09/01/2025

Hoãn kế hoạch tử hình Lê Văn Mạnh

Đây là thông tin được ông Phạm Quốc Bảo, chánh án TAND tỉnh Thanh Hoá, xác nhận với Tuổi Trẻ về việc chuẩn bị kế hoạch thi hành bản án tử hình đối với Lê Văn Mạnh (xã Yên Thịnh, huyện Yên Định).

 

Hoãn kế hoạch tử hình Lê Văn Mạnh

 

 

Đây là thông tin được ông Phạm Quốc Bảo, chánh án TAND tỉnh Thanh Hoá, xác nhận với Tuổi Trẻ về việc chuẩn bị kế hoạch thi hành bản án tử hình đối với Lê Văn Mạnh (xã Yên Thịnh, huyện Yên Định).




Một phần đơn kêu oan của tử tù Lê Văn Mạnh
Một phần đơn kêu oan của tử tù Lê Văn Mạnh

Chánh án TAND tỉnh Thanh Hoá cho biết sau khi nhận được đơn đề nghị hoãn thi hành án tử hình với Mạnh, toà đã xem xét dừng lại việc thi hành án.

“Chúng tôi mới nhận đơn kiến nghị nên cũng cần thời gian để nghiên cứu hồ sơ vụ án xem tử tù này có bị oan hay không. Dù là 1% có dấu hiệu oan sai, vi phạm tố tụng thì vẫn phải xem xét để đảm bảo quyền được sống, quyền con người được quy định trong Hiến pháp”. – Ông Bảo nói. 

Ông Bảo khẳng định việc tước đi mạng sống của một con người, dù đó là một bản án có hiệu lực pháp luật, thì cần hết sức thận trọng.

Theo ông Bảo, “Xem xét lại, chậm lại việc thi hành án là để cơ quan tố tụng làm hết nhẽ, nếu bản án có sai sót, có vi phạm tố tụng thì không oan cho một con người. Còn sau khi xem xét, bản án đó không vi phạm tố tụng, tội của Mạnh là không oan thì các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện công việc của mình theo đúng pháp luật”.

Trả lời về động thái tiếp theo của TAND tỉnh Thanh Hóa, ông Bảo nói: TAND tỉnh Thanh Hoá sẽ xem xét lại hồ sơ và có kiến nghị, đề nghị với các cơ quan cấp trên để có những hoạt động tiếp đối với vụ án.

Thẩm quyền của việc xem xét lại bản án cũng như đưa ra những quyết định thuộc Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Theo ông Nguyễn Văn Khuyên – phó chánh án TAND tỉnh Thanh Hoá, chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình, hội đồng đã quyết định ngày 10-11-2015 sẽ thi hành án tử hình với Lê Văn Mạnh.

Ông Khuyên cho biết từ năm 2008 đến nay, bị án liên tục có đơn kêu oan nên không thi hành án tử hình được. Tuy nhiên, Lê Văn Mạnh lại không làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình.

“Trước khi thi hành án tử hình, chúng tôi rất thận trọng làm công văn gửi TAND tối cao xin ý kiến chỉ đạo về vấn đề này. Khoảng đầu tháng 10-2015, lãnh đạo TAND tối cao ký công văn trả lời bản án đối với Lê Văn Mạnh có hiệu lực pháp luật, không bị kháng nghị thì cứ thi hành án bình thường. Trên cơ sở đó, hội đồng thi hành án tử hình đã được thành lập. Giờ gia đình có đơn thì tất nhiên chúng tôi sẽ xem xét” – ông Khuyên nói.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 21-3-2005 xảy ra một vụ giết người và hiếp dâm tại xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.

Nạn nhân là Hoàng Thị Loan (sinh năm 1991). Quá trình điều tra xác định chiều hôm đó Hoàng Thị Loan ra bờ sông Cầu Chày đi vệ sinh.

Tối cùng ngày, gia đình phát hiện Loan mất tích liền tổ chức đi tìm nhưng không thấy. Trưa 
22-3-2005, người dân phát hiện thi thể Loan tại bờ sông Cầu Chày thuộc xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.

Ngày 
20-4-2005, Lê Văn Mạnh bị bắt theo lệnh bắt tạm giam của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai về hành vi cướp tài sản.

Sau đó, từ trong tù, Lê Văn Mạnh viết thư gửi bố là ông Lê Văn Chính với nội dung nhận tội giết và hiếp dâm Hoàng Thị Loan.

Từ năm 2005 đến 2008, vụ án Lê Văn Mạnh trải qua tổng cộng 7 phiên toà gồm 3 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần xét xử phúc thẩm và 1 lần giám đốc thẩm.

Tháng 7-2008, khi xét xử sơ thẩm lần 3, TAND tỉnh Thanh Hoá tuyên án tử hình đối với Mạnh về hai tội giết người và cướp tài sản. Tháng 11-2008, toà phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội y án sơ thẩm.

Ngày 16-10-2015, chánh án TAND tỉnh Thanh Hoá ký thông báo gửi ông Lê Văn Chính và bà Nguyễn Thị Việt (bố mẹ bị án Lê Văn Mạnh) về việc thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh để gia đình làm đơn nhận tử thi đưa về an táng.

Sau khi nhận được thông báo của toà, bà Việt đã ra Hà Nội để nộp đơn kêu oan cho con.

Ngày 23-10, sáu luật sư tại Hà Nội cũng đã có đơn kiến nghị tạm hoãn thi hành án tử hình khẩn cấp gửi đến Chủ tịch nước, một số cơ quan tư pháp ở trung ương và Thanh Hoá.

 

HOÀNG ĐIỆP – TÂM LỤA