10/01/2025

Chuyện ghi ở phòng thăm gặp

Cha mẹ là chỗ dựa cho con cái, nhưng vì lý do nào đó mà cha mẹ phải đi ở tù thì những đứa con đôi khi lại trở thành chỗ dựa cho cha mẹ.

 NHỮNG ĐỨA CON CỦA PHẠM NHÂN – KỲ 2:

Chuyện ghi ở phòng thăm gặp

 

Cha mẹ là chỗ dựa cho con cái, nhưng vì lý do nào đó mà cha mẹ phải đi ở tù thì những đứa con đôi khi lại trở thành chỗ dựa cho cha mẹ.




Giây phút mẹ con bên nhau trong phòng thăm gặp - Ảnh: Hoàng Điệp
Giây phút mẹ con bên nhau trong phòng thăm gặp – Ảnh: Hoàng Điệp

 

Và những đứa con ấy, mỗi đứa có một cách hành xử khi đối diện với việc vắng cha mẹ ở bên…

7g sáng, khu thăm gặp K3 trại giam Thủ Đức (Hàm Tân, Bình Thuận) bắt đầu nhộn nhịp. Toàn bộ mấy phòng dành cho phạm nhân gặp thân nhân tấp nập người ra người vào. 

Những bữa ăn vội vã

Một chiếc xe khách vừa dừng, hành khách lao xuống, già có, trẻ có, lớn có, bé có. Ai cũng xách nặng những hành lý mang theo, gương mặt phờ phạc vì mệt!

Cũng trên khoảnh sân ấy, một đứa con gái hơn 10 tuổi, dáng dong dỏng cao, mái tóc dài chụp trong chiếc mũ nỉ đang ôm chặt lấy một người phụ nữ chừng 50 tuổi trong bộ quần áo kẻ sọc.

Người phụ nữ này cứ hôn hết lên má lại hôn lên trán, lên tóc con bé. Tay bà run run sờ vào con và nước mắt rơm rớm khóe mi.

Hôn đứa con gái xong, bà lần lượt ôm và hôn lên má những phụ nữ khác đi cùng con bé. Vẫn nguyên nỗi xúc động và sự run rẩy như vậy, những giọt nước mắt của bà đã chảy tràn trên má. Mái tóc hoa râm của bà cứ rung lên theo từng câu thăm hỏi với những người đã đến thăm mình.

Trên dãy bàn đá kê sát nhau là một bữa ăn sum vầy của một phạm nhân cùng gia đình của mình. Đó là tiếng của người mẹ giục đứa con trai là phạm nhân ăn thêm nhiều thức ăn nữa, rồi bà tất tả chạy vào gian bếp phục vụ gần phòng thăm gặp để kêu thêm món ăn.

Đứa con trai chừng hơn 20 tuổi, mái tóc cắt ngắn gọn gàng xì xụp bên tô hủ tiếu mì. “Ăn thêm nữa đi con, hủ tiếu này không ngon nhưng mà…”.

Đó không phải là cảnh tượng gì quá lạ lùng, mà là câu chuyện diễn ra hằng ngày ở các nhà thăm gặp của những phân trại tại trại giam Thủ Đức.

“Vì trại này là nơi cải tạo cho nhiều người vi phạm pháp luật hình sự nên trại không quy định ngày nào là ngày gặp, mà ngày nào thân nhân của phạm nhân cũng đều có thể được gặp người thân của mình” – đại tá Trần Hữu Thông, giám thị trại giam Thủ Đức nói như vậy về việc thăm gặp của thân nhân với những người đang thi hành án tại đây.

Bin ơi, lại đây với ba!

Người thanh niên có gương mặt thật sáng, nước da trắng và thân hình vạm vỡ trong bộ quần áo kẻ sọc gọi ời ời đứa trẻ vừa trên xe bước xuống.

“Bin, Bin, ba nè”. Cậu bé con kháu khỉnh, chừng 3 tuổi rưỡi mặc chiếc áo màu xanh nõn chuối nổi bật làn da trắng hồng. Đứa trẻ vừa bước xuống khỏi xe, nghe tiếng gọi tên mình thì nhào vào lòng ba nó ôm mà ríu rít.

Rồi hai cha con cùng một đứa cháu tung tăng dắt nhau ra ghế đá trong khuôn viên khu thăm gặp nô đùa ríu rít. Hai đứa trẻ rượt qua rượt lại trên thảm cỏ khiến người cha đang mang tấm áo tù phải rượt theo kẻo chúng té ngã.

Chạy một hồi, cả mấy đứa cùng kiếm một chiếc ghế đá trong vườn leo lên ngồi. Lúc này, người phạm nhân ấy mới dừng lại và bảo: “Cháu nhà em hiếu động lắm nhưng nó lớn từng ngày. Cả tháng em ở trong này phấn đấu, chấp hành kỷ luật tốt để tháng nào cũng được gặp con”.

Người thanh niên ấy tên N.N.H., 27 tuổi, ngụ tại Q.3. H. bị TAND Q.3 tuyên mức án 3 năm tù cho tội cướp giật tài sản.

Gương mặt trắng trẻo, mái tóc cắt cao và đôi mắt của H. thật hiền. Nếu nhìn vào cách đùa giỡn của H. với hai đứa nhỏ, thật không thể tưởng tượng đã có lúc cậu theo bạn bè đi cướp giật.

H. kể học xong lớp 12 thì cha mẹ cho đi học lái xe rồi chạy thuê bên ngoài. Thu nhập từ lái xe không quá khó khăn nhưng trong một lần đi chơi với bạn, sau khi nhậu sương sương cả mấy đứa rủ nhau đi cướp giật và bị bắt quả tang. H. phải vào tù.

H. nói đi cải tạo rồi mới thấy tự do là đáng quý hơn bất kể thứ gì trên đời.

“Bởi tháng nào gia đình cũng vào thăm nên em cố gắng phấn đấu và chấp hành kỷ luật để được gặp gia đình, gặp con. Nhiều bạn cải tạo cùng em dù trong lòng rất thương nhớ con nhưng lại không muốn đưa con lên đây bởi họ sợ không biết giải thích với con thế nào.

Còn em nghĩ khác, mình đã sai lầm và sửa sai lầm, sau này con lớn em cũng vẫn nói với nó như thế, không giấu” – H. nói.

Trong khi H. nói chuyện, đứa trẻ hết trèo vào lòng lại bám vào cánh tay ba nó. Có vẻ những giây phút hiếm hoi gặp gỡ giữa cha con làm đứa trẻ vui biết chừng nào.

Mẹ con gặp nhau - Ảnh: Hoàng Điệp
Mẹ con gặp nhau – Ảnh: Hoàng Điệp

Đứa bé khóc thầm

Cũng lúc ấy, trong phòng thăm gặp có một cặp mẹ con đang ríu rít trò chuyện. Đứa bé khoảng 5 tuổi, tóc cắt búp bê, có đôi mắt sáng lấp lánh.

Nó cười khúc khích khi mẹ đưa tay nựng vào má: “Nhớ má không Bống?”. “Nhớ ạ”. “Nhớ má thì làm gì nào?”. “Nhớ má thì không khóc, nhặt rau giúp ông”.

Người mẹ sững lại, hai tay bưng trọn mặt đứa trẻ rồi dụi má vào mái tóc búp bê của nó. Chị nói mà như khóc: “Má nhớ con quá Bống ơi”.

Ngồi sát con bé là người đàn ông chừng 60 tuổi, mái tóc muối tiêu, làn da cháy đỏ màu nắng. Ông vân vê đôi tay chai sần nhìn con và cháu rồi mỉm cười.

Trong khi hai mẹ con Bống tiếp tục ríu rít thì ông kể ông là D.P.L., hiện làm nông ở Sóc Trăng. Quê nghèo nên khi con gái D.P.H. vừa đủ 18 tuổi là lên thành phố kiếm việc làm. H. làm công nhân ở Q.Bình Tân rồi có chồng, sinh bé Bống.

Nhưng trong một lần mâu thuẫn với bạn bè, H. và đám bạn đánh nhau gây thương tích cho người ta. Vậy nên đến giờ H. chịu án ở phân trại 3, trại giam Thủ Đức.

H. bị đi tù cũng là lúc chồng H. bỏ lại đứa trẻ cho ông bà ngoại. Ông bà tảo tần vừa nuôi dạy cháu, vừa thăm nuôi con.

Đường sá xa xôi, nhà lại nghèo, vậy nhưng tháng nào ông cũng thu xếp cho con Bống lên thăm mẹ được một lần: “Tội con bé lắm, đêm nó ngủ với bà toàn tấm tức khóc thầm vì nhớ mẹ”.

Con bé Bống ấy, theo lời ông ngoại thì tuy nhỏ nhưng dường như sớm biết nghĩ. Nó sợ mọi người biết mình khóc nên toàn khóc vụng, có khi chui vào xó nhà, vào góc phòng đóng cửa khóc một mình. Và nó đếm từng ngày để đi thăm mẹ.

Vậy nên khó khăn mấy ông cũng phải cố đưa cháu đi, cũng là để động viên mẹ cháu cố gắng cải tạo tốt để sớm được ra tù về đoàn tụ với cha mẹ, với con. Ông L. nói mà ngân ngấn nước mắt.

Không mang được cho con nhiều đồ ăn như những gia đình khác, lần nào lên thăm ông cũng mang cho con đậu phộng và khô cá để con gái cải thiện thêm.

“Thế mà lần nào nó cũng nói cha mang về đi, nhà còn bao nhiêu người, con ở đây đầy đủ, không thiếu thứ gì.

Tôi biết là mỗi phạm nhân đều có tiêu chuẩn đầy đủ nhưng sao bằng được ở ngoài. Vậy nên dù ở nhà nhín ăn nhín mặc để dành tiền lên thăm và cho con thêm chút quà, cho con có động lực để phấn đấu. Sai thì mình sai rồi, sai thì phải sửa để sau này không thể sai thêm nữa” – ông L. nói vậy.

_________________


HOÀNG ĐIỆP ([email protected])