ trẻ, nhưng vợ chồng đều tăng ca bất kể giờ giấc, về trễ đi tìm con thấy đang lang thang nhặt rác ngoài đường chơi mà ứa nước mắt.

Ở đây, sinh con xong nếu được ông bà nội ngoại vào chăm còn đỡ, gửi con về quê thì nhớ, để lại thì mẹ phải nghỉ làm mà chăm. Nói chung là cách nào cũng khổ. Quanh quẩn thế nào rồi cũng lại đưa về quê, xa xôi cách trở, gom được món tiền về thăm thì con đã không còn nhận ra mình nữa…”.

Quanh câu chuyện xoay xở nuôi con của chị em công nhân có vô số chuyện cười ra nước mắt. Bà mẹ chồng chị Hoa vẫn còn trẻ, bà đi đâu, ông theo đấy. Thế là suốt chín tháng trời căn phòng 8m2 của chị có thêm hai thành viên, vừa chật chội bất tiện, vợ chồng đi làm không đủ nuôi đứa nhỏ và ông bà nội.

Rồi con lớn của chị Na vì sống với ông bà ngoại từ năm 2 tuổi nên chỉ biết nói tiếng Khmer chứ không nói được tiếng Việt, chị chưa biết sang năm khi tới trường con sẽ phải học tiếng Việt thế nào.

Cô bé con nhà chị Hoa vừa nhìn thấy khách lạ đeo balô đã vội vàng oà khóc: “Con không đi học đâu”. Ừ thì con không đi học, nhưng chị Hoa đã tính chuyện sang năm phải gửi con để đi tìm việc mới vì số tiền dành dụm đã gần cạn hết.

Nhưng tính đi tính lại, chị vẫn chưa biết gửi con đi đâu vì trong khu chị ở chỉ có một trường mầm non trông có vẻ yên tâm, nhưng trẻ con đông quá, chị vừa nhìn thấy đã quay ra, không còn ý định xin học cho con nữa.

Chị đã tính kiếm một công việc gia công tại nhà. “Nhưng ở xứ công nhân đông bạt ngàn thế này, kiếm được việc làm thêm còn khó hơn lên trời. Cô bạn em nghỉ sinh nhận đan giỏ xách, hai mẹ con đan cả ngày cũng chỉ được 20.000 đồng” – chị nói.

Dù gì thì những đứa trẻ vẫn phải ra đời và lớn lên bên cạnh những khu nhà máy đồ sộ. Bên cạnh mỗi đứa trẻ, bên cạnh niềm vui được làm cha làm mẹ, những công nhân đầu tắt mặt tối còn có thêm nỗi lo rất chính đáng: “Biết gửi con đi đâu cho an toàn?”.