Luận lý của Thiên Chúa khác với luận lý của chúng ta

Khi đọc phần tường thuật Phúc Âm của Maccô hôm nay, ta thấy rõ có một khoảng cách nội tâm thật xa ngăn cách Đức Giêsu với các môn đệ của Người, đến độ họ không hiểu được những lời nói của Thầy, hay chỉ hiểu được cách nông cạn. Tông đồ Phêrô, ngay sau khi tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu, đã tự cho phép mình được khiển trách Thầy vì đã tiên báo Thầy sẽ bị loại trừ và giết chết

 Luận lý của Thiên Chúa khác với luận lý của chúng ta

Kinh Truyền Tin
Dinh Tông Toà Castel Gandolfo
Chúa Nhật XXV TN, 23/9/2012

Anh chị em thân mến!

Dựa theo Phúc Âm Thánh Maccô, trên con đường chúng ta đi, Chúa Nhật vừa qua, chúng ta đã bước vào phần hai, nghĩa là chuyến hành trình cuối cùng về Giêrusalem và về đỉnh cao sứ mệnh của Đức Giêsu. Sau khi Phêrô, nhân danh các môn đệ, tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu, nhìn nhận Người là Đấng Thiên Sai (x. Mc 8,29), thì Đức Giêsu không còn nói cách úp mở về kết cục đang đợi chờ Người nữa. Thánh sử tường thuật 3 lời tiên báo liên tiếp nhau về cái chết và phục sinh ở các chương 8, 9 và 10: Đức Giêsu ngày càng loan báo một cách rõ ràng hơn số mệnh đang chờ đợi Người và tính cần thiết nội tại của định mệnh đó. Đoạn văn Chúa Nhật hôm nay chứa đựng lời tiên báo thứ hai trong những lời tiên báo đó. Đức Giêsu nói: “Con Người – kiểu nói mà Người thường dùng để ám chỉ mình – sẽ bị nộp vào tay người đời; họ sẽ giết chết Người, nhưng 3 ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Nhưng “các môn đệ chẳng hiểu những lời nói này, và họ sợ không dám hỏi Người” (c. 32).

Thật thế, khi đọc phần tường thuật này của Maccô, ta thấy rõ có một khoảng cách nội tâm thật xa ngăn cách Đức Giêsu với các môn đệ của Người; có thể nói được rằng họ không ở cùng một tần số với Người, đến độ họ không hiểu được những lời nói của Thầy, hay chỉ hiểu được cách nông cạn. Tông đồ Phêrô, ngay sau khi tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu, đã tự cho phép mình được khiển trách Thầy vì đã tiên báo Thầy sẽ bị loại trừ và giết chết.

Sau lần tiên báo cuộc khổ nạn lần thứ hai, các môn đệ bắt đầu tranh luận với nhau xem ai trong họ là người lớn nhất (x. Mc 9,34); và sau lần tiên báo thứ ba, thì Giacôbê và Gioan xin Đức Giêsu cho các ông được ngồi bên tả và bên hữu, ngày Người được vinh quang (x. Mc 10,35-40). Thế nhưng, cũng có những dấu hiệu khác nói lên khoảng cách này: ví dụ các môn đệ không chữa được một cậu bé mắc bệnh động kinh, mà sau đó được Đức Giêsu chữa bằng sức mạnh của lời cầu nguyện (x. Mc 9,14-29); hay khi người ta mang các em nhỏ đến với Đức Giêsu, thì các môn đệ quở trách chúng, nhưng ngược lại, Đức Giêsu giận dữ, Người yêu cầu họ cho các em ở lại, và Người khẳng định chỉ có ai giống như chúng, thì mới có thể vào được Nước Trời (x. Mc 10,13-16).

Tất cả những sự việc đó nói với chúng ta điều gì? Những điều đó nhắc chúng ta rằng luận lý của Thiên Chúa thì luôn “khác” với luận lý của chúng ta, cũng như chính Thiên Chúa cũng đã mạc khải điều đó qua môi miệng Tiên tri Isaia: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và con đường của các ngươi không phải là con đường của Ta” (Is 55,8). Chính vì lý do đó mà việc đi theo Chúa luôn đòi hỏi con người – đòi hỏi tất cả chúng ta – một sự hối cải sâu xa, một sự thay đổi trong cách suy nghĩ và cách sống, yêu cầu con người mở lòng lắng nghe, để được soi sáng và biến đổi ngay từ bên trong.

Kiêu ngạo là yếu tố chính làm cho con người khác với Thiên Chúa: trong Thiên Chúa không hề có kiêu ngạo, bởi vì Ngài là sự “viên mãn tràn đầy”, và hoàn toàn hướng đến tình yêu và trao ban sự sống; trong khi đó, thì trong lòng chúng ta là những con người, sự kiêu ngạo đã ăn rễ sâu, và chúng ta cần phải luôn tỉnh thức và thanh luyện. Chúng ta là những con người bé nhỏ, nhưng chúng ta lại khát khao trở nên vĩ đại, lại muốn trở thành những người làm đầu, trong khi đó, Thiên Chúa là Đấng thực sự vĩ đại, lại không sợ hạ mình xuống và trở nên bé nhỏ. Và Đức Trinh Nữ Maria hoàn toàn sống “giống như” Thiên Chúa: với niềm tin tưởng, chúng ta hãy kêu cầu Mẹ, xin Mẹ dạy chúng ta trung thành đi theo Đức Giêsu trên con đường tình yêu và khiêm nhường.