29/11/2024

Những đứa con của phạm nhân

Có những đứa trẻ không may mắn khi phải lớn lên mà thiếu vắng cha hoặc mẹ, bởi cha mẹ chúng đang phải thụ án tù.

 

Những đứa con của phạm nhân – Kỳ 1: Chúng con cần mẹ nhường nào…

 

Có những đứa trẻ không may mắn khi phải lớn lên mà thiếu vắng cha hoặc mẹ, bởi cha mẹ chúng đang phải thụ án tù. 


 


minh họa
minh hoạ

Sợi dây tình cảm giữa cha mẹ và con cái nhiều khi đứt đoạn, nhưng cũng có khi lại là động lực tinh thần cho phạm nhân. Những câu chuyện trích từ sổ tay phóng viên Tuổi Trẻ…

Mẹ bị đưa ra xét xử ở tòa án. Những đứa trẻ đến toà để mong được gặp mẹ, nhưng bởi chúng dưới 16 tuổi nên không được vào toà.

Tay bám song sắt cổng toà hay trèo rào leo vào trong để mong gặp mẹ là những hình ảnh dễ thấy ở Tòa án nhân dân TP.HCM.

Mẩu thư giữa giờ nghị án

11g trưa, giữa cái nắng chang chang của Sài Gòn khiến không khí phòng xử án thêm bức bối. Người nhà của bị cáo tham dự chật cả khán phòng nhỏ xíu.

Đó là tiếng khóc lóc nức nở của bị cáo V.N.P., người bị xét xử tội buôn lậu. Là tiếng rấm rứt của những chị em bị cáo khi thấy mức án mà viện kiểm sát đề nghị cho tội buôn lậu của V.N.P. lên tới mức chung thân.

Là những bàn tán xôn xao của những người dự toà về mức án đề nghị quá nặng. Là sự thông cảm của những cảnh sát tư pháp trong giờ nghị án, khi cho phép bị cáo được trò chuyện với người thân tham dự phiên tòa.

Nhưng giữa những ồn ào đau buồn đó, một dáng người hớt hải đi vào giúi vào tay bị cáo P. một mẩu giấy con con sau khi được phép của cảnh sát tư pháp: “Thư của thằng nhỏ đó!”.

Bị cáo người mẹ mở mẩu giấy ra đọc. Mắt bà nhoè đi và hai hàng nước mắt tiếp tục xối xả rơi. Đọc xong, bà quay sang van xin cảnh sát tư pháp để được gặp hai đứa con trai đến toà nhưng phải đứng đợi ngoài cổng sắt phía đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

“Đã lâu lắm rồi em không được gặp con em, em tưởng hôm nay được nhìn thấy con một chút nhưng cũng không thể gặp”. Bị cáo vừa nói vừa khóc, những giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống mẩu thư viết vội của đứa trẻ.

Tuy nhiên những năn nỉ, khóc lóc, trình bày của thân nhân bị cáo không thể thay đổi được quyết định của những người bảo vệ TAND TP.HCM. Bởi nội quy của toà quy định trẻ dưới 16 tuổi không được tham dự phiên toà nếu không được tòa triệu tập!

Con chỉ muốn nói rằng chúng con nhớ mẹ

Ngoài cổng toà, trời thật nóng bởi cái nắng chang chang giữa trưa.

Hai đứa trẻ đứng sau cánh cổng sắt, kính cận trắng, da trắng, đôi mắt trong veo, khuôn mặt ngơ ngác. Chúng đến toà để mong được gặp mẹ, nhưng chỉ đến được đây thì không được bảo vệ cho vào.

Cậu anh, mắt kính dày hơn, chiều cao thấp hơn em, nói: “Ba đưa con đến đây từ sáng, đã lâu lắm rồi con không được gặp mẹ. Từ ngày mẹ bị bắt, con chỉ gặp mẹ được hai lần, một lần vào chung với ông ngoại, một lần đi với ba. Con rất nhớ mẹ”.

14 tuổi, đứa anh trông mặt rất ngây thơ. Từ mấy hôm trước cha nó cho biết ngày đó toà xử mẹ, có thể theo cha đến tòa để gặp mẹ. Nó thật háo hức.

Sớm nay không cần ai gọi, nó tự dậy chuẩn bị để theo cha và các cô vào toà gặp mẹ. Nó nói trên đường đi đã nhiều lần nhẩm trong miệng gặp mẹ sẽ nói gì. Nó nói muốn ôm mẹ vì nhớ mẹ quá.

Nhưng khi đến cổng toà, cũng giống như hàng trăm đứa trẻ khác chưa đủ 16 tuổi phải dừng lại ở cánh cổng sắt.

Đầu tiên hai đứa trẻ cũng như những người trong gia đình không hiểu được tại sao hai đứa bé không được vào toà. Năn nỉ một hồi không được, cuối cùng người cha đưa cho con hai chai nước dặn dò chúng đứng ngoài chờ, thỉnh thoảng cha sẽ chạy ra.

Cha và các cô vào trong tòa rồi, hai anh em đứng ngoài. Nắng lắm nhưng cả hai đứa không dám chạy ra vỉa hè nơi có bóng mát của cây để đứng. Bởi hai đứa nghĩ đứng đó chờ cho chú bảo vệ đi đâu thì chạy vô.

Nhưng chú bảo vệ cứ đi đi lại lại loanh quanh cổng toà, khiến hai anh em không thể nào đi qua cánh cổng sắt luôn mở rộng cửa ấy được.

Thấy tôi tất tả đi từ trong khu vực phòng xử ra ngoài, hai anh em tiến đến gần: “Dì vừa từ chỗ mẹ con ra phải không, mẹ con thế nào rồi?”.

Tôi không thể nói với nó rằng mẹ nó đang khóc, bởi nó chẳng hiểu viện kiểm sát là gì, tội trạng là gì, cũng chẳng hiểu mức án chung thân là thế nào.

Tôi bảo mẹ hai đứa đang đọc thư và khoẻ. Rồi tôi hỏi khi nãy ai viết thư gửi vào thế, cậu em nhanh nhảu: “Là con viết”.

Hỏi cậu bé viết gì, nó kể: “Con nói con nhớ mẹ, con muốn mẹ giữ sức khoẻ, chúng con đều đi học ngoan”!

Nói đến đấy đứa bé khóc, đứa lớn rơm rớm nước mắt.

Ảnh người mẹ trẻ được dẫn giải sau một phiên xử án - Ảnh Hoàng Điệp
Ảnh người mẹ trẻ được dẫn giải sau một phiên xử án – Ảnh Hoàng Điệp

Mỗi đứa một nơi

Kể từ khi mẹ bị bắt, bố chúng phải lo việc kinh doanh và vào ra thăm mẹ, vậy nên hai anh em không còn được ở chung một nhà với nhau. Một đứa về bà nội, một đứa ở với bố. Việc chăm sóc cũng nhờ những người trong gia đình bên nội chăm sóc giùm.

Đứa bé cũng nói từ khi mẹ bị bắt, chúng chuyển trường học: “Ba nói cho tiện việc đưa đón của ba và nhà nội”. Cậu em trai kể rành rọt như vậy rồi xoè bàn tay đếm những lần anh em sẽ gặp nhau và chờ nhau được vào trại giam để gặp mẹ.

Hai đứa trẻ cũng cho biết không bạn nào ở trường biết được mẹ chúng bị bắt giam rồi ra toà. Ba chúng, một người đàn ông lo xa cho sự tổn thương có thể xảy ra cho con mình bởi những người bạn cùng lớp, nên đã chuyển trường cho cả hai đứa.

Ông cũng tách hai đứa học ở hai nơi khác nhau để những người thân khác trong gia đình có thể kèm cặp và để mắt đến cả hai anh em.

Mười hai giờ trưa. Mặc dù rất đói và khát, hai đứa trẻ vẫn kiên trì chờ ở cổng toà. Chúng vẫn hi vọng sẽ được nhìn thấy mẹ một lần trên đường dẫn từ phòng xử ra xe.

Khi nhìn thấy bóng chiếc áo xanh của mẹ thấp thoáng bên cạnh những viên cảnh sát dẫn giải, hai đứa trẻ cùng rướn lên gọi mẹ. Và dường như biết sự chờ đợi của các con đã lâu, người mẹ đưa cánh tay lên ngang mặt ra hiệu cho con thấy.

Khoảnh khắc ấy diễn ra rất nhanh, cũng như bao nhiêu lần những đứa trẻ khác đã chờ mẹ ở cổng toà này.

Cũng như bao nhiêu bị cáo khác biết rằng: những đứa con cần mẹ biết nhường nào!

__________

Kỳ tới: Chuyện ghi ở phòng thăm gặp

 

HOÀNG ĐIỆP ([email protected])