09/01/2025

Áp lực của tình yêu con

Trong ngày hội trẻ thơ, con tôi tham gia trò chơi cờ carô đấu cùng một bạn gái khác. Mẹ bạn ấy đứng phía sau liên tục chỉ bài cho con: “Đừng đi ô đó! Đi ô này nè. Không phải! Rồi, đúng rồi!”.

 CHUYỆN NHÀ

Áp lực của tình yêu con

 

Trong ngày hội trẻ thơ, con tôi tham gia trò chơi cờ carô đấu cùng một bạn gái khác. Mẹ bạn ấy đứng phía sau liên tục chỉ bài cho con: “Đừng đi ô đó! Đi ô này nè. Không phải! Rồi, đúng rồi!”.


 


Y như rằng con tôi bị thua. Bé ức quá, khóc oà lên: “Cổ chỉ bài cho con cổ, như vậy là chơi không công bằng”. Còn bé kia có lẽ cũng chẳng vui với chiến thắng ấy.

Yêu con trên từng cây số

Chạy qua trường tiểu học của con giờ ra chơi, tôi thường thấy nhiều bà mẹ đứng sát hàng rào nhìn vào sân trường dõi theo con. “Hưng ơi, ra đây uống hộp sữa nè con”. “Trang Anh, đừng chạy, té bây giờ”. “Con đừng chơi với nó, ra đây mẹ bảo nè”. Chị ấy phân trần với mấy bà xung quanh: “Tốt nhất là không chơi với đứa nào hết. Tụi đó chơi bạo lắm, có lần nó mải chạy húc vào con tôi tím bầm mặt đó!”.

Tôi nhớ có lần nhìn cô em canh cho đứa con 1 tuổi đang say ngủ. Mắt em trìu mến nhìn con, tay liên tục cầm cái quạt giấy phe phẩy hoặc chỉnh lại cái gối, kéo lại tà áo cho cân, sửa lại cái tất chân (vớ) cho kín, đứng lên chỉnh lại cây quạt máy, chỉnh cái gối rồi lại tiếp tục chỉnh áo, chỉnh khăn. Nó nói: “Chị ơi, em không thể rời đi được! Lỡ có con muỗi, có con kiến nào thì sao? Lỡ cháu giật mình thì sao?”.

Chuyến du lịch nước ngoài của cơ quan tôi phải họp hành rất nhiều lần mới thống nhất được số lượng người tham gia, vì vài bà mẹ có con nhỏ tuổi mẫu giáo và tiểu học không quyết định được đi hay không.

Đi nước ngoài cũng thích nhưng mang con theo phải đóng thêm nhiều tiền, mà để ở nhà thì không đành lòng. Từ bé tới giờ chưa ngủ một đêm xa con, liệu con sẽ ra sao? Dù nhà có bố, có ông bà ngoại, có người giúp việc nhưng thiếu hơi mẹ, con sẽ khóc hết nước mắt mất thôi!

Vật vã cai con

Nhiều gia đình muốn trang bị cho con kỹ năng sống. Nhiều nơi tổ chức những trại kỹ năng, đợt ngoại khoá buộc các em tách hẳn ba mẹ, tới một nơi xa lạ ăn ngủ, học tập, sinh hoạt chỉ với bạn bè, thầy cô. Thế là nhiều cha mẹ vật vã cai con!

Than thở rầm rĩ, online cả ngày lẫn đêm, hi vọng tóm được một khoảnh khắc nào đó được “up” hình lên Facebook hay trang web. Nhiều nhà cha mẹ chạy xe 4-5 tiếng đi rồi ngược về cũng 4-5 tiếng nữa chỉ để được nhìn con trong 10 phút giải lao!

Tôi có người bạn từ ngày sinh con tới nay con lên lớp 9 mà mẹ chưa dám đi đâu xa con một buổi tối. Hôm thấy tôi từ xa tới thăm nhà, bạn tôi ngạc nhiên: “Sao chị dám bỏ con bơ vơ lăn lóc mà đi vậy? Tôi chịu, sao thiếu trách nhiệm với con thế?”.

Rồi chiều đó tôi thấy cô ấy đánh con. Cô ấy bực mình vì con làm rớt vỡ cái chén. Đứa trẻ nào chẳng làm vỡ vài cái chén cái đĩa trước khi khéo léo như người lớn. Nhưng cô ấy nói: “Tôi ở nhà cả ngày không dám đi đâu, chỉ để rèn dạy con mà con không nghe lời, tôi điên lắm!”. Người mẹ đang tức giận. Một phần quan trọng là vì chị đã hi sinh nhiều quá, đã kỳ vọng nhiều quá vào con.

Cũng như tôi và các bà mẹ khác, nhiều thú vui và cả tham vọng sự nghiệp của mình đã thu hẹp lại nhiều, vậy mà con còn có thể phạm phải sai sót được sao? Con có thể vụng về được sao? Con có thể bị điểm kém được sao? Con có thể thua thiệt bạn bè được sao?

Nhưng đó cũng chính là thiệt thòi của những đứa trẻ được ba mẹ chăm lo kỹ quá, dồn quá nhiều tâm sức. Trong vòng tay ôm ấp, chăm lo quá chặt, bé không có khoảng trống để lùi lại, để sửa sai, để làm vài trò… nhảm nhí. Mỗi sai sót nhỏ nhặt sẽ bị cha mẹ hoặc chính bản thân bé thổi phồng vì áp lực quá lớn của tình thương.

Những vết thương của tuổi thơ cha mẹ

Tôi từng lớn lên với tuổi thơ thiếu thốn tình thương và vật chất. Mẹ tôi thời đó, những năm 1960-1970, thời của chiến tranh rồi thời của phong trào “3 đảm đang, 3 sẵn sàng”, rồi tới “5 sẵn sàng”. Mẹ kể sinh tôi được hai tuần là mẹ phải đi gửi trẻ để đi làm, sữa chảy ướt đầy ngực áo. Những đêm mẹ đi trực, tôi ở nhà khóc tới lịm hơi.

Chúng tôi hồi bé toàn đi lang thang khắp đồng hái rau, kiếm củi, đào khoai, phải ra đồng cuốc đất từ khi cái cán cuốc cao ngang đầu. Thấy thế, nhiều nhà làm một cây cuốc cán ngắn, một đôi quang gánh nhỏ để tụi trẻ lao động, phụ giúp gia đình. Ở những gia đình năm, bảy đứa con, ba mẹ nai lưng làm quần quật còn chưa hết việc, nói gì tới chăm sóc, tâm sự…

Cứ thế, sự thiếu thốn trở thành vết thương, thành nỗi sợ hãi, thành ám ảnh. Và khi sinh con ra, từ thẳm sâu trong tiềm thức, chúng ta luôn cảm thấy rằng mình có chăm con tới mức nào cũng vẫn chưa thoả. Thật ra là ta đang chăm sóc vết thương, an ủi nỗi sợ hãi trong quá khứ của chính tuổi thơ mình.

Có lẽ chỉ thế hệ các bà mẹ 6X, 7X, 8X mới cần “nghiến răng” tập cách lùi xa con ra một khoảng, bởi những ám ảnh về tuổi thơ thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, rồi lại ngay lập tức phải đối mặt với xã hội mà các giá trị sống bị xáo trộn.

Độc lập và tự do là ước muốn của hàng tỉ người trên Trái đất này, tốn rất nhiều cuộc chiến đẫm máu và nước mắt mới có cơ may giành lại được.

Chúng ta đã được cài đặt từ sâu thẳm trong gen suốt hàng ngàn năm qua rằng kẻ nào tước tự do và độc lập của mình, kẻ đó là kẻ thù! Tình yêu con cũng thế, tình yêu xin đừng tước đi tự do và độc lập của người mình yêu!

“Cha tôi là nông dân. Ông luôn nhắc tôi rằng đừng tưới quá đẫm nước, đừng cột cây quá chặt, đừng để bóng cây lớn trùm quá kín cây con. Làm vậy sao cây con lớn được chứ! Càng bao bọc sẽ càng yếu đuối, càng vụng dại

 

THU HÀ