10/01/2025

Bớt kẹt xe nếu biết nhường nhịn nhau

Hà Nội trở thành một thủ đô không vỉa hè. Chỉ cần một vụ va quẹt nhỏ, những đương sự sẵn sàng nhảy bổ vào “xin tí tiết” của nhau. Sài Gòn trở thành một thành phố náo nhiệt với những vụ kẹt xe kéo dài giờ tan sở. Những lúc đó đèn xanh đèn đỏ không nghĩa lý gì.

 

Bớt kẹt xe nếu biết nhường nhịn nhau

 

 

Hà Nội trở thành một thủ đô không vỉa hè. Chỉ cần một vụ va quẹt nhỏ, những đương sự sẵn sàng nhảy bổ vào “xin tí tiết” của nhau. Sài Gòn trở thành một thành phố náo nhiệt với những vụ kẹt xe kéo dài giờ tan sở. Những lúc đó đèn xanh đèn đỏ không nghĩa lý gì.




Phóng to
Kẹt xe khu vực bến xe miền Đông (ảnh chụp trên đường Đinh Bộ Lĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) – Ảnh: N.C.T.

 

Trong những đám kẹt xe, người ta lao lên vỉa hè hay sẵn sàng nhích ga, lấn từng tấc đường trước mặt, gây ra ùn tắc triền miên, không hướng thoát. Nhiều ngõ hẻm yên bình bây giờ đã trở thành những hướng giải quyết ùn tắc bất đắc dĩ. Rồi chính những ngõ hẻm cũng trở thành những chỗ ùn tắc, tiến thoái lưỡng nan.

Không ai làm được phép tính xem năng lượng xã hội đã tiêu hao như thế nào cho việc đi đường. Chỉ biết buổi sáng dắt xe ra khỏi nhà trong tâm trạng sảng khoái, nhưng đến được công ty, qua vài đám kẹt xe thì tinh thần uể oải căng thẳng. Chỉ biết mỗi chiều tan tầm lượn lách qua những đám ùn tắc, về đến nhà thì mệt nhừ bải hoải, chỉ muốn cáu gắt lẫn nhau.

Giao thông đang vẽ ra tâm trạng một bối cảnh căng thẳng. Các nhà quy hoạch giao thông, nếu nhìn qua cửa kính xe hơi, có cảm nhận được những đoạn ách tắc căng thẳng của người dân vì “lô cốt”, vì những dự án sửa chữa trễ tiến độ do mình quản lý? Các nhà hoạch định chiến lược phát triển đô thị có đau đầu khi nhìn thấy những con đường không nở ra thêm nhưng dân số, phương tiện đi lại đang ngày càng nở nồi quá tải?

Chúng ta đang từng ngày chứng kiến sự xuống cấp của văn hoá ứng xử nơi công cộng của người Việt thông qua giao thông. Trong một đám kẹt xe, tôi đã chứng kiến những cô gái mặc áo dài vượt đèn đỏ. Trong một đám kẹt xe, tôi từng thấy một đứa bé vừa tan trường nhắc nhở cha mình phải biết dừng lại dành khoảng vạch trắng cho người đi bộ. Và cũng trong đám kẹt xe, tôi gặp những vụ va quẹt, ẩu đả đầy quyết liệt.

 

Phóng to
Cảnh kẹt xe thường thấy tại khu vực Lăng Cha Cả (TP.HCM) – Ảnh: T.T.Dũng

 

Luật lệ đã không có chỗ trong một đám đông hỗn loạn mạnh ai nấy chạy. Sự bình tĩnh và văn hoá đã không có mặt trong một đám đông lùng nhùng bức bối. Và tâm lý ứng xử theo cách đối phó, theo lối gắt gỏng mạnh được yếu thua, theo những cách giành giật bất tuân lợi ích chung cũng nảy sinh từ đó. Những đám kẹt xe nhỏ có thể giải tỏa sau đó một vài tiếng, nhưng sự lặp đi lặp lại hằng ngày của tình trạng đó sẽ để lại cho người ta một thứ tập quán xem thường những ứng xử nơi công cộng của con người đô thị.

Đô thị văn minh phải xuất phát từ thị dân văn minh và một trình độ cơ chế quản lý, quy hoạch văn minh. Ứng xử giao thông đôi khi tưởng là một câu chuyện nhỏ nhưng lại là một biểu hiện rõ ràng nhất của tình trạng đời sống xã hội.

Nếu giải quyết được vấn đề giao thông một cách văn minh, từ ý thức mỗi cá nhân thị dân và từ cơ chế hoạch định vĩ mô của chính quyền, điều đó tạo ra một sự thuận tiện di chuyển, một hình ảnh đẹp bề ngoài, đồng thời thiết lập những giềng mối tinh thần, văn hóa công cộng trong đời sống, không làm hoài phí năng lượng sáng tạo và xây dựng đô thị.

======================================================================

* Tôi thấy đây cũng là một giải pháp để giảm bớt kẹt xe. Bây giờ ra đường tôi thấy ai cũng vội vã, nhưng chẳng lẽ vội vã đến mức không chờ được vài giây mà phải vượt đèn đỏ hay leo lên vỉa hè để đi?

Chúng ta cứ than vãn về tình trạng kẹt xe, nhưng chính chúng ta có khi góp phần vào tình trạng ấy.

* Tôi nghĩ giải quyết vấn đề kẹt xe trước hết phải là nhà nước. Một khi đã đủ đường đi, và đường rộng rãi, liệu có kẹt xe không?

Trong khi TP.HCM không có đủ đường cho dân đi thì tình trạng kẹt xe xảy ra là điều hiển nhiên. Đừng kêu hoài “bài ca ý thức người dân”, hãy tạo ra thêm nhiều diện tích đường cho hôm nay và cho mai sau.

———————-

Ý kiến của bạn về vấn đề này ra sao? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email [email protected] hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cám ơn.

NGUYỄN NHÂN CHÍNH