11/01/2025

Mẹ một nơi, con một chốn

Rớt nước mắt, cắn răng nuốt ngược vào trong, nhiều người mẹ dứt con mình trao cho ông bà nội ngoại ở quê để vào thành thị làm việc kiếm tiền. Nhiều câu chuyện, nhiều thân phận như thế…

 PHẬN THA PHƯƠNG

Mẹ một nơi, con một chốn

 

Rớt nước mắt, cắn răng nuốt ngược vào trong, nhiều người mẹ dứt con mình trao cho ông bà nội ngoại ở quê để vào thành thị làm việc kiếm tiền. Nhiều câu chuyện, nhiều thân phận như thế…


 


Trước giờ đi làm Nguyễn Thị Luyến đều dùng điện thoại “cục gạch” chuyện trò cùng con - Ảnh: N.Hiển
Trước giờ đi làm Nguyễn Thị Luyến đều dùng điện thoại “cục gạch” chuyện trò cùng con – Ảnh: N.Hiển
“Day dứt lắm mình mới quyết định rời bỏ làng quê để vào Nam lập nghiệp. Ngày đi, mình phải trốn con, nói là mẹ đi chợ mua quà về cho con rồi nhảy thẳng lên xe đò vào Nam. Bước chân lên xe mà đôi chân nặng trĩu. Nước mắt hai hàng theo từng vòng xe lăn bánh nhưng mình phải đi thôi
NGUYỄN THỊ LUYẾN

Xóm trọ nhỏ của những người công nhân ngoại tỉnh nằm sâu trong một con hẻm bên quốc lộ 51 (huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu) lúc nhá nhem tối đìu hiu, vắng vẻ.

Đằng sau cánh cửa sắt đã hoen gỉ là căn phòng của Nguyễn Thị Luyến, người phụ nữ 29 tuổi với dáng vẻ gầy gò xanh xao. Lấy tay nghiêng bình nước đã cạn đến đáy rót nước mời khách, Luyến nhẩm tính cũng đã tròn hai năm từ ngày rời quê hương Quỳnh Hồng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vào làm 
công nhân dệt ở đây.

Trốn con vào Nam

Năm 2009, Luyến lấy chồng về làm dâu được hơn hai năm thì chồng dính vào cờ bạc, rượu chè. Khuyên răn mãi không được, Luyến đành bồng con từ nhà chồng về lại nhà ngoại.

Ở nhà một thời gian, bạn bè mách nước vào Nam kiếm sống. Day dứt giữa đi và ở gần cả năm trời, cuối cùng Luyến quyết định ôm túi vải trốn con vào Nam. Những ngày đầu tiên ở đất khách không người quen, không bạn bè, lại thêm xa con nên đó là những tháng ngày đầm đìa nước mắt đối với Luyến.

Nhiều lần nhớ con quá, sáng đi làm Luyến xếp sẵn đồ đạc, dù không có ý định về quê nhưng tay chân cứ luôn trong tâm thế sẵn sàng ôm áo quần ra bến xe. “Có đêm nhớ con sục sạo ruột gan mà vét hết tiền bạc chỉ còn đôi ba trăm ngàn chưa đủ một chuyến xe về quê. Rồi nghĩ mình lạy mẹ, từ con mà đi chẳng lẽ về tay trắng nên mình mới ở lại đến giờ” – Luyến tâm sự.

Hai cái tết xa nhà Luyến chỉ về một lần vì một vòng tiền xe cũng ngốn cả tháng lương. Nhớ con da diết nhưng Luyến cũng chỉ biết trò chuyện với con qua điện thoại. “Mình làm ở đây nhưng chẳng có ngày mô yên, tâm trí cứ phập phồng, nghĩ đến con ở quê là nước mắt lại rơi thôi” – Luyến nói.

Luyến dứt lời cũng là lúc đồng hồ báo thức điểm 19g. Khoác vội chiếc áo đã sờn vải, Luyến dắt xe đạp ra cổng rồi xen lẫn vào dòng người cả trăm phụ nữ tha phương như Luyến đang lật đật bước vội vào khu công nghiệp kịp giờ làm đêm.

Dù hẹn trước cả tuần lễ nhưng khó khăn lắm L.T.T. (28 tuổi) mới sắp xếp được thời gian để gặp chúng tôi bên ngoài một khu công nghiệp ở ngoại ô TP.HCM.

Nhìn vóc dáng cao ráo, thanh mảnh cộng thêm chất giọng nhỏ nhẹ đậm chất miền Trung, ít ai nghĩ rằng T. đã là mẹ của hai đứa con gái. T. quê ở xứ “gió Lào cát trắng” Quảng Trị, làm công nhân sản xuất da ở Sài Gòn đã tròn 3 năm. “10 năm trước tôi đậu cao đẳng mầm non, nhưng nhà chỉ có ba mẹ con nên tôi đành bỏ lại ước mơ trở thành cô giáo để vào Nam làm công nhân” – T. nói.

Đến năm 2009, T. về quê với hi vọng kiếm một tấm chồng gần nhà để tiện bề chăm sóc mẹ già. Số phận đưa đẩy, T. lấy phải một người chồng nát rượu.

Không chịu nổi những trận đòn triền miên của chồng, sau hơn một năm làm dâu, T. đành ôm con băng rừng về nhà mẹ đẻ ở xóm Bậc Lở (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) vào một buổi chiều mưa tầm tã giữa mùa đông năm 2012. Khi đó, con gái lớn mới gần 2 tuổi, bé út mới 
sinh được nửa năm.

Suốt một tuần ròng rã T. chỉ biết ôm hai đứa con vào lòng rồi khóc húp cả mắt vừa thương con vừa thương thân.

“Nhiều khi đứng bên Bậc Lở chỉ muốn gieo mình xuống dòng sông Hiếu kết thúc cuộc đời, nhưng khi nghĩ đến hai đứa con, mình phải sống” – T kể.

Dù đau đớn như từng nhát dao cắt xé lòng của người mẹ xa con nhưng T. vẫn phải kìm nước mắt, một thân một mình lặn lội vào Sài Gòn xin việc. Mỗi ngày, người phụ nữ này phải làm việc tăng ca suốt 12 tiếng, có khi 15 tiếng nên đến 11g đêm mới đặt chân đến phòng trọ. Tiền lương làm công nhân ở Sài Gòn T. chắt bóp để gửi về quê nuôi hai con, mẹ già và đứa em út đang học đại học.

Khi con cái “quên” cha mẹ

Tháng 5-2014, Bùi Thị Thu (25 tuổi, quê ở xóm Lồng Lộng, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) vào làm công nhân ở Khu công nghiệp Mỹ Xuân (huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu). Một tháng sau, Hồ Phúc Chiến (28 tuổi, chồng Thu) cũng khăn gói theo vợ vào Nam làm công nhân. Còn đứa con trai kháu khỉnh của hai vợ chồng đành cậy ông bà nội trông nom.

“Khi đi, con trai đang ngủ, chồng đứng tựa lưng vô cửa nhà nhìn theo rưng rưng nước mắt. Đêm trước mình khóc húp cả mắt mà đến ngày hôm đó vẫn không cầm được nước mắt” – Thu nhớ lại. Gần 20 tiếng trên xe vào Nam là khoảng thời gian dài vô tận của người mẹ trẻ chưa bao 
giờ rời con nửa bước.

Tết vừa rồi, hai vợ chồng làm đến ngày 29 tháng chạp mới nghỉ, tiền một vòng về quê cũng tốn gần chục triệu nên vợ chồng quyết định “nín” không về. Ngày 30 tết, xóm trọ đìu hiu, chỉ còn Chiến và Thu ở lại mà tâm trí đau đáu hướng về quê nhà ở xóm Lồng Lộng.

“Thấy người ta đi sắm đồ mới cho con mà mình tủi thân vô cùng. Ai đời mẹ đi sắm đồ cho con mà không biết kích cỡ thế nào, ốm béo ra sao, chỉ biết áng chừng rồi mua” – Thu nói.

Nhưng có lẽ buồn nhất với một người mẹ trẻ như Thu đó là khi con trai đã “quên” mình. Những lần nhớ con quay quắt, Thu liền cầm điện thoại gọi về nhà để gặp con trai. Bà nội dỗ dành mấy con trai cũng không chịu nói chuyện, đành để điện thoại giữa sàn nhà để người mẹ nghe tiếng con cười đùa.

Tháng trước, bà nội dắt cháu vào Sài Gòn, hai vợ chồng ôm con nhưng lòng nặng trĩu vì con trai chỉ theo chân bà nội mà không quấn quýt, đoái hoài gì đến cha mẹ.

Xưng “cháu” với cha mẹ

Bé Nguyễn Minh Hoàng được bà ngoại đưa vào gặp mẹ - Ảnh: N.Hiển
Bé Nguyễn Minh Hoàng được bà ngoại đưa vào gặp mẹ – Ảnh: N.Hiển

Đứa con trai cặp vợ chồng trẻ nhất quyết không chịu xưng “con” với bố mẹ, cũng chẳng chịu ngủ chung, mà nằng nặc đòi ngủ với bà ngoại. Đó là câu chuyện của đôi vợ chồng công nhân Lê Thị Trang (25 tuổi) và Nguyễn Minh Hà (29 tuổi), hiện ở ấp Phước Lập (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành).

Họ xa con trai tên Hoàng khi bé 19 tháng tuổi, đang độ tuổi tập nói. Những tiếng nói đầu tiên trong đời của con không phải gọi cha, gọi mẹ mà lại gọi ông bà. Sợ cháu quên cha mẹ, bà ngoại phải bỏ công bỏ việc lặn lội mang cháu nhảy xe đò vô Nam một tuần lễ để con có hơi ấm cha mẹ.

Suốt bảy năm trời làm thuê xa xứ, có lẽ đây là những ngày mà Trang thấy ấm cúng nhất bởi cả gia đình được sum vầy bên nhau. Tuy nhiên Hoàng không nhận mẹ, không xưng “con” mà chỉ xưng “cháu”.

Vừa kể chuyện, người mẹ trẻ vừa khóc nấc đỏ hoe cả đôi mắt. Hai vợ chồng tập lui tập tới để con trai xưng “con” nhưng được vài lần thì Hoàng lại xưng “cháu”. Đến bữa ăn cũng nhảy lên đùi bà ngồi, ăn cơm bà đút chứ nhất định không cho mẹ chăm. “Chỉ cần nghe con xưng một tiếng “mẹ”, tiếng “cha” thôi là thấy hạnh phúc lắm rồi” – Trang nói.

 

NGỌC HIỂN