29/11/2024

Bắt đầu từ việc nhỏ để xây dựng “Thành phố đáng sống”

Chúng ta hãy chung tay, bắt đầu từ việc nhỏ nhất là giữ gìn vệ sinh chung cho Sài Gòn – TP.HCM thêm đẹp, thêm đáng sống.

 

Bắt đầu từ việc nhỏ để xây dựng “Thành phố đáng sống”

 

 

Chúng ta hãy chung tay, bắt đầu từ việc nhỏ nhất là giữ gìn vệ sinh chung cho Sài Gòn – TP.HCM thêm đẹp, thêm đáng sống.



 


Các bạn trẻ nhặt rác trong công viên 30-4 hưởng ứng lễ phát động phong trào “Chung tay hành động vì môi trường du lịch TP.HCM” - Ảnh: THANH TÙNG
Các bạn trẻ nhặt rác trong công viên 30-4 hưởng ứng lễ phát động phong trào “Chung tay hành động vì môi trường du lịch TP.HCM” – Ảnh: THANH TÙNG

Khi mỗi người xác định Sài Gòn là TP của mình đang sống chứ không chỉ là nơi để mưu sinh, kiếm tiền như một chỗ trọ, chúng ta sẽ biết chung tay, bắt đầu từ việc nhỏ nhất là giữ gìn vệ sinh chung cho TP thêm đẹp, thêm đáng sống.

Bạn tôi chụp hai tấm hình tại ngã ba Đông Quang, Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM đăng trên Facebook với nội dung: “Sáng chở con đi học qua con đường này, hai cha con phải bịt mũi chạy thật nhanh để tránh cái mùi khủng khiếp đó. Từ hôm thấy anh thanh niên cắm cái biển “Siêu thị rác, alô các ông phường – Ý thức dân cao, trách nhiệm phường tốt”, tưởng bãi rác tự phát ấy sẽ sớm biến mất, trả lại vẻ mỹ quan cũng như không khí trong lành cho khu dân cư và con đường này. Vậy mà sau mấy ngày, bãi rác ấy lại to hơn…”.

Ở VN nói chung và TP.HCM nói riêng, không thiếu những biển cấm đến yêu cầu khéo léo để người ta không tiểu bậy, bỏ rác bậy nhưng thường thì chính nơi cấm đó cứ có rác và hiện tượng “tiểu đường” vẫn cứ diễn ra mỗi ngày. Những biển cấm như vậy dường như chỉ điều chỉnh ở mức trông chờ vào ý thức (vốn chưa được tự giác cao), nhắc nhở sơ sài mà chưa có sự giám sát cũng như mức phạt cụ thể, dẫn tới thói quen lâu nay – ai tiện tay cứ vứt, cứ xả…

Cơ chế điều chỉnh hành vi, giám sát về việc thực hiện những quy định cho TP văn minh, sạch, đẹp hơn còn thiếu, thành ra mọi thứ cứ bỏ ngỏ trong niềm mong ước sâu xa, trong sự bức xúc của những người thương yêu TP này.

Tuy nhiên, cũng thật đáng khích lệ, vì ở góc nhỏ nào đó của TP vẫn có những bạn trẻ như nhóm bạn “Nhặt rác Sài Gòn” đã tình nguyện làm công việc gom rác với thông điệp “ba không”: không cần xả rác, không dám xả rác, không muốn xả rác.

Theo các bạn lý giải, để không cần xả rác thì phải cung cấp đầy đủ phương tiện cho người ta để rác, không dám xả rác: phải có những quy định cụ thể để người có ý thức kém sẽ không dám làm, và để người ta không muốn xả rác thì phải đi truyền thông làm cho hành động đó trở thành thói quen. Nghĩa là làm cho họ thấy xả rác là một hành động đáng phê phán nhất, từ những em bé đến người lớn, dần dần trở thành ý thức sâu trong xã hội.

Nếu việc làm đó được lan tỏa và được phát động thường xuyên như cuộc ra quân cùng nhau làm sạch hẻm bằng cách nhổ cỏ, quét rác…, hưởng ứng phong trào “Vì TP văn minh, sạch đẹp, an toàn” tại hẻm 498 đường Lê Quang Định, P.1, Q.Gò Vấp, TP.HCM vào ngày 7-6-2015 (do Giáo hội Phật giáo VN Q.Gò Vấp kết hợp với Ủy ban MTTQ VN Q.Gò Vấp tổ chức) thì chắc chắn mỗi con phố, tuyến đường sẽ tươm tất đón chào ngày mới một cách sạch sẽ.

Từ lễ phát động này, các chùa còn duy trì hoạt động này thường xuyên 15 phút hằng tuần vào ngày chủ nhật ở địa bàn khu vực 1.

Với ý thức như vậy, làm như vậy, mỗi ngày đi làm hay đi dạo phố, đi ra con hẻm nhà mình, chúng ta sẽ không còn ngột ngạt hay bực bội bởi những bịch rác vương vãi hay phân chó, phân mèo nhà ai đó trong hẻm đã nuôi và cho chúng đi ngoài đường, không thèm dọn.

Những đợt ra quân làm sạch môi trường như thế nếu chính quyền quan tâm phát động và duy trì thường xuyên thì sẽ giáo dục ý thức người dân tăng lên, như chia sẻ của các bạn nhóm “Nhặt rác Sài Gòn” là tới lúc họ sẽ không muốn xả rác nữa!

Tận tâm xây dựng từng cụm dân cư

Lớp chúng tôi, thuở nhỏ khi nghĩ về Sài Gòn là nghĩ ngay đến “hòn ngọc Viễn Đông”. Bây giờ, tuy sống ở tỉnh nhưng có hai cháu làm việc tại TP.HCM nên tôi luôn dõi theo sự đi lên của TP này.

“Làm gì để xây dựng TP.HCM trở thành nơi có chất lượng sống tốt?” – chắc là câu hỏi không chỉ dành cho người dân tại TP mà cho người dân cả nước. TP hơn 8 triệu dân, với hàng triệu hộ gia đình, hàng trăm ngàn cụm dân cư đang sống, làm việc, sinh hoạt, vui chơi giải trí… Nếu các “tập hợp con” này mà chung sức xây dựng TP thì kỳ vọng TP.HCM là nơi có chất lượng sống tốt sẽ nhanh chóng thành hiện thực.

Với mỗi gia đình, ông bà – cha mẹ phải là người sống mẫu mực và phải nỗ lực giáo dục con, cháu mình “đói cho sạch, rách cho thơm”. Giữ gìn vệ sinh trong nhà, không xả rác nơi công cộng thì giàu hay nghèo cũng đều làm được.

Sống thân thiện, ấm tình làng nghĩa xóm, cố gắng bảo ban nhau, giữ gìn, kiềm chế thì rồi sẽ trở thành nét đẹp tại cụm dân cư. Sử dụng điện, nước tiết kiệm; bảo vệ và trồng mới cây xanh; thực hiện an toàn giao thông… những thói quen tốt này phải được bắt đầu từ giáo dục trong gia đình.

Với từng cụm dân cư, cần xây dựng quy ước, cả cam kết về quan hệ trong gia đình, giữa các gia đình với nhau. Cụm dân cư phải giám sát, bởi sự tự giác chỉ được hình thành, xác lập trên cơ sở tuyên truyền, vận động, nhưng sẽ rất hiệu quả nếu người dân tại đây biết rằng mình luôn có sự giám sát – cả phương tiện kỹ thuật lẫn con người.

Với các hộ kinh doanh như karaoke, quán nhậu, game online…, cần sự vào cuộc của khu dân cư để thống nhất những quy định về giờ giấc, đạo đức kinh doanh. Tất nhiên “phép vua” đã có, nhưng “lệ làng” mà cụ thể hóa hơn nữa thì rất tốt.

Cụm dân cư cũng phải cùng nhau lo cho người nghèo, chung sức giúp họ vượt qua khốn khó về trước mắt và cả về lâu dài, bởi khó khăn, đói nghèo lắm lúc cũng làm cho con người quẫn trí và rồi không làm chủ được hành vi của mình.

Một Sài Gòn văn minh, hiện đại, nghĩa tình sẽ là hiện thực trong tương lai gần khi mọi người dân chung sức chung lòng, tận tâm xây dựng từ trong gia đình và cụm dân cư.

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG (Lâm Đồng)

LƯU ĐÌNH LONG