Hiểu biết căn tính đích thực của Đức Giêsu

Trong Chúa Nhật hôm nay, khi bài Tin Mừng đưa ra cho chúng ta câu hỏi về căn tính đích thực của Đức Giêsu, chúng ta cảm thấy mình như đang trên đường đi đến các làng mạc xung quanh vùng Xêdarê Philipphê với các môn đệ. Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Còn các con, các con nói Thầy là ai?” (Mc 8,29). Thời gian Chúa chọn để đặt ra cho họ câu hỏi này không phải là không có ý nghĩa.

 Hiểu biết căn tính đích thực của Đức Giêsu

 

Tông du Liban (14-16/9/2012)
Thánh lễ trao Tông huấn Hậu Thượng hội đồng Trung Đông
Trung tâm Waterfront, thành phố Beirut
Chúa Nhật XXIV TN, 16/9/2012

Anh chị em thân mến,

“Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”! (Ep 1,3). Chúc tụng Thiên Chúa trong ngày hôm nay, ngày mà tôi vui mừng được hiện diện nơi đây cùng với anh chị em, tại đất nước Liban này, để trao cho các Giám mục trong vùng Tông huấn Hậu Thượng hội đồng Ecclesia in Medio Oriente! [Giáo Hội tại Trung Đông] Tôi chân thành cảm ơn Đức Thượng phụ Bechara Boutros Raï đã chào đón tôi bằng những lời thật nhã nhặn. Tôi chào các Thượng phụ khác và các Giám mục của các Giáo hội Đông Phương, các Giám mục La Tinh của những vùng lân cận, cũng như các Hồng y và Giám mục đến từ các quốc gia khác. Với tâm tình quý mến sâu xa, tôi xin chào tất cả anh chị em, hỡi anh chị em Liban, cũng như anh chị em đến từ các quốc gia trong vùng Trung Đông rất thân yêu này thân mến, anh chị đến đây để cùng với Người Kế vị Phêrô cử hành mừng Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại. Tôi cũng xin gửi lời chào tôn kính đến ngài Tổng thống nước Cộng hoà và các cấp chính quyền Liban, các nhà lãnh đạo và các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác được chọn để hiện diện trong sáng hôm nay.

Trong Chúa Nhật hôm nay, khi bài Tin Mừng đưa ra cho chúng ta câu hỏi về căn tính đích thực của Đức Giêsu, chúng ta cảm thấy mình như đang trên đường đi đến các làng mạc xung quanh vùng Xêdarê Philipphê với các môn đệ. Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Còn các con, các con nói Thầy là ai?” (Mc 8,29). Thời gian Chúa chọn để đặt ra cho họ câu hỏi này không phải là không có ý nghĩa. Đức Giêsu đang đối diện với một khúc quanh mang tính quyết định. Người đi lên Giêrusalem, về nơi mà những biến cố trọng tâm của ơn cứu độ chúng ta sắp được ứng nghiệm: cảnh Chúa chịu đóng đinh và sống lại. Cũng chính tại Giêrusalem, theo sau các biến cố này, Giáo Hội sắp được khai sinh. Và vào giờ phút mang tính quyết định này, khi Đức Giêsu hỏi các môn đệ trước tiên “Người ta nói Thầy là ai?” (Mc 8,27), các câu trả lời được các môn đệ báo cáo lại cho Chúa thì hết sức khác nhau: Gioan Baotixita, Êlia, một Tiên tri!

Ngày hôm nay cũng thế, cũng như dọc suốt lịch sử, những ai, dưới nhiều hình thức khác nhau, đã gặp Đức Giêsu trên đường, đều mang lại những câu trả lời riêng của mình. Đây là những tiếp cận hữu ích có thể cho phép chúng ta tìm ra con đường dẫn đến chân lý. Nhưng, dù không nhất thiết là sai lạc, những câu trả lời đó vẫn chưa đầy đủ, bởi vì chúng không đi vào trọng tâm căn tính của Đức Giêsu. Chỉ có những ai chấp nhận đi theo Người trên con đường Người đi, chấp nhận sống hiệp thông với Người trong cộng đoàn các môn đệ, thì người đó mới có được một sự hiểu biết đích thực về căn tính của Đức Giêsu. Chính lúc đó, Phêrô, đã sống với Đức Giêsu được một thời gian sẽ nói lên câu trả lời của mình: “Thầy là Đức Kitô” (Mc 8,29). Câu trả lời chắc chắn là đúng, thế nhưng, vẫn chưa đủ, bởi vì Đức Giêsu cảm thấy nhu cầu cần phải làm sáng tỏ câu trả lời này. Người nhận thấy rằng người ta có thể dùng câu trả lời này để phục vụ cho những ý định không phải là ý định của Người, để làm dấy lên những hy vọng nhất thời sai lạc về Người. Người không muốn giam mình vào những thuộc tính của một đấng cứu thế phàm nhân mà nhiều người vẫn mong đợi.

Khi loan báo cho các môn đệ biết Người sẽ phải chịu đau khổ, bị người ta giết chết trước khi phục sinh, Đức Giêsu muốn làm cho họ hiểu được căn tích đích thực của Người. Một Đấng Thiên Sai đau khổ, một Đấng Thiên Sai phục vụ, chứ không phải một nhà giải phóng chính trị đầy quyền năng. Người là Người Tôi Tớ vâng lời Thánh ý Chúa Cha cho đến chết. Đó là điều mà Tiên tri Isaia đã tiên báo trong bài đọc I. Như thế, Đức Giêsu làm trái với những gì nhiều người vẫn mong đợi. Lời khẳng định của Đức Giêsu làm cho người ta cảm thấy kỳ chướng và bối rối. Chúng ta có thể hiểu được phản ứng của Phêrô quở trách Chúa, ông từ chối chấp nhận Thầy mình phải đau khổ và chịu chết! Đức Giêsu cứng rắn với ông, Người làm cho ông hiểu rằng ai muốn làm môn đệ của Người, thì phải trở nên tôi tớ, như chính Người đã trở nên Tôi Tớ.

Đi theo Đức Giêsu có nghĩa là vác lấy thánh giá của mình và dõi bước theo Người trên một con đường khó khăn không dẫn đến quyền lực hay vinh quang trần thế, mà, nếu cần, dẫn đến việc từ bỏ mình, đánh mất mạng sống mình vì Đức Kitô và Tin Mừng để cứu được mạng sống mình. Chúng ta tin chắc rằng con đường này sẽ dẫn đến phục sinh, đến sự sống đích thực và chung cục với Thiên Chúa. Chọn đồng hành với Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hoá thân làm Người Tôi Tớ của mọi người, đòi chúng ta ngày càng phải sống thân tình hơn với Người, chăm chỉ lắng nghe Lời Người và để cho Lời Người hướng dẫn chúng ta hành động. Khi công bố  Năm Đức Tin, sẽ được bắt đầu vào ngày 11/10 tới đây, tôi muốn cho mỗi tín hữu lại dấn thân để bước đi trên con đường hoán cải chân thành này. Như thế, trong suốt Năm nay, tôi hết lòng khuyến khích anh chị em suy nghĩ sâu xa hơn về đức tin, ý thức hơn về đức tin và lớn lên trong sự trung thành với Đức Kitô Giêsu và Tin Mừng của Người.

Anh chị em thân mến, con đường mà Đức Giêsu muốn dẫn chúng ta đi là một con đường hy vọng cho tất cả mọi người. Vinh quang của Đức Giêsu được biểu lộ, qua nhân tính của Người, trong giờ Người có vẻ yếu đuối nhất, đặc biệt qua biến cố Nhập Thể và trên Thánh giá. Đó là cách Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài, Ngài hoá thân làm tôi tớ phục vụ chúng ta, Ngài tự hiến cho chúng ta. Đây không phải là một mầu nhiệm diệu kỳ, một mầu nhiệm đôi khi khó chấp nhận đó sao? Tông đồ Phêrô cũng chỉ có thể hiểu được sau này.

Trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Giacôbê nói cho chúng ta biết phải làm gì để dõi bước theo Đức Giêsu. Ta chỉ có thể đi theo Đức Giêsu, khi ta có những hành động cụ thể. “Phần tôi, bằng việc làm, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy đức tin của tôi” (Gc 2,18). Đây là một nhiệm vụ cấp bách của Giáo Hội để phục vụ, và của các Kitô hữu để làm những tôi tớ thật theo hình ảnh của Đức Giêsu. Phục vụ là một yếu tố nền tảng của căn tính các môn đệ Đức Kitô (x. Ga 13,15-17). Ơn gọi của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu là phục vụ tha nhân, như chính Chúa đã làm, một cách tự do và không thiên vị. Như thế, phục vụ công lý và hoà bình, trong một thế giới nơi hận thù không ngừng để lại đàng sau mình cả một đoàn tuỳ tùng chết chóc và huỷ diệt, là một điều cấp bách cần thiết để xây dựng một xã hội huynh đệ, xây dựng tình bằng hữu! Anh chị em thân mến, tôi đặc biệt cầu xin Chúa ban cho vùng Trung Đông này những người tôi tớ phục vụ hoà bình và hoà giải, để mọi người có thể sống trong hoà bình và đúng với phẩm giá của mình. Đây là một chứng tá thiết yếu mà các Kitô hữu phải thực hiện nơi đây, cùng hợp tác với mọi người thành tâm thiện chí. Tôi kêu gọi tất cả anh chị em hãy làm việc để phục vụ hoà bình. Mỗi người theo khả năng của mình, và ở vào môi trường của mình.

Phục vụ còn phải là trọng tâm đời sống của cộng đoàn Kitô hữu. Mọi thừa tác vụ, mọi nhiệm vụ trong Giáo Hội, trước tiên và trên hết là sự phục vụ Thiên Chúa và anh chị em! Tinh thần này phải hướng dẫn mọi người đã chịu Phép Rửa Tội, người này phải có bổn phận đối với người kia, đặc biệt phải cam kết phục vụ cách hữu hiệu người nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những ai đang đau khổ, để nhờ thế, phẩm giá không thể chuyển nhượng được của mỗi người có thể được bảo vệ.

Anh chị em là những người đang đau khổ trên thân xác hay trong tâm hồn thân mến, đau khổ của anh chị em không phải là luống công vô ích! Đức Kitô, Người Tôi Tớ, muốn sống gần gũi những ai đang đau khổ. Người đang hiện diện bên cạnh anh chị em. Trên bước đường anh chị em đi, ước gì anh chị em có thể tìm thấy những con người biết biểu lộ cách cụ thể sự hiện diện đầy tình yêu không thể nào bỏ rơi anh chị em! Vì Đức Kitô, anh chị em hãy luôn sống trong hy vọng!

Còn tất cả anh chị em, thưa anh chị em thân mến, anh chị em đã đến đây tham dự buổi cử hành này, hãy cố gắng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Đấng đã trở nên Tôi Tớ của mọi người để cho thế gian được sống. Xin Thiên Chúa chúc lành cho Liban, xin Ngài chúc lành cho các dân tộc vùng Trung Đông rất thân thương này và ban cho họ hồng ân hoà bình. Amen.