10/01/2025

Tình yêu không lời vẫn ngọt ngào, hạnh phúc

Vượt qua rào cản về ngôn ngữ và sự ngăn cản của gia đình, họ đến với nhau. Bằng “tình yêu không lời”, họ sống hạnh phúc, có với nhau hai con và cơ ngơi khang trang…

 

Tình yêu không lời vẫn ngọt ngào, hạnh phúc

 

Vượt qua rào cản về ngôn ngữ và sự ngăn cản của gia đình, họ đến với nhau. Bằng “tình yêu không lời”, họ sống hạnh phúc, có với nhau hai con và cơ ngơi khang trang…



Vợ chồng bà Hoa, ông Tứ tại xưởng mộc của họ - Ảnh: LĨNH HỒNG
Vợ chồng bà Hoa, ông Tứ tại xưởng mộc của họ – Ảnh: LĨNH HỒNG

“Không có lời yêu thương đường mật nào như bao cô gái mơ ước, ổng chỉ ngồi và ngắm tôi. Thế rồi tôi yêu ông ấy lúc nào không hay, đám cưới được tổ chức sau đó

Bà NGUYỄN THỊ HOA

Cuộc sống của bà Nguyễn Thị Hoa (43 tuổi) và ông Phan Văn Tứ (47 tuổi, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) giờ đây đã viên mãn với hai người con ngoan hiền, có cháu nội bế bồng. Thế nhưng, chuyện tình và cuộc sống của họ hơn 20 năm về trước thì đầy sóng gió.

Không khó để tìm ra nhà của vợ chồng bà Hoa. Bên cạnh là xưởng mộc do vợ chồng bà gầy dựng từ tay trắng. Hai vợ chồng ông Tứ đang say sưa cùng nhau cắt, đục gỗ.

Đang làm, bà Hoa đưa tay ra hiệu cho chồng rằng khách muốn nói chuyện. Ông Tứ bị câm điếc bẩm sinh nên bà Hoa ra dấu ông mới hiểu. Yêu và sống với nhau mấy chục năm, hai vợ chồng bà Hoa chỉ “nói chuyện” với nhau bằng tay.

Bà Hoa bồi hồi nhớ, 18 tuổi, bà như bông hoa đẹp giữa núi rừng nên không ít người theo đuổi. Thế nhưng duyên phận đã ghép đôi bà với ông Tứ.

“Năm đó, tôi theo chúng bạn đến rạp xem phim. Ông ấy là nhân viên bán vé có khuôn mặt rất đẹp trai nhưng cả buổi chẳng nói câu nào, sau mới biết ổng bị câm điếc bẩm sinh” – bà Hoa kể.

Bà Hoa cười hiền nói tiếp, sau buổi ấy ông Tứ liên tục đến và “trồng cây si” trước nhà bà. “Có hôm chó sủa vang trời, chòm xóm ai cũng biết mà ổng đâu có nghe, thấy thương gì đâu” – bà Hoa nhớ lại.

Bị hàng xóm, họ hàng mỉa mai “con Hoa đến nỗi nào đâu mà quen thằng câm điếc” nên ban đầu bà chẳng dám nghĩ đến việc yêu ông Tứ. Thế mà có bữa ngóng hoài không thấy ông Tứ qua trước ngõ, bà lại thấy “trong dạ bồi hồi, đứng ngồi không yên”.

Vượt qua rào cản, tình cảm của ông bà “nhích thêm bước nữa” với những đêm ngồi ở hiên nhà ngắm trăng.

“Không có lời yêu thương đường mật nào như bao cô gái mơ ước, ổng chỉ ngồi và ngắm tôi. Thế rồi tôi yêu ông ấy lúc nào không hay, đám cưới được tổ chức sau đó” – bà Hoa cười nói. Nhưng cuộc sống hôn nhân mới là lúc bắt đầu sóng gió vì cả hai vợ chồng đều nghèo.

Ngoài giờ bán vé ở rạp chiếu phim, ông Tứ tranh thủ đi làm thuê bằng nghề mộc. Để phụ chồng, bà Hoa học nghề dệt len, tranh thủ làm nương rẫy. Hạnh phúc nở hoa với đôi vợ chồng trẻ khi đứa con đầu lòng ra đời bụ bẫm, mạnh khoẻ. Tuy nhiên cuộc sống vẫn rất khó khăn.

“Để có 120.000 đồng làm đầy năm cho con, chúng tôi đã tằn tiện suốt sáu tháng trời” – bà Hoa kể.

Những ngày tháng vất vả bám riết gia đình bà Hoa gần 20 năm. Nhưng bằng “tình yêu không lời”, họ vượt qua nhiều thử thách. Ông Tứ thành lập một xưởng mộc, thuê nhân công để tự làm ăn riêng.

Ba năm trước, ông giao “quyền điều hành” cho con trai trưởng, còn ông cặm cụi làm “thợ cả”. Không giao tiếp được, muốn nói chuyện hay giao dịch với khách hàng, ông Tứ đều nhờ vợ con. Giờ đã có cháu nội bế bồng, cuộc sống sung túc nhưng bà Hoa nói đôi lúc vẫn thấy chồng buồn buồn.

“Nhiều hôm thấy ổng cứ ngóng cổ đợi người thân đến thăm mà không thấy, thương lắm” – bà Hoa giãi bày. Những lúc như vậy chỉ có bà Hoa “nói chuyện” để ông Tứ vơi nỗi lòng “không thể nói ra”. 

NGỌC TRINH