02/11/2024

Trần ai đi làm sổ đỏ

Toát mồ hôi với rừng thông tin trong các biểu mẫu, chờ đợi xin cấp mã số thuế cá nhân, đi lại nhiều lần để hỏi kết quả vẫn không thấy đâu…

 

Trần ai đi làm sổ đỏ

 

Toát mồ hôi với rừng thông tin trong các biểu mẫu, chờ đợi xin cấp mã số thuế cá nhân, đi lại nhiều lần để hỏi kết quả vẫn không thấy đâu…


 


Nhân viên Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Tiền Giang thẩm tra hồ sơ do các huyện chuyển đến - Ảnh: Vân Trường
Nhân viên Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Tiền Giang thẩm tra hồ sơ do các huyện chuyển đến – Ảnh: Vân Trường

Đối với hồ sơ trễ hẹn với dân, tôi đã chỉ đạo các chi nhánh mời dân đến bổ sung, chỉnh sửa và xin lỗi vì đây là lỗi của mình. Đổ thừa cho cơ quan khác trong khi mình sai là không nên

Ông HỒ THANH BÌNH (Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Tiền Giang)

Đó là tình cảnh mà nhiều người dân ở Tiền Giang đang trải qua khi đi làm chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”).

Vật vã với thủ tục

Chờ gần 30 phút, bà Đặng Thị Huyền ở P.4, TP Mỹ Tho được gọi làm thủ tục sang tên nhà, đất. Nhân viên tiếp nhận hồ sơ của chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP Mỹ Tho đưa bà phiếu yêu cầu cung cấp thông tin dữ liệu đất đai để điền vào.

Bà Huyền cầm tờ giấy rồi đi tìm mẫu hướng dẫn nhưng không thấy. “Cái này điền sao đây trời?” – bà Huyền than thở. Một người ngồi bên cạnh quay sang hướng dẫn bà Huyền được mấy dòng rồi cũng lắc đầu chịu thua.

Cạnh đó, ông Trương Trọng Thuận vò đầu bứt tai với rừng thông tin chi chít trong biểu mẫu kê khai thuế trước bạ và tiền sử dụng đất. Một giờ trôi qua, ông vẫn loay hoay hết gọi điện cho người quen lại hỏi những người bên cạnh cách thức điền thông tin.

Ông Thuận bức xúc: “Làm sao tui biết nguồn gốc đất mà ông nội tui đứng tên có từ đâu. Nếu là cha mẹ tui nộp thuế thì làm gì có mã số thuế mà ghi. Họ đã 85 tuổi rồi chẳng lẽ đi xin mã số thuế?”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ người dân lúng túng khi điền thông tin vào các biểu mẫu khi đi làm sổ đỏ là do tại chi nhánh VPĐKĐĐ TP Mỹ Tho không có nhân viên hướng dẫn cách ghi. Trong khi đó, các biểu mẫu yêu cầu kê khai rất nhiều thông tin và dùng nhiều từ chuyên môn rất khó hiểu.

Một số người còn bị bắt viết tay “Đơn đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” theo… biểu mẫu dán trên tường! Nhưng để viết đơn này thì người dân phải ra ngoài mua giấy rất phiền phức.

Ông Hồ Thanh Bình, giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh Tiền Giang, khẳng định: “Đây là thủ tục mà chi nhánh TP Mỹ Tho tự đặt ra chứ không có quy định nào bắt buộc dân viết đơn như thế. Tôi đã có văn bản chấn chỉnh, yêu cầu bỏ thủ tục vô lý này rồi”.

Trễ hẹn và đổ lỗi

Nhiều người cho biết khi cầm giấy hẹn đến chi nhánh VPĐKĐĐ TP Mỹ Tho nhận sổ đỏ đều nhận được câu trả lời “chưa có”. Bà T.L. ở P.5, TP Mỹ Tho nộp hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất ngày 
22-6-2015. Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Mỹ Tho ghi phiếu nhận hồ sơ và hẹn ngày 20-7 trả kết quả.

Ngày 24-7 bà L. đến thì nhân viên cơ quan này trả lời vẫn chưa có kết quả. Đến ngày 4-9 bà L. quay lại đây nhưng vẫn thế. Nhân viên ở đây nói: “Nếu bà cần gấp thì qua chi cục thuế hỏi”.

Thế nhưng ngày 7-9, Chi cục Thuế TP Mỹ Tho thông tin cho bà L. biết họ mới nhận hồ sơ của bà từ chi nhánh VPĐKĐĐ TP Mỹ Tho vào buổi sáng.

Ông Nguyễn Quốc Sơn, chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Mỹ Tho, cho biết từ đầu năm 2015 đến nay cơ quan này nhận 6.127 hồ sơ đất do chi nhánh VPĐKĐĐ TP Mỹ Tho chuyển qua để tính thuế sử dụng đất, thuế trước bạ. Đến ngày 7-9, chi cục thuế chỉ còn giữ 30 hồ sơ bị trễ hẹn nhưng cũng sắp làm xong.

Ông Sơn nói thêm: “Từ đầu năm đến nay chúng tôi phải trả lại tới 704 hồ sơ không đạt yêu cầu, chiếm khoảng 11%. Chi nhánh VPĐKĐĐ chuyển hồ sơ cho chi cục thuế nhưng ghi sai loại đất, bỏ trống những thông tin cần thiết về diện tích đất… thì làm sao chúng tôi tính thuế được.

Khi chúng tôi trả hồ sơ lại thì bên đó để hoài không chịu chỉnh sửa, bổ sung để chuyển qua chúng tôi xử lý. Đổ thừa chúng tôi ngâm hồ sơ của dân là không đúng”.

Để chứng minh, ông Sơn cho chúng tôi xem phiếu chuyển thông tin hồ sơ của bà Lâm Thị Trưng ở P.2, TP Mỹ Tho ngày 28-8-2015 từ chi nhánh VPĐKĐĐ TP Mỹ Tho. Theo đó, ở mục 2.3 không có thông tin gì trong khi đây là mục quan trọng để cơ quan thuế xác định diện tích đất phải nộp (hoặc không nộp) tiền sử dụng đất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Thanh Bình, giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh Tiền Giang, thừa nhận có một lượng lớn hồ sơ đất đai của dân bị chậm trễ. Theo ông Bình, đa số hồ sơ bị trễ hẹn do có sai sót cần phải điều chỉnh, bổ sung.

Các sai sót phổ biến gồm: hồ sơ không có thông tin hành lang lộ giới, không có ghi số thửa giáp ranh, bản sao biên lai thuế không có công chứng hoặc không có chữ ký xác nhận của cán bộ đối chiếu với bản chính, xác định ranh và mốc giới không thể hiện tên chủ sử dụng đất giáp ranh…

Điều đáng nói, theo ông Bình, lỗi này thuộc về cán bộ, viên chức các chi nhánh VPĐKĐĐ.

50% hồ sơ sai do lỗi của cán bộ, viên chức

Tính đến ngày 4-9-2015, các chi nhánh đã chuyển về VPĐKĐĐ tỉnh Tiền Giang 1.276 hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp sổ đỏ của Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh. Cơ quan này đã thẩm tra 1.123 hồ sơ, còn 153 hồ sơ chưa thẩm tra.

Qua thẩm tra cho thấy có tới 600 hồ sơ (khoảng 50%) sai sót phải chuyển trả cho các chi nhánh VPĐKĐĐ chỉnh sửa, bổ sung cho đúng quy định. Đó là chưa kể rất nhiều hồ sơ thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện bị sai mà chi cục thuế phát hiện, trả lại.

Ông Hồ Thanh Bình khẳng định đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng hồ sơ trễ hẹn kéo dài khiến người dân bức xúc chứ không phải lỗi của chi cục thuế.

 

VÂN TRƯỜNG