28/11/2024

Tình ngay lý gian

Bị chủ thầu nợ tiền công, nhóm công nhân tìm cách đòi tiền bằng cách chặn đường giật lấy tiền…

 

Tình ngay lý gian

 

Bị chủ thầu nợ tiền công, nhóm công nhân tìm cách đòi tiền bằng cách chặn đường giật lấy tiền…



Ông Nguyễn Văn Mãi - Ảnh: S.BÌNH
Ông Nguyễn Văn Mãi – Ảnh: S.BÌNH

“Mong công an xem xét cho anh em công nhân trở về với gia đình. Nhà họ dưới quê nghèo lắm mới đi làm phụ hồ. Tui từng đi làm thuê, nhiều lúc cũng bị nợ lương nên hiểu được bức xúc của họ

Chủ thầu 
Nguyễn Văn Mãi

Các công nhân đã bị tạm giữ vì vụ đòi tiền mang dấu hiệu tội cướp tài sản. Họ bị Cơ quan điều tra Công an Q.1 (TP.HCM) tạm giữ để điều tra hành vi cướp tài sản của ông Nguyễn Văn Mãi (40 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long).

Các nghi phạm gồm Nguyễn Văn Bé Sáu (47 tuổi), Bùi Lệ Thuỷ (40 tuổi), Trương Quốc Trung (22 tuổi, cùng ngụ tỉnh Đồng Tháp), Bùi Văn Phúc (34 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang), Đặng Hoàng Vũ Sơn (27 tuổi, ngụ TP Cần Thơ), Dương Thị Kim Hoa (31 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) và Chiêu Thị Muội (49 tuổi, ngụ TP.HCM).

Theo cơ quan công an, ông Mãi là thầu xây dựng có nợ tiền nhân công của các công nhân Sáu, Thuỷ, Trung, Phúc, Sơn và Chín (chồng của Hoa). Trường hợp bà Muội là do ông Mãi thiếu nợ cá nhân.

Xúm nhau giật tiền công

Khoảng 13g ngày 20-8, ông Mãi đến trụ sở một công ty (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) nhận tiền công trình và hẹn gặp Muội, Thuỷ đến trả tiền.

Trong lúc ông Mãi chờ lấy tiền, thấy có thêm Sáu, Sơn, Phúc, Hoa cũng đến đòi tiền công nên ông Mãi nói Phúc bảo mọi người ra ngoài công ty, khi ông nhận tiền sẽ trả lương. Nhưng Phúc không chịu, yêu cầu ông Mãi nhận tiền xong phải trả tiền cho mọi người tại công ty.

Đến khoảng 15g30 cùng ngày, ông Mãi nhận hơn 112 triệu đồng của công ty. Số tiền trên ông chia thành hai cọc tiền cất giữ trong túi quần.

Sau đó, ông Mãi cầm một túi xách màu đen (bên trong không tiền) bước ra cửa thì bị Muội, Sáu, Hoa, Thủy đến giật túi xách. Ông Mãi bỏ túi xách tiếp tục bước đi thì bị Sơn chặn lại, cả hai giằng co nhau.

Phát hiện ông Mãi có tiền trong túi quần nên Sơn quật ngã ông Mãi xuống đất và báo cho mọi người. Nghe tin, Muội, Sáu, Hoa, Thuỷ chạy đến kiểm tra túi quần ông Mãi lấy tiền.

Khi Sáu lấy được một ít tiền trong túi quần ông Mãi thì đưa cho Phúc giữ. Phúc bỏ tiền vào túi xách mang đến chốt bảo vệ công ty, nói ông Nguyễn Thanh Phong (bảo vệ) giữ giùm nhưng ông Phong cầm túi xách bỏ ra bên ngoài.

Đồng thời Hoa cũng lấy được một số tiền và quăng số tiền có được vào trong công ty. Lúc này, ông Phong tiếp tục cầm số tiền trên ném ra ngoài, một số người chạy lại nhặt tiền nhưng không xác định danh tính.

Sau khi bị lấy tiền, ông Mãi chạy ra cổng công ty thì bị Sơn chặn lại và dùng gạch ném trúng đầu gây thương tích. Ông Mãi dùng tay đấm trúng mắt phải của Sơn rồi đuổi Sơn bỏ chạy.

Kiểm tra lại tiền, ông Mãi phát hiện bị mất 109 triệu đồng nên đến công an phường trình báo. Sau một thời gian truy xét, trong hai ngày (28 và 29-8), Công an Q.1 lần lượt tạm giữ những nghi phạm trên.

Tại cơ quan điều tra, Sáu, Sơn, Phúc, Hoa khai do ông Mãi nợ tiền nhân công đã lâu nhưng không trả nên đến gặp ông Mãi đòi tiền.

Sau khi kiểm tra số tiền lấy được trong túi quần của ông Mãi (hơn 70 triệu đồng), họ đem đến nhà ông Ngô Vũ Hoàng Lưu (37 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định, một chủ thầu mới mà họ đang làm việc). Họ muốn ông Lưu chứng kiến cảnh công khai trả tiền nhân công cho từng người.

Cụ thể, Sơn được hơn 10 triệu đồng, Phúc 13 triệu, Sáu 25 triệu, Hoa 12,5 triệu (nhận giùm tiền ông Mãi nợ một công nhân khác thêm 4 triệu đồng). Còn dư khoảng 6 triệu đồng thì Phúc đưa lại cho ông Lưu giữ giùm, khi gặp ông Mãi trả lại.

Đến ngày 29-8, ông Lưu đưa lại số tiền khoảng 6 triệu đồng trên cho Phúc đem giao nộp công an.

Công nhân Bùi Văn Phúc - Ảnh: M.THƯƠNG
Công nhân Bùi Văn Phúc – Ảnh: M.THƯƠNG

“Tui là lao động chính trong nhà, đi làm thuê nuôi vợ và hai con nhỏ. Mọi chi tiêu trong gia đình đều trông cậy vào tui

Công nhân 
Bùi Văn Phúc

Nước mắt nơi tạm giữ

Tại nơi tạm giữ, các nghi phạm dáng vẻ chân chất, rưng rưng nước mắt thuật lại câu chuyện. Họ đều là phụ hồ bị ông Mãi nợ tiền gần một năm qua. Bức xúc lại túng quẫn nên khi nghe tin ông Mãi đi lãnh tiền công trình, cả nhóm hẹn nhau đi đòi nợ.

Họ chỉ muốn ông Mãi sau khi nhận tiền phải ở lại công ty trả nợ nhưng ông Mãi tìm cách rời đi. Buộc lòng họ phải vật ngã chủ nợ, lấy cọc tiền trong túi quần giao cho công ty hoặc một ai đó uy tín, đứng ra thanh toán tiền nợ.

Anh Bùi Văn Phúc rưng rưng nước mắt cho biết hơn một năm trước anh làm thuê cho ông Mãi. Nhưng mỗi tháng ông Mãi cho ứng vài triệu đồng đủ thuê nhà và ăn uống nên anh Phúc không có tiền gửi vợ con.

Nghỉ tết ông Mãi ứng ít tiền, thiếu anh hơn 10 triệu đồng. Qua tết ông Mãi kêu anh lên TP.HCM làm lại, sẽ trả hết nợ nhưng làm một thời gian cũng chưa trả. Chị Bùi Lệ Thủy cho biết vợ chồng chị và con trai làm thuê cho ông Mãi gần một năm qua cũng chưa được lãnh hết tiền lương…

Riêng ông Nguyễn Văn Mãi cho biết ông làm đội trưởng phụ trách nhiều lao động làm phụ hồ, đổ bêtông cho công ty.

Suốt thời gian dài, phía công ty yêu cầu ông làm nhiều thủ tục rắc rối liên quan mới được thanh toán. Điều đó khiến ông không đủ tiền chi trả cho công nhân.

Ông phải mượn tiền nhiều người để tạm trả tiền căn bản cho anh em sinh sống, hẹn khi nào nhận được tiền thì ông sẽ trả đầy đủ.

Ngày 20-8, trước khi đi nhận tiền, ông Mãi thông tin cho bà Muội, chị Thuỷ đến công ty để ông trả tiền trước. Nhưng không ngờ nhiều người nghe tin nên kéo đến đòi nợ. Ông muốn tìm một chỗ nào đó để giải quyết nhưng không ngờ mọi người thiếu kiềm chế nên xảy ra vụ việc.

“Lỗi một phần cũng do tôi. Mong công an xem xét cho anh em công nhân trở về với gia đình. Nhà họ dưới quê nghèo lắm mới đi làm phụ hồ. Tui từng đi làm thuê, nhiều lúc cũng bị nợ lương nên hiểu được bức xúc của họ” – ông Mãi chia sẻ.

Thượng tá Nguyễn Nhật Thành (phó trưởng Công an Q.1, TP.HCM):

Sẽ xem xét giải quyết hợp tình hợp lý

Đây là trường hợp “tình ngay lý gian” bởi về pháp lý thì hành vi của những công nhân đã cấu thành tội cướp tài sản. Nhìn hoàn cảnh của họ chúng tôi rất thông cảm.

Đây là một bài học sâu sắc không chỉ cho những công nhân nói trên mà còn cho mọi người. Không nên nóng giận, thiếu kiến thức pháp luật mà tùy tiện hành xử dẫn đến những sai phạm đáng tiếc.

Trước mắt, cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án mà chỉ gia hạn tạm giữ. Sau đó, các cơ quan liên quan nên xem xét giải quyết hợp tình hợp lý.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU (phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM):

Nhiều tình tiết giảm nhẹ

Có thể thấy do thiếu hiểu biết pháp luật nên công nhân đã có những hành động không đúng. Việc tự ý giật túi xách, quật ngã và lấy tiền của ông Mãi là hành vi dùng vũ lực làm người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể tự vệ được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi trên đã cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại điều 133 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, trường hợp này có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải do mình tự gây ra; phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… Cần xem xét giúp họ sớm trở về với gia đình.

 

SƠN BÌNH – MỸ THƯƠNG