28/12/2024

Cùng đi về phía ánh sáng…

Những người đang ở tù và đã ra tù có dịp chia sẻ và nhắc nhở nhau để hướng nhau đi về phía ánh sáng, nơi những con đường hoàn lương luôn rộng mở chào đón họ trở về.

 

Cùng đi về phía ánh sáng…

 

 

Những người đang ở tù và đã ra tù có dịp chia sẻ và nhắc nhở nhau để hướng nhau đi về phía ánh sáng, nơi những con đường hoàn lương luôn rộng mở chào đón họ trở về.


 

 

Phạm nhân ở Trại giam Kim Sơn đang lao động và học tập làm lại cuộc đời - Ảnh: Tâm NgọcPhạm nhân ở Trại giam Kim Sơn đang lao động và học tập làm lại cuộc đời – Ảnh: Tâm Ngọc
Hội LHTN VN tỉnh Bình Định cùng Trại giam Kim Sơn (thuộc Tổng cục 8, Bộ Công an, đóng ở H.Hoài Ân, Bình Định) vừa phối hợp tổ chức buổi toạ đàm “Vì tương lai tươi đẹp” và chuỗi hoạt động của ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi”.
Là nữ phạm nhân duy nhất tham dự và được tuyên dương tại buổi toạ đàm, chị M.T.T.T (29 tuổi, thường trú ở xã Mỹ Chánh, H.Phù Mỹ, Bình Định) thi thoảng lặng lẽ đưa tay lên lau nước mắt. Đọc hồ sơ của T., nhiều người không khỏi rùng mình. Ba mẹ T. bỏ nhau, bỏ luôn T. khi còn bé. T. sống cùng gia đình nhà nội một thời gian rồi bỏ ra ngoài tự sống. Chưa đầy 30 tuổi nhưng T. đã 2 lần bị xử về tội trộm cắp tài sản, lần vào tù này là án 8 năm vì buôn bán ma túy. T. có chồng rồi ly hôn, sinh tất cả 4 đứa con với 4 người đàn ông. Đứa con nhỏ nhất phải theo mẹ vào ở trong trại giam vì ở ngoài không có ai nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
T. bây giờ đã đổi khác nhiều. Gương mặt tươi tỉnh và hiền lành, T. chia sẻ: “Em biết mình đã sai, sai nhiều. Giờ em phải sống khác, sống cho mình, cho con, cho những người thương yêu và đặt niềm tin nơi mình”.
Anh Ng.T.D (22 tuổi, ở TP.Quy Nhơn, hiện là giám đốc một công ty về quảng cáo) đúc kết kinh nghiệm: “Tôi muốn nhắn nhủ hai điều. Một là làm người không mắc sai lầm thì tốt, nhưng mắc sai lầm mà biết sửa đổi thì tốt hơn. Hai là để thành công thường phải trải qua một quá trình gian khổ, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực. Các bạn hãy cải tạo thật tốt. Khi ra tù, về Quy Nhơn nếu không có việc làm thì liên hệ với tôi. Luôn có đường cho người biết quay đầu hướng thiện”.
D. từng bị án 13 tháng tù giam vì tội trộm cắp tài sản. Khi ra tù, anh bắt đầu mày mò tìm đường làm ăn, sinh sống bằng chính sức lực và trí óc lanh lẹ của mình. Dần dà D. bắt được nhu cầu thị trường và tìm cách đáp ứng nhu cầu làm quảng cáo, tiếp thị của các nhà hàng, quán ăn trong thành phố. Có được ít vốn, D. mạnh dạn mở công ty và góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ.
Một phạm nhân khác là Tr.T.T (28 tuổi, ở An Khê, Gia Lai) cũng có thành tích cải tạo tốt tại Trại giam Kim Sơn. T. vào tù với mức án 18 năm vì tội giết người cướp tài sản. Hơn 10 năm ngồi tù, T. đã thấm thía sâu sắc những lỗi lầm mà mình mắc phải. “Nếu không có những chương trình như thế này, tôi không biết khi mình ra tù sẽ ra sao… Giờ thì tôi biết, ngoài đời không khinh rẻ mình nếu mình biết sai và sửa sai. Ở tù thế này cũng có nhiều cái tốt. Hồi trước tôi ghét sách lắm, còn giờ ngày nào không đọc sách là khó chịu. Nhờ vậy mà biết được nhiều điều. Tôi tin chắc rằng, vẫn còn rất nhiều con đường để mình đi và nhiều cách để mình làm ăn, sinh sống lương thiện”, T. tâm sự.
Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo, Cục trưởng Cục Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng, Tổng cục 8, Bộ Công an, cho biết: “Trại giam bây giờ đã mở cửa đưa các lực lượng xã hội vào hỗ trợ cùng với ban giám thị giáo dục, hướng dẫn cho phạm nhân nhằm giúp phạm nhân xoá bỏ sự tự ti và phấn đấu trở thành người lương thiện, giỏi nghề. Hội LHTN các tỉnh, thành trong cả nước cũng đã cung cấp thông tin làm thay đổi nhận thức tù nhân. Hội cũng tư vấn, giáo dục pháp luật, kỹ năng sống, tạo việc làm, chỗ dựa khi phạm nhân mãn hạn tù trở về”.
Xe bánh mì cộng đồng
Quỹ hoà nhập và phát triển cộng đồng (UBND TP.HCM) vừa công bố chương trình trao 1.000 “Xe bánh mì cộng đồng” giai đoạn 2015 – 2017. Theo luật sư Trần Văn Tạo, Chủ tịch quỹ, giá trị một chiếc xe bánh mì cộng đồng không lớn (hơn 4,3 triệu đồng/xe) nhưng nó chứa đựng cả tấm lòng, sự bao dung và tin cậy của những nhà hảo tâm đối với người từng lầm lỡ, giúp họ tạo được cuộc sống ổn định, đó là động cơ để mình vươn lên, xoá tan mặc cảm, tái hoà nhập cộng đồng một cách tích cực.
“Ngoài việc tặng xe, chúng tôi sẽ cử nhân viên có kinh nghiệm tiếp xúc để tập huấn về phương thức kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời phối hợp với cảnh sát khu vực của từng phường, xã tìm địa điểm thích hợp để người thụ hưởng có chỗ đặt xe bánh mì, yên tâm buôn bán”, ông Tạo chia sẻ.
Đánh giá về chương trình này, đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó giám đốc Công an TP.HCM, nói: “Chương trình không những tạo điều kiện cho họ tự tạo việc làm mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với người từng lầm lỡ, giúp họ làm lại cuộc đời, trở thành những người có ích”.
Lê Thanh

 

Tâm Ngọc