Tìm lại đứa con từng bị ruồng bỏ ở Việt Nam
“Công việc quan trọng nhất của đời tôi bây giờ là tìm lại đứa con mà tôi đã ruồng bỏ ở Việt Nam” – cựu binh Mỹ Allan nói với tôi như vậy.
Tìm lại đứa con từng bị ruồng bỏ ở Việt Nam
“Công việc quan trọng nhất của đời tôi bây giờ là tìm lại đứa con mà tôi đã ruồng bỏ ở Việt Nam” – cựu binh Mỹ Allan nói với tôi như vậy.
Dennis và Anna |
Sang Việt Nam tham chiến vào tháng 6-1972 khi mới 20 tuổi, Allan thoát chết và trở về Mỹ chín tháng sau đó. Nhưng ông không bao giờ có thể trở lại con người cũ – một chàng trai khỏe mạnh, yêu đời. Không tìm được việc làm sau nhiều năm ròng rã, Allan trở thành người vô gia cư, sống lang thang trên đường phố suốt 30 năm.
Trong suốt 30 năm đó và đến tận bây giờ, cơn ác mộng về Việt Nam luôn giằng xé ông, cùng với hình ảnh của người con gái Việt mà ông đã đem lòng yêu thương – Kim – đang chạy theo ông trên phố. Đó là vào tháng 2-1973, Allan còn nhớ rõ.
Với cái bụng rất to, Kim vừa chạy theo ông vừa nói rằng cô đang mang thai đứa con của ông, nhưng Allan đã ngoảnh mặt bước đi. Ông về nước vài ngày sau đó. Và đó cũng là lần cuối cùng ông nhìn thấy Kim.
Chiến tranh và ly tán
“Lúc đó tôi không tin cô ấy – Allan nói – Thời đó, những người lính Mỹ chúng tôi cho rằng con gái Việt Nam nói dối về việc mang thai. Chúng tôi tin mong muốn lớn nhất của họ là cưới được lính Mỹ, theo chúng tôi về nước và thoát khỏi chiến tranh. Còn lính Mỹ như tôi thì vô trách nhiệm, chỉ muốn hưởng thụ để quên đi chiến tranh. Chúng tôi sống buông thả, chơi gái và phê thuốc”.
Giọng Allan dường như nghẹn lại: “Mong cô hãy tin tôi, trong suốt 42 năm qua, tôi đã phải sống với cảm giác dằn vặt, xấu hổ vì những gì tôi đã làm”.
Cảm giác dằn vặt là những gì mà nhiều cựu binh Mỹ như Allan đang phải trải qua.
Jim Reischl là một trong những người đó. Sang Việt Nam vào ngày 4-7-1969 khi vừa bước qua tuổi 21, Jim đảm nhiệm công việc liên lạc thông tin ở sân bay Tân Sơn Nhất. Rất ghét súng ống và sợ chết, Jim ở miết trong căn cứ. Mãi ba tháng sau, ông mới lò dò ra phố cùng một đám bạn.
Và cũng trong lần đầu tiên đó, tại một quán rượu ông đã gặp một người con gái Việt Nam lặng lẽ và ít nói như ông – Linh Hoa.
Dù Jim không hiểu vốn tiếng Anh ít ỏi của Linh Hoa, ông cảm mến vẻ dịu hiền của bà. Jim đã gặp lại Linh Hoa nhiều lần sau đó và đem lòng yêu bà. Họ thuê một căn phòng để sống với nhau tại đường Nguyễn Văn Thoại (bây giờ là Lý Thường Kiệt).
Vào đầu tháng 5-1970, Jim nói với Linh Hoa ông sẽ hoàn thành nhiệm vụ và rời Việt Nam. Vài ngày sau, Linh Hoa nói với ông là bà mang thai. Jim nghi ngờ người yêu. Còn trẻ và sợ trách nhiệm, ông nói rằng không kịp lo giấy tờ để Linh Hoa về cùng.
Một tuần sau đó, Linh Hoa hỏi Jim liệu ông có ở lại với bà không, Jim nói rằng ông không thể.
Ngày 1-6-1970, Jim từ biệt Linh Hoa.
Khi trở về nước, Jim viết thư cho Linh Hoa nhưng bặt vô âm tín. Sau đó ông không giữ địa chỉ của Linh Hoa nữa. Nhiều năm nay, Jim vô cùng dằn vặt và tự hỏi điều gì xảy ra với Linh Hoa. Liệu ông đã có một đứa con với bà hay không?
Cũng như Jim, trong hơn 40 năm qua, Dennis Hall vẫn không nguôi nhớ về người yêu cũ. Sang Việt Nam vào năm 1972 khi ông 20 tuổi, Dennis đóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Vài ngày sau, ông gặp Thyna (tên thường gọi là Anna), một cô gái Việt Nam gốc Campuchia. Anna đối xử với Dennis vô cùng tử tế. Giữa sự tàn khốc của chiến tranh, Anna chính là ánh sáng của Dennis. Họ thuê nhà và sống với nhau tại số 281/50/3 Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sỹ).
Hiệp định Paris được ký kết. Dennis biết mình sẽ phải về nước nhưng ông không dám nói với Anna. Đoán được Dennis sẽ về Mỹ, Anna van xin Dennis ở lại. Anna nói rằng nàng sẽ tìm được việc cho Dennis và rằng nàng đã có thai.
Điều đó vẫn không ngăn được việc Dennis từ biệt Anna, trở về nước. Sau này, nghĩ về quá khứ, Dennis hối hận cái đêm mà ông đã rời Anna khi vẫn chưa hiểu rằng thật sự bà có mang trong mình giọt máu của ông không.
Sau khi về Mỹ, Dennis không còn tin tức gì của Anna.
Khác với Dennis, cựu binh Mỹ Barry Cochren biết rõ con gái ông đã ra đời vào tháng 4 hoặc tháng 5-1971 ở Sài Gòn hoặc Củ Chi. Đến mảnh đất hình chữ S vào ngày 1-1-1970 khi 21 tuổi và đóng quân ở Long Bình, Barry thường vượt qua nhiều kilômet về Sài Gòn, nơi người yêu của ông – Trương Thị Đào – thuê nhà tại số 261/38 Trương Minh Ký.
Yêu thương Đào, Barry còn nhớ rõ quê Đào ở Củ Chi, mẹ của nàng tên là Đỗ Thị Nam (hoặc Đỗ Thị Năm/Đỗ Thị Nậm), cha của nàng tên là Trương Văn Lợi. Khi biết Đào mang thai, Barry muốn đưa nàng về nước khi hoàn thành nghĩa vụ nhưng người chỉ huy của ông khuyên ông không nên.
Barry rời Việt Nam vào ngày 25-11-1970. Sau đó, một người bạn của Barry đã đến thăm Đào rồi đem về Mỹ cho ông bức ảnh con gái của ông cùng lá thư của Đào. Đào và Barry trao đổi thư từ một thời gian rồi mất liên lạc. Barry nhớ Đào còn có một người con riêng, sinh năm 1960 hoặc 1962. Ông cẩn thận lưu lại tất cả thông tin mà ông có được về Đào, với hi vọng có thể tìm được Đào và con gái của họ.
Jim và Linh Hoa – Ảnh nhân vật cung cấp |
40 năm tìm kiếm
Hàng chục ngàn đứa trẻ mang trong mình hai dòng máu Mỹ – Việt đã được sinh ra trong chiến tranh. Cho đến nay, phần đông những người con lai này vẫn không biết mặt cha mình. Hầu như người con lai nào cũng có nhu cầu tìm cha, trong khi đó theo một khảo sát của Đài PBS, chỉ có khoảng 2% cựu binh Mỹ khi được liên hệ đã đồng ý gặp lại con của họ.
Allan, Barry, Jim và Dennis nằm trong số ít những cựu binh dám đối diện với quá khứ. Họ thật sự khao khát tìm lại những người thương yêu, cũng như những giọt máu mà họ đã từng từ chối.
Có lẽ trong những ngày sống vất vưởng ngoài đường, Allan đã thấm thía hơi ấm của tình thương. Gần đây, khi một tổ chức giúp đỡ các cựu binh của Chính phủ Mỹ công nhận ông bị chấn thương tâm lý do chiến tranh và giúp ông có nơi nương náu, Allan bắt đầu hành trình đi tìm Kim và đứa con cô mang trong bụng. Không nhớ đầy đủ tên họ của Kim, không còn ảnh của cô, ông đành nhờ đến một biện pháp khoa học: thử ADN qua Tổ chức FamilyTree.com.
Sau sáu tuần chờ đợi, ông sẽ nhận được kết quả và kết quả đó sẽ được đối chiếu với những khách hàng khác của FamilyTree.com. Nếu không tìm được manh mối, có lẽ Allan sẽ mua thêm dịch vụ thử ADN của hai tổ chức khác (Ancestry.com và 23andme.com). Giá mỗi dịch vụ thử ADN xấp xỉ 100 đôla Mỹ, một số tiền lớn đối với Allan, nhưng đối với ông, hi vọng là cuộc sống.
Với Barry, người đang tìm bà Trương Thị Đào và con gái, thử ADN cũng là một biện pháp mà ông chọn. Ông đã mua gói dịch vụ và đăng ký thông tin ADN của ông với Ancestry.com và FamilyTree.com.
Hiện kết quả thử nghiệm chưa giúp ông tìm được con, và ông đang loay hoay trong hành trình tìm kiếm. Ông hi vọng bà Đào vẫn đang ở Củ Chi hoặc ở TP.HCM cùng con. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế, ông Barry chưa thể về Việt Nam tìm bà.
Đối với hai cựu binh Jim và Dennis, dù hoàn cảnh kinh tế chật vật, họ vẫn thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm từng đồng nhằm trở lại Việt Nam. Nay đã về hưu, Jim vẫn quần quật làm thêm, dành tiền sang Việt Nam tìm kiếm bà Linh Hoa. Năm 2011, ông đã trở về Sài Gòn, đi dọc theo con phố mà ông và bà Linh Hoa đã sống để hỏi thăm tin tức về người yêu cũ và con của họ.
Cuộc tìm kiếm không có kết quả, ông quyết định trở lại Việt Nam trong bốn tháng vào năm 2016 (từ ngày 7-1 đến 1-5-2016) để tìm cho bằng được bà Linh Hoa.
Và trong tuần đầu tiên khi ông Jim về Việt Nam năm 2016, Dennis Hall sẽ đi cùng ông. Trong hơn 40 năm qua, Dennis không thể nào quên được Anna. Ông biết ơn và vẫn yêu bà.
Cách đây hai năm, Dennis đã trở lại TP.HCM, về lại ngôi nhà ông từng thuê với Anna trên đường Trương Minh Ký. Ở đó ông gặp một người phụ nữ, người đó nói với ông rằng Anna của ông có tên tiếng Việt là Nga, đã sinh con cho ông, rồi lấy chồng và chuyển đến Canada.
Dennis đã đăng quảng cáo ở Canada, tìm được người phụ nữ tên Nga từng sống ở đường Trương Minh Ký, chỉ để vỡ lẽ rằng đó không phải Anna.
Tốn rất nhiều chi phí và công sức nhưng Dennis vẫn không muốn bỏ cuộc. Ông tin rằng Anna của ông vẫn ở đâu đó trên trái đất này, và ông phải tìm được bà.
Đã từng ngần ngại sẻ chia những góc tối của cuộc đời mình, nhưng hiện nay một số cựu binh như Jim và Dennis đã quyết định đưa các câu chuyện của họ ra ánh sáng.
Họ đã kể về nỗi đau, về sự thật, về sự dằn vặt, cũng như hành trình trở về quá khứ của họ trong quyển sách Where is my child? The lost families of Vietnam veterans (Con tôi ở đâu? Những gia đình thất lạc của các cựu binh Mỹ) do Bonita J. Caracciolo biên soạn và hiệu đính.
Sẽ xuất bản vào tháng 9 năm nay, quyển sách cất lên tiếng nói về sự tàn khốc của chiến tranh và nỗi đau của những thân phận đã bị cuốn vào cuộc chiến đó.
Khi đến Việt Nam lần đầu tiên, Allan, Barry, Jim và Dennis còn quá trẻ để thấm thía về tình yêu, về nghĩa vụ làm chồng, làm cha. Bây giờ, khi đã đi gần đến cuối cuộc đời, họ càng nhận ra rằng họ cần hơi ấm tình thương và sự thanh thản. Họ cần phải nói lời xin lỗi. Họ đang phải đi vòng về quá khứ, theo tiếng gọi của lương tâm. Đó là một hành trình khó khăn, đau đớn và đầy dũng cảm.
Và tôi mong người Việt chúng ta – với lòng nhân ái và vị tha – sẽ mở rộng trái tim mình để giúp các cựu binh, để họ có thể tìm thấy những người mà họ yêu thương, trước khi họ nhắm mắt xuôi tay.
Thư Jim Reischl gửi Linh Hoa Linh Hoa yêu mến, Anh đang đi tìm em. Đã bao năm trôi qua rồi, anh tìm không phải với ước muốn nối lại tình xưa. Anh chỉ muốn nói chuyện với người con gái mà anh đã biết vào những năm 1969 và 1970. Anh muốn biết em ra sao sau những năm vừa qua, em đã có gia đình chưa. Anh hi vọng em đã có gia đình, còn anh, anh có một đứa con trai. Anh biết có lẽ em đang tự hỏi tại sao anh vẫn nghĩ về em. Những ý nghĩ về em chưa bao giờ rời bỏ anh, có lẽ vì em đã luôn tốt với anh, em đã luôn ở bên anh. Và anh muốn xin lỗi em, xin lỗi là anh đã bỏ mặc em trong thời gian đó. Anh hi vọng em hiểu rằng lúc đó anh là thằng con trai 21 tuổi, đầy sợ hãi, ở một đất nước xa lạ, và anh chỉ muốn được về nhà. Bây giờ anh cảm thấy mình có lỗi. Anh biết em đã nói với anh rằng em có thai, nhưng lúc đó anh không chắc anh có thể tin em. Anh đã nghi ngờ em, vì quân đội Mỹ nói rằng phải cẩn thận về những gì những người phụ nữ Việt Nam nói, rằng họ chỉ muốn rời bỏ đất nước của họ. Vì thế anh sợ. Đáng lẽ anh không nên nghĩ thế. Anh mong em hiểu cho anh. Anh đang tìm em để nói với em những điều này. Anh hi vọng em sẽ trả lời anh. Anh đã viết thư cho em sau khi anh về nước, nhưng anh không nhận được phản hồi, vì thế sau một thời gian anh cố quên em đi. Bây giờ anh không thể nhớ họ của em. Mảnh giấy mà em đã ghi tên và địa chỉ của em, anh đã bỏ đi khi anh cưới vợ. Bây giờ, sau nhiều năm có gia đình, anh đã ly dị, nhưng anh sống ổn. Anh đã có công việc tốt, và bây giờ nghỉ hưu có lương, vì thế anh có thời gian đi tìm em. Tìm em để có thể cảm ơn em, cảm ơn em đã bên anh khi anh đã rất cần một người bên anh trong những năm 1969 và 1970. Em đã luôn tốt với anh. Anh muốn nói với em điều này khi gặp mặt. Bây giờ, cả hai chúng ta đã già rồi. Nếu em có gia đình, anh hi vọng sẽ được gặp gia đình em. Nhưng nếu em không đồng ý, anh hiểu. Trong trường hợp em không muốn gặp lại anh, anh cũng chấp nhận. Anh chỉ muốn biết rằng em ổn. Nếu biết được điều đó, anh sẽ không đi tìm em nữa. Cuối thư, anh cảm ơn em về tất cả những gì em đã làm cho anh thời gian đó và anh hi vọng sẽ sớm nhận được tin em. |
_______________
Những ai có thông tin về những phụ nữ trong bài này hãy liên hệ với tác giả [email protected]. Xin trân trọng cảm ơn.