01/11/2024

Hy hữu chuyện ở xóm nghèo: Muốn ra vào nhà phải đóng tiền

Đường đi công cộng duy nhất bị sạt lở cuốn trôi nên mấy năm nay, xóm Voi Lò Bế thuộc ấp Nhơn Thọ 1 và Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, H.Phong Điền (TP.Cần Thơ) rơi vào cảnh cô lập. Để ra lộ, người trong xóm, kể cả học sinh, phải trả “phí” lối đi mỗi khi ra vào nhà.

 

Hy hữu chuyện ở xóm nghèo: Muốn ra vào nhà phải đóng tiền

 

 

 

Đường đi công cộng duy nhất bị sạt lở cuốn trôi nên mấy năm nay, xóm Voi Lò Bế thuộc ấp Nhơn Thọ 1 và Nhơn Thọ 2, xã Nhơn Ái, H.Phong Điền (TP.Cần Thơ) rơi vào cảnh cô lập. Để ra lộ, người trong xóm, kể cả học sinh, phải trả “phí” lối đi mỗi khi ra vào nhà.



 

Học sinh đi học qua “trạm” thu tiền của nhà bà Thu - Ảnh: Đình TuyểnHọc sinh đi học qua “trạm” thu tiền của nhà bà Thu – Ảnh: Đình Tuyển
Nằm cách trung tâm H.Phong Điền (TP.Cần Thơ) một con sông nhưng cuộc sống của người dân xóm Voi Lò Bế gặp khó khăn vì nhiều năm qua không có đường ra vào xóm. Những đợt sạt lở sông Phong Điền từ năm 2006 đã “cạp” mất hoàn toàn lối đi chung của xóm hướng ra chân cầu Tây Đô. Từ đó, xóm nghèo này buộc phải đi nhờ đường dẫn xuống bến đò, cũng là đường dẫn xuống quán cà phê cặp mé sông nhà bà Lê Thị Thu (thường gọi là bà Bảy Thuấn) và ông Nguyễn Văn Thuấn ngụ ngay đầu xóm.
 
 
Theo luật sư Trần Thanh Phong, Đoàn luật sư TP.Cần Thơ, trường hợp bị “cô lập” lối đi như trên rất thường gặp nhưng ít thấy trường hợp hàng xóm lại thu tiền nhau.
Về việc làm đường mới, nếu các hộ dân đã tự nguyện hiến đất làm đường nhưng chỉ có hộ bà Thu không đồng ý thì theo quy định của bộ luật Dân sự, tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc, mà cụ thể là người dân xóm Voi Lò Bế có thể kiện ra TAND H.Phong Điền. 
 

Bà Thu đã lập một bảng “thu tiền bến” rồi ra quy định mỗi người đi ra thu 2.000 đồng, đi vào thu thêm 2.000 đồng; cả trẻ em, học sinh hay khách đến đều phải đóng tiền mới được ra, vào.

Riêng những người đi mua đồ thì “phí” cao hơn là 5.000 đồng/lượt ra, vào. “Tôi đi ra mua có chai nước tương cũng bị thu 5.000 đồng”, ông T. – một người dân trong xóm nói.
“Ngặt” hơn nữa, bà Thu chỉ cho phép người đi qua, còn xe máy phải để lại. Vì vậy, những hộ dân xóm Voi Lò Bế lại tốn thêm tiền gửi xe hằng tháng khoảng 100.000 đồng/xe.
Khi PV Thanh Niên vào xóm Voi Lò Bế, bà Thu cũng yêu cầu bỏ xe tại nhà bà rồi lội bộ vào trong xóm “khi ra nhớ trả tiền”.
PV thắc mắc về việc thu phí trên, bà Thu nói: “Xóm này ai lên xuống qua đây cũng phải đóng phí cả, chịu thì đi không thì thôi”.
Vào những ngày hiếu hỉ như đám cưới, đám giỗ… nếu người dân không đóng tiền cho bà Thu thì khách cũng sẽ không có đường vào dự tiệc. “Năm trước tôi làm đám cưới cho con, bà Thu đòi tôi nộp 2 triệu đồng, tôi trả 1 triệu đồng mà bả không chịu, tôi đành để bả bắc ghế thu tiền từng người”, ông N.V.H, người dân trong xóm than thở.
Vợ anh L. cho biết thêm con anh chị đang học tiểu học, mỗi ngày đi học gia đình cho con 10.000 đồng, thì phải đóng hết 6.000 đồng tiền “phí” lối đi.
Vận động
Cả xóm toàn dân lao động nghèo, hằng ngày đã “vật lộn” với các khoản chi tiêu lại phải gánh thêm chi phí đi ra đi vào, 12 hộ dân với 66 nhân khẩu ở xóm Voi Lò Bế đã nhiều lần cùng làm đơn “xin cứu xét” gửi UBND xã Nhơn Ái, H.Phong Điền. Tuy nhiên, đến nay, xã vẫn bế tắc, không có hướng giải quyết.
“Cái khó của chúng tôi là con đường cặp mé sông dẫn vào xóm Voi Lò Bế đã bị sạt lở cuốn hết. Sạt đến đất của người dân thì họ rào lại không cho người ta qua lại vì sợ để đi nữa sẽ sạt thêm”, ông Lê Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã Nhơn Ái cho biết.
Ông Hiếu cũng thông tin thêm: “UBND xã Nhơn Ái rất đau đầu vụ này, bởi bây giờ chỉ còn một lối đi duy nhất để vào xóm Voi Lò Bế là qua đất nhà bà Thu, ông Thuấn. Xã đã vận động gia đình không nên lấy tiền người dân, học sinh nhưng vì nguồn lợi hằng ngày nên họ vẫn làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động”.
Những hộ dân trong xóm Voi Lò Bế đã tự đứng ra cùng nhau hiến đất làm một con đường nhỏ để ra lộ nhựa. Thế nhưng, vị trí duy nhất có thể mở đường cuối cùng cũng “vướng” một góc đất mương nước thuộc nhà bà Thu nên không thành.
“Chúng tôi vận động và các hộ dân đều nhất trí mỗi nhà hiến một ít đất để làm đường đi chung nhưng ra đến lộ nhựa thì gia đình bà Thu, ông Thuấn không chịu dù chỉ có vài mét vuông đất mương bỏ không”, ông Hiếu nói thêm.
Các hộ dân hùn tiền xin thuê hoặc mua khoảnh đất mương vài mét vuông trên nhưng bà Thu cũng nhất định không bán. Nhiều người trong xóm Voi Lò Bế chán nản cho biết: “Bà Thu nói không bán, không thuê, không hiến gì hết… bởi vì như vậy bà sẽ mất nguồn thu phí lối đi tính ra mấy trăm ngàn đồng mỗi ngày, chưa kể tiền giữ xe tháng”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó chủ tịch UBND H.Phong Điền (Cần Thơ), cho biết trước đây lãnh đạo H.Phong Điền đã nghe vụ việc này nhưng cứ ngỡ xã đã giải quyết xong. Ông Nghĩa cho rằng: “Phải làm đường cho dân. Nếu chỉ vướng một diện tích đất nhỏ của hộ dân thì chính quyền xã phải tìm cách vận động người dân nhượng lại, không nên để tình trạng cố tình cô lập hàng chục hộ dân rồi thu tiền lối đi như vậy”.

Đình Tuyển