01/11/2024

Đòi Nhà nước bồi thường khó quá

Quy định phải có văn bản của cơ quan nhà nước xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật đang làm khó người đòi bồi thường oan sai.

 

Đòi Nhà nước bồi thường khó quá

 

Quy định phải có văn bản của cơ quan nhà nước xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật đang làm khó người đòi bồi thường oan sai.




Được trả tự do từ năm 1983, nhưng 26 năm sau ông Huỳnh Chiếm Phái (phải) mới được Viện KSND tỉnh Khánh Hòa giao quyết định đình chỉ điều tra bị can - là căn cứ để đòi bồi thường oan sai - Ảnh: Duy Thanh
Được trả tự do từ năm 1983, nhưng 26 năm sau ông Huỳnh Chiếm Phái (phải) mới được Viện KSND tỉnh Khánh Hoà giao quyết định đình chỉ điều tra bị can – là căn cứ để đòi bồi thường oan sai – Ảnh: Duy Thanh

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là phải có văn bản của cơ quan nhà nước xác định rõ hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, hoặc phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được 
bồi thường.

Thực tế cho thấy quy định này đã gây cản trở cho người dân khi cơ quan nhà nước chậm ban hành hoặc không ban hành văn bản xác định hành vi của cán bộ công chức. Cá biệt, nhiều cơ quan còn cố tình lấy quy định để gây khó dễ cho dân.

Kiếm cớ để từ chối thụ lý vụ án

Bị kết án 12 tháng tù oan, được đình chỉ điều tra bị can từ năm 2010, có văn bản của Viện KSND tối cao chỉ rõ cơ quan phải bồi thường nhưng hành trình đi đòi bồi thường oan sai của ông Nguyễn Văn Thêm (84 tuổi, phường Long Sơn, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) vẫn vô cùng gian nan.

Tháng 8-1990, TAND huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) tuyên phạt ông Thêm 12 tháng tù về tội vi phạm các quy định quản lý đất và bảo vệ đất đai, buộc ông phải giao trả 5.000m2 đất nông nghiệp cho UBND huyện Hồng Ngự.

Xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên huỷ án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.

Đầu năm 2010, sau khi Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội yêu cầu xem xét lại vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hồng Ngự mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với ông Thêm với lý do “hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.

Viện KSND tối cao có văn bản khẳng định Công an huyện Hồng Ngự là cơ quan phải bồi thường cho ông Thêm.

Sau khi có văn bản của Viện KSND tối cao, ông Thêm làm đơn khởi kiện ra TAND thị xã Tân Châu, yêu cầu Công an huyện Hồng Ngự phải bồi thường cho ông hơn 3,8 tỉ đồng.

Mặc dù đã thụ lý vụ kiện và mời hai bên đến hòa giải, nhưng sau đó TAND thị xã Tân Châu ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì chưa đủ điều kiện khởi kiện.

Lý do toà đưa ra là trong hồ sơ khởi kiện của ông Thêm chưa có văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật.

Ông Thêm kháng cáo. Đến tháng 6-2013, TAND thị xã Tân Châu mới thụ lý lại vụ kiện và tuyên buộc Công an huyện Hồng Ngự phải bồi thường cho ông Thêm hơn 377 triệu đồng sau khi Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp khẳng định mặc dù Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hồng Ngự có tổ chức thương lượng nhưng không ban hành quyết định giải quyết bồi thường theo đúng quy định nên ông Thêm có quyền khởi kiện.

Viện KSND tối cao cũng đã có văn bản khẳng định Công an huyện Hồng Ngự là cơ quan phải bồi thường cho ông Thêm. Do đó, việc tòa án đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng quy định.

Ông Đặng Minh Quân, thanh tra Bộ Tư pháp, cho biết quy định nêu trên còn khiến nhiều đơn vị tìm cách né tránh.

Đương sự khiếu nại về việc chậm thi hành án, không ra quyết định cưỡng chế thì các cơ quan lại xác định đây là nội dung “kiến nghị, phản ánh” để không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại – là căn cứ để người dân đòi bồi thường oan sai.

Ông Quân dẫn vụ việc của bà Huỳnh Thị Nga (ngụ huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 2004, gia đình bà Nga bị Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ cưỡng chế hai con tàu khi chuẩn bị nhổ neo ra biển đánh bắt cá, giữ sổ chứng nhận khả năng hoạt động nghề cá và sổ danh bạ thuyền viên.

Sau khi hai con tàu bị cưỡng chế, bà Nga làm đơn khiếu nại thì cả Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Phổ và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đều cho rằng họ đã thực hiện đúng quy định. Bà Nga đành gửi đơn khiếu nại đến Bộ Tư pháp.

Sau khi rà soát, phát hiện địa phương giải quyết chưa thấu lý đạt tình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ban hành quyết định sửa đổi quyết định giải quyết khiếu nại.

Đồng thời chỉ đạo Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi thực hiện trình tự, thủ tục bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Sau đó, bà Nga đã được nhận số tiền bồi thường hơn 2,3 tỉ đồng.

Quy định gây khó cho dân

Theo đại diện Cục Bồi thường nhà nước Bộ Tư pháp, quy định khi người dân đi đòi bồi thường oan sai phải có văn bản của Nhà nước xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ nhằm đảm bảo sự chặt chẽ, là bước đầu tiên trong quy trình yêu cầu bồi thường để xác định cán bộ công chức có sai hay không.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân có sự nhầm lẫn khi hiểu về quy định này.

Cụ thể, văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Muốn có được văn bản này thì người dân phải đi khiếu nại, hoặc phải có bản án của toà án thể hiện hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật mới được cơ quan bồi thường chấp nhận.

Nhiều người dân chỉ gửi đơn đề nghị xác nhận cán bộ công chức làm sai thì không cơ quan nào chịu xác nhận.

Ông Dương Đăng Huệ – vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp – cho rằng quy định phải có văn bản làm căn cứ cho việc yêu cầu bồi thường thiệt hại mới giải quyết cho dân vô hình trung đã tạo khó khăn, vướng mắc cho người bị thiệt hại trên thực tế.

Theo ông Huệ, thực tiễn cho thấy để có văn bản này, người dân phải đi khiếu nại, tố cáo hoặc đợi các văn bản xác định hành vi trái pháp luật hoặc các văn bản xác định thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Điều này khiến nhiều cơ quan nhà nước do né tránh trách nhiệm bồi thường đã không ban hành giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định có xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, thay vào đó là giải quyết khiếu nại bằng các hình thức khác như văn bản, thông báo.

Cần quy định thời gian ban hành văn bản

Để khắc phục vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người bị thiệt hại, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần quy định cụ thể thời gian cơ quan nhà nước phải ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật (hay không trái pháp luật) khi nhận được yêu cầu của người dân và quy định chế tài cụ thể đối với cơ quan nhà nước trong việc chậm trễ ban hành văn bản này.

Mặt khác, khi đã xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật thì cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức phải chủ động liên hệ thăm hỏi (nhất là đối với các vụ án oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự), nhận lỗi, đề xuất các khoản bồi thường nếu có thiệt hại trong một thời hạn nhất định.

Có như thế người dân sẽ cảm thấy hài lòng, nếu có yêu cầu bồi thường thì họ sẽ dễ dàng chấp nhận, hạn chế được các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Thạc sĩ TRẦN DUY BÌNH (TAND tỉnh An Giang)

TÂM LỤA ([email protected])