Chúng ta cần ánh sáng của Chúa

Trong cuộc gặp gỡ Đức Kitô, được trải nghiệm qua đức tin, Batimê đã tìm lại được ánh sáng mà anh đã đánh mất, và cùng với ánh sáng này, là phẩm giá viên mãn của anh: anh liền đứng dậy và lại bắt đầu bước đi, và từ giờ phút đó trở đi, anh đã có một người hướng đạo, đó là Đức Giêsu, và có một con đường, một con đường như Đức Giêsu đã ruổi rong.

 Chúng ta cần ánh sáng của Chúa

Thánh lễ bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục
Vương cung Thánh đường Vatican
Chúa Nhật XXX TN, 28/10/2012

 

Chư huynh đáng kính,
Kính thưa Quý Bà, Quý Ông,

Anh chị em thân mến!

Phép lạ cho anh mù Batimê được sáng mắt có một chỗ đứng đáng kể trong cấu trúc của Tin Mừng theo Thánh Maccô. Thật thế, phép lạ này được đặt sau phần được gọi là“cuộc hành trình lên Giêrusalem”, nghĩa là cuộc hành trình lần cuối lên Thành thánh của Đức Giêsu, để tham dự lễ Vượt Qua, và trong dịp lễ này, Chúa biết cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh đang chờ đợi Người. Để lên Giêrusalem từ thung lung Giođan, Đức Giêsu đi ngang qua Giêricô, và Người đã gặp anh mù Batimê khi ra khỏi thành phố, “trong khi – Thánh sử ghi nhận – Đức Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng các môn đệ và cả một đám đông người” (10,46), đám đông này, không lâu sau đó, sẽ tung hô Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai khi Người vào Thành Giêrusalem. Batimê, có nghĩa “con ông Timê”, Thánh sử ghi nhận như thế, ngồi trên lề đường ăn xin. Toàn bộ Tin Mừng theo Thánh Maccô là một lộ trình đức tin, được khai triển tuần tự theo trường dạy của Đức Giêsu. Các môn đệ là những người chủ chốt đầu tiên trên con đường khám phá này, ngoài ra, cũng có những nhân vật khác đóng vai trò quan trọng và Batimê là một trong những người đó. Vụ chữa lành anh mù Batimê được xem là vụ chữa lành lạ lùng cuối cùng trước khi Chúa chịu thương khó, và đây chẳng phải là điều tình cờ khi Người chữa lành một anh mù, nghĩa là chữa lành một người mà đôi mắt đã không còn thấy được ánh sáng nữa. Qua những bản văn khác, chúng ta cũng biết rằng tình trạng đui mù có nhiều ý nghĩa khác nhau trong các Tin Mừng. Tình trạng này biểu thị con người cần ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng của đức tin, để thực sự biết được thực tế và bước đi trên đường sự sống. Điều thiết yếu, đó là chúng ta phải nhìn nhận mình đui mù, nhìn nhận mình cần ánh sáng này, mà không có ánh sáng đó, chúng ta sẽ mãi mãi đui mù (x. Ga 9,39-41).

Như thế, trong trình thuật Maccô, trong điểm chiến lược này, Batimê được trình bày như một mô hình. Anh không bị mù từ thuở mới sinh, nhưng anh đã đánh mất thị giác: anh là người đã không còn thấy được ánh sáng, và anh đã ý thức được điều đó, nhưng anh không đánh mất hy vọng, anh biết đón nhận, anh biết đón nhận khả năng mình có thể gặp Đức Giêsu và phó thác cho Người để được chữa lành. Thật thế, khi nghe tin Thầy đi ngang qua, anh liền kêu lên: “Lạy Ông Giêsu, Con Vua Đavít, xin thương xót con cùng!” (Mc 10,47), và anh lớn tiếng lập lại (c. 48). Và khi Đức Giêsu gọi anh, hỏi anh cần gì nơi Người, anh liền thưa, “Lạy Thầy, con muốn được thấy!” (c. 51). Batimê biểu thị người nhận ra điều dữ mình đang phải gánh chịu và kêu van Chúa, lòng đầy tin tưởng sẽ được chữa lành. Lời kêu xin của anh, thật đơn sơ và chân thành, là một mẫu gương cho chúng ta, và thật thế, – như lời kêu xin của người Publicanô tại Đền thờ: “Lạy Thiên Chúa của con, xin thương xót con là kẻ có tội” (Lc 18,13) – lời kêu xin này đã đi vào trong truyền thống kinh nguyện của Kitô giáo. Trong cuộc gặp gỡ Đức Kitô, được trải nghiệm qua đức tin, Batimê đã tìm lại được ánh sáng mà anh đã đánh mất, và cùng với ánh sáng này, là phẩm giá viên mãn của anh: anh liền đứng dậy và lại bắt đầu bước đi, và từ giờ phút đó trở đi, anh đã có một người hướng đạo, đó là Đức Giêsu, và có một con đường, một con đường như Đức Giêsu đã ruổi rong. Thánh sử sẽ không còn nói gì nữa với chúng ta về Batimê, nhưng qua con người anh, Thánh sử giới thiệu với chúng ta người môn đệ là ai: là người, cùng với ánh sáng đức tin, đi theo Đức Giêsu “trên đường” (c. 52).

Trong một bài viết của mình, Thánh Âu Tinh có một nhận xét thật đặc biệt mà có lẽ vẫn còn đáng cho chúng ta quan tâm và có nhiều ý nghĩa về dung mạo của Batimê. Vị Thánh Giám mục thành Hippone suy nghĩ về sự kiện, trong trường hợp này, Maccô không những tường thuật tên của người được Chúa chữa lành, mà còn nhắc đến tên của người cha, và ngài đã đi đến kết luận: “Batimê, con ông Timê, ngày xưa sống rất giàu sang, và nỗi cơ cực mà anh đã gánh chịu có một tác động rất sâu xa, không những bởi vì anh đã bị mù, mà còn phải ngồi ăn xin bên vệ đường. Đó là lý do khiến Thánh Maccô chỉ nhắc đến tên một mình anh. Phép lạ cho anh được sáng mắt phải có một âm vang còn lớn hơn nỗi bất hạnh của anh mà mọi người khắp nơi đều biết đến” (Sự ăn khớp giữa các Phúc Âm, 2,65, 125: PL 34,1138). Thánh Âu Tinh đã nói như thế.

Theo cách chú giải này, Batimê là một người bị sa cơ thất thế từ một tình trạng “giàu sang phú quý”, làm chúng ta phải suy nghĩ; cách chú giải này mời gọi chúng ta suy nghĩ về sự kiện là có những tài sản quý giá mà chúng ta có thể đánh mất, và những tài sản đó lại không phải là vật chất. Trong viễn tượng này, Batimê có thể biểu thị tất cả những ai đang sống trong những vùng đã được loan báo Tin Mừng từ xa xưa, nơi mà ánh sáng đức tin đã yếu đi, và đã xa rời Thiên Chúa, không còn xem Ngài là quan trọng cho cuộc đời của họ nữa: và do đó, họ là những con người đã đánh mất đi một tài sản quý giá, từ một phẩm giá cao sang, họ đã  bị “giáng cấp” – không phải từ một phẩm giá mang tính kinh tế hay từ một quyền hành trần thế nào, mà là từ một phẩm giá Kitô giáo -, họ đã đánh mất phương hướng chắc chắn và vững chãi của cuộc đời, và đã trở nên, lắm khi vô thức, những người khất thực theo nghĩa hiện sinh. Họ là những người cần được tái rao giảng Tin Mừng, nghĩa là có một cuộc gặp gỡ mới với Đức Giêsu, Đấng Được Xức Dầu, Con Thiên Chúa (x. Mc 1,1), là Đấng có thể mở lại cho họ đôi mắt, và dạy cho họ đường đi. Thật ý nghĩa, khi Phụng vụ đề nghị cho chúng ta bài Phúc Âm nói về anh mù Batimê, trong khi chúng ta kết thúc Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc Âm hoá. Trích đoạn Lời Chúa hôm nay có một cái gì đó thật đặc biệt để nói cho chúng ta, khi chúng ta đương đầu với nhu cầu cấp bách phải tái loan báo Đức Kitô cho những nơi nào ánh sáng đức tin đã yếu dần đi, ở những nơi nào ngọn lửa của Thiên Chúa gần giống như tro than âm ỉ cần được khơi lại, để nhờ thế, tro than đó có thể trở nên một ngọn lửa cháy sáng rực rỡ mang lại ánh sáng và sức nóng cho mọi người trong nhà.

Tân Phúc Âm hoá liên quan đến toàn bộ đời sống của Giáo Hội. Trước tiên, hoạt động này áp dụng cho thừa tác mục vụ thường lệ cần được sinh động hoá nhiều hơn nữa nhờ ngọn lửa của Thánh Thần, để nhờ thế, đốt cháy tâm hồn các tín hữu là những người thường xuyên đến với Cộng đoàn và quy tụ lại trong ngày của Chúa để nuôi dưỡng mình bằng Lời và Bánh sự sống đời đời. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến ba điểm mục vụ phát xuất từ Thượng Hội đồng này. Điểm đầu tiên đề cập đến các Bí tích Khai tâm Kitô giáo. Chúng ta đã tái khẳng định phải đồng hành với việc chuẩn bị lãnh nhận các Bí tich Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể với việc huấn giáo thích hợp. Chúng ta cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Bí tích Thống Hối, Bí tích của Lòng Chúa Thương Xót. Qua lộ trình bí tích này, chúng ta nghe tiếng Chúa gọi mọi Kitô hữu nên thánh. Thật thế, chúng ta đã nhiều lần nhắc lại rằng những người chủ xướng thật sự của hoạt động Tân Phúc Âm hoá là những vị Thánh: Các ngài đã nói một ngôn ngữ mà ai cũng có thể hiểu được, qua gương đời sống và qua những hoạt động bác ái của các ngài.

Điểm thứ hai, Tân Phúc Ân hoá thiết yếu gắn liền với Truyền giáo ad gentes. Giáo Hội có bổn phận loan báo Tin Mừng, loan báo sứ điệp cứu độ cho những ai chưa biết Đức Giêsu Kitô. Trong kỳ họp Thượng Hội đồng, chúng ta đã nhiều lần nhấn mạnh người dân trong nhiều vùng đất tại châu Phi, châu Á và châu Đại Dương, đang khát khao mong đợi được nghe rao giảng Tin Mừng lần đầu tiên, mà không hoàn toàn ý thức. Do đó, ta phải cầu xin Chúa Thánh Thần làm phát sinh trong lòng Giáo Hội một động lực truyền giáo mới, mà những người chủ chốt, cách đặc biệt, là những người làm công tác mục vụ và tín hữu giáo dân. Hiện tượng toàn cầu hoá đã làm cho nhiều người phải di dân trên một bình diện rộng lớn; do đó, loan báo Tin Mừng lần đầu cũng phải được thực hiện trong những quốc gia đã được rao giảng từ xa xưa. Mọi người đều có quyền biết Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người: và các Kitô hữu, mọi Kitô hữu – linh mục, tu sĩ và giáo dân -, phải có bổn phận tương ứng trong việc loan báo Tin Mừng.

Một khía cạnh thứ ba liên quan đến những người đã được rửa tội, tuy nhiên lại không sống những đòi hỏi của Bí tích Rửa Tội. Qua những khoá họp của Thượng Hội đồng, chúng ta đã nhấn mạnh rằng những con người này đều có mặt ở mọi châu lục, đặc biệt trong các quốc gia tục hoá nhiều nhất. Giáo Hội đặc biệt quan tâm đến họ, để họ có thể lại gặp được Đức Giêsu Kitô, tái khám phá niềm vui đức tin, và lại tiếp tục giữ đạo trong cộng đoàn các tín hữu. Ngoài những phương pháp mục vụ truyền thống vẫn luôn có giá trị ra, Giáo Hội còn tìm cách sử dụng những phương pháp mới, cũng như quan tâm đến những ngôn ngữ mới, thích ứng với những nền văn hoá khác nhau trên thế giới, đề nghị chân lý của Đức Kitô bằng một thái độ đối thoại và bằng hữu, đặt nền tảng trên Thiên Chúa là Tình Yêu. Trong nhiều miền khác nhau trên thế giới, Giáo Hội đã bước đi trên con đường mang tính sáng tạo mục vụ này, để nhờ thế, đem về những người đã lạc xa hay đang đi tìm ý nghĩa của cuộc đời, hạnh phúc, và sau cùng là Thiên Chúa. Chúng ta có thể nhớ lại một vài hoạt động truyền giáo quan trọng tại thành phố, chẳng hạn “Tiền đường Dân ngoại”, truyền giáo lục địa, v.v… Chúng ta tin chắc là Chúa, Vị Mục Tử Nhân Hậu sẽ chúc lành thật nhiều cho những nỗ lực đến từ nhiệt tâm với Chúa và Tin Mừng của Người.

Anh chị em thân mến, Batimê, sau khi đã được Chúa cho sáng mắt, gia nhập nhóm môn đệ của Chúa, và chắc chắn là còn có những người khác như Batimê, là người  đã được Thầy chữa lành. Như thế họ là những nhà rao giảng Tin Mừng mới: những người trải nghiệm mình đã được Thiên Chúa chữa lành, qua trung gian của Đức Giêsu Kitô. Và đặc tính của họ là niềm vui của tâm hồn, reo lên cùng với tác giả Thánh vịnh: “Kỳ diệu thay việc Chúa đã làm cho chúng ta, chúng ta vui mừng hớn hở!” (Tv 125,3). Chúng ta cũng thế, ngày hôm nay, chúng ta quay về với Chúa Giêsu, Redemptor hominis et Lumen gentium [Đấng Cứu Chuộc con người và Ánh Sáng muôn dân], với niềm vui biết ơn, chúng ta dùng lời kinh của Thánh Clêmentê thành Alexandria để cầu nguyện: “Mãi cho đến ngày hôm nay, con đã lang thang mang niềm hy vọng tìm thấy Thiên Chúa, nhưng bởi vì Chúa đã khai sáng con, lạy Chúa, nên con đã tìm thấy Thiên Chúa nhờ Chúa, và con đã đón nhận Chúa Cha từ nơi Chúa, và con đã trở nên người đồng thừa tự với Chúa, bởi vì Chúa đã không xấu hổ xem con là người anh em. Như thế, xin giúp chúng con phá đi, xin giúp chúng con phá đi mọi đui mù không nhận biết chân lý, mọi ngu muội: và khi xoá tan bóng tối, như một làn sương mù che khuất đôi mắt chúng con, xin hãy làm cho chúng con chiêm ngưỡng Thiên Chúa thật…; bởi vì một ánh sáng từ trời xuống đã chiếu sáng trên chúng con là những người ngụp lặn trong bóng tối tăm, và bị giam hãm trong bóng tối sự chết, [một ánh sáng] tinh tuyền hơn mặt trời, ngọt ngào hơn cuộc sống nơi trần gian này” (Protrepticus, 113,2 – 114,1). Amen