10/01/2025

Những “thủ quỹ” bất đắc dĩ!

Cứ vào dịp đầu năm học mới, các khoản đóng góp tiền trường không chỉ là gánh nặng cho các bậc phụ huynh, làm con trẻ hoang mang, lo lắng, mà còn là nỗi khổ của đội ngũ giáo viên – những “thủ quỹ” bất đắc dĩ!

 

Những “thủ quỹ” bất đắc dĩ!

 

Cứ vào dịp đầu năm học mới, các khoản đóng góp tiền trường không chỉ là gánh nặng cho các bậc phụ huynh, làm con trẻ hoang mang, lo lắng, mà còn là nỗi khổ của đội ngũ giáo viên – những “thủ quỹ” bất đắc dĩ!



Trong buổi họp phụ huynh lớp tôi chủ nhiệm đầu năm học 2015 – 2016 vào cuối tháng 8 vừa rồi, sau khi thông báo các khoản thu bắt buộc, tôi hướng dẫn phụ huynh việc nộp tiền rồi nhờ ban đại diện hội phụ huynh lớp thu, quản lý giúp tiền quỹ hội phụ huynh đúng theo mức quy định của thành phố.

“Vì phải thu để hoàn thành chỉ tiêu, nhiều giáo viên vô tình đánh mất hình ảnh cao quý của người thầy trước mắt phụ huynh và học sinh, khi tự biến mình thành những “thủ quỹ” mẫn cán, vì mỗi lần gặp học sinh trên lớp lại ra rả đòi tiền!

“Cô hết tiền mua gạo rồi!”

Tiếp đó, ông trưởng ban đại diện đề nghị phụ huynh đóng góp thêm vào quỹ hội phụ huynh của lớp, với lý do là năm nay lớp 12 nên phải chi nhiều cho các cháu và nhà trường. Thấy không hợp lý nên tôi gạt đi. Nhiều phụ huynh ủng hộ tôi và vui vẻ ra về khi kết thúc buổi họp.

Tuy nhiên, sau đó ban đại diện hội phụ huynh lớp lại tỏ ý phàn nàn tôi, rằng tôi không tạo điều kiện cho họ hoạt động, rằng lớp sẽ không hoạt động phong trào tốt vì quá ít tiền, rằng tôi sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ thu quỹ đúng thời hạn quy định của nhà trường…

Đã gặp cảnh này nhiều lần nên tôi chỉ mỉm cười bảo “các anh chị cứ yên tâm” nhưng lòng thì rối bời và man mác buồn.

Cũng trong sáng hôm đó, trên đường từ phòng họp về khu hiệu bộ, một đồng nghiệp than thở với tôi: “Lớp em chỉ có chưa đầy 1/3 phụ huynh đóng tiền, không biết phải làm sao đây, chứ không như năm ngoái thì khổ!”. Nghe vậy tôi bảo: “Năm ngoái lớp em hoàn thành tốt các khoản đóng góp mà”.

Cô giáo ấy liền kể: “Đó là em hoàn thành chứ đâu phải lớp! Đến giờ học sinh tốt nghiệp ra trường rồi mà còn hai phụ huynh chưa đóng tiền quỹ hội, có mấy em chưa đóng tiền học phụ đạo 2 – 3 tháng liền, rồi chưa đóng tiền mua quà lưu niệm tặng trường… Khoản tiền hơn 3 triệu đồng em phải ứng ra đóng trước cho nhà trường đối với em là rất lớn, nhưng hoàn cảnh các em đó khó khăn quá nên em không nỡ thúc ép”. Nghe thế, tôi chỉ biết chia sẻ nỗi lo thu tiền trường với cô đồng nghiệp.

Hôm qua, khi con trai tôi (đang học lớp mẫu giáo lớn) đi học về đến nhà liền kêu toáng lên: “Mẹ ơi mẹ! Cô bảo đóng tiền cho cô, chứ cô hết tiền mua gạo rồi!”. Hỏi thêm thì cháu kể: “Cô bảo cả lớp là các con về bảo bố mẹ nhanh đóng tiền cho cô để cô mua gạo, cô hết tiền mua gạo rồi! Nếu không thì cô đói, cô không đi dạy được nữa đâu”.

Và thế là cháu cứ dặn đi dặn lại là mai mẹ phải đem tiền lên trường nộp cho cô, không cô đói, tội cô lắm. Tôi vừa hứa với con, vừa cười như mếu. Con đâu biết niềm tin thơ ngây của các con đã trở thành phương tiện để cô hối thúc ba mẹ đóng tiền, nhằm sớm hoàn thành chỉ tiêu thu các khoản như quỹ hội phụ huynh, tiền đồ dùng học tập, tiền quần áo đồng phục cho nhà trường.

Cứ gặp học sinh là đòi tiền!

Dù muốn dù không, đã là giáo viên chủ nhiệm thì ai cũng phải đảm đương nhiệm vụ thu giúp nhà trường các khoản phí mà học sinh phải đóng góp. Thông thường, bộ phận tài chính – thủ quỹ của nhà trường sẽ trực tiếp thu các khoản bắt buộc như học phí, phí vệ sinh, tiền quần áo đồng phục thể dục và có thể là cả tiền bảo hiểm y tế nữa.

Còn hàng tá các khoản mang tính chất “tự nguyện” hoặc “thỏa thuận” khác như quỹ hội phụ huynh, tiền ủng hộ quỹ khuyến học, quỹ chữ thập đỏ, tiền bảng tên, tiền giữ xe đạp trong trường, tiền mua sách tham khảo, tiền học thêm tại trường, tiền mua quà lưu niệm tặng trường (với học sinh cuối cấp)… thì nhà trường đều dồn hết lên vai giáo viên chủ nhiệm lớp.

Không chỉ đổ dồn cho giáo viên, phương châm của các nhà quản lý trường học là phải thu đủ, thu đúng thời hạn bất kể lý do gì. Bởi thế, việc hoàn thành nghĩa vụ thu phí trở thành tiêu chí thi đua quan trọng ở nhiều trường học.

Khốn nỗi, cái tiêu chí thuần túy chuyên trách của bộ phận tài chính, kế toán đó lại được tròng lên vai các nhà giáo – vốn có sứ mệnh cao cả là dạy dỗ, giáo dục học sinh. Và để hoàn thành vai trò “thủ quỹ” bất đắc dĩ đó, phần lớn người thầy có lòng tự trọng nghề nghiệp, có tình thương đối với học trò sẽ có cách thực hiện mang tính sư phạm – dù có thể sẽ không hoàn thành nhiệm vụ thu phí, chấp nhận bị phê bình, bị hạ bậc thi đua.

Thế nhưng, không ít người lại dùng đủ “chiêu thức” thúc ép, hù doạ phụ huynh và học sinh để đạt được chỉ tiêu thu đủ, thu đúng tiến độ quy định của nhà trường. Hệ quả là nhiều phụ huynh khi làm việc với giáo viên chủ nhiệm về các vấn đề liên quan đến những khoản thu thường có thái độ thiếu tôn trọng, hoặc phản ứng thái quá, cứ như là chính giáo viên đặt ra các khoản thu đó.

Đặc biệt nghiêm trọng hơn, chất lượng dạy học – giáo dục học sinh của những giáo viên kiêm “thủ quỹ” đó sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Bởi lẽ nhiệm vụ chính của người thầy khi lên lớp là giảng dạy, giáo dục học sinh. Thế nhưng, nhiều giáo viên khi lên lớp lại phải dành phần lớn thời gian của tiết học bộ môn, tiết sinh hoạt lớp để hối thúc, để hết nêu tên học sinh này thiếu khoản nọ, lại vặn vẹo học sinh kia chưa đóng các khoản này nọ…

Thương nhất là những học sinh chưa có tiền nộp cho trường thì cứ nơm nớp lo sợ bị cô nêu tên, có em tìm cách né tránh giáo viên chủ nhiệm vì sợ bị đòi nợ. Cứ thế, nội dung chương trình của bài học, môn học mỗi ngày bị cắt xén một ít để chỉ dành cho việc thu tiền. Tâm thế, hứng thú học tập của nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn vì thế cũng bị thui chột vì nỗi ám ảnh tiền trường.

Hãy trả giáo viên về đúng vị trí của người thầy

Thiết nghĩ các nhà quản lý giáo dục đã đến lúc phải dừng ngay việc giao nhiệm vụ thu tiền trường cho giáo viên đứng lớp, trả họ về đúng vị trí của người thầy. Để làm việc này không khó. Bất kỳ trường học nào cũng có ít nhất một kế toán và một thủ quỹ.

Nếu tổ chức hợp lý thì bộ phận này sẽ đảm đương tốt việc thu các loại phí bắt buộc đối với học sinh, vốn là chức trách của họ. Còn những khoản phí mà lâu nay nhà trường bảo “thu giúp” như bảo hiểm y tế, quỹ hội phụ huynh, quỹ khuyến học… thì phải kiên quyết trả về cho các tổ chức sở hữu trực tiếp thu hoặc vận động đóng góp.

Nhà trường và các tổ chức thu phí, gây quỹ học đường có thể sử dụng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng hoặc qua bưu điện để phụ huynh đóng phí trực tuyến hoặc đóng gián tiếp như ngành thuế, ngành điện lực vẫn làm. Điều này vừa tạo thuận lợi trong việc đóng phí của phụ huynh, vừa giảm áp lực cho giáo viên.

Ngoài ra, các khoản phí thay vì thu một lần cho cả năm thì nên thu theo tháng hoặc theo quý để giảm áp lực cho những gia đình khó khăn, có đông con đi học. Chẳng đặng đừng, nếu phải nhờ giáo viên thu hộ khoản nào đó, hoặc với một số trường hợp cá biệt thì không được thúc ép, không được giao chỉ tiêu cho giáo viên nữa.

 

LÊ ANH (Đà Nẵng)