Tăng mức đóng bảo hiểm y tế với học sinh, sinh viên
Từ năm học 2015 – 2016, học sinh, sinh viên phải đóng bảo hiểm y tế tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5%, tương ứng 434.700 đồng.
Tăng mức đóng bảo hiểm y tế với học sinh, sinh viên
Từ năm học 2015 – 2016, học sinh, sinh viên phải đóng bảo hiểm y tế tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5%, tương ứng 434.700 đồng.
Thời hạn bảo hiểm theo năm tài chính
Năm học 2015 – 2016 là năm đầu tiên học sinh – sinh viên thực hiện theo luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% học sinh phải tự trả. Mức đóng này có thể giảm dần tùy theo sự hỗ trợ của địa phương. Việc nâng mức đóng BHYT nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Khi đi khám chữa bệnh BHYT, học sinh vẫn được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh, đồng chi trả 20%, trừ nhóm thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo.
Một điểm mới nữa là thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT học sinh, sinh viên sẽ theo năm tài chính, từ ngày 1.1 đến 31.12 của năm. Trước đó, thẻ học sinh có giá trị sử dụng từ đầu năm học (tháng 9 hoặc 10) và hết hạn sau 12 tháng. Trường hợp thẻ có giá trị sử dụng 12 tháng thì hết hạn vào cuối tháng 8 hoặc 9 năm sau. Vì sự thay đổi này, năm nay, nhóm học sinh vào lớp 1 và sinh viên năm thứ nhất sẽ phải đóng BHYT cho 15 tháng. Thời hạn sử dụng thẻ từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của thẻ được cấp lần trước đến ngày 31.12 của năm sau. Đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối, thời hạn sử dụng ghi trên thẻ từ ngày 1.1 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó.
Đề xuất các mức hỗ trợ
Bộ GD-ĐT đã đề ra mục tiêu sẽ mở rộng diện bao phủ BHYT trong học sinh, sinh viên trong năm học này, tiến tới mục tiêu đạt tỷ lệ 100% đối tượng này tham gia.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lý giải: “Theo quy định của luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật BHYT có hiệu lực từ ngày 1.1.2015, BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc đối với toàn dân, bao gồm học sinh, sinh viên”.
Để đạt được mục tiêu 100% học sinh – sinh viên tham gia, Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở GD-ĐT trực thuộc Bộ chủ động hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội của địa phương tổ chức hướng dẫn học sinh – sinh viên tham gia và được cấp thẻ BHYT theo đúng quy định. Để đảm bảo việc đóng BHYT không là gánh nặng với các học sinh – sinh viên vùng khó khăn, Bộ cũng đề nghị các sở GD-ĐT tham mưu đề xuất với UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với học sinh – sinh viên từ ngân sách của địa phương trên cơ sở mức hỗ trợ tối thiểu theo quy định hiện hành; dự kiến đề nghị nâng mức vay tín dụng cho sinh viên từ 1,1 triệu đồng/tháng/người lên 1,3 triệu đồng để sinh viên có điều kiện tham gia BHYT…
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, đến nay có khoảng 85% học sinh – sinh viên tham gia BHYT. Trong đó, có khoảng 94% học sinh tham gia và sinh viên là 76%.
Tuệ Nguyễn