28/11/2024

Cha mẹ Pháp tự hào điều gì về con cái?

Trong khuôn khổ một dự án nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED), chúng tôi phỏng vấn một số phụ huynh Pháp để tìm hiểu về nhận thức, quan niệm về mục tiêu và cách thức giáo dục con trẻ, thì thấy rằng ưu tiên hàng đầu của họ là giáo dục sự tự chủ cho con.

 

Cha mẹ Pháp tự hào điều gì về con cái? 

 

 

Trong khuôn khổ một dự án nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED), chúng tôi phỏng vấn một số phụ huynh Pháp để tìm hiểu về nhận thức, quan niệm về mục tiêu và cách thức giáo dục con trẻ, thì thấy rằng ưu tiên hàng đầu của họ là giáo dục sự tự chủ cho con.


 

 

 
 

Họ giáo dục con tự chủ trong cách ăn nết ở hằng ngày, trong các mối quan hệ với người khác, tự chủ trong học tập, tư duy và phán đoán, tự chủ trong đời sống tinh thần và cả về tài chính… Trong bài viết ngắn này, chúng tôi chỉ đề cập đến khía cạnh giáo dục tự chủ về tài chính và quan niệm của họ về tương lai của con cái.

Con tự kiếm tiền để thực hiện những dự án

Chúng tôi trích dẫn trường hợp anh Mathieu và chị Elie (đã đổi tên) như một ví dụ điển hình. Anh chị có 5 người con đã trưởng thành, ai cũng khỏe mạnh và lịch thiệp, ba người đã đi làm, hai con trai cuối đang đi học. Anh chị cho biết các con của họ đã bắt đầu đi làm thêm, cụ thể là hái trái cây vào các dịp hè bắt đầu từ 14 tuổi (theo Luật lao động của Pháp, trẻ em trên 14 tuổi có thể tham gia lao động có giới hạn vào các kỳ nghỉ học trong năm).

Với số tiền kiếm được, các cháu có thể mua những đồ chơi, sách vở mà các cháu thích, hay những phương tiện cần thiết như điện thoại, máy tính, và sau này là mua cả xe hơi cá nhân, dành dụm đóng tiền học bằng lái xe khi đủ tuổi, hay thực hiện những cuộc tham quan du lịch với bạn bè.

Chị Elie cho chúng tôi biết: “Xe hơi của chúng là tự chúng kiếm tiền mua, nhờ lao động, các cháu học được nhiều thứ, biết được giá trị của lao động. Có những cha mẹ chu cấp cho các con mọi thứ, nhưng như vậy thì các cháu không học được gì, ngay cả một tiếng cảm ơn”. 

Anh Mathieu giải thích thêm: “Nhờ lao động, các cháu khám phá thế giới việc làm thực rất nhanh… Khi tham gia lao động, các cháu tự tiến bộ. Phải làm việc để sống, khi làm việc các cháu học được khả năng tự xoay xở, sự dũng cảm. Khi chúng lao động và làm việc cần cù, chúng cũng có khả năng kiếm việc về sau trong những nơi khác khi thôi học”.

Tất cả các phụ huynh mà chúng tôi nói chuyện có con trên 14 tuổi đều cho con đi làm thêm vào các dịp nghỉ để tự kiếm tiền bất luận hoàn cảnh gia đình thế nào: có những học sinh hái các loại rau quả vào mùa hè; có học sinh sửa xe cùng bố vì bố là thợ sửa xe; có học sinh làm vườn cho những người hàng xóm…

Theo các bậc cha mẹ mà chúng tôi đã nói chuyện, việc cho con đi làm là một phần của giáo dục tự chủ. Họ khuyến khích con lập những dự án cụ thể cho chính mình và tự kiếm tiền để thực hiện chúng. Họ muốn con họ thấy được các giá trị của lao động, tự chủ và biết tính toán về mặt tài chính với những “dự án” nhỏ của riêng mình, và nhờ vậy những người trẻ có thể bước vào đời một cách vững chãi và đầy tự tin.

Cách cha mẹ Pháp tự hào

Một bà mẹ có hai người con đã rất tự hào về con trai đầu 26 tuổi của mình: “Con trai tôi tự quản lý cuộc sống của cháu. Cháu đi đây đi đó, cháu mua những thứ cháu cần, cháu thích một chiếc du thuyền thì cháu đã mua một chiếc du thuyền. Cháu tự xoay xở rất tốt, đó là cuộc sống của cháu… Tôi nghĩ cháu được như vậy cũng một phần nhờ tôi. Khi còn nhỏ, tôi đã dạy nó tự lập, tự làm giấy tờ, tự làm việc. Sự lịch thiệp cũng vậy, tôi nghĩ đó là thành quả về cách dạy dỗ của tôi, tôi hi vọng thế… Nói chung tự chủ và giáo dục tự chủ là rất quan trọng, tôi đã dạy các cháu từ sớm, tôi đã dạy các cháu cách nói chuyện với người khác khi còn nhỏ. Đến 16 tuổi, cháu muốn đi làm thêm, tôi chỉ chở đến địa điểm và chính các cháu đã tự gặp chủ và xin việc”. 

Chị cho biết con đầu của chị không thích chuyện học vấn ở trường nên cháu đã chọn học trung học nghề và hiện đang là một đầu bếp khá thành công, trong khi chị tỏ ra khá lo lắng cho con trai thứ hai 16 tuổi vì cháu khá khép kín, ít giao tế xã hội và thiếu năng động, mặc dù cháu tỏ ra yêu thích sự học hành trường lớp hơn người anh.

Để hiểu rõ hơn quan niệm của các bà mẹ Pháp về tương lai của con cái, chúng tôi xin dẫn một ví dụ khác từ bà mẹ có 3 người con đang học phổ thông.

“Không ai biết trước được tương lai, nhưng nếu mong đợi thì trước tiên là cháu có một việc làm mà cháu thích. Tôi không muốn cháu cứ phải học thật nhiều, nếu mà cháu không thích thú gì sự học hành đó. Nếu có cháu nào thích làm thợ nề thì cứ làm thợ nề. Điều quan trọng là chúng hạnh phúc với công việc của chúng. Tôi không thúc đẩy chúng học nhiều nếu điều đó không phù hợp với cháu, không nên làm như vậy. Quan trọng là có một công việc để kiếm sống, tôi không nói với cháu là dứt khoát con phải làm bác sĩ… các bậc cha mẹ đều muốn con mình trọn vẹn, thập toàn, nhưng tôi thì không, vì “nhân bất thập toàn” mà” – chị nói.

Nhiều bà mẹ Pháp đã cho biết mục tiêu ưu tiên của họ là giáo dục con trưởng thành, phát triển về mọi mặt, nhất là khả năng tự lập để bước vào đời, để sống cuộc sống của chính mỗi một người con và biết sống với người khác trong một xã hội nhiều khác biệt, chứ họ không ép con theo đuổi bất kỳ hình mẫu nào theo sự hình dung của họ nếu đó không phù hợp với con.

Với họ, quan trọng là từng người con cảm thấy hạnh phúc, ham thích nghề nghiệp trong tương lai của mình, dẫu đó là nghề chân tay hay trí óc. Chuyện học hành bằng cấp cũng cần thiết vì điều này tăng thêm sự lựa chọn nghề nghiệp cho con về sau, nhưng chỉ là một trong nhiều con đường của cuộc sống, chứ không quyết định cho tương lai và hạnh phúc của con.

Ảnh hưởng của xã hội

Theo nhà nghiên cứu Gayet, tại Pháp có một sự biến chuyển các giá trị trong mục tiêu giáo dục gia đình như sau: những năm 1960, người Pháp vẫn quan niệm một đứa trẻ được “giáo dục tốt” là đứa trẻ biết vâng lời (có lẽ tương tự như Việt Nam hiện nay); những năm 1970, người ta quan niệm là đứa trẻ phải phát triển (epanoui); sau năm 1980, hình ảnh một đứa trẻ lý tưởng là đứa trẻ tự chủ (autonome) và điều này còn kéo dài đến ngày nay.

Chúng tôi cũng nói chuyện với nhiều phụ huynh Việt Nam, nhưng thấy ít người trong họ khuyến khích con đi làm thêm trong kế hoạch giáo dục tự chủ cho con cái, hình ảnh phổ biến của một học sinh Việt là học: học ở trường, học ở nhà, học thêm nhiều thứ bên ngoài.

Các bậc cha mẹ Việt mà chúng tôi đã gặp, dù giàu hay nghèo cũng cố gắng đầu tư cho con cái học hành với một não trạng “học để làm quan”, học để đổi đời, để thoát nghèo (những trường hợp thuộc nhóm bình dân). Niềm tự hào của họ với con cũng gắn với chuyện học, với thành tích điểm số và bằng cấp, chứ chúng tôi không gặp cha mẹ nào tự hào kiểu như bà mẹ Pháp đã hãnh diện về một “đầu bếp” nói trên.

Cuộc sống có nhiều con đường, mỗi cá thể là một sự duy biệt, có một năng khiếu, sở thích, khuynh hướng và loại hình thông minh khác nhau, trong đó con đường học thuật (học lên cao) chỉ là một thứ. Liệu việc người lớn Việt Nam chúng ta cùng hướng tất cả con trẻ vào con đường này liệu có đúng và phí phạm không?

NGUYỄN KHÁNH TRUNG (Viện IRED)