29/11/2024

Chọn người yêu như thế nào?- Nhiều ý kiến trái chiều

Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc nên hay không đưa ra những tiêu chí để chọn người yêu.

 

Chọn người yêu như thế nào?- Nhiều ý kiến trái chiều

 

 

 

Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc nên hay không đưa ra những tiêu chí để chọn người yêu.




Chọn người yêu như thế nào?- Nhiều ý kiến trái chiềuYêu nhau vì vật chất hay ngoại hình thường làm nảy sinh vô số mâu thuẫn và kết quả không mấy tốt đẹp – Ảnh: X.P
Tìm người yêu hay tìm hoa hậu, người mẫu ?
Vũ Tường Anh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói: “Ai mà không muốn người đàn ông của mình là điểm tựa vững chắc về kinh tế chứ. Ai mà không thích người phụ nữ của mình xinh đẹp. Họ có quyền chọn người yêu”.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm trên. Nguyễn Anh Tú, nhân viên một công ty thiết kế ở TP.HCM, bình luận: “Tiêu chuẩn chọn bạn trai của một số cô nàng hiện nay ngoài đẹp trai thì còn phải có xe sang, nhiều tiền… Thật là ngán ngẩm, chỉ mê tiền và ham giàu sao có hạnh phúc thật sự”.
Còn Trương Thị Huệ, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng: “Khi yêu đừng cứ chăm chăm vào túi tiền của người nam và 3 vòng trên cơ thể người nữ”.
Trương Hoàng Khoa, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thì tỏ vẻ ái ngại: “Hình như nhiều người đang lầm tưởng giữa “đào mỏ”, tuyển chọn hoa hậu, người mẫu với tình yêu đích thực thì phải”.
 
 

Đừng lao theo những điều phù phiếm

Đừng yêu một người chỉ vì sắc đẹp, và đừng biến những giá trị vật chất làm thước đo tình cảm bởi điều này hệt như đang đầu tư kinh doanh. Mà cái gì mua được bằng tiền thì thường gắn liền với hạn sử dụng. Họ đi mua sắc đẹp, nhưng sắc đẹp không thể vĩnh hằng, một lúc nào đó sẽ xuống giá. Khi đó họ sẽ đầu tư vào những người có sắc đẹp hơn. Chính vì thế cả người nam lẫn nữ đừng lao theo những điều phù phiếm. Hãy tìm yêu những người phù hợp về quan điểm, đồng cảm về nhân cách, có sự đồng điệu trong tâm hồn… vì đó mới là tiêu chí đúng để lựa chọn người yêu, là chất keo kết dính tình yêu bền vững.

 
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hoà An
Uỷ viên BCH T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN

 

Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống TP.HCM, cũng cho rằng hiện nay vẫn có một số bạn trẻ nhận thức chưa thật thấu đáo về hai chữ “tình yêu” hoặc đã biết rõ mà vẫn cố tình mang danh nghĩa tình yêu để lợi dụng nhau. Dẫn đến giá trị cao quý của hai từ ấy bị phai nhòa dần theo thời gian.

Sở dĩ có chuyện này, theo ông Bình, vì “hình thức và các yếu tố vật chất thực sự quan trọng trong xã hội tân tiến, vì vậy tình yêu chính là “bức bình phong hoàn hảo” để đạt được mục đích cá nhân mà không phải tốn quá nhiều công sức”.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hoà An thừa nhận có hiện tượng người trẻ yêu nhau thực dụng, quá đề cao và coi trọng yếu tố vật chất và hình thức bên ngoài, qua đó làm biến thể giá trị vốn có của tình yêu. Họ cứ cho đó là tiêu chí quan trọng nhất của tình yêu.
“Những tình yêu này ban đầu sẽ đẹp, nhưng trong quá trình yêu nhau thì tính cách, hành vi, sở thích, nội tâm của hai người sẽ va chạm nhau, họ sẽ phát hiện người yêu mình “nhiều tiền nhưng cộc tính”, “ba vòng rất chuẩn nhưng rất vô duyên”… từ đó nảy sinh mâu thuẫn và kết quả không mấy tốt đẹp”, ông An nói.
Còn chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt, thì cho rằng nếu một xã hội mà tất cả các bạn trẻ đều đến với nhau dựa trên tiêu chí tiền bạc và nhan sắc thì đúng là một thảm hoạ. “Tôi dùng từ mạnh như thế vì quan niệm lệch giá trị như vậy sẽ khiến cho sự bền chặt của gia đình, mái ấm bao bọc cuộc đời của mỗi người sẽ trở nên mong manh biết bao. Và dĩ nhiên hậu quả tất yếu là lối sống thực dụng, vị kỷ sẽ lên ngôi, tình trạng ly hôn sẽ tăng lên”, ông Duy phân tích.
Bố mẹ cũng áp đặt
Nguyễn Hoàng T., sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết đã bị bố mẹ áp đặt: “Nên tìm đứa nào được được, xinh gái một tí mà yêu. Chứ yêu đứa nào xấu quá thì cũng dị với hàng xóm”.
Hay Lê Dương Th., sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, buồn bã kể, gia đình suốt ngày khuyên răn: “Có yêu thì hãy kiếm thằng nào nhà giàu một tí mà yêu. Sau này về còn được đỡ đần, thay đổi cuộc sống. Chứ yêu đứa nghèo quá, coi chừng chết đói nghe con”.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Duy thừa nhận việc bố mẹ định hướng cho con cái “đáp cánh” cuộc đời ở một bến đỗ an toàn hoặc danh giá là điều không khó thấy trong xã hội hiện nay. “Việc làm này xuất phát từ nhu cầu muốn con cái được an toàn, yên ổn, có chỗ dựa vững chắc của cha mẹ. Vì dĩ nhiên cũng có một phần nhỏ sự tự hào hay nâng danh giá của gia đình lên”, ông Duy phân tích.
Tuy nhiên theo ông Duy, việc làm này một mặt sẽ định hướng tiêu cực cho các bạn trẻ. Vì kinh tế hay ngoại hình là một trong những yếu tố phụ của đời sống hôn nhân gia đình chứ không phải là yếu tố tiên quyết cho hạnh phúc của đôi bạn trẻ. Mặt khác, việc định hướng như vậy vô tình làm một cản trở, thậm chí dẫn đến sự mâu thuẫn, xung đột giữa cha mẹ và các bạn trẻ có định hướng tình yêu theo giá trị tình yêu chân chính.
4 yếu tố của tình yêu

Hiện tượng các cô gái thích người yêu lắm tiền nhiều của, các chàng trai mong muốn người yêu của mình phải xinh đẹp, quyến rũ… chỉ là nhu cầu cá nhân. Mà nhu cầu cá nhân thì chỉ là một trong 4 yếu tố để có thể xác định người mình trao tâm.
Một, sự tôn trọng người đối diện. Nếu đã mất sự tôn trọng thì coi như vỡ mọi thứ cảm xúc.
Hai, sự đồng điệu về tâm hồn. Vì chỉ có thể hạnh phúc với người đối diện khi cả hai có cùng tâm tư và suy nghĩ. Nhiều người bảo “tuy có mục tiêu và suy nghĩ khác nhau nhưng vẫn có thể yêu nhau” là sai lầm.
Ba, sự hài hoà về sinh lý, thuận theo quy luật tự nhiên. Nếu không thể hòa hợp về mặt sinh học thì rất khó để giữ hạnh phúc.
Bốn, nhu cầu cá nhân.
Nếu như thiếu một trong bốn thì đó là dạng tình cảm khác. Chính vì thế đừng lầm lẫn hay cố tình lầm lẫn những giá trị vật chất và thể xác để xác định tình yêu. Đó sẽ là vết cắt vào tâm trí bạn và sẽ để lại một vết sẹo không hề nhỏ nếu bạn cố tình lợi dụng cái gọi là tình cảm để xây dựng một mục đích cá nhân.
Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình
Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống TP.HCM

 

Ý kiến
“Ngoại hình chỉ cần trên điểm 5, chứ không cần phải điểm 9, 10. Còn tính cách phải điểm 9, 10. Ngoài ra phải biết lo làm ăn nữa”.
(Lê Thị Dung, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng)
“Mình tìm bạn trai nào đó hiền lành, nói chuyện hợp nhau, biết yêu thương và tôn trọng mình để yêu. Chứ không hề quan trọng việc người đó đẹp hay xấu, giàu hay nghèo”.
(Nguyễn Tuyết Mai, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM)
“Nhiều bạn hiện giờ cứ rút ngắn khoảng cách từ tình bạn đến tình yêu, nên dễ rơi vào việc khi đã là người yêu thì cảm thấy không hợp nhau và chia tay. Mình thì sẽ tìm hiểu thật kỹ và thật sự coi trọng yếu tố tính cách, phải hoà hợp nhau. Chứ không cần phải đẹp gái”.
(Trương Hoàng Phát, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

Xuân Phương