11/01/2025

Xa vòng tay gia đình

Có đứa con nhà giàu, đứa con nhà nghèo… nhưng tất cả đều phải xa gia đình sống đời nội trú với nhiều nỗi nhớ mong cha mẹ. Trường nội trú đã dạy các em cuộc sống tự lập và trải nghiệm để vào đời.

 

Học trò nội trú – Kỳ 2: Xa vòng tay gia đình

 

 

Có đứa con nhà giàu, đứa con nhà nghèo… nhưng tất cả đều phải xa gia đình sống đời nội trú với nhiều nỗi nhớ mong cha mẹ. Trường nội trú đã dạy các em cuộc sống tự lập và trải nghiệm để vào đời.



Học sinh Trường tiểu học tư thục Nhựt Tân tự sắp xếp lại đồ đạc - Ảnh: Lam NgọcHọc sinh Trường tiểu học tư thục Nhựt Tân tự sắp xếp lại đồ đạc – Ảnh: Lam Ngọc
“Con không khóc trước mặt mẹ nữa”
Gần 18 giờ, ánh nắng yếu dần, thưa thớt phụ huynh đón học sinh (HS) bán trú ở cổng trường. Đó cũng là lúc cuộc sống nội trú của HS tiểu học Trường Nhựt Tân (Q.Gò Vấp, TP.HCM) bắt đầu.
Cất cặp sách lên kệ chung, sắp xếp đôi giày cho ngăn nắp, chạy xuống phòng tập thể ăn bữa cơm chiều xong, P.T.G (lớp 5, quê Tây Ninh) chạy lên tắm rồi xuống sân sinh hoạt… Tất cả theo một quy trình được lập sẵn.
Hơn 19 giờ, G. chơi ở sân. Thấy chúng tôi dắt xe, G. ngây thơ hỏi: “Cô đón bạn nào? Mai 2.9 được nghỉ lễ nhiều bạn được về nhà. Còn con thì phải vài tháng mới về nhà một lần”. Chỉ trong vài phút sau đó G. đã kể gần như đầy đủ câu chuyện của mình. “Ba mẹ con ly hôn rồi. Bây giờ ba ở Tây Ninh, mẹ con đang ở bên Mỹ. Vài năm mẹ mới về thăm con một lần, còn ba vài tháng mới xuống thăm con”.
Đôi mắt ngây thơ chùng xuống, G. kể tiếp: “Nhiều lần con hỏi sao ba lâu thế mới xuống thăm con? Ba nói nhà ở Tây Ninh xa lắm với lại ba không có tiền nên không thăm con thường được. Mỗi lần chia tay ba, con buồn lắm, xin ba cho về theo. Nhưng lúc ấy ba bảo nếu về với ba con sẽ khổ vì ba nghèo không lo cho con học tốt được như mẹ…”.
G. còn chưa kịp kể hết chuyện thì Đ.T.Y.P (HS lớp 1, nhà ở Q.8) lững thững đứng trước mặt chúng tôi thỏ thẻ: “Cô ơi, con cũng nhớ mẹ!”. P. mới nhập học được khoảng 2 tuần. Vì còn quá nhỏ và đã quen ở nhà với mẹ nên từ hôm vào học nội trú P. khóc suốt.
Cô bé bẽn lẽn nhưng hiểu chuyện và rất ngoan. P. kể: “Lúc đưa con vào đây mẹ bảo con ráng học. Mẹ sẽ cố gắng kiếm tiền lo cho con. Lúc mẹ ra cổng chuẩn bị về có dặn con ở trường phải ngoan không được khóc, nếu con khóc mẹ sẽ buồn và không làm được việc. Từ lúc đó con không khóc trước mặt mẹ nữa”. Cô bé còn ngây thơ kể: “Bên nội nhà con đã có em rồi cô ạ. Mẹ ôm con vừa khóc vừa bảo ba có em bé mới rồi không thương con nữa, con buồn lắm”.
“Em muốn thay đổi cuộc sống của gia đình mình”
Cách xã Lý Nhơn hơn 20 km đường đất, Trường THPT An Nghĩa (H.Cần Giờ, TP.HCM) nằm chơ vơ ở một khu thưa nhà dân. Vì là trường của con nhà nghèo nên xung quanh chỉ lưa thưa vài quán lá. Sau lưng trường là khu đầm nuôi tôm rộng mênh mông, đêm đến chỉ leo lét vài ánh đèn.
Đường từ trường nội trú về nhà chỉ mất gần một giờ đi xe buýt nhưng hầu như tuần nào N. cũng ở lại. “Em tranh thủ cuối tuần học thêm, không về thì tiết kiệm được 40.000 đồng tiền xe… Hơn nữa, về nhà em sợ ba lắm…”. Nói đến đây giọng N. (HS lớp 11A5, Trường THPT An Nghĩa) nghèn nghẹn.
N. cho biết: “Em ước mơ làm công an từ khi con nhỏ. Bởi ngay từ hồi nhỏ hầu như ngày nào em cũng chứng kiến cảnh cha uống rượu say rồi đánh mẹ. Cha đánh mẹ thường xuyên lắm. Nhiều lần chứng kiến cha đánh mẹ dữ quá em cản lại nhưng lúc ấy thấy cha càng giận thêm”.
Nước mắt chảy xuống khoé miệng, N. nói tiếp: “Em nghĩ chỉ khi em trở thành công an mới ngăn được sự bất công mà mẹ em phải chịu. Em muốn thay đổi cuộc sống của gia đình mình”. N. cho biết: “Từ ngày đi học nội trú em ít phải chứng kiến cảnh cha đánh mẹ nhưng lại lo hơn. Trước khi đi ngủ em thường tự hỏi giờ này ba có đang đánh mẹ? Vừa sợ vừa thương mẹ, nhớ nhà nên em rất khó ngủ và thường lúc ấy chỉ biết khóc”.
Khu nội trú của Trường An Nghĩa có 80 HS. “Các cháu ở đây hầu hết đều là con nhà nghèo. Có đứa cha mẹ ly hôn, có đứa mất cha hoặc mẹ. Chỉ khoảng 3 tháng đầu năm học là tôi nắm hết gia cảnh của từng cháu. Chúng tội và đáng thương lắm”, ông Nguyễn Thành Đôn (bảo vệ khu nội trú) cho biết.
“Các bạn dọn đồ về nhà hết, lúc ấy em cũng muốn về theo lắm nhưng về cũng ở một mình. Ba em bắt cua trong rừng đước mãi khuya mới về tới nhà. Nhà em ở trong rừng đước vắng vẻ nên buổi tối em rất sợ”, S. (HS lớp 12) cho biết lý do khi hằng tuần em đều ở lại trường trong khi các bạn cùng ở nội trú đã về hết.
Ông Đôn cho biết: “Cứ tới cuối tuần là khu nội trú vắng tanh. Sợ con bé tủi thân, tôi và các thầy cô ở lại hay hỏi thăm nhưng lúc nào con bé cũng trả lời con không sao. Có lần về nhà thấy có đồ ăn ngon tôi để phần cho con bé một ít. Lúc mang lên nghe tiếng thút thít. Nhìn cửa sổ thì thấy con bé vùi chăn khóc”.
N.N.G (HS lớp 9) viết những dòng tâm sự: “Tôi không biết cha mẹ mình thích điều gì. Cái mà họ nghĩ tôi tốt nhất là biết vâng lời và học tốt. Không biết họ dành thời gian và tiền bạc để làm gì? Cha mẹ tôi cho tôi vào Trường IVS là để tôi không bị sa ngã vào tệ nạn xã hội. Tôi còn không biết họ nghĩ gì về tôi? Giấc mơ của họ là gì? Ngay cả người bạn thân nhất của cha mẹ tôi, tôi còn không biết…”.

Lam Ngọc