10/01/2025

Con tôi nơi đâu?

Phạm nhân P.H.H. lặng người đi khi nghe nhắc đến đứa con gái 9 tuổi mà lâu lắm mà anh không gặp mặt.

 

Những đứa con của phạm nhân – Kỳ 3: Con tôi nơi đâu?

 

 

 

 

Phạm nhân P.H.H. lặng người đi khi nghe nhắc đến đứa con gái 9 tuổi mà lâu lắm mà anh không gặp mặt.

 

 

Phạm nhân P.H.H. tâm sự về nỗi nhớ con trong những ngày thi hành án chung thân - Ảnh: Văn Diện
Phạm nhân P.H.H. tâm sự về nỗi nhớ con trong những ngày thi hành án chung thân – Ảnh: Văn Diện

“Bây giờ cháu ở đâu, với ai em cũng không biết. Nhớ con, em viết thư gửi về địa chỉ nhà mẹ vợ cũ, em cũng không muốn con em phải biết ba nó là người đang ở tù. Cuộc sống mới thật sự tốt hơn cho con bé. Nỗi nhớ này, em ráng nén vào tim” - H. cắn chặt đôi môi khi nói điều đó và về những tháng năm đằng đẵng trong tù cùng nỗi nhớ con.

“Gây án xong, em chạy vào ôm con”

Câu chuyện giữa chúng tôi và P.H.H. (37 tuổi, đang thụ án chung thân cho tội giết người) tại phân trại số 2, trại giam Thủ Đức luôn bị ngắt quãng bởi những câu chuyện không được liền mạch từ H..

Câu chuyện ấy đứt mạch nhiều lần bởi những xúc cảm cứ trào dâng trong H.. Vì một phút nông nổi, H. đã đánh đổi bằng cả cuộc đời mình trong tù, gia đình tan nát và không dám gặp mặt đứa con bé bỏng bởi sợ nó mặc cảm. H. nói cuộc đời mình chưa bao giờ nghĩ lại có ngày bi đát đến thế này…

Nhà mẹ ruột H. ở Q.Tân Bình, TP.HCM, nhưng bởi đông anh em nên khi H. kết hôn thì về sống cùng gia đình vợ tại Hóc Môn.

Ở đây, H. được đối xử như những người con khác trong gia đình. Mẹ vợ H. làm nghề mua bán đất đai nên có nợ nần người ta tiền.

Bữa người ta đến nhà đòi tiền, làm ầm ĩ và chửi mắng mẹ vợ khiến H. phải chạy ra bênh. Cự cãi qua lại một lúc, H. vào nhà lấy dao tước đi mạng sống của người khác.

“Khi còn đánh nhau, cãi nhau thì em còn hăng lắm, nhưng khi xỉa dao vào người ta rồi thấy người ta ngã nằm xuống nền nhà em rất sợ. Em quăng con dao đi rồi chạy vào nhà ôm con khóc. Con em khi ấy mới gần 2 tuổi, nó còn bé, đang ngủ trong nhà.

Ngay lúc ấy em đã biết có thể đó là lần cuối cùng mình được ôm con gái bé bỏng. Ngay sau đó em gọi điện thoại cho công an biết việc mình phạm tội” - H. bắt đầu kể về cơ sự dẫn đến việc mình phải trả giá những tháng năm tuổi trẻ trong tù.

Trên gương mặt không còn trẻ và phần nhiều hốc hác ấy là những giây phút lặng đi khi H. nhắc về con gái và mẹ già. “Em bị bắt, cháu vẫn ở với ông bà ngoại và mẹ. Còn bây giờ vợ em đã đi lấy chồng, con gái cũng đi theo và sống với gia đình mới” – H. kể.

H. còn kể rằng khi mới bị bắt thì vợ còn vào thăm, có lần còn dẫn cả con theo để cha con nói chuyện, nhưng đó là hồi đứa trẻ còn nhỏ. H. thấy vợ còn trẻ quá nên khuyên vợ đi lấy chồng:

“Vì tương lai em chẳng biết đến bao giờ, cuộc đời cô ấy còn dài, cô ấy còn trẻ quá nên em khuyên vợ đi lấy chồng”.

“Ba đi công tác xa”

Từ ngày đi lấy chồng, vợ H. không còn đến thăm H. nữa. H. cũng không biết con mình đang sống ở đâu. Mỗi khi nhớ con, H. viết thư gửi về địa chỉ gia đình vợ rồi nhờ chuyển cho con.

Trong câu chuyện, H. kể mà cứ như tự nói với mình: “Cháu vẫn đến thăm ông bà nội, nhưng bởi không ai muốn cháu bị mặc cảm vì có cha đang ở tù nên cháu không biết em đang thi hành án”.

Và H. cũng khoe điều an ủi lớn nhất là những tấm hình của con gái và giờ thêm một vài lá thư cháu gửi, được gia đình vợ gửi vào trại giam cho anh.

Để không lộ ra việc mình đang đi thi hành án, nói như những người ở ngoài là đang ở tù, H. bảo với con rằng ba đang đi công tác xa. Cũng may đến giờ này đứa trẻ không hỏi ba đi công tác ở tận đâu và đến chừng nào thì về.

Mỗi khi mở ảnh con gái ra xem và đọc những dòng chữ ngây ngô con viết: “Đó là động lực và niềm vui rất lớn của em. Em chưa biết sau này ra tù sẽ giúp gì cho con gái, nhưng bây giờ chỉ cần nhìn những nét chữ xinh xinh của con là cảm thấy được an ủi rồi”.

H. kể và đôi mắt bỗng trở nên thoáng vui trong suốt quãng thời gian dài chuyện trò cùng chúng tôi…

“Không biết nó còn kịp về gặp mẹ nữa không?”. Đó là tâm sự của bà P.T.N., mẹ của phạm nhân H.. Bà N. hiện sống ở TP.HCM. Bà N. năm nay đã gần 80 tuổi, đôi chân luôn đau nên việc đi lại, di chuyển cũng khó khăn.

Hồi con mới có án, bà vào trại thăm con thường xuyên, nhưng giờ việc vào thăm con cũng trở nên thưa thớt. Nhắc đến con, bà khóc: “Không biết đến ngày nào nó mới được ra tù, tôi đã 80 tuổi rồi, liệu nó có còn được gặp mẹ nữa không?”.

Nhắc về đứa cháu nội, con gái của H., bà nói H. nói vậy để tự an ủi mình thôi chứ bao nhiêu năm nay bà không được gặp cháu nội.

“Tôi biết con tôi buồn lắm, đang sống với gia đình, có vợ có con, chỉ vì bênh mẹ vợ mà nóng nảy gây ra tội giết người. Bây giờ con tôi phải trả giá, đã vắng vợ lại vắng luôn cháu”.

Vì chân đau nên có khi vài tháng bà mới theo xe đò vào thăm con được một lần, rồi gửi quà vào cho con bổ sung bữa ăn hằng ngày.

“Mẹ lớn tuổi rồi, không có tiền, vậy nên các anh chị khác cho được đồng nào mẹ đều dành lại để gửi vào cho em. Cuộc đời mình sai một lần, làm khổ không biết bao nhiêu người, ảnh hưởng đến cả tương lai của con cái” – H. nói.

“Nếu có ngày được ra tù, tôi chỉ mong muốn được thêm một lần nữa ôm con” – H. ước.

Bà N.T.L. trong giờ lao động tại trại giam Thủ Đức - Ảnh: Hoàng Điệp
Bà N.T.L. trong giờ lao động tại trại giam Thủ Đức – Ảnh: Hoàng Điệp

Hai mẹ con cùng ở tù

9g sáng, dưới bóng một cây xoài lớn trong khu giam giữ 2, trại giam Thủ Đức là hai phụ nữ lớn tuổi đang ngồi cắt những dây lạc tiên thành những đoạn ngắn. Một trong hai người là nữ phạm nhân đã lớn tuổi, bà N.T.L.. Bà L. đang thụ án vì tội buôn bán trái phép chất ma tuý.

Bà bảo có lẽ vì tuổi già, bệnh tật liên quan đến xương khớp nên bà được giám thị ưu tiên cho làm những công việc nhẹ nhàng hơn những phạm nhân khác trong trại.

Việc chăm sóc hoa, cây cảnh của khu trại cũng như trồng mới những thảm cỏ là công việc của bà và một số phạm nhân nữ khác.

Tôi hỏi bà về những đứa con. Bà bảo một đứa ở trong tù, cùng khu giam giữ luôn.

“Là tại tôi đã lôi kéo con gái vào con đường buôn bán ma túy để con cũng chịu hình phạt như mình. Không biết bao nhiêu lần tôi ân hận vì điều đó, trách móc mình vì điều đó.

Giờ ở trong tù cùng khu giam giữ, tuy không cùng buồng với nhau nhưng mỗi lần đi làm đều có thể nhìn thấy con, con nhìn thấy mẹ, thấy con được khỏe mạnh mình cũng được khoẻ mạnh là tôi mừng rồi” – bà L. nói mà đôi vai cứ run lên dưới vành nón lá.

Quãng đường đằng đẵng những ngày tù của bà cùng với tuổi già, bệnh tật và một đứa con bị liên luỵ, khiến sự ân hận dường như đè nặng hơn trong tâm tưởng của bà.

 

HOÀNG ĐIỆP ([email protected])